ĐỌC CHỮ CÁI

DIỄN GIẢ  ĐỀ TÀI 7: ĐỌC CHỮ CÁI

Tiểu sử

Pham van Hai Phạm-Văn-Hải, PhD TRƯỜNG ĐÃ THEO HỌC: Trung-học: Dũng-Lạc, Hà-nội Hồ-Ngọc-Cẩn, Sài-gòn Hồ Ngọc Cẩn, Gia-định Chu Văn An, Sài-gòn. Đại-học: Trường Khoa-học và Trường Văn-Khoa, Sài-gòn Trường Ngữ-học và Ngôn-ngữ, Viện Đại-học Georgetown, Washington, DC. SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN: • Quốc-văn – Lớp Ðệ Tứ (1966) • Quốc-văn – Lớp Ðệ Nhị (1970) • Ðối-chiếu Tiếng Hán-Việt và Tiếng Bắc-kinh (1967) • Vần tiếng Việt (1976) • Ảnh-hưởng Trung-hoa trong tiếng Việt (1976) • The influence of T’ang Poetry into Vietnamese Poetry Written in Nôm Characters and in Quốc-ngữ Writing and in Vietnamese Writing System (1980) • Sách Vỡ Lòng (1981) • Sơ-lược về Thể Lục-bát (1994) • Ðàn Bà (1994) • Ði Tìm Một Ðường Lối Viết Truyện Ngắn (1994) • Thơ Tình (1995) • [Vietnamese I – For College Students] (1996) • Tiếng Việt II – Dành cho Sinh-viên Ðại-học • [Vietnamese II – For College Students], 1997 • Tiếng Việt III – Dành cho Sinh-viên Ðại-học • [Vietnamese III – For College Students], 1997 • Tiếng Việt IV – Dành cho Sinh-viên Ðại-học • [Vietnamese IV – For College Students], 1998 • Viết Lại Truyện Ðời Xưa: Mưu-trí Ðàn Bà (1997) • Tiếng Kèm (1998) • Chữ Hán và tiếng Hán-Việt (2004) …

