Đọc Hiểu Văn Bản "Từ ấy" (Tố Hữu)

»» Nội dung bài viết:

  • 1. Niềm vui lớn khi bắt gặp lý tưởng cộng sản (khổ thơ 1).
  • 2. Lẽ sống lớn của người chiến sĩ cách mạng (khổ thơ 2).
  • 3. Tình cảm lớn đối với nhân dân (khổ thơ 3).

Đọc – hiểu văn bản:

Từ ấy (Tố Hữu)

I. Tìm hiểu chung.

1. Tác giả.

– Tố Hữu (1920 – 2002), quê tỉnh  Thừa Thiên – Huế là “lá cờ đầu của thơ ca cách mạng” Việt Nam hiện đại.Thơ ông là sự kết hợp hài hòa giữa chất trữ tình và chính trị, thể hiện lẽ sống, lý tưởng, tình cảm cách mạng của con người VN hiện đại nhưng mang đậm chất dân tộc truyền thống.

2. Tác phẩm.

– Hoàn cảnh sáng tác: Được sáng tác vào 7/1938, in trong tập “Từ ấy”, tập thơ đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, có ý nghĩa mở đầu cho con đường cách mạng, con đường thi ca của Tố Hữu.

– Bố cục: 3 phần

+ Khổ 1: Niềm vui sướng mãnh liệt của nhà thơ khi gặp ánh sáng lí tưởng. (Niềm vui lớn)

+ Khổ 2: Nhận thức mới về lẽ sống. (Lẽ sống lớn)

+ Khổ 3: Chuyển biến sâu sắc trong tình cảm. (Tình cảm lớn).

III. Đọc hiểu văn bản:

1. Niềm vui lớn khi bắt gặp lý tưởng cộng sản (khổ thơ 1).

– Hai câu đầu:

+ “Từ ấy'” Thời điểm nhà thơ được giác ngộ lí tưởng cách mạng – được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương tranh đấu cho lí tưởng cách mạng. Đâu là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời cách mạng và đời thơ Tố Hữu.

+ Hình ảnh ẩn dụ: “Nắng hạ”, “mặt trời chân lý” (Mặt trời gợi lên nguồn sáng ấm nóng, rực rỡ, bất diệt. Nắng hạ mãnh liệt, dồi dào) → lí tưởng cách mạng vĩnh viễn, cần thiết như mặt trời, đúng đắn như chân lí.

+ Động từ mạnh “bừng”, “chói”: Nhấn mạnh ánh sáng của lí tưởng đã mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng, tình cảm, như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ (ảnh hưởng lớn lao).

– Hai câu sau:

+ Cụ thể hóa tác động của ánh sáng, lí tưởng. Bút pháp trữ tình lãng mạn, hình ảnh liên tưởng so sánh rất gần gũi, thân quen: Tâm hồn (niềm vui) – vườn hoa lá (xanh tươi, đầy hương thơm, âm thanh tiếng chim rộn rã): Tố Hữu sung sướng đón nhận lí tưởng như cỏ cây, hoa lá đón ánh sáng mặt trời.

→ Thể hiện vẻ đẹp và sức sống mới của tâm hồn cũng là hồn thơ của Tố Hữu.

2. Lẽ sống lớn của người chiến sĩ cách mạng (khổ thơ 2).

– “Buộc”: Tác giả khẳng định ý thức tự nguyện và quyết tâm vượt qua giới hạn của “cái tôi’ cá nhân để sống chan hòa cùng mọi người với “cái ta” chung.

– “Trang trải”: tâm hồn nhà thơ trải rộng với cuộc đời, đồng cảm sâu xa với từng hoàn cảnh con người cụ thể

– “Hồn tôi …. hồn khổ”: Tình cảm  giai cấp, sự quan tâm đặc biệt đến quần chúng lao khổ.

– “Gần…đời”: Đông đảo người cùng chung cảnh ngộ, đoàn kết với nhau vì mục tiêu chung.

– Điệp từ “để” tạo nhịp thơ dồn dập, thôi thúc, hăm hở, diễn tả tình yêu thương con người của Tố Hữu không phải là thứ tình thương chung chung mà là tình cảm hữu ái giai cấp: Sự đồng cảm, chia sẻ, yêu thương ® Sức mạnh của tình đoàn kết.

3. Tình cảm lớn đối với nhân dân (khổ thơ 3).

– Điệp từ “là” + “Con”, “em”, “anh”, “vạn”: Khẳng định một tình cảm gia đình thật đầm ấm, thân thiết.

– Nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc bản thân mình là một thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ. Tác giả đặc biệt quan tâm tới những “kiếp phôi pha” , những em nhỏ không áo cơm .

→ Lòng căm giận trước bao bất công, ngang trái của xã hội cũ, Tố Hữu sẽ hăng say hoạt động Cách mạng .

