Đọc Lại Thơ Xưa để Ngẫm Cho Chính Mình - Công An Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
Người đầu tiên cần nhắc đến là Mãn Giác (1052 - 1096), một Thiền sư đời Lý. Ông chỉ để cho đời duy nhất một bài thơ - một bài kệ - làm trước lúc tịch, nhưng đấy lại là một bài thơ xuân, đan xen cảm hứng với triết luận.
Dưới con mắt Mãn Giác, mùa xuân tượng trưng cho sự "trẻ hóa" - một bước thăng hoa trong chu kỳ đều đặn của vạn vật tuần hoàn. Con người cũng nằm chung trong quy luật ấy. Con người là một sắc tướng hữu hạn, bị chi phối bởi sinh, lão, bệnh, tử, nhưng cũng như muôn vật, nó là một mắt xích nhỏ trong vòng quay tuần hoàn vô tận kia. Vì thế sự sống bao giờ cũng là bất diệt.
Ngay khi đang mấp mé bên bến bờ giữa sống và chết, Mãn Giác vẫn hiểu hơn ai hết rằng cái chết của mình không có nghĩa là chấm hết, mà chỉ là điểm mút của một đột phá, một sự sinh sôi nảy nở lại sẽ khởi đầu. Cũng như mùa xuân lúc đang tàn, tưởng chừng các loài hoa đều rụng sạch, thế mà sau một đêm, sáng ra, một cành mai trước sân bỗng nhiên lại nở rộ:
Xuân ruổi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua/ sân trước/ nở cành mai.
(Theo bản dịch Ngô Tất Tố)
...Tiếp sau Mãn Giác phải nói đến Trần Nhân Tông (1258 - 1308), ông vua anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lẫm liệt của nước ta ở đời Trần. Ông cũng có mấy bài thơ nói về mùa xuân, trong đó, bài để ấn tượng đậm nhất, theo tôi là bài Cảnh xuân (Xuân cảnh).
Một khung cảnh mùa xuân được chấm phá bằng vài nét, không có hoa đào, không có tiếng pháo, không có hội hè tấp nập, chỉ có duy nhất mấy tiếng chim kêu chậm rãi trong bụi liễu đang trổ hoa, có cái hình ảnh động duy nhất của một bóng mây chậm rãi trôi trên bầu trời làm rợp cả thềm nhà, và có sự đối diện giữa hai con người - chủ và khách, cùng để tâm trí vào nơi hư vô - cõi mờ ảo của mây và núi:
Chim nhẩn nha kêu liễu trổ dày,
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây.
(Chúng tôi tạm dịch)
Một cảnh sắc xuân thật đơn sơ, thanh đạm nhưng đã để lại trong tâm trí người đọc muôn ngàn vương vấn. Chủ thể sáng tạo ở đây không dùng đến lý tính mà chỉ bằng trực giác đột ngột gợi thức ta, đưa ta vào cái miên viễn của thời gian và cái mênh mông vô tận của đất trời, trong những phút giây mà cả vũ trụ và con người đều như đang chuyển hóa.
Bài thơ thứ ba là bài Tức cảnh ngày xuân (Xuân nhật tức sự) của Huyền Quang (1251 - 1334), một nhà thơ Thiền chính hiệu, một thi sĩ lớn khác đời Trần. Bài thơ này tuy có mượn lại tứ thơ của nhà thơ Ao Đường Trung Nhân đời Tống, nhưng được Huyền Quang thay đổi về câu chữ, và đó cũng là việc làm thông thường trong phép tắc sáng tạo của người xưa, ngay chính Ao Đường Trung Nhân cũng mượn lại tứ thơ của một nhà thơ trước ông.
Bài thơ chỉ nói đến một khoảnh khắc của cái hiện tại diễn ra trước mắt Huyền Quang: dưới giàn kinh tía khoe sắc có tiếng chim oanh hót líu lo, một trang giai nhân 16 tuổi vô tư ngồi thêu gấm chậm rãi. Chợt nghĩ đến mùa xuân đang trôi qua ngay trước mắt mà mình không nắm giữ lại được, nàng bỗng bồi hồi thương tiếc và chỉ trong giây lát, đường kim đang thêu dở đã dừng ngay lại.
Chính cái giây lát "đốn ngộ" ấy của người đẹp cũng làm thức dậy một tình thương vô hạn ở nhà thơ:
Lỏng tay thêu gấm gái yêu kiều,
Hoa rợp, oanh vàng lảnh lót kêu.
Bao nỗi thương xuân, thương biết mấy,
Là khi không nói chợt dừng thêu.