NỘI DUNG ĐỀ TÀI 7: ĐỌC CHỮ CÁI

Phạm-Văn-Hải Đã có tiếng nói và chữ viết thì phải có chữ cái. Tiếng Mĩ đọc chữ cái theo tiếng Mĩ. (A b c… đọc là ê bi xi…) Tiếng Pháp đọc chữ cái theo tiếng Pháp. Đến tiếng Việt, nhiều người cứ nghĩ là a bê xê (a b c) là lối đọc của người Việt. Sự thực, trong chữ viết của người Việt hiện nay, không có chữ c nào (như ca, các, cúc, cai, cay, cong…) đọc là xê. Lối đọc đó có từ thời thuộc Pháp. Không phải chỉ có chữ c mà còn nhiều chữ khác. Có người còn đọc y là y-cờ-rét, y-gờ-rét, y-grét, y-gréc, y-grếch mà không biết lối đọc đó không hợp với tiếng Việt. Có nhiều cuốn từ-điển không có cách đọc chữ cái. Có cuốn có cách đọc, nhưng rất lúng-túng. Còn các sách-vở dùng để dạy học thì gần đây có cuốn Dạy Đọc Dạy Viết Tiếng Việt Phương-pháp Mới theo Âm-vị-học (2017) của Trần Ngọc Ninh đã theo đường-lối của khoa-học ngôn-ngữ, nhưng rất phức-tạp. Hệ-thống chữ viết của người Việt hiện nay thường được gọi là Chữ Quốc-ngữ . Hệ-thống này dựa trên cách phát âm. Muốn có một lối đọc chữ cái của Chữ Quốc-ngữ bắt-buộc phải tìm-hiểu cách nói cách đọc của người Việt, không thể vay-mượn hay Việt-hoá lối đọc chữ cái của bất-kì tiếng nói nào bất-kì chữ viết nào khác. Chữ viết của người Việt hiện nay có thể thấy qua bốn phần: – Âm chính (nguyên-âm, mẫu-âm) – Âm kèm (phụ-âm, tử-âm, vệ-âm) – Âm nửa ( bán-âm, âm lướt, âm trượt) – Thanh (hay thinh) 1. Âm chính (nguyên-âm, mẫu-âm) Âm chính gồm những âm khi đọc không phải mượn một âm nào khác mà vẫn đọc được. Nói khác đi, chính âm đó là một âm. Vì thế, còn được gọi là nguyên-âm hay mẫu-âm . 1.1. Trong tiếng Việt, có 9 âm chính có thể đứng một mình: y, ê, e; ư, ơ, a; u, ô, o. 1.2. Ngoài ra, có 3 âm chính i â ă không bao giờ đứng một mình. 1.2.1. i Âm chính i là một cách viết khác của âm chính y. (Y và i là hai biến-thái của một âm-vị.) I chỉ [1] đi sau một âm kèm (bi, đi, chi…) hay [2] đứng trước một âm kèm (im, in, inh, ip, it) hoặc đứng trước một âm nửa u (iu); [3] đứng giữa âm kèm đầu và âm kèm sau hoặc âm nửa sau u (binh, bịu, chim, chiu, vin, víu…) [4] I không bao giờ đứng sau âm nửa chúm u. (Y đứng sau âm nửa chúm u. (uỷ, huỷ, tuỷ, quỷ, khuỷu; luỹ, quỹ, luỵ, quỵ…)) [5] I không bao giờ đứng một mình. (Y đứng một mình. (ỷ-y, ý-tứ, ý nghĩ, ầm-ỹ, ỳ xác ra, ầm-ỳ, ỷ-lại, Ỷ-Lan, đi ỵ…)) 1.2.2. â Âm chính â đọc ngắn hơn âm chính ơ. Có thể nói â là ơ ngắn. Vì không bao giờ đứng một mình, nên khó phân-biệt â (ngắn) và ơ (dài), nên đành phải đặt tên â là ớ. 1.2.3. ă Âm chính ă đọc ngắn hơn âm chính a. Có thể nói ă là a ngắn. Vì không bao giờ đứng một mình, nên khó phân-biệt ă (ngắn) và a (dài), nên đành phải đặt tên ă là á. 1.3. ia, iê, ya, yê; ưa, ươ; ua, uô 1.3.1. Giữa âm chính y/i và âm chính ê có ia, iê, yê, ya đọc (phát âm) giống nhau (đọc là ia), nhưng có vị-trí xuất-hiện (vị-trí phân-bố, cách phân-bố) khác nhau. 1.3.2. Giữa âm chính ư và âm chính ơ có ưa và ươ đọc giống nhau (đọc là ưa), nhưng có vị-trí xuất-hiện khác nhau. 1.3.3. Giữa âm chính u và âm chính ô có ua và uô đọc giống nhau (đọc là ua), nhưng có vị-trí xuất-hiện khác nhau. 1.3.4. Nếu không chấp-nhận ia, iê, ya, yê; ưa, ươ; ua, uô là những âm chính hay đơn-vị âm chính cũng chẳng sao. Nhưng không thể nói là hai âm chính. Tóm lại, trong tiếng Việt có những âm chính (nguyên-âm) sau đây: Âm chính trước: y/i ia/iê/yê ê e ư ưa/ươ ơ â ă a Âm chính sau: u ua/uô ô o 1.4. Đáng lẽ không phải nói về cách đọc của âm chính (nguyên-âm), vì âm chính không phải mượn một âm nào khác cũng đọc được. Nhưng vì tiếng Việt có hai âm â và ă không bao giờ đứng một mình, nên đành phải đặt tên â là ớ và ă là á. (Thí-dụ: ân, hân, lân; ăn, hăng, lăng…) Ngoài ra, còn nhóm ia, iê, yê, ya; ưa, ưa; ua, uô có người coi là hai nguyên-âm (âm chính) , có người coi là bán-âm (âm nửa) và nguyên-âm (âm chính) . Nếu chấp-nhận ia, iê, yê, ya là bốn biến-thái của một âm-vị và đọc giống nhau là ia; ưa, ươ là hai biến-thái của một âm-vị và đọc giống nhau là ưa; ua, uô là hai biến-thái của một âm-vị và đọc giống nhau là ua, thì nguyên-tắc cấu-tạo các đốt âm (âm-tiết) sẽ dễ-dàng hơn, đơn-giản hơn. (Xem 5. Đặc-điểm chữ viết của mỗi đốt âm.) Và cách đọc âm chính (nguyên-âm) sẽ như sau:

