ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI - NIỀM TIN ...

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đó thể hiện sự lựa chọn sáng suốt của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả dân tộc Việt Nam, phù hợp với xu hướng của thời đại.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc diễn ra theo nhiều khuynh hướng khác nhau nhưng đều đi đến thất bại, cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đã xuất hiện và tìm ra lời giải đáp cho cách mạng Việt Nam. Qua nghiên cứu, khảo nghiệm các cuộc cách mạng tư sản điển hình trên thế giới nhưng Người đi đến kết luận là các cuộc cách mạng đó đều “không đến nơi” và đó không phải là sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vì, đối với Người, giải phóng dân tộc phải gắn liền với tự do, ấm no và hạnh phúc thật sự cho nhân dân, giải phóng con người một cách triệt để.

Tư tưởng nhân văn ấy, Người đã tìm thấy trong Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, vì Cách mạng Tháng Mười Nga đã giải phóng triệt để con người, là một cuộc cách mạng “đến nơi” một cách thật sự, mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn thể loài người. Từ đó, Người đã lựa chọn cách mạng Việt Nam đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga - con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội theo hệ tư tưởng Mác-Lênin. Người khẳng định: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[1] và “cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”[2].

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã khẳng định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân ta; đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Trong Cương lĩnh thành lập Đảng năm 1930, Đảng ta đã xác định con đường của cách mạng Việt Nam là: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, tức là thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng và từng bước đưa đất nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hai giai đoạn cách mạng này có quan hệ biện chứng với nhau. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải giành được độc lập dân tộc và có đi lên chủ nghĩa xã hội mới giữ vững được độc lập dân tộc và xây dựng được cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được Đảng ta tiếp tục bổ sung, phát triển trong suốt quá trình lãnh đạo của mình. Trong Báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội của Đại hội lần thứ II của Đảng (1951) khẳng định, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam sẽ tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Và, nước Việt Nam sẽ thành một nước xã hội chủ nghĩa. Đó là tư tưởng cách mạng không ngừng, luôn nắm vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tư tưởng chiến lược cách mạng của Đảng ta.

Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) diễn ra trong bối cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, với 2 chế độ khác nhau, vì vậy, Báo cáo chính trị xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là: tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập, dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Đại hội lần IV của Đảng (1976) chỉ rõ, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới - “giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.

Xuất phát từ thực tiễn, Đại hội lần thứ V của Đảng (1982) nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời, xác định hai nhiệm vụ chiến lược đó có quan hệ mật thiết với nhau.

Tuy nhiên, vì mắc phải những sai lầm do bệnh chủ quan duy ý chí, nóng vội trong chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện đã làm cho đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng về kinh tế - xã hội kéo dài.

Để khắc phục những sai lầm đó, Đại hội lần VI (1986) của Đảng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Năm 1991, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội.

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Đại hội lần thứ VII (1991) của Đảng ta khẳng định, tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đại hội tiếp tục khẳng định kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đã nêu lên 6 đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng và 7 phương hướng cơ bản trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Đại hội XI của Đảng khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Đại hội đã tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, bổ sung phát triển thành Cương lĩnh năm 2011, rút ra năm bài học cơ bản và tiếp tục nhấn mạnh bài học hàng đầu là: nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đã nêu lên những nội dung cơ bản của con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng thời bổ sung, phát triển những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng với 8 đặc trưng cơ bản, vạch ra các phương hướng cơ bản và những mối quan hệ lớn cần phải nắm vững và giải quyết tốt trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Đại hội XIII nêu rõ: “Kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[3].

Như vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, dù trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách như thế nào, Đảng ta vẫn luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là sự nhất quán giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với Đảng ta về con đường của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn đã khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn của cách mạng Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Nhờ đường lối đúng đắn ấy, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau 35 năm đổi mới, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta ngày càng hoàn thiện. Đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ đó, Văn kiện Đại hội XIII đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[4]. Đây là niềm tự hào, là nguồn lực và là động lực to lớn, là niềm tin lớn lao để toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.

Để chống phá con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, các thế lực thù địch điên cuồng ra sức chống phá từ việc phủ nhận lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đến việc thành lập các tổ chức, mua chuộc, xúi dục, kích động, gây bạo loạn lật đổ, cổ súy cho con đường tư bản chủ nghĩa, nhằm tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

Mặc dù chủ nghĩa tư bản đang đạt nhiều thành tựu, đặc biệt về khoa học công nghệ, giải phóng sức lao động, nhưng những khuyết tật trong lòng xã hội tư bản vẫn bộc lộ mạnh mẽ và không thể khắc phục. Các cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp xảy ra, xung đột sắc tộc, tôn giáo có chiều hướng gia tăng, bất công xã hội, phân hóa giàu nghèo ngày càng gay gắt… Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều các phong trào phản kháng xã hội, biểu tình, bạo loạn xảy ra ở nhiều quốc gia tư bản.

Đất nước Việt Nam chúng ta đã trải qua những năm tháng đau thương do chiến tranh gây ra. Giờ đây, hơn bao giờ hết, cần một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, xây dựng một xã hội thân ái, đoàn kết, tiến bộ, nhân văn, phát triển bền vững, xây dựng hệ thống chính trị mà quyền lực thuộc về nhân dân, đời sống nhân dân không ngừng nâng lên… Tất cả những điều đó chỉ có được trong chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang xây dựng.

Từ cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và từ thực tiễn thế giới cũng như thực tiễn Việt Nam đã chứng minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng của Việt Nam. Điều đó một lần nữa được khẳng định trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là cơ sở lý luận và khoa học để xây dựng, củng cố niềm tin tất thắng của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta

[1] Hồ chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, t.12, tr. 563.

[2] Hồ chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, t.15, tr. 392.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2021, tập 1, trang 109.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2021, tập 1, trang 104.

Từ khóa » Trong Cnxh Quan Hệ Dân Tộc Có Xu Hướng Như Thế Nào