Độc đáo Lễ Hội đập Trống Của Dân Tộc Người Ma Coong ở Quảng Bình

Lễ hội đập trống của Người Ma coong ở Quảng Bình

Lễ hội đập trống của người Ma Coong được tổ chức một năm một lần vào ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn và quan trọng nhất của dân tộc ít người này. Lễ hội được tổ chức tại bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Lễ hội đập trống của dân tộc Ma Coong còn thu hút rất đông đồng bào dân tộc khác ở các vùng lân cận và du khách khi đi du lịch Quảng Bình đúng dịp này cũng về dự hội.

Từ xa xưa, người Ma Coong sống giữa đại ngàn Trường Sơn ở các bản của xã Thượng Trạch, Quảng Bình và nhiều bản làng khác ở tận đất nước bạn Lào đã có lễ hội đập trống mang đậm màu sắc dân gian rất đặc sắc . Mục đích của lễ hội này nhằm cầu trời, đất cho mưa thuận, gió hòa, nương rẫy được tươi tốt, bản làng được ấm no, khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh. Đây cũng là ngày dành riêng cho những đôi trai, gái gặp gỡ, hẹn hò tình tứ với nhau…

Theo truyền thuyết của người Ma Coong, ngày xưa vùng đất của người Ma Coong đang ở xuất hiện một con khỉ ác màu vàng, hằng đêm nó thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, phá lúa và cây trái của bà con. Từ khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa đói kém, đau ốm triền miền. Người Ma Coong dùng nhiều cách đuổi khỉ ác nhưng vẫn bất lực. Đêm trước ngày rằm tháng Giêng, vị già bản nằm mơ thấy Giàng (thần trời) hiện về mách bảo, muốn đuổi khỉ thì hãy làm một chiếc trống tiếng thật vọng mang ra đánh vào đêm trăng sáng nhất, khi khỉ ác về phá mùa màng. Ngay hôm sau, đàn ông người Ma Coong khẩn trương hoàn thành ngay một chiếc trống đẹp, âm thanh to ấm, vang xa tận sâu trong lòng đại ngàn Trường Sơn. Chờ khỉ đến đúng giờ trăng sáng nhất đêm rằm 16, thanh niên mang trống ra thay nhau đánh, khỉ ác hoảng sợ bởi tiếng trống nên trốn khỏi vùng đất này, không bao giờ trở lại. Để tưởng nhớ vị già bản tiên tổ người Ma Coong, đền đáp công ơn của Giàng, những của ngon vật lạ trên vùng đất của người Ma Coong được lựa chọn, bày biện làm lễ cúng tế linh đình.

Suốt cả ngày 16 tháng Giêng, dân bản Cà Roòng  ai cũng bận rộn vì tối này là trung tâm của lễ hội đập trống. Đàn ông thì lo phần chuẩn bị hội, còn đàn bà thì chuẩn bị thức ăn để tiếp đón bà con từ các bản khác đến.

Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân ai có gì đóng góp nấy cho làng, nhưng không thể không đóng góp gạo nếp để làng nấu rượu hiêng – thứ rượu được nấu bằng nếp nương với men lá, có màu trắng như sữa, chỉ được dùng cúng và mời khách quý. Còn làng không thể thiếu gà, xôi làm lễ cúng. Bộ phận chủ lễ thường có năm người, là những người đứng đầu năm dòng họ trong vùng, được coi là những dòng họ có công khai phá ra vùng đất mà người Ma Coong đang sống hiện nay. Họ được quyền cha truyền con nối để làm chủ lễ hằng năm.

Rượu hiêng được nấu bằng nếp nương với men lá chỉ được dùng cúng và mời khách quý

Khi mặt trời khuất bà con 18 bản men theo những con đường mòn về đây dâng lễ, già làng bước vào lễ tế cúng trời đất, cúng Giàng mặt trời mọc, cúng Giàng mặt trời lặn mong sao năm nay mưa thuận gió hoà, ngô lúa tốt tươi, tất cả mọi người khoẻ mạnh, không đau ốm.  

Lễ thức của Lễ hội đập trống diễn ra theo những quy định của dân bản rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Bản trao quyền cho người Già bản già nhất tức là người tìm ra miền đất đang ở (trước đây người dân tộc này di trú 3 năm 1 lần do vị Già bản đi tìm đất đẹp và yên ổn, thuận lợi). Theo nghi thức, Lễ hội đập trống được tiến hành theo Phần Lễ và phần Hội.

