Đọc Hiểu Và Phân Tích Bài Ca Dao Trèo Lên Cây Bưởi Hái Hoa

Đọc hiểu bài cao dao Trèo lên cây bưởi hái hoa

Trèo lên cây bưởi hái hoaBước xuống vườn cà hái nụ tầm xuânNụ tầm xuân nở ra xanh biếcEm lấy chồng rồi anh tiếc lắm thayBa đồng một mớ trầu caySao anh chẳng hỏi những ngày còn khôngBây giờ em đã có chồngNhư chim vào lồng như cá cắn câuCá cắn câu biết đâu mà gỡChim vào lồng biết thủa nào ra

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ và thể thơ của văn bản. 

=> Phong cách nghệ thuật và thể thơ lục bát. 

Câu 2: Văn bản trên sử dụng các phương thức biểu đạt nào?

=> Phương thức biểu đạt tự sự, biểu cảm, miêu tả. 

Câu 3: Nêu nội dung chính của văn bản.

=> Lời than vãn của chàng trai về việc cô gái đã đi lấy chồng. Lời trách móc của cô gái vì chàng trai quá chậm trễ trong việc bày tỏ tình cảm với cô.

Câu 4. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong hai câu sau:Bây giờ em đã có chồngNhư chim vào lồng như cá cắn câu

=> Biện pháp tu từ so sánh “như chim vào lồng, như cá cắn câu”.

Tác dụng: diễn tả cuộc sống hôn nhân của những người phụ nữ. Trước và sau khi ấy chồng thì họ vẫn hoàn toàn mất tự do như cá bị cắn câu và chim chui vào lồng, không thể tự quyết định số phận và cuộc sống của bản thân

Câu 5. Tâm trạng của chàng trai trong bài ca dao.

=> Tâm trạng của chàng trai là tình cảm thương nhớ, xót xa và tình cảm tha thiết đau khổ khi người con gái mình yêu đã đi lấy chồng

Câu 6. Nêu suy nghĩ của anh/ chị về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ?

=> Thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũ vô cùng bé nhỏ, là những người thấp cổ bé họng chỉ như con sâu con kiến mà thôi. Họ là những người có địa vị xã hội thấp nhất trong xã hội xưa, không thể quyết định hạnh phúc của cuộc đời mình, hoàn toàn phải phụ thuộc vào người khác.

Phân tích ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa – Bài 1

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh không hỏi những ngày còn không”.

“Miếng trầu” là cách nói hoán dụ lấy một bộ phận chỉ toàn thể, một cuộc lễ hỏi có ý nhắn nhủ, với thái độ nhún nhường nhằm trách nhẹ chàng trai. Với em thì dễ dàng thôi mà, sao chàng không sớm mạnh bạo tỏ lời ý ấy trong cảnh này làm dịu đi nỗi lòng đang cháy lên bao nhớ tiếc của chàng trai. Duyên dáng và nhân hậu biết nhường nào.

Nhân hậu ngay trong một nghịch cảnh đã không thể khác, không thể lấy lại được rồi: Cô gái đã ngầm ý để rồi truyền báo một sự thật:

“Bây giờ em đã có chồng”

Về mặt lý, đến đấy đã có thể dừng lời. Vì trong cuộc gặp gỡ muộn mằn này, nỗi lòng phía chàng và cảnh ngộ hiện tại phía em dã trình bày tròn ý, cạn lời, đột ngột ở đây có làm cháy thêm nỗi tiếc thương, day dứt của chàng trong khung cảnh rạo rực bồi hồi? Bởi thế cần phải tiếp lời mới mong giãi bày hết lòng mình.

“Như chim vào lồng như cá cắn câu

Cá Cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra”

Hình ảnh so sánh có ý nghĩa ẩn dụ “chim vào lồng, cá cắn câu” đã cụ thể hóa hoàn cảnh thực tại của cô gái. Nhưng không phải là lời than thở, ngậm ngùi đầy vơi nước mắt. Cùng với lối điệp câu, những hình ảnh ấy chỉ khẳng định một tình thế không thể đổi khác và cũng có ý khéo léo chối từ.