III. Tổng kết.

1. Nội dung:

– “Từ ấy” đã đánh dấu bước ngoặt trưởng thành vô cùng lớn lao của nhà thơ Tố Hữu trên chặng đường Cách mạng. Nó là tiếng reo mừng, sung sướng của một người thanh niên trẻ khi tìm được đường đi cho mình để từ đó, quyết tâm đem sức mình cống hiến cho Tổ quốc, đó là tấm gương để lớp trẻ chúng ta noi theo.

2.Nghệ thuật:

– Bài thơ giàu nhạc điệu (cách ngắt nhịp thay đổi liên tục theo cảm xúc, vẫn có sức ngân vang).

– Các biện pháp tu từ gợi cảm: ẩn dụ, so sánh, điệp ngữ.

– Hình ảnh tươi sáng, rực rỡ.

– Giọng thơ ngọt ngào, tâm tình mà đậm chất trữ tình chính trị.

BÀI TẬP VẬN DỤNG.

Câu 1: .Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, Mặt trời chân lí chói qua tim. Hồn tôi là một vườn hoa lá, Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

(Trích Từ ấy, Tố Hữu, Tr 44, SGK Ngữ văn 11,Tập II, NXBGD 2007)

1/ Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên?

2/ Đoạn thơ được viết theo phương thức biểu đạt nào?

3/ Xác định biện pháp tu từ về từ trong đoạn thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó

Câu 2: Qua đoạn thơ 1 của bài thơ Từ ấy, viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng một bộ phận giới trẻ sống xa rời lí tưởng, thực dụng trong cuộc sống hôm nay.

Dàn bài phân tích bài thơ “Từ ấy”.

  • Mở bài:

– Tố Hữu (1920 – 2002) là một nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nma thế kỷ XX. Ông được xem là lá cờ đầu của thi ca cách mạng Việt Nam. Với Tố Hữu lí tưởng đấu tranh cách mạng là lẽ sống và cũng là nguồn cảm hướng vô tận của thi ca. Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình – chính trị, gắn bó và phản ánh chân thực những chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hi sinh và những chiến công. Thể hiện lẽ sống, lí tưởng, tình cảm cách mạng của người Việt Nam hiện đại. Thơ ông có sự hòa quyện giữa chất trữ tình chí trị ở nội dung và tính dân tộc đậm đà trong nghệ thuật. Bài thơ “Từ ấy”. Bài thơ nằm trong phần “Máu lửa” của tập thơ “Từ ấy”. Tác phẩm là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản

  • Thân bài:

1. Niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng của Đảng (Khổ thơ 1):

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lý chói qua tim Hồn tôi là một vườn hoa lá Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”

– “Từ ấy”: khi tác giả được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được phấn đấu vì lí tưởng cách mạng, là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nhà thơ.

– “bừng”, “chói” → sự ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ của lí tưởng cách mạng đối với tác giả.

– Ẩn dụ: “nắng hạ”, “mặt trời chân lí”, “chói qua tim” → khẳng định lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ, niềm vui sướng, hạnh phúc khi bắt gặp lí tưởng của Đảng → Khẳng định lí tưởng cộng sản như một nguồn sáng mới làm bừng sáng cả trí tuệ và tâm hồn nhà thơ.

– So sánh – ẩn dụ: “hồn tôi” – “vườn hoa lá” (đậm hương, rộn tiếng chim) → Diễn tả tâm hồn tràn ngập niềm vui sướng, say mê, nồng nhiệt của nhà thơ khi bắt gặp lí tưởng mới.

→ Bút pháp trữ tình lãng mạn kết hợp hình ảnh so sánh, ẩn dụ đã diễn tả cụ thể niềm vui sướng, say mê của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản.

2. Nhận thức mới về lẽ sống (Khổ thơ 2):

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người Để tình trang trải với trăm nơi Để hồn tôi với bao hồn khổ Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”.

– Lẽ sống mới của Tố Hữu được thể hiện qua những từ ngữ đặc sắc, có tác dụng gắn kết như: “Buộc, trang trải, gần gũi,  khối đời”.

+ “Buộc” : buộc chặt, gắn bó với mọi người, (tự nguyện trói buộc mình) ý thức tự nguyện, quyết tâm gắn kết cao độ  → ý thức quyết tâm cao độ muốn thoát khỏi giới hạn của “cái tôi” cá nhân để hướng vào cộng đồng.

+ “Trang trải”:  trải rộng tâm hồn với cuộc đời, ý thức đồng cảm sâu sắc

+ “Gần gũi”: Gần nhau về quan hệ tinh thần, tình cảm, đó là sự gắn bó ruột thịt.

+ Trăm nơi: hoán dụ chỉ mọi người sống ở mọi nơi.

+“Khối đời” : Hình ảnh ẩn dụ, chỉ một khối người đông đảo, cùng chung cảnh ngộ cùng chung lí tưởng, đoàn kết chặt chẽ, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung. Đó là sức mạnh của tập thể nhân dân.

– Điệp từ “để”: mục đích của việc gắn kết cái tôi và cái ta, tạo nhịp thơ dồn dập, thôi thúc, hăm hở.