PVH-H1

2. Âm kèm (phụ-âm, vệ-âm) Trong hệ-thống chữ Quốc-ngữ hiện nay, những âm không phải là âm chính (nguyên-âm), không viết giống âm chính là âm kèm. Âm kèm (phụ-âm, vệ-âm) là những âm tự nó không đọc ra được. Nếu muốn đọc một âm kèm phải mượn một âm chính nào đó. Thí-dụ: Mượn âm ơ, thì b sẽ đọc là bơ. Mượn âm ê, thì b sẽ đọc là bê. Mượn âm i, thì b sẽ đọc là bi… Mượn âm ơ, thì đ sẽ đọc là đơ. Mượn âm ê, thì đ sẽ đọc là đê. Mượn âm i, thì đ sẽ đọc là đi… Nói khác đi, muốn đọc một âm kèm (phụ-âm) phải mượn một âm chính, âm chính nào cũng được, miễn sao dễ đọc, dễ nói, dễ nghe, hợp tiếng nói, hợp chữ viết. Tiếng Việt hiện nay có 23 âm kèm (phụ-âm) với 27 cách viết: b, c/k/q, ch, d, đ, g/gh, g/gi, h, (k), kh, l, m, n, ng/ngh, nh, p, ph, (q), r, s, t, th, tr, v, x. (28 cách viết: b, c, ch, d, đ, g, gh, g, gi, h, k, kh, l, m, n, ng, ngh, nh, p, ph, q, r, s, t, th, tr, v, x. Nhưng nếu coi g [gơ] và g [z] (viết giống nhau, đọc khác nhau) là một, thì còn lại 27.)

PVH-H2

Những âm kèm (phụ-âm) m, n, nh, ng; p, t, ch, c có thể đứng trước hay đứng sau âm chính (nguyên-âm). 2.2. Tất cả các âm kèm (phụ-âm) trong tiếng Việt đều là đơn. Các âm kèm (phụ-âm) b, c [k], d, đ, g [g], g [z], h, k [k], m, n, p, q [k], r, s, t, v, x là đơn. Các âm kèm (phụ-âm) ch, gh [g], gi [z], kh, ng [ŋ], ngh [ŋ], ph, th, tr cũng là đơn . Thí-dụ: cả, chả, gìn, giàn, gà, ghi, ghế, kiết, khiết, nga, nghê, pinh, phinh-phính, ta, tha, tra… 2.3. Căn-cứ vào chữ viết, Chữ Quốc-ngữ có 8 âm kèm (phụ-âm) đứng sau âm chính (nguyên-âm) -m -n -nh -ng [ŋ] -p -t -ch -c [k] Thí-dụ 1: am an anh ang áp át ách ác Thí-dụ 2: tham than thanh thang tháp thát thách thác Nhưng căn-cứ vào cách phát âm lại có tới 10 âm kèm (phụ-âm) đứng sau âm chính (nguyên-âm) -m -n -nh -ng [ŋ] -ng (khép đôi, đứng sau u, ô, o) [ŋ͡m] -p -t -ch -c [k] -c (khép đôi, đứng sau u, ô, o) [k͡p] Thí-dụ 3: am an anh ang ong áp át ách ác óc Thí-dụ 4: tham than thanh thang thong tháp thát thách thác thóc 2.4. Đọc âm kèm (phụ-âm) 2.4.1. Cách đọc âm kèm (phụ-âm) dưới thời thuộc Pháp Việt-Nam-hoá cách đọc chữ cái của tiếng Pháp.