Vả chăng, cô gái còn có ý này. Cô gái dường như chủ động khi nói về hạnh phúc của mình. Hình ảnh “chim lồng”, “cá chậu” không có ý nghĩa về sự tù túng bế tắc mà chỉ có ý nghĩa về tương ứng hoặc về một sự ổn định – Chim dã có nơi chốn có chủ, cá đã cắn mồi – đã có người câu, như phận em nay gái đã có chồng!

Phân tích ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa – Bài 2

– Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em đã có chồng anh tiếc lắm thay

– Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không

Bây giờ em đã có chồng

Như chim vào lồng như cá cắn câu

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra?

Rất nhẹ nhàng, tinh tế nhưng cũng thật nặng trĩu tâm sự nuối tiếc xót xa. Bài ca dao với năm cặp lục bát ngắn gọn, nhưng lại là một câu chuyện dài về một tình yêu dang dở, với những nỗi khổ đau, nuối tiếc trong tình cảnh éo le của những con người trong cuộc.

Nhân vật trữ tình xuất hiện trong bài ca dao là chàng trai và cô gái. Bài ca dao là tình cảnh và tâm trạng thực tại, có lẽ là kết quả của một “tiền giả định” mà tác giả dân gian không muốn nói đến trong bài ca dao. Ở đây, có thể có ba giả thiết về “tiền giả định” đó. Có thể là chàng trai và cô gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau; cũng có thể là chàng trai thầm yêu cô gái nhưng chưa có dịp thổ lộ thì cô gái đã đi lấy chồng; và cũng có thể chàng trai và cô gái gặp nhau, mến nhau nhưng đã muộn màng. Dù hiểu theo cách nào thì bài ca dao cũng có cái lý riêng của nó nhưng phù hợp nhất có lẽ là giả thiết thứ nhất. Chàng trai và cô gái yêu nhau nhưng vì một lý do nào đó mà họ không lấy được nhau, cô gái phải đi lấy chồng.

Bài ca dao như là một sự tương ngộ của những “người xưa” và “tình xưa” trong sự buồn đau, nối tiếc muộn màng.

Bốn câu đầu là lời của chàng trai:

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em đã có chồng anh tiếc lắm thay

Đọc bốn câu ca dao trên ta nghe vang vọng đâu đây cái âm hưởng của những câu ca dao:

…Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở

Anh đến bến đò đò đã sang sông

Anh đến tìm em thì em đã có chồng…

Cũng là “hoa” đã nở, cũng là “em” đã lấy chồng, cũng là chỉ còn lại mình “anh” bơ vơ trong nỗi cô đơn tuyệt vọng. Nhưng tâm trạng của chàng trai trong ba câu ca dao này là một tâm trạng cụ thể, xác định về một sự gặp gỡ muộn màng. Còn tâm trạng chàng trai trong bài ca dao của chúng ta thì lại là tâm trạng của một người đã yêu và được yêu nhưng phải xót xa nhìn cảnh “người yêu đi lấy chồng”. Vì thế tâm trạng ấy càng đau khổ và xót xa hơn.

Những câu thơ đọc lên ta cảm giác có cái gì đó rất vô lý. Tại sao lại trèo lên cây bưởi mà hái hoa? rồi lại bước một cách dễ dàng xuống vườn cà? giữa vườn cà lại có nụ tầm xuân? Và nghịch lý hơn nữa là nụ tầm xuân lại có màu xanh biếc!

Nhưng cái hay, cái độc đáo của bài ca dao là ở chỗ đó. Từ cái tưởng chừng như vô lý nhưng lại trở nên rất hợp lý. Nó vô lý bởi lẽ tự nhiên nhưng lại hợp lý với lòng người. Dường như cái hành động “trèo lên”, “bước xuống” ấy là hành động của vô thức, thể hiện tâm trạng rối bời của chàng trai. Và cái sắc màu “xanh biếc” ấy không còn là sắc màu thật nữa mà đó là sắc màu của ảo giác, sắc màu của tâm trạng. Nó không còn là sắc hồng thắm thiết của những tâm trạng đang yêu, mà giờ đây tất cả như đã biến sắc đổi hình.