 Phần Lễ : Trên khoảnh sân rộng nhất của bản, dưới tán của cây cổ thụ, người làng dựng một dãy nhà tranh nhỏ. Trong căn nhà chính làm nơi hành lễ, treo trang trọng chiếc trống. Đến đêm, công việc chuẩn bị đã xong, mọi người cùng chờ trăng lên. Khi trăng nhú lên trên rặng núi sau lưng bản, đồ vật cúng được mang ra sắp đặt. Mâm cỗ cúng Giàng gồm có rượu hiêng, thịt gà nấu với chồi cây mây non, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác, một ít lúa gạo… Mỗi bản có một mâm và trong lễ cúng phải có 18 mâm cỗ như thế. Trách nhiệm làm mâm cỗ phải là người nhà của các già bản.

Mâm cỗ cúng Giàng

Cá để cúng Giàng được lấy từ khúc suối cấm, đây là khúc ngăn của con suối Aky. Vào khoảng tháng 5 dân bản ngăn con suối Aky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm và được quản lý nghiêm ngặt nếu ai vào đó đánh cá thì bị phạt rất nặng, khúc suối này chỉ được đánh bắt cá tự do sau khi lễ hội đập trống diễn ra. 3 giờ sáng ngày 16, người được dân bản tín nhiệm là người thả lưới lấy cá cúng Giàng tại khúc suối cấm Aky.

Khi trăng lên ngửa đầu là lúc vào giờ khai lễ. Già làng đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu… Xong phần hành lễ, lúa gạo được ném ra tứ phía, cầu mong thóc lúa về đầy bồ, đầy nương.

Già làng thực hiện lễ cúng tế Giàng và tổ tiên.

Sau vài lượt cúng khấn, già làng phát lệnh và lễ hội đập trống bắt đầu. Dân bản ùa vào, khách tham dự cũng ùa vào. Ai ai cũng cố tranh cái dùi để đập trống.

Phần hội: Phần lễ kết thúc, là lúc tiếng trống hội mở màn vang lên. Mọi người bắt đầu xúm lại với những ché rượu cần, rượu hiên.Những thanh niên khỏe mạnh giành nhau dùi và trổ tài đánh trống mạnh, đánh trống nhanh. Những người không tham gia đánh trống thì cầm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa cháy sáng rực. Dưới ánh trăng, từng tốp người thay nhau đập trống, nhảy múa, uống rượu bên ánh lửa bập bùng. Không chỉ người Ma Coong mà người dân ở khắp nơi cũng đến đây cùng chung vui trong ngày hội. 

Không chỉ người Ma Coong mà du khách khắp nơi cũng đến đây cùng chung vui trong ngày hội

Trống của người Ma Coong không giống như trống của người dưới xuôi. Tang trống được làm từ cây chi cúp – một loại cây thuốc rỗng, sống hàng mấy chục năm trong rừng sâu và có thể dùng hết năm này sang năm khác. Mặt trống được bịt bởi da một con trâu to khỏe. Trống trong lễ hội được chằng bằng sợi dây mây rừng xâu chéo với nhau, rồi lấy những nêm tre nêm chặt lại, kéo cho mặt trống có hình thù kỳ quặc như “quả cầu gai”. Tiếng trống là hiện thân của tâm linh, của tiếng nói thần kỳ, như tiếng của người Ma Coong giữa rừng xanh không bị khuất phục bởi gió, mưa, thú dữ…

Thanh niên người Ma Coong thi nhau đập trống

Trống phải đánh cho kỳ thủng trước khi trời sáng mới thôi, trời đất mới chứng giám cho lòng thành của mọi người, trong năm tới mới được mùa màng. Vừa đánh trống, lũ thanh niên vừa la vang rừng: “Roa lữ Giàng ơi!” (sướng quá, vui quá trời ơi).Trống thủng càng sớm, thanh niên càng mau được dắt tay bạn tình vào rừng tình tự.

Các đôi trai gái lâu nay đã thầm để ý nhau được phép dắt nhau ra suối, vào rừng… cùng tâm sự. Nhưng họ phải trở về nhà trước khi gà gáy sáng để quay trở lại với cuộc sống thường nhật của mình và hẹn gặp lại vào lễ hội năm sau. Có những cặp lại cùng nhau ước hẹn, chọn ngày mời bố mẹ, già làng đến đặt lễ trầu cau, nên duyên vợ chồng. Chỉ còn những người già, trung niên và trẻ con vui chơi bên bếp lửa, hay nhâm nhi bên ché rượu cần. Khi đống lửa dần tàn, mặt trời dần nhô lên bên kia ngọn núi, cũng là lúc lễ hội Đập Trống của người Ma Coong kết thúc.

Trải qua nhiều biến đổi, lễ hội đập trống của người Ma Coong vẫn còn nguyên đó những giá trị văn hóa không thể phai mờ, mà ẩn sâu bên trong là tín ngưỡng phồn thực trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cầu mong sự hài hoà âm dương trong cuộc sống.

Vào ngày 27/8/2019, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2968 và 2971/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Lễ hội Đập trống của người Ma-Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.

Từ khóa » Các Cô Gái đi Dự Lễ Hội Trông