PVH-H3

2.4.2. Cách đọc phụ-âm (âm kèm) của Trần-Trọng-Kim, Nguyễn-Văn-Ngọc, Đặng-Đình-Phúc và Đỗ-Thận. Trong cuốn Quốc-văn Giáo-khoa Thư (Sách tập đọc và tập viết) Lớp Đồng-ấu của Trần-Trọng-Kim, Nguyễn-Văn-Ngọc, Đặng-Đình-Phúc và Đỗ-Thận do Nha Học-chính Đông-Pháp xuất-bản năm 1935, đã có một cách đọc phụ-âm (âm kèm) hợp-lí hơn, mới hơn, đáng theo hơn lối đọc của phong-trào chống nạn mù chữ mười năm sau. Đường-lối của Trần-Trọng-Kim, Nguyễn-Văn-Ngọc, Đặng-Đình-Phúc và Đỗ-Thận hợp-lí hơn, mới hơn, đáng theo hơn rất nhiều người sau này, nhưng chưa được hoàn-chỉnh. Bài Thứ 13, trang 17 có 27 phụ-âm: b l t v h x d n m đ r s c k g p ch nh th ph kh tr gi ng qu gh ngh b đọc là bơ c cơ ch chơ d dơ đ đơ g gơ gh gơ kép h hơ k ca kh khơ l lơ m mơ n nơ ng ngơ ngh ngơ kép nh nhơ p pơ ph phơ qu [?] r rơ s sơ t tơ th thơ tr trơ v vơ x xơ 2.4.3. Cách đọc âm kèm (phụ-âm) của Phong-trào Chống Nạn Mù Chữ Lối này dùng âm chính ơ và dấu huyền. Và thường được ghi lại qua lời kể của những người chứng-kiến và những người có kinh-nghiệm. b đọc là bờ c cờ ch chờ d dờ đ đờ g gờ h hờ k ca kh khờ l lờ m mờ n nờ ng ngờ nh nhờ p pờ ph phờ q cu r rờ s sờ t tờ th thờ tr trờ v vờ x xờ 2.4.4. Cách đọc âm kèm (phụ-âm) của Trần Ngọc Ninh trong cuốn Dạy Đọc Dạy Viết Tiếng Việt Phương-pháp Mới Theo Âm-vị-học (2017) . Lối này rất phức-tạp. 12 phụ-âm (âm kèm) có tên chữ với ơ: b, c, d, đ, g, h, l, m, n, r, s, t. Trang 49, s có tên chữ: e-sì. (Trước sau không như một.) 8 phụ-âm (âm kèm) có tên chữ với a: ch, gi, kh, ng, nh, ph, th, tr. Trang 58, th có tên chữ: tha, tơ-hát. (Hai cách đọc.) Trang 60, ch có tên chữ: cha, cơ-hát. (Hai cách đọc.) Trang 62, kh có tên chữ: kha, kê-ha. (Hai cách đọc.) (Tên chữ của h trong th, ch khác với h trong kh.) Trang 73, ng còn đọc là [ngơ], nh đọc là [nhơ]. 3 phụ-âm (âm kèm) có tên chữ với ê: k, p, v. Trang 27, v tên chữ là vê; trang 32, v đọc là [vơ]. 1 phụ-âm (âm kèm) có tên chữ với cả ì: x. Trang 47, x đọc là [xơ]. 1 phụ-âm (âm kèm) có tên chữ với cả ơ và a: gh. 1 phụ-âm (âm kèm) có tên chữ với u: q (cu-u). Trang 26, qu (đọc [cu]) qu không phải là phụ-âm (âm kèm) mà là một phụ-âm (âm kèm) bao giờ cũng đứng trước âm nửa chúm u (bán-âm chúm u). ngh không có tên. Trang 26, ngh đọc là nghê. gh không bao giờ đứng trước a, không thể có tên với a được. Trang 26, gh đọc là ghê. Trong bảng trang này (tr. 27), cũng như các trang 88, 92, 94, 96, 189, ngay cả Bài mười hai (12) trang 43 khi dạy chữ gì, đều không nói tới tên và cách đọc chữ g (trong gì, giếc, giếm, giền, giêng, giếng, giềng, giết, giễu, gìn, gỵa) h khi thì có tên chữ là hơ (với ơ), khi thì có tên chữ là ha trong gh và trong kh (trang 62), khi thì có tên là hát trong th (trang 58) và trong ch (trang 60). l có hai cách đọc lơ, e-lơ (trang 27, 66) ng có ba cách đọc nga, ngơ, en-nơ ga (trang 27, 73, 80, 82); ph có ba cách đọc pha, fa, pơ-ha, phơ (trang 27, 32, 55) [4 cách viết]…

