Dọc Dải Tây Nguyên: Bâng Khuâng Màu đổi Khác - Công An Nhân Dân

Ông già làng Krajan Plin ở thế kỷ XXI này là một người trung niên với tuổi đời trên dưới 50, vạm vỡ da nâu tóc dài, nói tiếng Anh lưu loát và xử dụng thành thạo vi tính. Chuyện về ông già làng dân tộc Lạch kiêm nhạc sỹ và ca sỹ này có thể viết thành tập, nhưng điểm khác thường ông là người mang hồn núi của Klang và Hbiang đi khắp buôn làng để sưu tầm sử thi và luật tục của bộ tộc mình. Để tìm hiểu thêm về văn hóa của núi rừng, chúng tôi phóng xe máy vượt cả quảng đường dài trở lại Tây Nguyên.

Chứng tích của một con đường

Từ quốc lộ 1, đoạn ngã ba Dầu Giây thuộc địa phận Đồng Nai, chúng tôi theo đường 20 ngược về vùng đất Bazan hùng vĩ. Vào thế kỷ XXI, dọc theo quốc lộ dài 220km này biết bao sự thay đổi giữa người và đất, nhà cao tầng hai bên đường dần dần thay thế những căn nhà lợp tôn gỉ sét thưng vách ván bạc màu năm xưa. Di vật nối liền giữa vùng hạ và vùng thượng còn lại là những chiếc cầu bê tông hình vòng cung đã gần 100 năm bụi phủ, đầy dây leo hoang dã. Hiện nay, những cây cầu này chỉ để làm kỷ niệm, chúng đã âm thầm nín lặng mặc cho con người bình phẩm nuối tiếc, vì bên cạnh nó là những chiếc mới xây chắc chắn và hiện đại hơn rộng đến 2 hoặc 3 làn xe.

Kể ra con người cũng lạ, người ta luôn luôn chạy theo những trào lưu vật chất mới nhất để chứng tỏ mình sành điệu từ những bộ quần áo đến phương tiện đi lại như xe máy, đồ điện tử hoặc những ngôi nhà sang trọng bề thế. Nhưng khi đi Tây Nguyên họ thay nhau dừng xe chụp ảnh lưu niệm với những cây cầu hoang, phủ mờ rêu phong và gió bụi của thời gian. Có lẽ con người muốn có một tấm ảnh đời mình với những vật thể sắp ra đi, hoặc một di tích đã xếp hạng quên đi hương khói. Cũng nhờ cây cầu và con đường này mà nền văn minh miền hạ lên được miền thượng, hàng hóa thông thương. Nhớ đến nỗi đau là tài nguyên của cha ông để lại, một thời lần lượt đội nón ra đi vào túi của nhóm lợi ích thực dân. Cho dù đất nước đã trải qua những năm tháng bi hùng, nhưng nhìn chiếc cầu đã gợi lại những hình ảnh kỷ niệm một thời.

Tôi nhớ lần trước lên Tây Nguyên gặp 5 người Mỹ già choàng tay nhau chụp ảnh cầu già ở Đại Lào. Vì tính tò mò, tôi dừng xe làm quen, được biết họ là những cựu binh Mỹ đã từng tham chiến tại đây vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Một người trong nhóm chỉ tay về phía mố cầu nói với tôi bằng giọng buồn buồn: “Tom và Joe là hai người bạn của tôi đã chết vì bị đối phương bắn tỉa ngay tại cây cầu này”. Nhắc đến đau thương mất mát của chiến tranh, vài người trong họ nước mắt ướt nhòe trong câm lặng, mặc dầu chỉ cách đây vài phút còn khoác tay nhau vui vẻ. Sợ nhắc lại nỗi buồn làm hỏng chuyến đi của họ, tôi đề nghị ông Dan một cựu binh Mỹ trong đoàn kể lại thời oanh liệt trai trẻ của mình từ bối cảnh cầu Đại Lào, ông ta vui vẻ hồi tưởng một cách hào hứng.

