[ĐỌC CHẬM] Tôi Thám Hiểm Kong Collapse: Hành Trình Khám Phá Một Trong Những Hố Sụt Lớn Nhất Thế Giới
Có thể bạn quan tâm
Tôi đã từng đi nhiều nơi, tham gia nhiều hoạt động thể thao ngoài trời như bơi biển, chạy trong rừng - trên núi, đạp xe, thám hiểm, leo núi, săn mây... nhưng chuyến thám hiểm hố sụt này là trải nghiệm đáng nhớ nhất.
Đến giờ, dư âm của nó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi.
Một hành trình thú vị muốn được chia sẻ với mọi người, với những ai thích du lịch khám phá, mạo hiểm.
Không chỉ là một vùng đất mới, hành trình ấy đã giúp tôi khám phá tiềm năng bên trong mình. Tôi học cách hiểu, làm chủ và yêu bản thân mình theo cách tốt nhất có thể. Nỗ lực để đạt được hạnh phúc trọn vẹn, biết yêu những gì đang có và làm nó hoàn hảo theo cách riêng của mình.
Đây là lần thứ 4 - chỉ tính từ đầu năm đến giờ - tôi đến Quảng Bình, nơi được mệnh danh là “Vương quốc hang động”.
Quảng Bình sở hữu Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (hai lần được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học, sinh thái), được thiên nhiên ưu ái với trên dưới 300 hang động lớn nhỏ.
Năm 1997, được sự giúp đỡ của một số người dân bản địa, trong một chuyến khảo sát và nghiên cứu, Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh (British Caving Research Association- BCRA) đã khám phá ra hệ thống hang Hổ với 3 hang lớn nối liên tiếp nhau. Trong đó, hang Pygmy được xếp hạng lớn thứ 04 thế giới, hang Over lớn thứ 6 thế giới và hang Hổ (Tiger) cũng rất hùng vĩ.
Mãi đến 22 năm sau - năm 2019, hố sụt Kong (Kong collapse) mới được phát hiện.
Không thể bỏ lỡ cơ hội được khám phá, trải nghiệm tour du lịch thú vị này, nhóm chúng tôi nhanh chóng lên lịch trình thực hiện. Chuyến đi 5 ngày 4 đêm bao gồm đêm đầu tiên ở tại Phong Nha và 3 đêm 4 ngày thám hiểm đi rừng, đu dây mạo hiểm và bơi xuyên qua hang.
Từ Hà Nội đi Quảng Bình có rất nhiều phương tiện như máy bay, ô tô giường nằm, xe Limousine,... nhưng nhóm chúng tôi quyết định chọn tàu hoả. Rất lâu rồi mọi người chưa đi tàu - ký ức của một thời tuổi thơ xưa cũ.
Công ty tổ chức tour đón cả đoàn tại thành phố Đồng Hới (thủ phủ tỉnh Quảng Bình) để đưa về Phong Nha - cũng là nơi họ đặt văn phòng.
Chúng tôi nhận phòng homestay, làm những thủ tục cần thiết để bắt đầu chuyến đi: ký giấy miễn trừ trách nhiệm, kiểm tra sức khoẻ tổng thể và quan trọng nhất là nghe hướng dẫn các quy trình an toàn cho phần đu dây thử nghiệm.
Ai nấy đều háo hức!
Sau khi đeo các thiết bị an toàn trên người và được nghe hướng dẫn từ đội trợ lý an toàn, tôi đã làm chủ được các sợi dây, chốt khoá, ròng rọc để điều chỉnh cho cơ thể trượt xuống từ từ.
10m- 8m- 7m... Cảm giác ban đầu của tất cả đều là sợ hãi nhưng nhanh chóng, nó chuyển thành thích thú, kích thích và hưng phấn khi lần đầu tiên được lơ lửng trên không trung một cách chủ động an toàn.
Ai cũng đòi đu thêm lần nữa.
Kết thúc buổi tập luyện, chúng tôi đạp xe khám phá xung quanh. Không quên mang theo bia lạnh và đồ ăn.
Bật loa nghe nhạc bên bờ sông Son thơ mộng, một trải nghiệm thật sự "chill". Tôi và vài người bạn xuống bơi, thả mình trong dòng nước xanh biếc ngắm trời mây và hoàng hôn. Chuyến thám hiểm, dù chưa bắt đầu, nhưng đã thấy trọn vẹn trong từng khoảnh khắc.