– Từ “với” tạo mối liên kết chặt chẽ với nhân dân.

→ Lẽ sống mới được đặt ra ở đây là “cái tôi” hòa vào “cái ta”; mối quan hệ hài hòa giữa riêng – chung, cá nhân – cộng đồng. Đó là mối quan hệ đoàn kết gắn bó, tạo ra sức mạnh trong cuộc đấu tranh cách mạng.

– Sự gắn bó tự nguyện, hài hòa giữa cái tôi cá nhân với cái ta chung của xã hội, đặc biệt là những người lao động nghèo khổ: Lòng tôi – mọi người, tình – trang trải trăm nơi, hồn tôi – với bao hồn khổ

→ Nhà thơ đã đặt mình vào giữa cuộc đời rộng lớn của quần chúng lao khổ. Ở đó, Tố Hữu đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng tình cảm mến yêu của trái tim nhân ái. Trước khi bắt gặp lí tưởng cộng sản tâm hồn nhà thơ thu vào cái tôi cô đơn, sầu buồn, bế tắc như bao nhà thơ cùng thời. Từ khi bắt gặp lí tưởng tâm hồn nhà thơ thay đổi diệu kì: nhà thơ hòa vào khối đời chung vào cuộc sống của những người lao khổ để cùng phấn đấu vì lí tưởng cao cả. Ông tự nguyện gắn kết đời mình với mọi người, với trăm nơi, với bao hồn khổ. Đó là sự gắn kết ấy mới máu thịt, thiết tha bằng cả tấm lòng, cả tâm hồn, cả trái tim, gắn kết để sẻ chia, tạo nên sức mạnh lớn lao, tạo nên khối đại đoàn kết vì độc lập tự do của dân tộc. Hàng loạt điệp từ, điệp cấu trúc khiến lời thơ rắn rỏi như lời thề thiêng liêng.

3. Sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm (Khổ thơ 3):

“Tôi đã là con của vạn nhà Là anh của vạn kiếp phôi pha Là anh của vạn đầu em nhỏ Không áo cơm, cù bất cù bơ”

– “Tôi đã là…” → cấu trúc khẳng định rõ ràng nhận thức của tác giả về vị thế của mình  trong gia đình lớn, khẳng định ý thức tự giác, chắc chắn, vững vàng của tác giả.

+ Điệp từ  “là” : mang tính khẳng định, định nghĩa mối quan hệ giữa cái tôi và cái ta.

+ Số từ ước lệ “vạn”: → Đông đảo quần chúng nhân dân lao khổ.

+ Điệp từ của: đặt mình vào mọi người, thuộc về mọi người

+ Cách xưng hô ruột thịt: “con, em, anh”: khẳng định tình cảm đầm ấm, thân thiết, ruột thịt.

 – Từ ngữ biểu cảm: “kiếp phôi pha, cù bất cù bơ”: Tấm lòng đồng cảm, xót thương tới những kiếp người đau khổ, bất hạnh, những con người lao động vất vả.

→ Đây là tình cảm mới mẻ và cao đẹp của một chiến sĩ cách mạng, một nhà thơ cách mạng. Khổ thơ nhấn mạnh và khẳng định một tình cảm gia đình đầm ấm, thân thiết, gắn bó ruột thịt. Đó là  sự cảm nhận sâu sắc mình là thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ, là sự biểu hiện xúc động, chân thành khi nói về những kiếp người bất hạnh, dãi dầu sương gió.

* Bình luận:

– Tự nhận mình là con, là anh, là em, là anh của vạn nhà, vạn kiếp phôi pha, vạn đầu em nhỏ, Tố Hữu đã trở thành thành viên của đại gia đình – quần chúng nhân dân lao động. Dưới lý tưởng cách mạng, tình cảm giai cấp bỗng chốc đầm ấm, thân thương như tình cảm gia đình. Hàng loạt các điệp từ là, của kết hợp chặt chẽ với lặp cấu trúc ngữ pháp thể hiện sự sâu sắc, bền chặt trong tình cảm nhà thơ với quần chúng nhân dân lao động. Dấu ba chấm cuối bài thơ như sự kết đọng bao cảm xúc sâu lắng, tha thiết, mạnh mẽ.

  • Kết bài:

– Bài thơ với những hình ảnh tươi sáng, giàu ý nghĩa tượng trưng; ngôn ngữ gợi cảm, giàu nhạc điệu; giọng thơ sảng khoái; nhịp thơ hăm hở, cách dùng hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo; cách nói trực tiếp khẳng định, giọng điệu chân thành, cảm xúc hồ hởi, náo nức đã nêu bật một quan niệm mới mẻ và nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa cá nhân và quần chúng lao khổ. Bài thơ thể hiện sâu sắc niềm vui sướng của nhà thơ khi đuợc đón nhận lí tưởng cộng sản, những nhận thức mới về lẽ sống cũng như những chuyển biến trong nhận thức và hành động của Tố Hữu.

Cảm nhận hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ Từ ấy

Từ khóa » đọc Hiểu Từ ấy Moon