Tôi kể cho các cựu binh này nghe giai thoại những linh hồn lính Mỹ ở đầu đèo được thêu dệt từ một cư dân địa phương khiến họ nhìn nhau hốt hoảng. Chuyện bắt đầu từ ông Đẩu, người cựu chiến binh Quân đội nhân dân Việt Nam đi nhặt củi khô ban ngày ở con suối đầu đèo. Đã có trên 2 lần ông Đẩu phát hiện một nhóm quân nhân người nước ngoài đứng trên mỏm đá cao cách ông khoảng vài mét vung tay nói chuyện với nhau bằng tiếng tây rồi từ từ biến mất. Lần đầu tiên ông Đẩu sợ đến nỗi chạy mất cả dép, mặt mũi xanh lè về nhà thở dốc. Những lần kế tiếp ông mua một bao thuốc lá thơm, 2 hộp bánh bích quy, vài lon nước ngọt và hương khói lầm rầm khấn vái. Từ việc nghĩa ấy, không biết vì sao mà mãi đến bây giờ ông không thấy các linh hồn lính Mỹ này nữa. Ông Đẩu xác tín với tôi chuyện có thật 100%.

Thật ra bây giờ khoa học vẫn chưa xác định có thế giới tâm linh hay không, hoặc việc ông Đẩu gặp người “thế giới bên kia” vẫn phải kiểm chứng, nhưng việc hương khói vì tính nhân bản với người đã khuất vẫn là điều đáng trân trọng. Nghĩa tử là nghĩa tận người Việt Nam xưa nay thường vẫn làm thế. Ông Dan có lẽ là người lính mang cấp bậc cao nhất trong đoàn nghe chuyện đến mức ngậm ngùi, nước mắt trào ra, ông nằng nặc nhờ tôi dẫn đến gặp ông Đẩu. Thực tình tôi chỉ quen ông ấy tại quán cà phê Lâm Tuyền ở đầu đèo, còn nhà ông ở đâu tôi chưa kịp hỏi.

Đoàn cựu binh Mỹ lên đường mang theo nỗi buồn mênh mông để lại kỷ niệm đời người trên chiếc cầu hoang phong sương mờ ảo giữa bóng chiều tà. Tôi không biết ông Dan và các bạn của ông về Mỹ có kể lại các vong hồn đồng đội của mình từ câu chuyện của một cựu chiến binh người Việt mà ngày xưa đã từng là đối thủ của nhau.

Hình ảnh hai chiếc cầu mới và cũ cùng nằm song song trên quốc lộ 20 còn minh chứng thêm nhiều chuyện khác. Cây cầu gần 100 năm tuổi nhưng gần như còn nguyên vẹn, trái lại chiếc cầu hiện đại bên cạnh vừa mới thông xe một vài năm đã nứt nẻ xuống cấp hớ hênh. Chả lẽ công nghệ cầu đường sau 100 năm lại tồi tệ hơn trước hay trách nhiệm thuộc về thiết kế thi công.

Trên đất nước hình chữ S này, không nhiều, thậm chí hiếm có chiếc cầu mới xây nào có khắc chữ ngày khởi công, hoàn thành, tên kỹ sư thiết kế và đơn vị thực hiện. Vậy mà ngày xưa vào đầu thế kỷ XX, gần như cây cầu nào được xây dựng trên quốc lộ này, người Pháp cũng khắc chữ in sâu vào bệ cầu như là một nhân chứng vật chứng. Vậy tại sao bây giờ ngành cầu đường người Việt không làm được, đó cũng là nguyên nhân những cây cầu chưa khánh thành đã có dấu hiệu xuống cấp mà không đơn vị thi công nào có trách nhiệm để trả lời trước đồng tiền đóng thuế của nhân dân hàng tháng.

Thật may mắn, trên đường rẽ sang quốc lộ 27 đoạn Liên Khương qua Đắk Lắk, chúng tôi cùng đồng hành với anh Pangtin Mút người dân tộc Cill ở buôn Đăng Ya, anh Mút đi chiếc xe máy còn mới buộc trên xe một cây đàn Goong và khèn Kơmpuôt. Anh cho biết trên đường sang Pleiku để gặp nghệ sỹ ưu tú Thảo Nhếch dân tộc Banar.