Sáng hôm sau, tôi dạy sớm chuẩn bị đồ cho chuyến thám hiểm hệ thống hang Hổ 3 đêm 4 ngày. Hành trang khá gọn, gồm 1 túi đồ dùng cá nhân để gửi cho các bạn porter (người mang đồ giúp) và 1 balo theo người đựng các vật dụng cần thiết như nước lọc, đồ ăn năng lượng, xịt chống vắt, găng tay, điện thoại,...
Chúng tôi di chuyển bằng ô tô từ văn phòng tour, qua cổng Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng tới điểm xuất phát để đi bộ vào trong lõi rừng. Những cung đường rừng (trail) tuyệt đẹp đang chờ được khám phá, thưởng ngoạn.
Ngày thám hiểm đầu tiên có độ dài khoảng 7km đường rừng. Xuất phát từ lúc 10h30' sáng nhưng chia làm 2 đoạn để cả đoàn nghỉ ăn trưa giữa đường, nên mọi người đi rất thong thả, tận hưởng và chụp những bức ảnh đẹp trong rừng. Hoa lá, cỏ cây, động/thực vật quá đỗi phong phú. Những loại côn trùng đầy màu sắc cho đến loài vắt rừng hút máu cũng trở nên không đáng sợ nữa.
Các bạn hướng dẫn viên (HDV) vừa đi vừa chia sẻ những kiến thức về rừng: những loại cây gỗ quý, cây rừng có thể ăn được, những loài cây ngứa, cây độc mà mọi người cần tuyệt đối tránh.
Chưa đến 14:00 đoàn chúng tôi đã tới điểm cắm trại. Nhóm porter tới từ trước chuẩn bị lều nghỉ, bàn ghế, bếp nấu, khu thay đồ và nhà vệ sinh khô.
Khu cắm trại nằm trên 1 bãi đất trống. Ngay bên dưới, có con suối chảy ngầm trong hang nơi mà chúng tôi phải mặc áo phao, đội mũ bảo hiểm có gắn đèn, đi dép quai hậu hoặc giày để được trải nghiệm bơi trong hang.
Bữa tối được chuẩn bị với những món ăn đơn giản như trứng rán, đậu phụ sốt cà chua, thịt bò xào ớt chuông, cá nấu chua, canh rau rừng... Nhưng phải nói là rất ngon và đủ chất, sẵn sàng cho hành trình vào hôm sau.
Sáng dậy, chúng tôi thư thái pha cà phê, uống trà và ăn sáng trước khi chuẩn bị cho một trong những trải nghiệm đáng giá nhất của cuộc hành trình: đu dây xuống hố sụt Kong từ độ cao hơn 100m. Đễ dễ hình dung, chiều cao ấy tương đương từ đỉnh 1 toà nhà cao khoảng 35 tầng.
Ai cũng chuẩn bị cho mình một bộ đồ đẹp, sặc sỡ, ấn tượng nhất để sẵn sàng cho những bức hình để đời khi treo mình giữa không trung của một trong những hố sụt cao nhất trên thế giới.
Trải qua quá trình dịch chuyển về địa chất, những thay đổi lớn của các lớp vỏ trái đất và những kiến tạo của thời gian qua hàng triệu năm, thiên nhiên đã tạo nên những địa hình đặc biệt. Vô tình hay hữu ý, hố sụt Kong nhìn từ xa giống một chiếc đầu khổng lồ của loài King Kong trong bộ phim viễn tưởng nổi tiếng cùng tên.
Leo lên con dốc dài khoảng gần 2km, chúng tôi đã tới mắt phải của hố sụt. Phần lớn thời gian ngày thứ 2 để dành cho màn đu dây ấn tượng nhưng không kém phần mạo hiểm này.
Sau khi đeo các thiết bị bảo hộ lên người thì bạn đội trưởng đội an toàn kiểm tra, nhắc lại những kiến thức, kỹ năng cơ bản khi đu dây vì lần này thực hiện ở thực địa, độ cao gấp 10 lần so với khi tập luyện. Đó thực sự là một thử thách cho bất cứ ai trải qua lần đầu tiên.
Tôi vẫn vinh dự được chọn là người đi đầu...