(Chúng tôi tạm dịch)
Trong một câu thơ có cùng hai chữ thương, chữ "thương" trước là thuộc về người thiếu nữ, chữ "thương" sau là của nhà thơ. Nhưng nhà thơ thương cái giây phút thương xuân của người đẹp cũng chính là đang xác nhận một sự liên thông giữa hai con người - hai cá thể người - bằng mẫn cảm của trực giác - trực giác của người này đánh thức trực giác của người kia - đột nhiên cùng bừng ngộ ra dòng trôi chảy vô tận của thời gian mà trong đấy, cái đẹp chỉ là một thoáng hiện hữu.
Nguyễn Trãi (1380 - 1442) cũng là người làm không ít bài thơ xuân. Ông có cái tâm hồn dạt dào của một người đa tình, ở tuổi xế chiều vẫn yêu một nữ sĩ trẻ trung là Nguyễn Thị Lộ. Cho nên trong thơ xuân của ông, có cái cảm hứng lãng mạn của một Lý Bạch muốn "cầm đuốc chơi đêm" - thắp đuốc lên mà chơi cho hết những giây phút cuối cùng trong cái đêm cuối cùng của chín mươi ngày xuân:
Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,
Những lệ (sợ) xuân qua tuổi tác thêm...
Cầm đuốc chơi đêm này khách nói,
Tiếng chuông chưa gióng ắt còn xuân.
Nhưng bài thơ xuân của ông đọng lâu trong tâm tưởng nhiều thế hệ lại vẫn là bài thơ mang mạch cảm hứng Thiền: bài Bến đò xuân đầu trại (Trại đầu xuân độ). Bài thơ chỉ có 4 câu, phác họa một không gian mơ hồ, ở đấy cỏ xanh lẫn lộn với khói biếc, giữa màn mưa nước sông như vỗ vào nền trời. Và trong cái khung cảnh đều đều, động mà rất tĩnh ấy, có một con thuyền gác đầu ngủ yên trên bãi cát:--PageBreak--
Cỏ xuân đầu bến xanh như khói,
Thêm nữa mưa xuân nước vỗ trời.
Đồng nội vắng teo hành khách ít,
Thuyền kề bãi cát trọn ngày ngơi.
(Theo bản dịch của Phan Võ)
Con thuyền ngủ yên chính là tâm thức Nguyễn Trãi, một Nguyễn Trãi không ngủ nhưng đang tìm thấy sự thảng thích trong việc hòa nhập vào cái vô tâm của tạo hóa.
Đại thi hào Nguyễn Du (1766 - 1820) thường cảm xúc về mùa xuân. Một trong những bài thơ xuân đặc sắc của ông là bài Đêm xuân (Xuân dạ). Cảm hứng Thiền ở bài này không nhiều. Nhưng đây là cảm giác nặng trĩu của một con người ốm, bệnh và hết sức cô độc. Cả bài thơ như phủ bóng tối lên cuộc đời người viết.
Tuy vậy, ở hai câu cuối, nhà thơ bỗng nghe tiếng con sông bên nhà mình đang chảy. Thế là, trong một bừng tỉnh của trí tuệ sâu thẳm, tiếng sóng sông giúp ông nhìn thấy dòng chảy vô tận của thời gian đang ở sát ngay bên cạnh mình, bất chấp và cuốn trôi cả mọi nỗi bất hạnh của mình:
Đêm đen nào thấy ánh dương trong,
Hàng liễu âm thầm đứng trước song.
Ốm liệt giang hồ bao tháng trải,
Xuân về mưa gió suốt đêm ròng.
Lâu năm đất khách đèn chong lệ,
Ngàn dặm quê hương nguyệt dãi lòng.
Ngoài xóm Nam Đoài Long Thủy chảy,
Trôi hoài kim cổ một dòng không.
(Nguyễn Xuân Tảo dịch)
Cũng trong nửa đầu thế kỷ XIX, một tài thơ không kém cạnh Nguyễn Du là Cao Bá Quát (1808 - 1855). Cao là một con người suốt đời đi tìm lẽ sống, một người có ý thức về sự tự do tư tưởng của mình. Ông có một bài Đêm xuân đọc sách (Xuân dạ độc thư), tứ thơ thật lạ. Đêm xuân ngồi đọc sách để tìm lại những mùa xuân xưa nhưng mùa xuân xưa không tìm đâu thấy, trái lại lại thấy dường như mình đang đối diện với người xưa, hay đúng hơn, với thời gian, cái hiện tại của chính mình đang trở thành cũ xưa.