Trên đường đi Buôn Ma Thuột, gặp phải cơn bão số 4 nên chúng tôi ngủ lại ở huyện Lâm Hà. Con đường quốc lộ 27 đoạn Lâm Hà đi Krong Ana xuống cấp tồi tệ nhiều đoạn đường dợn sóng loang lổ, vào mùa mưa sạt lở tắc đường hàng giờ là chuyện thường. Lúc chúng tôi đến địa phận huyện Lắk, gặp một trận mưa rừng như trút nước, gió thổi mạnh đến mức cây rừng chao đảo vặn mình kêu răng rắc. Từ trên đồi cao một khối lượng đất đá đổ xuống gây tắc nghẽn giao thông phải ngồi đợi gần hai tiếng đồng hồ. Có lẽ việc tắc đường đã xảy ra tại đây nhiều lần, nên chỉ sau 45 phút đã thấy 3 người đi xe máy choàng áo mưa chở bánh mỳ, bánh chưng, nước uống mang đến chào bán với giá gấp 2 lần một cách vội vã.

Trong khi chờ thông đường, bầu trời đột nhiên trở nên quang đãng, mùa mưa Tây Nguyên vẫn thường như thế, có lúc khu này đang mưa lớn còn khu bên cạnh trời vẫn nắng chang chang. Anh Pangtin Mút dẫn chúng tôi trèo lên ngọn đồi cao chỉ tay về hồ Lắk. Có lẽ vì lâu lắm mới được sống giữa rừng, anh say sưa kể lại tuổi thơ của mình thời mang chà gạt, mang gùi theo bố mẹ đi rẫy trồng lúa, bắp… từ giai đoạn phát, đốt dọn đến tỉa hạt bằng chày chọc lổ.

Anh cho biết ngày ấy vất vả hơn bây giờ nhưng rất vui, mỗi buổi sáng cả buôn dẫn nhau đi rẫy. Hình ảnh trong một gia đình, người chồng đi trước treo lủng lẳng chiếc chà gạt trên vai, hút thuốc bằng tẩu mùi khen khét, người vợ đi sau trước ngực địu con, phía sau lưng gùi gạo muối, vài con chó nhà chạy lùng sục phía trước thỉnh thoảng kêu lên ăng ẳng. Đến mùa thu hoạch nhà nào cũng bắp lúa đầy kho, gương mặt ai cũng hớn hở mừng vui như đón Tết. Bây giờ đời sống khá hơn, nhà xây nền gạch, ra đường đi bằng xe máy, điện thoại di động trong tay nhưng vẫn thấy thiếu điều gì đó không giải thích nổi, có lẽ là rừng.

Người dân tộc sống không có rừng, cồng chiêng khua lên không có rừng, đàn Goong reo lên không có rừng tự nhiên hội hè trở thành một điều gì đó thiếu vắng. Vẫn biết rằng theo quy luật, khi con người đông hơn rừng núi sẽ thu hẹp lại, nhưng vẫn cảm thấy nhớ. Hình ảnh trai gái buôn làng gảy đàn Goong, đàn Chapi để tán tỉnh, ra bến sông té nước vào nhau để làm quen, ban ngày các cô gái lên rẫy suốt lúa để đêm về giã gạo bục bịch trong chiếc cối gỗ nay chỉ còn là kỷ niệm.

Nếu so sánh việc phá rừng, người cư dân bản địa cũng đã từng phá, nhưng có luật riêng là không được ăn hết lộc của Yàng, có nghĩa là một mảnh rừng chỉ chặt cây nhỏ để lại cây lớn cho thần lúa ở trên ngọn, còn mình núp dưới tán cây nghỉ mát. Sau vài mùa rẫy dân làng chuyển đi nơi mới rồi chục năm sau trở lại nơi cũ tái khai phá canh tác, làm như thế cây rừng vẫn còn, thần lúa vẫn còn, con cháu cứ thế tồn tại. Còn người kinh vào rừng dùng cưa máy hạ cây lớn rồi cho xe ủi ban đường để vận chuyển tạo ra hầm hố đã động đến rừng thiêng, động đến hồn lúa nên bị Yàng bắt tội như trưa nay bị tắc đường cũng do Yàng phạt đấy”.