Một lỗ nhỏ chỉ vừa cho một người chui qua ở cửa hang chính là nơi xuất phát. Nhìn xuống đáy hố sụt sâu hun hút, một cảm giác ớn lạnh trườn qua sống lưng. Nhưng rồi sau đó, là ngỡ ngàng và choáng ngợp trước khung cảnh hoành tráng, rực rỡ như một hành tinh thu nhỏ nằm gọn trong tầm mắt: khu rừng nguyên sinh đang phát triển trong lòng hang, bên cạnh đó là khu lán nghỉ, lều trại đã được dựng lên trông như những cây nấm tý hon đủ màu sắc, còn các anh em porter thì bé tý như những chú kiến.
Đặc biệt, dưới đó còn có dòng sông ngầm. Dòng nước xanh mát uốn quanh chân hố sụt tạo nên một điểm cắm trại vô cùng lý tưởng.
Hít một hơi thật sâu, tôi vào vị trí để bắt đầu đu dây xuống từ đỉnh miệng hố.
Cảm giác sợ hãi, cảm xúc choáng ngợp đan xen. Háo hức nữa.
Tôi cảm nhận không gian theo cách mà trước kia chưa bao giờ.
Từng bước một, theo chỉ dẫn của các bạn trợ lý an toàn, tôi dần lấy lại sự tự tin, chủ động điều khiển nhịp độ của việc đu dây nhưng vẫn chưa dám nhìn xuống dưới vực sâu vì sợ.
Những gì tôi tưởng tượng trước khi đi cũng như luyện tập so với khoảnh khắc trải nghiệm thực tế này khác xa nhau như chính độ cao của miệng hố. Đầu tôi mông lung với ngổn ngang những câu hỏi tu từ: Tôi đang ở đâu? Đây có phải hiện thực?
Cảm giác hưng phấn dần dần xâm chiếm tâm trí làm tôi nhớ đến bài hát "I believe i can fly" (Tôi tin là tôi có thể bay được) của nam ca sỹ da màu R.Kelly. Tạo dáng chụp ảnh, lăn lộn, tôi xoay mình đủ các tư thế.
Phần đu dây 100m được chia làm 3 đoạn, đoạn đầu là 30m bám vách núi xong thả mình trong không trung xuống có một bạn trợ lý an toàn đứng sẵn hỗ trợ tháo dây, chỉ dẫn tôi đi bộ xuống.
Đoạn thứ 2 phải men theo sườn hố sụt cheo leo mà bắt buộc ai cũng phải có đai đeo hông an toàn móc vào những đoạn dây được khoan sâu trong vách núi.
Đoàn chúng tôi phải chia làm 2 nhóm: mỗi nhóm gồm 5-6 người chờ nhau đu dây để tiếp tục đi xuống đoạn thứ 2 sâu 20m - được đánh giá là khó khăn và hiểm trở nhất do tính chất phức tạp của địa hình.
Chỉ một lỗi sai nhỏ có thể dẫn đến hậu quả lớn nên các bạn trợ lý an toàn rất cẩn thận. Ai nấy đều hết sức tập trung, tuân thủ, hỗ trợ đoàn chúng tôi một cách tỉ mỉ, chuyên nghiệp.
Trong lúc tụt xuống đoạn thứ 2 khoảng 10m thì tôi bị kẹt ròng rọc, cái lẫy không mở ra để tôi có thể bóp cho ròng rọc đi xuống dù đã đùn/đẩy dây thừng bên tay phải, nên tôi bắt buộc phải dừng lại giữa lưng chừng vực để một bạn trợ lý an toàn thay ròng rọc khác.
Đó là khoảnh khắc 5 phút không thể dài hơn trong cuộc đời tôi.
Thay xong ròng rọc là tôi tự thao tác trượt mình xuống hoàn thành nốt đoạn thứ 2 đầy bất ngờ nhưng vô cùng thú vị.
Điểm nghỉ của đoạn đu dây thứ 2 là một hẻm núi có chiều dài khoảng 10-12m nhưng rộng chưa đến... 1m, đoạn này bắt buộc phải móc dây an toàn mới được phép di chuyển.
Ngay giữa hành lang vực có một chiếc võng được thiết kế để ngồi nghỉ và ăn trưa ngay tại đây.
Một chiếc view cực kỳ đặc biệt. Nó có cả sự kỳ vĩ, hoành tráng, đáng sợ, mạo hiểm. Nó hấp dẫn đến lạ kỳ mà tôi tin là khó có thể có lại trong đời.