Cách gieo vần trắc (“iếc” – biếc/tiếc) như xoáy sâu vào sự nối tiếc muộn màng của chàng trai, và sự đau khổ đến tột cùng.

Nếu như bốn câu đầu là lời của chàng trai, là tâm trạng rối bời, nối tiếc thì bốn câu cuối là lời của cô gái với sự trách móc về sự chậm trễ và thiếu chủ động của chàng trai.

“Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không”

Cách sử biện pháp đối lập các cụm từ “ba đồng”, “một mớ”rất độc đáo. “Ba đồng” thì đã rõ, nhưng còn “một mớ” là bao nhiêu thì không xác định, chỉ biết rằng đó là một số lượng rất nhiều. Thông qua sự đối lập ấy, tác giả cho ta thấy giá trầu không càng rẻ thì lỗi của chàng trai càng lớn. Tuy nhiên, sự tinh tế của câu ca dao không phải là nói chuyện trầu mà là chuyện chàng trai nghèo, không đủ bản lĩnh để hỏi cưới nàng về làm vợ, khi mà người con gái không tự quyết được hôn nhân của mình.

Thông thường ca dao khi nói đến sự đau khổ trong tình yêu, thì nói đến sự phụ tình bạc ngĩa.

“Trách người quân tử bạc tình

Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao”

Hay:                       

 “Anh tưởng giếng nước sâu

Anh nối sợi gầu dài

Ai ngờ giếng cạn

Anh tiếc hoài sợi dây”

Và có khi là:              

“Tiếc công anh xe chỉ uốn cần

Bởi chưng biển động con cá lồng ra khơi”

Nhưng không hề có chuyện phụ tình trong bài ca dao này. Bởi vậy ta càng quý trọng biết bao nhiêu những tình yêu thủy chung, son sắt. Như vậy mặc dù không lấy được nhau, nhưng trái tim họ thấu hiểu và cảm thông cho nhau.

Hai hình ảnh so sánh: Như chim vào lồng; như cá cắn câu được sử dụng vừa lặp lại, vừa đảo ngược như nhấn mạnh sự tù túng, bế tắc không thể thay đổi được nữa. Sự thực hiện tại là cô gái đã có chồng và cô phải làm trọn cái bổn phận làm vợ, làm mẹ của mình.

Câu hỏi: “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/ Chim vào lồng biết thuở nào ra?”  thốt lên như một sự phản kháng, bất lực vì đã bị ràng buộc trong nghĩa vụ với gia đình. Phải chăng đó cũng là sự hy sinh thầm lặng của cô gái ? Về phương diện này, bài ca dao thể hiện được một  khát vọng mãnh liệt về tình yêu chân chính. Đó cũng là lời tố cáo mãnh liệt những ràng buộc khắt khe của chế độ phong kiến.

Từ tâm trạng rối bời, nối tiếc của chàng trai và sự khổ đau trước thực tại trái ngang của cô gái. Bài ca dao kết thúc bằng một câu hỏi bỏ ngỏ, dở dang như chính cuộc tình của chàng trai và cô gái vậy.

Bài ca dao kết thúc với biết bao dư vị xốn xang. Tôi thiết nghĩ: Giá như tất cả những mũi tên của thần Eros chỉ nằm ở túi bên phải và giá như tất cả mọi người trên thế gian này đều được “trúng thương” bởi mũi tên của thần Eros và có được một tình yêu ngọt ngào và hạnh phúc. Nhưng dường như cuộc sống là vậy: Có đau khổ mới có hạnh phúc, có xót xa nuối tiếc ta mới quý trọng hơn những điều ta có hôm nay.

Trèo lên cây bưởi hái hoa là bài ca dao hay và đầy cảm xúc, hy vọng với lời giải chi tiết ở trên đã giúp các bạn hiểu hơn về bài ca dao này.

Từ khóa » Một Mớ Trầu Cay