Đọc Kỹ Hướng Dẫn Sử Dụng Trước Khi Dùng - Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Lạ một điều là cái câu dặn dò quan trọng thế nhưng cứ mỗi lần đến câu này, thế nào người ta (tức người đọc lồng giọng quảng cáo) cũng nói thật nhanh, nhanh đến mức ai đua giọng đọc theo dễ chừng líu lưỡi. Rất có thể sẽ là “Đọc kỹ hướng dũng sự giận trước khi dùng”.

Phóng to
Minh họa: Đỗ Trung Quân

Dùng thuốc liên quan đến sức khỏe, tính mệnh… nên dặn dò như thế là điều tất nhiên. Đọc không kỹ dễ tiêu đời như chơi. Không tiêu đời thì cũng phát sinh hệ lụy khác, nhẹ nhất là bệnh nọ xọ bệnh kia.

Ấy vậy chứ bà con ta phần nhiều không thèm đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Không đi khám bác sĩ kê toa đã đành, còn tự ra tiệm thuốc tây, giắt lưng một ít kinh nghiệm tự điều trị hoặc dăm lời khuyên của người khác, kiểu “tui bị y chang vậy đó, uống thuốc này, siro kia hay lắm”. Thuốc xanh thuốc đỏ được mấy cô bán bỏ chung vào từng túi nilông, kèm lời dặn (có thể có hoặc không) ngày uống mấy bữa, xem như đủ. Cứ yên tâm mình thuộc dạng không là trẻ nhỏ, chẳng phải phụ nữ mang thai… rồi uống thuốc đơn giản như ăn kẹo.

Với sức khỏe của tấm thân duy nhất mà người ta còn chủ quan là vậy, chả trách hèn gì trong lắm thứ khác người ta sẵn sàng bất chấp những khuyến cáo.

Ví dụ như chuyện giỡn với số, chơi với mạng, diễn dịch rõ ràng là mạng Internet, thế giới số. Lang thang mạng xã hội mà coi, khoe hình mới chụp, kèm cả đầy đủ thông tin cá nhân, từ ngày sinh tháng đẻ, trường học phổ thông tới vợ đẹp con khôn thế nào, mần việc cơ quan đơn vị ra sao... Toàn những điều mà người ta nói rồi, cẩn thận, cẩn thận, coi chừng bị lợi dụng... Lạ là chẳng mấy ai thèm nghe.

Thông tin mình mình khoe cứ cho là có chơi có chịu đi, ngặt nỗi còn đưa cả hình lẫn thông tin của bạn bè lên mà không thèm xin phép. Cẩn tắc vô áy náy, nhưng không mấy ai nghĩ/nhớ thế, nhún vai tự nhủ “trời kêu ai nấy dạ”, ai bị bọn xấu lợi dụng chuyện lộ thông tin này kia thì ráng chịu, chắc không đến phiên ta. Cũng kiểu tự uống thuốc có mệnh hệ gì thì chẳng qua do xui ấy mà.

Rồi ngặt nỗi, clip quay cảnh ta ôm hôn một em trong công ty (kiểu giỡn anh em với nhau hay trong phút bốc đồng cá độ), rồi bài hát ta chế trong dịp sinh nhật bạn (nên lời lẽ có phần bốc phét, thô tục chút để tỏ cái sự riêng tư thân thiết), ai ngờ bạn ta hồn nhiên quăng lên mạng cho vui, đặng chuyền tay nhau cho dễ. Vui đâu chưa thấy, thiên hạ vô “ném đá” rào rào, nóng cả mặt.

Chuyện trên mạng mau chóng rớt ra ngoài mạng, để người nhìn ta thế này, kẻ nhận xét ta thế kia. Cái nhấp chuột gửi đi trong một tích tắc tinh quái đùa nghịch, theo cái tốc độ lan truyền kinh khủng của mạng, ai ngờ lại có thể trút lên đời ta bao nhiêu khổ ải, để lại vô vàn hệ lụy. Mọi thứ đã ngoài tầm kiểm soát chỉ vì quên mất chuyện “đọc kỹ hướng dẫn trước khi post”.

Lại có những chuyện không kém quan trọng, nhưng chẳng ai quan tâm đưa ra hay bắt đưa ra khuyến cáo, nhắc nhở... như chuyện phim ảnh hay sách vở - vốn thường được ví là món ăn, là thuốc bổ tinh thần.

Sách thì dẫu sao cũng có khu vực sách thiếu nhi, vài nhà sách cũng đã bắt đầu in câu “sách này dành cho tuổi 18+”, nhưng phim ảnh, nhất là thứ chiếu trên tivi, đúng giờ vàng cả nhà đang tụ tập thì lắm khi làm ông lên ruột, bà tăngxông, ba mẹ ngượng chín, con mơ màng ngộ độc. Vì những tưởng phim truyền hình không có “cảnh táo bạo”, ai ngờ gần đây tần suất mỗi lúc một cao. Cảnh mát làm ta nóng mặt. Cảnh nóng làm ta muốn mát… dây.

Ức nỗi sao trước lúc chiếu phim không có cảnh báo “hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”, thứ mà thiên hạ đã làm cả chục năm qua, dán nhãn tỉ mỉ nói rõ phim nào dành cho tuổi nào, phim có những cảnh bạo lực, ghê rợn, có trò mạo hiểm không nên bắt chước… Rốt cuộc phải tự trách mình chủ quan, mất cảnh giác để lũ trẻ ngơ ngáo tò mò trước màn hình.

Nhưng ta nào thể cảnh giác quá, hay lăm lăm cấm vận chỉ cho trẻ con xem chương trình thiếu nhi, rồi bắt chúng đi ngủ sớm? “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”, ta lẩm bẩm nhắc mình nhưng ”hướng dẫn sử dụng” đâu rồi nhỉ?

Từ khóa » đọc Kỹ Hướng Dẫn Sử Dụng