50m cuối cùng cũng là đoạn cao nhất. Nhưng địa hình vách thoai thoải, không quá khó. Thêm nữa, tôi đã quen hơn với độ cao, tôi tự tin hơn trong kỹ năng xử lý tình huống. Mặt đất cũng gần hơn nên tôi đu dây xuống một cách nhẹ nhàng, thư giãn, và không quên tạo dáng "người nhện" như trong những bộ phim viễn tưởng của Vũ trụ điện ảnh Marvel.
Chạm chân xuống đất tôi cảm thấy an toàn nhưng có chút tiếc nuối: giá như mình được đu dây lâu hơn hoặc đi lại lần thứ 2 thì tuyệt. Nhưng mỗi đoạn đu dây xuống chỉ được phép di chuyển một người.
Xuống điểm cắm trại chúng tôi còn được thả mình thư giãn bên dòng nước trong mát ôm gọn một phần của lòng hang, nơi tôi có thể phóng tầm mắt lên trên đỉnh miệng hố sụt để hít hà những trải nghiệm thú vị vừa qua nơi các cung bậc cảm xúc nhảy múa loạn nhịp. Mỗi điểm tụt là 1 cảm xúc riêng rất đặc biệt.
Kết thúc ngày thám hiểm thứ hai bằng một câu của chị bạn trong nhóm chúng tôi: "Càng đi xuống càng lên đỉnh".
Ngày thám hiểm thứ ba: Khám phá hang Hổ, hang Over và điểm kết thúc tại hang Pygmy.
Như thường lệ, sau khi chuẩn bị đồ, balo, găng tay bảo hộ và mũ bảo hiểm gắn đèn chúng tôi được bạn HDV dẫn đi thăm hang Hổ, nơi trước kia được phát hiện có rất nhiều dấu tích của hổ...
Hang Hổ có 4 cửa hang, chúng tôi bắt đầu đi từ cửa hang số 2 (do nước lên cao nên không thể đi từ cửa số 1). Đường đi hẹp nên phải trườn, bò, len lỏi giữa những phiến đá, thạch nhũ để đi, có những đoạn cần bỏ balo ra vì chỉ đủ một người.
Để tới được cửa hang số 3, chúng tôi phải mặc áo phao bơi qua 1 con sông ngầm trong hang dài khoảng hơn 300m với nhiệt độ mát lạnh.
Sau màn bơi rất thư giãn đó thì chúng tôi đã tới được cửa hang, nơi có rất nhiều thảm thực vật xanh mướt mắt, nguyên thuỷ như chưa hề có dấu tích của con người.
Lần đầu tiên tôi phân biệt được thế nào là hang (có nhiều lối ra) và thế nào là động (chỉ có 1 cửa vào).
Những bức ảnh đẹp được chúng tôi ghi lại qua màn trình diễn xếp hình tập thể: dàn hàng ngang, tạo hình tròn, vắt chân so-le nhau hoặc mỗi người 1 góc tạo dáng tự do (freestyle), rất thú vị là ngày hôm đó ai cũng ăn mặc quần áo sặc sỡ làm những tấm hình lại thêm sinh động, vui tươi, trông cả nhóm giống như một hộp bút chì màu biết nhảy múa.
Chụp ảnh thoả thích xong đoàn chúng tôi bơi quay lại để di chuyển tới cửa hang số 4, nơi cả đoàn dừng nghỉ ăn trưa với món cơm rang thập cẩm dùng kèm chả ram tôm, tráng miệng hoa quả rất ngon.
Chia tay hang Hổ, chúng tôi tiếp tục khám phá hang Over, lớn thứ 6 trên thế giới có độ dài hơn 3,2km, sâu 104m và điểm rộng nhất lên tới 125m. Nguồn gốc tên hang Over: là do có một thành viên trong đoàn khảo sát, thám hiểm tình cờ phát hiện ra một hang mới trong tình trạng bị "say nguội" từ tối hôm trước mà trong tiếng anh gọi là "hangover", như một cách chơi chữ, từ đó hang có tên là Over.
Trong hang có một hệ sinh thái nguyên thuỷ đặc biệt quý hiếm với vô vàn khối thạch nhũ được hình thành bởi những giọt nước mưa ngấm qua đá chảy xuống từ trần hang.