PVH-H4

2.4.5. Đề-nghị một cách đọc âm kèm (phụ-âm) trong hệ-thống Chữ Quốc-ngữ. Trên lí-thuyết và khi dùng, tất-cả các âm kèm (phụ-âm, vệ-âm) đọc với ơ. Vì ơ dễ đọc nhất. Trừ q, k, gh, ngh, gi. – k, gh, ngh chỉ đứng trước âm chính (nguyên-âm) trước (Xem 2.5. Phân-biệt c/k/q, g/gh, g/gi, ng/ngh.) nên đọc với âm chính trước ê. K đọc là , gh đọc là ghê, ngh đọc là nghê. – g [z] và gi [z] là hai cách viết của một âm kèm (phụ-âm). (Xem 2.5.3. g/gi.) G đọc là giơ, gi đọc là gi. – ng [ŋ] và ngh [ŋ] là hai cách viết của một âm kèm (phụ-âm). (Xem 2.5.3. g/gi.) Ng [ŋ] đọc là ngơ, ngh [ŋ] đọc là nghê.

PVH-H5A PVH-H5B

3. Âm nửa (bán-âm, bán-nguyên-âm bán-mẫu-âm, âm lướt, âm trượt) Âm nửa là những âm viết giống âm chính (nguyên-âm) nhưng không đọc ra được. Thí-dụ 1: u trong chữ uế, huê, huệ, quế, quệ, thuế, huân, luân… o trong chữ oa, oan, oanh, oang, loan, loanh, loang… Thí-dụ 2: u trong chữ ỉu, thiu, thiều, êu, mếu, nêu, khêu, nghều, thêu… o trong chữ eo, heo-héo, leo, meo-méo, nghèo, theo… i trong chữ ơi, mơi, ai, mai, ui, mui, ôi, môi, oi, moi… y trong chữ ay, may, thay, ấy, mấy, thấy… Một nửa giống âm chính (nguyên-âm) [viết giống âm chính] và vị-trí của lưỡi khi đọc giống vị-trí của âm chính, nên gọi là bán-nguyên-âm. Một nửa giống âm kèm (phụ-âm) [không đọc ra được] nên gọi là bán-phụ-âm. Như vậy, âm nửa (bán-âm) là bán-nguyên-âm bán-phụ-âm, là nửa nọ nửa kia. Tiếng Việt có một âm nửa trước chúm đứng trước âm chính (nguyên-âm), với hai cách viết u và o. (Thí-dụ 1 ở trên.) Nhưng có hai âm nửa đứng sau âm chính (nguyên-âm). Một âm nửa chúm, với hai cách viết u và o. Một âm nửa nhếch, với hai cách viết i và y. (Thí-dụ 2 ở trên.)

PVH-H6

4. Thanh (thinh) Tiếng Việt có 6 thanh (còn gọi là thinh), nhưng chỉ có năm dấu: ngang (không dấu) sắc ́ ngã ˜ huyền ̀ hỏi ’ nặng . Mỗi đốt âm trong tiếng Việt được ghi bằng một chữ. Mỗi chữ chỉ có một thanh. Thanh được đánh trên âm chính. 5. Ðặc-điểm chữ viết của mỗi đốt âm Mỗi đốt âm trong tiếng Việt được ghi bằng một chữ. Mỗi chữ chỉ có (1) một đơn-vị âm chính, (2) một âm nửa trước, (3) một âm nửa sau, (4) một âm kèm trước, (5) một âm kèm sau, và (6) một thanh cảm-nhiễm trên âm chính, theo thứ-tự sau đây:

