Đọc Hiểu Rễ Sâu Ai Biết Là Hoa Hay Nhất - TopLoigiai

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Rễ sâu ai biết là hoa hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Rễ sâu ai biết là hoa giúp các em ôn tập môn Ngữ Văn 9 đạt kết quả cao. 

Đọc bài thơ sau và trả lời những câu hỏi sau:

Rễ sâu ai biết là hoa

Xoắn đau núm ruột làm ra nụ cười.

Im trong lòng đất rối bời

Chắt chiu từng giọt, từng lời lặng im.

Uống từng giọt nước đời quên Ăn từng thớ đá dựng nên sắc hồng

Nở rồi, trông dễ như không

Một vùng sáng đọng, một vùng hương bay.

Tụ, tan màu sắc một ngày

Mặt trời hôm, mặt trời mai ngoảnh cười

Bắt đầu từ rễ em ơi!

(Chế Lan Viên, Rễ … hoa)

Đọc hiểu Rễ sâu ai biết là hoa hay nhất

 

Mục lục nội dung Đọc hiểu Rễ sâu ai biết là hoa - Đề số 1Đọc hiểu Rễ sâu ai biết là hoa - Đề số 2Đọc hiểu Rễ sâu ai biết là hoa - Đề số 3

Đọc hiểu Rễ sâu ai biết là hoa - Đề số 1

Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Để tạo nên hoa, hình tượng rễ trong bài thơ đã phải trải qua những gì? 

Câu 3. Qua sự nhọc nhằn của rễ, bài thơ gợi nhớ tình cảm đạo lí gì? 

Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về lời khuyên nhủ “Bắt đầu từ rễ em ơi!”? (Trả lời bằng một đoạn văn từ 5 – 10 câu) 

Trả lời:

1/ Thể thơ lục bát.

2/ Để làm ra hoa, rễ đã phải: xoắn đau núm ruột, chắt chiu từng giọt, uống từng giọt nước đời quên, ăn từng thớ  đá.

3/ Bài thơ gợi nhớ tình cảm đạo lí “uống nước nhớ nguồn”. (Thí sinh có thể diễn đạt theo những cách khác như: ơn nghĩa, biết ơn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây,…).

4/ Bày tỏ được suy nghĩ; diễn đạt rõ ràng, thuyết phục về ý nghĩa lời khuyên trong câu cuối bài thơ.

Gợi ý: “Bắt đầu từ rễ em ơi!”? nhắc nhớ con người về nguồn cội, nhắn gửi thông điệp về lối sống nghĩa tình, chung thủy, biết ơn nguồn cội.

Đọc hiểu Rễ sâu ai biết là hoa - Đề số 2

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính?

Câu 2. Biện pháp tu từ chính được sử dụng khi xây dựng hình tượng rễ

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa trong câu sau: 

Rễ sâu ai biết là hoa

Xoắn đau núm ruột làm ra nụ cười.

Câu 4. Tác giả bài thơ cho rằng: hoa, nụ cười, sắc hồng, ánh sáng, hương vị… được bắt đầu từ rễ. Em có đồng ý không? Vì sao

Trả lời:

Câu 1.

- Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

Câu 2.

- Biện pháp tu từ: nhân hóa

Câu 3. Tác dụng:

Tăng hiệu quả cho sự diễn đạt, giúp câu thơ trở nên hấp dẫn hơn

Không chỉ vậy sử dụng hình ảnh nhân hóa Xoắn đau núm ruột tác giả đã khắc họa cho người đọc thấy rõ, để làm nên vẻ đẹp rạng rỡ của hoa, để làm ra nụ cười rễ đã vô cùng cực nhọc, vất vả. Từ đó đề cao, khẳng định sự hi sinh của rễ.