Về mặt hóa học, khi Calci được giữ lại gặp điều kiện thuận lợi kết tủa tạo thành đá vôi Calci Cacbonat (CaCO3), nước từ các khối thạch nhũ hay còn gọi là "vú đá" tiếp tục rơi xuống nền hang mang theo Calci hình thành các khối "măng đá" - một dạng trầm tích hang động đá vôi đặc thù với hình măng, nón thấp nhỏ và chỉ phát triển trong điều kiện PH (logarit âm của nồng độ ion hydro) nhất định. Những mẫu măng đá sở hữu các vệt nhũ bạc hay nhũ vàng phụ thuộc vào tỷ lệ các thành phần hoá học Silicate hay Lưu Huỳnh tạo nên.
Với đủ mọi kích cỡ, hàng nghìn khối thạch nhũ lấp lánh có hình thù phong phú, đa dạng, huyền ảo, hấp dẫn này luôn thách thức trí tưởng tượng, sáng tạo của mọi người.
Để quá trình kết tủa đá không bị ảnh hưởng, chúng tôi được yêu cầu hạn chế sờ vào bề mặt măng đá mà chỉ được ngắm, chụp hình.
Bạn HDV nói phải mất 10.000 năm măng đá mới nhô lên khoảng 1,3m tương đương trung bình khoảng 1 năm = 1,3mm chứng tỏ các cột măng đá cao hàng chục/trăm mét nối liền với nhau đã được hình thành từ nhiều triệu năm trước.
Mọi thứ trong hang như một hành tinh khác từ những viên "ngọc động"- là những viên đá tròn nhỏ trông như ngọc trai được tạo nên do nước bão hoà Cacbonat Calci Axit chảy qua, kết tủa xung quanh một nhân kết tinh nào đó tạo thành các lớp đồng tâm trông rất huyền bí. Cho đến hệ động vật rất đặc thù như chuột đá, nhện, ếch giun, cuốn chiếu hang,...
Trong các loài động vật được phát hiện có một loài cá lạ sống trong các dòng suối, trũng nước trong động, hình thù giống như cá trê, có 2 râu phía trước và điều kỳ lạ là loài cá này không hề có mắt, nghe nói chúng có thể nhịn đói 3 năm và chu kỳ sinh sản phải mất đến 7 năm. Một bản năng sinh tồn phi thường trong điều kiện sống khắc nghiệt!
Có cả loài côn trùng giống những chú dế nhỏ, thân khoảng 1- 1,5cm có râu, hai càng sau và chân rất dài màu nâu nhạt nhẹ cùng màu trắng trong. Phần lớn các loài động vật, côn trùng trong hang đều có cấu tạo toàn thân màu trắng (bạch tạng) để giúp chúng thích nghi, sinh tồn trong điều kiện sống không có ánh sáng.
Còn có một số cây vừa nảy mầm nhô lên từ nền đất sét mềm ướt của hang động với 2 lá mầm, màu lá không xanh như bình thường mà rất nhạt, thân màu trắng buốt… Điều đó lý giải tại sao trong hang động này không hề có sự xuất hiện của ánh sáng mặt trời nhưng cây vẫn nảy mầm.
Cuối cùng đoàn chúng tôi đã tới cửa hang Pygmy, nơi sẽ là điểm dừng chân của đêm thứ 3 cũng là đêm cuối cùng trong chuyến thám hiểm.
Kì vỹ và bí ẩn là từ tôi phải thốt lên khi chiêm ngưỡng sự hoành tráng, nguyên sơ của hang động lớn thứ 4 trên thế giới này. Chiều cao và chiều rộng lên tới 100m, chỉ sau hang Sơn Đòong, hang Deer ở Malaysia và hang Én.
Pygmy là tên một bộ lạc người lùn ở Châu Phi chính vì vậy nó được đặt để thấy con người thật sự rất nhỏ bé so với thể tích khổng lồ, rộng lớn nhưng không kém phần hấp dẫn của hang.
Bất ngờ hơn nữa, sau khi di chuyển một đoạn khá cheo leo cần có thiết bị bảo hộ, vượt qua một đoạn đá nhũ như sống lưng khủng long, chúng tôi tới một nhánh sông ngầm nhỏ dưới lòng hang động như một bể bơi tự nhiên rộng khoảng 3m dài 30m, độ sâu 5 đến 10m tuỳ chỗ với màu nước xanh biếc trong vắt. Ai cũng hồ hởi xuống bơi.