Sau bao nhiêu thất bại ê chề trên trường đời, Cao Bá Quát hiểu cái hữu hạn của khả năng con người, cái vô nghĩa của đời người thoáng chốc. Ông lóe sáng một trực nhận về sự vận động ngược chiều của hai phạm trù không đồng dạng: thời gian thì luôn luôn đi tới, nhưng cuộc sống con người - kiếp người - hóa ra lại đi giật lùi trở lại mà trong sự giật lùi đó, mọi thứ lợi lộc công danh phút chốc đều trở thành hão. Bài thơ cho ta cái dư vị triết lý bàng bạc của một kẻ từ Nho đang đi dần tới Lão, tới Thiền:
Khách nay chẳng thấy xuân xưa nữa,
Thổn thức xuân nay gặp khách xưa.
Nay hóa thành xưa nào mấy chốc,
Hư nhìn ra thực khỏi lầm chưa?
Bao phường danh lợi cơn mưa sáng,
Mấy bậc anh hùng đám bụi mờ.
Tục lụy cười mình chưa dứt được,
Gần đây sách vở quá say sưa.
(Nguyễn Văn Tú dịch)
Nhà thơ cuối cùng mà tôi muốn đề cập trong mạch thơ xuân này là Nguyễn Khuyến (1835-1909). Ông cũng có nhiều bài thơ xuân. Bài thơ được nhớ rất nhiều là bài Chợ Đồng thật ra không phải là một bài thơ Thiền, mà chủ yếu thuộc mạch thơ hồi cố. Phiên chợ Đồng vẫn còn hiện diện đấy nhưng tác giả đã không thể chống gậy đi xem chợ được nữa, cho nên khung cảnh phiên chợ cuối năm được tác giả vẽ ra là một khung cảnh gợi bằng trí nhớ.
Cái không khí ảm đạm của một phiên chợ vào ngày giáp Tết có lẽ bao nhiêu năm trời vẫn thế, nhưng trong cảm quan nghệ thuật Nguyễn Khuyến, một cái gì đã thay đổi, thời của những phiên chợ Đồng xưa đã mất.
Nhà thơ viết nên những dòng thơ tâm trạng, với những câu hỏi buông lửng, những hình ảnh đẹp não nùng, những cặp từ láy gợi nên âm thanh buồn bã về sự rã đám của một phiên chợ chiều, nhất là với cái kết thúc đột ngột bằng một tiếng pháo trúc như khép lại một thời dĩ vãng, cũng là tiếng thở dài của Nguyễn Khuyến về những tập tục quen thuộc của làng quê một đi không trở lại:
Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng,
Năm nay chợ họp có đông không?
Trở trời mưa bụi còn hơi rét,
Nếm rượu tường đền được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.
Dăm ba ngày nữa tin xuân đến,
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.
Mùa xuân đem lại cái mới, đem lại sự hồi sinh cho muôn vật. Nhưng mùa xuân đối với lứa tuổi từng trải còn là sự tự vấn, tự chiêm nghiệm, về những gì đắc thất trong kinh lịch cuộc đời
Từ khóa » Tiếc Xuân Cầm đuốc Mải Chơi đêm đọc Hiểu
-
Văn 11 - Đọc Hiểu | Cộng đồng Học Sinh Việt Nam - HOCMAI Forum
-
Tiếc Xuân Cầm đuốc Mảng Chơi đêm, Những Lệ Xuân Qua Tuổi Tác ...
-
Thơ Tiếc Cảnh Bài 7 (Nguyễn Trãi - 阮廌) - Thi Viện
-
Xuân Tình Như Nguyễn Trãi - Tạp Chí Tia Sáng
-
Chúng Ta Cùng ôn Thi đại Học Môn Văn - Phân Tích Bài Thơ Vội Vàng ...
-
Xuân Tình Như Nguyễn Trãi - Tạp Chí Sông Hương
-
ôn Thi Hk2 Văn 11 | World Languages - Quizizz
-
Thơ Tiếc Cảnh/VII – Wikisource Tiếng Việt
-
Văn Hóa Hưởng Lạc Của Nhà Nho Tài Tử Việt Nam (2): Tiền đề
-
Department Of Literature, University Of Social Sciences And ...
-
Xác Nhận Biện Pháp Tu Từ Của Câu “ Tiếc Xuân Cầm đuốc Mảng Chơi ...
-
Xác định Thể Thơ Của Bài Thơ - Ngữ Văn Lớp 11
-
Bộ 6 đề Thi Tốt Nghiệp Ngữ Văn 2021 - Có đáp án
-
Phiến Sách Ngày Xuân Ngồi Chấm Câu - Văn Học & Nghệ Thuật