PVH-H7

6. Cách Đọc Chữ Cái Sau khi tìm-hiểu hệ-thống Chữ Quốc-Ngữ và các cách đọc hiện còn đang được dùng, từ lối đọc có từ thời thuộc Pháp cho tới cách Trần Ngọc Ninh, chúng tôi đề-nghị một lối đọc theo khoa-học tiếng nói và phương-pháp tự-nhiên đã được dùng để dạy tiếng Việt chữ Việt từ năm 1976 tới nay. Các chữ cái trong hệ-thống chữ Quốc-ngữ hiện-nay gồm có A ă â b c/k/q ch d đ e ê g/gh [g] g/gi [z] h y/i (âm chính) i/y (âm nửa) ia/iê/ya/yê (k) kh l m n ng/ngh [ŋ] nh o (âm chính) o (âm nửa) ô ơ p ph (q) r s t th tr u (âm chính) u (âm nửa) ua/uô ư ưa/ươ v x (y) (âm chính) (y) (âm nửa) (yê) và sáu thanh (hay thinh) ngang (không dấu) sắc ́ ngã ˜ huyền ̀ hỏi ’ nặng . Và được đọc là

PVH-H8APVH-H8B

Cách đọc này cũng là tên gọi các chữ cái. Phạm-Văn-Hải

Tài-liệu Tham-khảo

Bùi Đức Tịnh. Từ điển Tiếng Việt. TP. HCM: Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin, 2013. Dương Quảng Hàm. Việt Nam Văn Hóa Sử Yếu (in lần thứ mười). Sàigòn Trung Tâm Học Liệu, 1968. Hoàng Phê (Chủ biên). Từ điển Tiếng Việt, (Bản in lần thứ ba). Hà nội: Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội – Trung tâm Từ điển học, 1994. Hoàng Phê (Chủ biên). Từ điển Tiếng Việt. Hà nội: Nhà Xuất bản Từ điển Bách Khoa, 2010. (In xong 2012.) Hội Khai-Trí-Tiến-Đức (Khởi-thảo). Việt-Nam Tự-điển 越南字典. Sài-gòn Hà-nội: Văn Mới, 1954. Huình-Tịnh Paulus Của. Đại Nam Quấc âm Tự vị 大南國音字彙. Saigon: Rey, Curiol, 1895. (Nhà xuất-bản Xuân-thu in lại ở Mĩ, cuối thế-kỉ 20). Lưu Văn Hy (Chủ biên). Từ điển Tiếng Việt. Hà Nội: Nhà Xuất bản Thanh niên, 2009. Maybon, Charles B. Histore moderne du pays d’Annam (1592-1820): Etude sur les premiers papports des Européens et des dynastie annamite des Nguyen. Paris: librarie Plon, 1920. Nguyễn Lân. Từ điển Từ và Ngữ Việt-Nam. TP. Hồ Chí Minh: Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2000. Nguyễn Như Ý (Chủ biên). Đại Từ điển Tiếng Việt. TP. HCM: Nhà Xuất bản Văn hóa-Thông tin, 1999. Nguyễn Như Ý (Chủ biên) Nguyễn Văn Khang – Phan Xuân Thành. Từ điển Tiếng Việt Thông dụng. Quận I (TP. HCM?): Nhà Xuất bản Giáo dục, 1997. Nguyễn Tôn Nhan – Phú Văn Hẳn. Từ điển tiếng Việt. Tp. HCM: Nhà Xuất bản Từ điển Bách khoa, 2013. Phạm-Văn-Hải. Vần tiếng Việt – Cách Đọc Chữ Cái – Cách Đánh Vần. Washington, D.C.: Phòng Tuyên Uý, Hội Sinh Viên Công Giáo Tại Mỹ, 1977. Trần Ngọc Ninh. Dạy Đọc Dạy Viết Tiếng Việt Phương-pháp Mới Theo Âm-vị-học Tái Bản Lần Thứ Hai Có Sưả Chưã và Bổ Túc Sách Cuả Thày Cô Giáo và Cha Anh. California: Viện Việt-học, 2017. Trung Tâm Việt Ngữ Hồng Bàng. http://www.van-lang.org/ ngày 21 và 22 tháng 2 năm 2012. Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang, San Diego. http://www.van-lang.org/ ngày 22 tháng 6 năm 2018. Xuân Huy – Đồng Công Hữu. Từ điển Tiếng Việt. TP. Hồ Chí Minh: Nhà Xuất bản Trẻ, 2007.

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Từ khóa » Cách đọc Chữ Tr Và Ch