Nước trong hang lạnh khoảng 18 độ C làm chúng tôi tỉnh táo hơn, đồng thời giúp phục hồi các nhóm cơ và tận hưởng chút nước khoáng nguồn của mẹ thiên nhiên sau 1 ngày dài khám phá 3 hang trước khi tới điểm cắm trại.
Lại một ngày thám hiểm thú vị khép lại và điểm cắm trại nằm ngay cửa hang Pygmy, đó là một "khu vườn địa đàng" xanh mướt mắt, cửa hang như chiếc cửa sổ khổng lồ hình tròn chính là khung cảnh đẹp tuyệt mỹ kết hợp hoàn hảo giữa núi non, mây, trời, cây cối phía xa.
Hang Pygmy là nơi trú ẩn của loài chim én nên khi chiều tối đến, chúng tôi nghe thấy tiếng chúng hót gọi bầy và bay về tổ sau một ngày mỏi cánh kiếm mồi vọng hết cả một vòm hang.
Ngày thám hiểm thứ tư, cũng chính là hành trình đi rừng cuối cùng của toàn bộ chuyến đi. Ngày thám hiểm nào thời tiết cũng đẹp hoàn hảo hơn cả mong đợi: tiết trời nhiều mây, mát mẻ như mùa thu, những cơn mưa bất chợt chỉ đi ngang qua vào buổi đêm, rồi sáng sớm lại tạnh ráo, khô thoáng như chưa từng giúp đoàn chúng tôi lên đường thuận lợi.
Ngày cuối có độ dài khoảng hơn 5km đường rừng được dự báo chỉ khó khăn đoạn đầu do phải leo lên một con dốc khá gắt có tên là "Dốc Mẹ ơi". Bởi ai đi qua dốc này cũng phải than lên vì mệt lử.
Con dốc khá gắt có độ cao 250m lên liên tục là thử thách không nhỏ ngay cả với những người tập luyện thể thao thường xuyên. Nhưng thật sự trên đường chỉ toàn những tiếng cười, những câu chuyện vui, những bài học vô cùng thú vị của các bạn HDV, những kiến thức về thiên nhiên bổ ích được chia sẻ cho nhau. Mỗi người làm ở một lĩnh vực khác biệt nên các câu chuyện cũng vô cùng phong phú, hấp dẫn.
Những đoạn nghỉ uống nước, nạp năng lượng do phải leo liên tục giúp chúng tôi phân bổ sức đều hơn, không cảm thấy quá mệt hay kiệt sức. Trên đường đi chúng tôi được biết đến nhiều loại cây thuốc quý như Thiên Niên Kiện, Giảo Cổ Lam, cây trầm hương, cây sấu rừng, cây vả rừng, cây dây leo chứa nước tinh khiết có thể uống được,...
Đa dạng sinh học của rừng Phong Nha luôn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, bất ngờ mà những hiểu biết của con người đến nay vẫn vô cùng khiêm tốn.
Rồi đoàn chúng tôi cũng đi tới đỉnh dốc "Mẹ ơi". Dừng nghỉ khoảng 30 phút là tới một đoạn đường thung lũng thoai thoải, chỉ có những màu xanh lá cây đủ các sắc độ.
Chúng tôi đi len lỏi qua những dải đá tai mèo sắc nhọn, lắng nghe âm thanh của rừng, tiếng chim hót, những loài côn trùng dễ thương, được ngửi mùi hương của cây cỏ... thỉnh thoảng những tia nắng xiên qua những tán cây cổ thụ khiến mặt đất lấp lánh, ảo diệu như thể chúng tôi đang lạc vào những câu chuyện cổ tích huyền bí.
Với tôi, việc đi vào trong rừng không những ngắt kết nối với thế giới hiện đại bên ngoài, tách biệt khỏi sự tiêu cực bản thân, mà còn như một hình thức "hành thiền", tìm về với thiên nhiên, kết nối với bản ngã của chính mình bằng toàn bộ các giác quan nhạy cảm nhất giúp tôi sống chậm rãi, ung dung tự tại, cảm nhận trọn vẹn từ trong tâm – thân – trí.
Điều đó mang lại cho tôi năng lượng tích cực từ bên trong, để luôn thản nhiên và bình tĩnh trước những thử thách tạm thời phía trước. Tôi thường hít thật sâu không khí trong lành của núi rừng, làm mát tâm hồn bằng cách ngắm nhìn cây cỏ, hoa lá xanh mướt lay nhẹ trong gió, nghe tiếng chim hót, suối chảy róc rách, hay chạm vào những loại cây lành tính, cảm nhận những cơn gió cái mát rượi đến rùng mình thích thú như tiếp thêm sức mạnh giúp chuyến thám hiểm trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ.
