Độc đáo Bộ Emoji Về 54 Dân Tộc Anh Em Của Việt Nam - Saigoneer

Nếu bộ emoji đáng yêu về trang phục 54 dân tộc có từ hồi chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường, chắc chắn lứa học sinh xưa đã không phải vật lộn học thuộc lòng những bài tập địa lý khó nhớ.

Những bài học Địa lý trong sách giáo khoa đã giúp các thế hệ học sinh Việt Nam nằm lòng: nước ta có 63 tỉnh và thành, gồm 54 dân tộc anh em. Nhưng hiếm có một ai có thể liệt kê được toàn bộ tên các tỉnh và tên các dân tộc ở nước ta. Thực tế là đối với những người dân Việt Nam sống ở địa phận tách biệt với các đồng bào dân tộc thiểu số thì rất ít người có hiểu biết hoặc đơn giản là đọc được tên, nhận dạng được hình ảnh đặc trưng của 54 dân tộc.

Nguyễn Minh Ngọc - một chuyên viên thiết kế đồ họa trẻ đến từ Hà Nội, hiện đang làm việc tại Singapore - chia sẻ trong lời nói đầu của dự án rằng mặc dù cụm từ “54 dân tộc anh em” vô cùng thân thuộc với người Việt, nhưng khi tôi hỏi, đa phần mọi người không hiểu lắm về cách ăn mặc, phong tục tập quán hoặc tên đầy đủ của các dân tộc. Đây chính là điều khiến anh Ngọc trăn trở suy nghĩ trước khi bắt đầu thực hiện dự án “Nhỏ To Việt Nam”- một dự án giới thiệu văn hóa Việt Nam qua emoji.

“Trước khi bắt tay vào dự án, bản thân tôi cũng còn thiếu quá nhiều kiến thức về mảng đề tài này mặc dù đã từng tiếp xúc với một số người dân tộc khác” anh viết. “Lúc đầu bản thân cũng thấy rất chán chường. Nhưng với quyết tâm học hỏi và mong muốn giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc, tôi đã bắt tay ngay vào thiết kế những hình ảnh đầu tiên”.

Anh Ngọc chia sẻ rằng ý tưởng cho dự án đã được ấp ủ từ tháng 12 năm ngoái, nhưng phải đến tháng 4 này, khi đại dịch COVID-19 và lệnh giãn cách xã hội buộc các công ty ở Singapore phải để nhân viên làm việc tại nhà, anh mới có thể dành thời gian nghiêm túc đầu tư cho dự án. Dự án “Nhỏ To Việt Nam” mất bốn tháng thay vì một tháng như dự tính ban đầu để hoàn thiện và đăng tải lên các trang mạng.

“Làm các dự án sáng tạo là cách để khám phá và thể hiện cá tính riêng của bản thân nhưng với “Nhỏ To Việt Nam”, tôi thực hiện nó với hy vọng sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng theo một cách nào đó. Vì vậy, tôi đã liên tục cố gắng để hoàn thành dự án này thật tốt”, anh Ngọc giải thích.

Bộ emoji gồm 108 biểu tượng cảm xúc mô phỏng trang phục truyền thống cho cả nam và nữ của 54 dân tộc Việt Nam. Đây là một sự kết hợp mang đầy tính đương đại khi công nghệ và mạng xã hội đã được sử dụng một cách khéo léo để truyền tải những thông điệp văn hóa về con người. Nhiều chi tiết đa dạng trong văn hóa Việt Nam như những chiếc khăn đội đầu, những tấm vải thổ cẩm, những bảng phối màu đẹp mắt hay những chi tiết thêu tay tinh xảo, tất cả được đan xen với những nhân vật hoạt hình vui nhộn, giúp người xem tiếp cận thông tin, kiến thức một cách dễ dàng. Trên trang Instagram chính thức của dự án, Ngọc cũng cung cấp thêm thông tin về khu vực sinh sống hiện nay của các nhóm dân tộc và các thuật ngữ liên quan khác.

Bộ sưu tập biểu tượng cảm xúc được đăng tải vào đầu tháng 8 và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của cư dân mạng. Hầu hết mọi người đều phản ứng tích cực, nhưng điều khiến dự án trở nên ý nghĩa hơn là việc những hình người minh họa nhỏ bé này đã khơi dậy những câu chuyện xoay quanh chủ đề về các dân tộc của Việt Nam và câu hỏi liệu truyền thông ngày nay đã quan tâm đúng mực tới những câu chuyện văn hóa.

Thêm vào đó, dự án cũng đã nhận được một số phản hồi từ các các cộng đồng đồng bào dân tộc trên khắp cả nước. Một số bày tỏ vui mừng khi nhìn thấy một phần cộng đồng và văn hóa địa phương được mô tả trong bộ sưu tập, một số khác còn cung cấp thêm những kiến thức quý giá về trang phục truyền thống, hoặc thậm chí chỉ ra những chi tiết chưa thực sự chính xác.

Trong mục emoji về người Chăm, một số người dùng Instagram còn để lại trong phần nhận xét những gợi ý đầu sách, tài liệu đọc thêm để tìm hiểu rõ hơn về tín ngưỡng và văn hóa Chăm. Một bạn đọc khác đã bình luận về việc các emoji không nên có tóc vì phụ nữ Chăm thường che kín mái tóc của họ bằng khăn đội đầu. Ở một bình luận khác, một bạn gái người H’Mông đã kể rằng gia đình cô đã quen dùng cái tên “Mèo” thay vì H’Mông trong cuộc sống hàng ngày nên dù có ai hỏi cô là người dân tộc nào thì cô vẫn trả lời rằng mình là người “Mèo”.

Anh Ngọc cũng nói thêm rằng chỉ có mình anh thực hiện dự án nên chắc chắn có phần chưa hoàn hảo. Vậy nên anh rất mong muốn nhận được phản hồi từ mọi người. Bản thân các tài liệu tham khảo về chủ đề về bản sắc văn hóa dân tộc các vùng miền cũng có rất nhiều những thông tin không chính xác và xuyên tạc.

Anh viết: “Trong khi tìm kiếm thông tin, tôi gặp phải nhiều khó khăn bởi các thông tin tìm được có nhiều sai lệch (thường gặp nhất là hình ảnh của dân tộc này nhưng thông tin và tên lại thuộc về dân tộc khác). “Nhưng những thứ khiến anh lo ngại và thất vọng nhất lại là những trang phục “cosplay” dân tộc thiểu số do người thành phố thực hiện - thông tin hoàn toàn sai và dễ gây phản cảm”. Chẳng hạn, có lần anh vào một trang báo mạng xem nội dung miêu tả về dân tộc Chứt, nhưng toàn bộ hình ảnh trong đó hóa ra lại là người Dao, Ngọc nói với Zing trong một cuộc phỏng vấn.

Minh Ngọc cho biết anh đang ấp ủ kế hoạch mở rộng phạm vi dự án, anh sẽ tiếp tục vẽ các bộ emoji về các danh lam thắng cảnh, các món ăn truyền thống và nhạc cụ dân tộc của Việt Nam, nhưng do khối lượng công việc khá lớn nên ý tưởng này có thể mất nhiều tháng để hoàn thiện.

Theo dõi thông tin về dự án trên Instagram tại đây và xem thêm các dự án khác của Nguyễn Minh Ngọc trên trang Behance tại đây.

Từ khóa » Emoji 54 Dân Tộc Anh Em