Suy cho cùng con người cũng từ đất và rừng mà ra, rừng núi là mái nhà chung vừa có cái ăn vừa là nơi che chở cho mình. Hiện nay nhiều đại gia ở thành phố có tiền tỷ vẫn muốn về rừng mua vài hécta đất làm nhà sàn ven suối, mua lại đất khai hoang để trồng cà phê mà không phải chờ ngày thu hoạch để kiếm sống, hoặc các nhà giàu ở trong lòng thành phố vẫn dành một diện tích nhỏ vài mét vuông để làm hòn non bộ giả cảnh rừng núi thâm u ngồi ngắm nghía nhớ đến oai linh nơi rừng thẳm. Rõ ràng con người không thể xa rừng được. Vậy thì tại sao người ta lại vô tư phá rừng, thậm chí phá rừng có tổ chức. Anh Pangtin Mút mang chiếc khèn Kơmpuốt thổi một hơi dài giữa rừng núi đại ngàn nhìn về hồ Lắk, trời đã trở về chiều xa xa lãng đãng những đám mây và sương khói bốc lên mờ ảo.

Đến 4h chiều mới thông đường, chúng tôi vội vã chạy xe về Ban Mê tìm nhà nghỉ qua đêm để sáng mai tiếp tục đi Pleiku. Ban đêm thành phố Buôn Ma Thuột rực rỡ ánh đèn, chúng tôi dẫn nhau ra quán cà phê ở ngã sáu Ban Mê. Tại trung tâm thành phố này, ngã sáu là nhân chứng lịch sử đã không ngừng thay da đổi thịt qua các thời kỳ. Người Ban Mê những năm đầu thế kỷ XX đã chọn cho mình một địa thế khá bằng phẳng để khai khẩn và lập nghiệp. Ngã sáu là giao lộ của những con đường kết nối với các buôn làng, những con đường đất đỏ khởi đầu từ năm xưa lầy lội vào mùa mưa, bụi bay rợp trời vào mùa nắng, rồi được rải đá, bây giờ là đường rải nhựa phẳng lỳ thênh thang.

Buôn Ma Thuột là kinh đô của Tây Nguyên, nơi trung tâm văn hóa chính trị kinh tế của vùng đất phía tây tổ quốc. Đứng ngay ngã sáu nhìn những tòa nhà cao đường rộng, phố xá sầm uất, hình ảnh một thời hai anh em Kinh - Thượng chung lưng đấu cật cùng nắm tay nhau dọn đường mở đất năm xưa cứ rấm rức tìm về.

Ai yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn

Anh Pangtin Mút là thành viên trong ban chủ nhiệm câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng Langbiang. Anh có nhiều biệt tài về tổ chức biểu diễn âm nhạc từ đàn Trưng, Goong đến khèn Kơmpuôt phục vụ cho lửa trại và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Thời trai trẻ anh tham gia đội chiếu bóng lưu động tận các vùng sâu vùng xa cho đồng bào. Vì thế mọi sinh hoạt văn hóa của các dân tộc, anh trở thành bộ tự điển sống không những về phong tục mà còn về âm nhạc đối với các cư dân bản địa.

Trên đường đi Bắc Tây Nguyên thông qua chuyện kể của anh tôi học được nhiều điều mà những bài viết về mảng này ít đề cập đến. Anh cho biết đối với các dân tộc vùng đất cao nguyên bazan dù theo tôn giáo nào nhưng vị thần được mọi người kính trọng nhất vẫn là các đấng vô hình: từ thần rừng, thần lúa, thần sông… Âm vang hào khí của cồng chiêng hòa vào tiếng thánh thót của cây đàn là thông điệp gửi đến các vị thần linh, tiếng vang của các linh vật này có thể vượt qua năm suối bốn đèo đến tai các vị thần.