Câu 4. Đồng ý với ý kiến của tác giả

Vì khởi nguyên của hoa, nụ cười, sắc hồng, ánh sáng, hương vị… đều được chắt chiu từ rễ. Chúng được rễ chăm sóc, nuôi nấng một cách thầm lặng, bền bĩ để những hoa hương kia có thể tỏa rạng sắc đẹp.

Đọc hiểu Rễ sâu ai biết là hoa - Đề số 3

Câu 1. Bài thơ trên viết theo thể thơ nào?

Trả lời

Bài thơ viết theo thể thơ lục bát.

Câu 2. Biện pháp tu từ nào được tác giả sử dụng nhiều lần nhất để khắc họa quá trình cây sinh thành một bông hoa? Hãy chỉ ra 5 từ ngữ hoặc hình ảnh giúp em kết luận tác giả sử dụng biện pháp tu từ đó.

Trả lời

- Biện pháp tu từ được dùng phổ biến nhất trong bài thơ là nhân hóa.

- Các từ ngữ hoặc hình ảnh:

+ "Rễ sâu ai biết là hoa" (ẩn dụ và nhân hóa)

+ "Xoắn đau núm ruột làm ra nụ cười" (nhân hóa)

+ "Im trong lòng đất rối bời" (nhân hóa)

+ "Chắt chiu từng giọt, từng lời lặng im" (nhân hóa)

+ "Uống từng giọt nước đời quên" (nhân hóa)

Câu 3. Bài thơ gợi cho người đọc nhiều ý nghĩa khác nhau của hình ảnh hoa. Nếu xem hoa là biểu tượng của cái đẹp, theo em, đoạn thơ thứ nhất gợi thông điệp gì về quá trình con người tạo sinh cái đẹp?

Trả lời

Đoạn thơ thứ nhất gợi thông điệp rằng cái đẹp không bao giờ tự nhiên hay dễ dàng mà có được. Nó đòi hỏi một quá trình phấn đấu dài và cả sự khổ luyện đau đớn, một sự cống hiến thầm lặng và sự chăm chỉ, kiên trì từ những điều tưởng chừng như vô hình và khó khăn nhất. Quá trình đó giống như rễ cây phải xoắn đau, chắt chiu từng giọt nước dưới từng thớ đá ở tầng sâu để tạo ra một bông hoa tươi đẹp.

Câu 4. Em hiểu câu thơ sau thể hiện cách ứng xử phổ biến nào của con người với hoa nói riêng và cái đẹp nói chung?

Nở rồi, trông dễ như khôngMột vùng sáng đọng, một vùng hương bay.Tụ, tan màu sắc một ngàyMặt trời hôm, mặt trời mai ngoảnh cười

Trả lời

Cách ứng xử phổ biến: Con người thường xem nhẹ và không nhận ra giá trị thực sự của cái đẹp và những nỗ lực đã tạo ra nó. Nhất là, cái đẹp nào cũng có số phận mong manh, giống như hoa nào cũng chịu quy luật sớm nở, tối tàn. Nhưng khi cái đẹp hiện diện, con người dễ dàng bỏ qua công sức và sự hi sinh đằng sau nó, chỉ tận hưởng và thán phục cái đẹp bề ngoài mà không suy nghĩ sâu xa về quá trình tạo nên.

Câu 5. Từ nghịch lí giữa quá trình tạo sinh một bông hoa và cách ứng xử thông thường của con người với cái đẹp, em hiểu nội dung lời đề nghị của nhân vật trữ tình trong câu thơ kết là gì? 

Trả lời

Nội dung lời đề nghị: Lời đề nghị này khuyên chúng ta hãy trân trọng và nhận thức sâu sắc về những gì làm nên cái đẹp. Hãy hiểu rằng cái đẹp không tự nhiên mà có, mà bắt đầu từ những điều cơ bản, những nỗ lực, hi sinh và cống hiến âm thầm. Hãy đánh giá và tôn trọng cái đẹp từ gốc rễ, từ những gì đã xây dựng nên nó.

Từ khóa » Hoa Và Rễ