Con dốc có tên là "Cha ơi" không thể làm khó chúng tôi vì đó là đoạn cuối cùng về tới điểm kết thúc của chuyến thám hiểm thú vị này, dù chỉ dài gần 2km nhưng chúng tôi như cố gắng đi chậm lại để níu giữ những trải nghiệm tuyệt vời của 4 ngày vừa rồi mà ai cũng lưu luyến không muốn "về đích".
Kết thúc chỉ là tạm thời, rồi sau đó lại mở ra những cuộc hành trình mới thú vị hơn. Đọng lại là những gì được thấy, được trải nghiệm, được học hỏi, được tiếp thu, chia sẻ và cảm nhận.
Ai cũng hạnh phúc vì chuyến đi kết thúc một cách tốt đẹp, an toàn và không thể hoàn hảo hơn: thiên thời, địa lợi, nhân hoà.
Một tập thể đoàn kết, hợp gu, hài hước, sáng tạo, luôn vì nhau và trân trọng những giá trị thiên nhiên bền vững, thuận lợi trong điều kiện thời tiết mát mẻ, khô ráo.
Tôi trân trọng từng phút giây của chuyến đi vì mỗi ngày là một câu chuyện khác nhau cho chúng tôi những cung bậc cảm xúc tuyệt vời.
"Đu vực", "lội hang", "tắm rừng" là những trải nghiệm thật sự đáng giá, nó giúp tôi thấy cuộc sống luôn tươi đẹp, luôn có những điều kỳ diệu mà giản dị, nguyên bản đến ngoạn mục, giúp tôi luôn cố gắng để vượt qua khó khăn, kiên định với mục tiêu, lạc quan về những điều tốt đẹp trong cuộc sống: nội lực tinh thần, năng lượng yêu thương, sức mạnh của sự đoàn kết, giá trị bền vững của niềm tin, cái đẹp thuần khiết và những bí ẩn vô tận của thiên nhiên... mà mình may mắn nhận ra để không ngừng đấu tranh, sống có mục đích, ý nghĩa hơn cũng như mong muốn lan toả điều đó đến với tất cả mọi người.
Chúng tôi mong muốn cùng nhau góp sức thực hiện sứ mệnh quảng bá hình ảnh du lịch của Quảng Bình nói riêng cũng như Việt Nam nói chung tới bạn bè Quốc tế để hình ảnh đất nước mình sẽ được biết đến như một sự lựa chọn du lịch hấp dẫn, là một trong những "viên ngọc quý" trên bản đồ du lịch thế giới./.
Nội dung: Thanh Lâm
Trình bày: Văn Lâm
Từ khóa » Gỗ Sét đánh Là Gì
-
Lửa Hy Lạp - Vũ Khí Bí Mật Của đế Chế Đông La Mã
-
Lửa Hy Lạp - Vũ Khí Bí Mật Của đế Chế Đông La Mã
-
Tránh Tai Nạn Do Sét đánh Thế Nào?
-
Khoảnh Khắc ô Tô Bị Sét đánh Trúng
-
Tử Cấm Thành Khổng Lồ Bằng Gỗ Tồn Tại Hơn 600 Năm Mà Không Bị ...
-
Tại Sao Gỗ Bắt Lửa Còn Kim Loại Thì Không?
-
229 Con Lợn Bị Sét đánh Chết ở Thái Bình
-
Phá Gần 400ha Rừng... Không Nhằm Lấy Gỗ?
-
Rừng Phòng Hộ Nghi Bị đốt, Lấy Gỗ: TP Hạ Long Chỉ đạo Gì?
-
Ngắm Bộ Sưu Tập điêu Khắc độc đáo Từ “báu Vật” Gỗ Lũa ở Mỹ Luông
-
Rắc Rối Vì đào được Cây Gỗ Dưới Ruộng
-
Bắt 2 Lâm Tặc đánh Nhân Viên Bảo Vệ Rừng
-
Chàng Trai ‘hô Biến’ đất, đá, Gỗ Khô Thành Sinh Vật Huyền Bí
-
Người Dân Cần Cẩn Trọng Với Dông Sét Trong Giai đoạn Chuyển Mùa