Đối với nền văn minh lúa nước con trâu là đầu cơ nghiệp nhưng với văn minh lúa rẫy con trâu là lộc của thần linh. Vì vậy đối với các dân tộc ở Tây Nguyên sau lễ đâm trâu, thịt trâu được phát đến tận nhà, đó là bổng lộc của thần mang đến điều lành mưa thuận gió hòa, lúa bắp tốt tươi, cà phê trĩu hạt. Tuy nhiên từ đồng vọng của núi rừng hoang dã, chuyển thành những giai điệu tiết tấu đòi hỏi những nghệ nhân sáng tác phải giàu óc tưởng tượng sáng tạo và tài hoa.

Trước cơn gió hú ở phía thượng nguồn, người ta đã ứng dụng ra chiếc tù và để gọi nhau, đối với âm thanh thiên nhiên như tiếng chim hót, suối chảy, lá reo hay dòng thác đổ người ta cho ra đời cây đàn Trưng, Klongput để tái tạo nền nhạc. Chiếc đàn Goong với âm thanh nhẹ nhàng cùng âm điệu với đàn Chapi là cầu nối để con người tâm sự xẻ chia. Cồng chiêng là âm thanh chủ lực ngoài việc tạo sự cộng hưởng giữa người sống và người chết còn thể hiện sự đoàn kết tạo thành sức mạnh cộng đồng hùng tráng giữa rừng núi đại ngàn hùng vĩ…

Lên Tây Nguyên lần này, nhờ mối quan hệ sẵn có của anh Pangtin Mút, chúng tôi may mắn gặp được những bậc thầy về âm nhạc và các vũ sư. Những cây đại thụ này là những ngôi sao một thời đầy lửa, đã mang văn hóa núi rừng Tây Nguyên giới thiệu trong và ngoài nước. Nghệ sĩ nhân dân Ybrơm dân tộc Banar, nghệ sĩ nhân dân Đinh Xuân La dân tộc Hroi, nghệ sĩ ưu tú Thảo Nhếch… Các bậc nghệ nhân này, nay đã lớn tuổi, tóc đã ngả màu sương gió không còn đủ sức khỏe để thể hiện tài hoa của mình, nhưng đã đào tạo ra hàng ngàn lớp trẻ tiếp tục gìn giữ giá trị truyền thống Tây Nguyên.

Trong đời sáng tác và biên đạo múa của mình, nghệ sỹ Ybrơm đã để lại một 100 tác phẩm trong đó có 40 tác phẩm được công nhận cấp nhà nước. Nghệ sỹ nhân dân Đinh xuân La trong 40 năm tuổi nghề, bà đã mang hơi thở của núi rừng đi phục vụ các tuyến lửa và đã giới thiệu văn hóa Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới. Theo hội nghệ sỹ múa Việt Nam nghệ sỹ Đinh Xuân La là nữ diễn viên múa hàng đầu trong làng múa Việt Nam. Riêng đối với nghệ sỹ Thảo Nhếch còn gọi là Thảo Giang, người thành công lớn nhất về nâng cấp và cải tiến nhạc cụ mang lại sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người trong văn hóa Tây Nguyên hiện đại.

Chia tay tại phố núi Pleiku, chúng tôi trở lại đồng bằng mang theo bản giao hưởng của thiên nhiên, mang theo tâm huyết của những bậc thầy về văn hóa âm nhạc. Trên đường về anh Pangtin Mút im lặng, đăm chiêu nghĩ suy đến thế hệ kế thừa. Là người làm văn hóa chuyên nghiệp cả đời người tại Tây Nguyên, anh tâm sự: “Trong thời buổi hội nhập toàn cầu, con người và đời sống vật chất càng ngày càng nâng cấp cho phù hợp với tốc độ phát triển, lớp trẻ bây giờ không còn mặn mà với các nhạc cụ truyền thống này nữa. Liệu mai này khi nền văn minh chuyển sang hệ thống bấm nút, rừng núi ở đất bazan này còn giữ được tiếng cồng chiêng, tiếng đàn tre nứa vọng lên trong khắp buôn làng hay chỉ còn màn dựng lại để quay phim chụp ảnh hoặc lần lượt về với viện bảo tàng để hoài niệm một thời xa vắng.”

Từ khóa » đinh Nghĩa Từ Bâng Khuâng