Đọc Sách đi, Nhưng đừng Tin Quá | Vietcetera

Hãy chủ động kiểm chứng

Nhiều cuốn sách truyền cảm hứng và thuyết phục người đọc bằng những "câu chuyện có thật" và "bằng chứng khoa học" rất hay và cuốn hút. Nếu người đọc tin ngay vào những điều "khó tin" và "kỳ diệu" mà không cần kiểm chứng, thì đó là một biểu hiện của quá tin.

Để "tin" một cách tỉnh táo, chúng ta có thể nhặt ra một vài chi tiết để kiểm tra. Có thật sự chuyện kỳ diệu ấy đã xảy ra? Bằng chứng khoa học kia có được công bố số liệu cụ thể chưa, thí nghiệm có lặp lại được không? Tư cách nhà khoa học của tác giả có được công nhận?

Trong một cuốn sách bán rất chạy mang tên Chinh Phục Mục Tiêu (Goals!), tác giả Brian Tracy kể về một nghiên cứu rất hay ho: những sinh viên của Đại học Yale từng viết ra cụ thể những mục tiêu của cuộc đời mình đã thành công hơn rất nhiều những người không viết. Vấn đề của nghiên cứu này là nó chưa từng xảy ra.

Ba cuốn sách "Chinh phục mục tiêu", "Bí mật của nước", "Hành trình về phương Đông" mang tới những câu chuyện rất "kỳ diệu" nhưng không xác thực.

Khoa học gia Masaru Emoto đã thực hiện những thí nghiệm kỳ diệu mà ông kể lại trong cuốn sách Bí Mật Của Nước. Tuy nhiên, Emoto từ chối cho giới khoa học kiểm chứng những kết luận của mình. Bản thân tư cách "Nhà Khoa học" của Emoto cũng không được công nhận: ông không hề có bằng cấp liên quan và chưa từng có nghiên cứu nào cụ thể.

Hành Trình Về Phương Đông được biết đến là cuốn sách kể lại những trải nghiệm tâm linh của Spalding, một tác giả có thật người Mỹ và được Nguyên Phong dịch ra tiếng Việt. Thực tế thì Spalding chưa hề viết cuốn sách này, và những câu chuyện trong đó không hề có thật mà hoàn toàn là sáng tác hư cấu (fiction) của Nguyên Phong.

Có thể một cuốn sách vẫn hay, vẫn có giá trị ngay cả khi nó có nhiều điểm "hư cấu" như những ví dụ ở trên. Nhưng mình tin là nắm được phần nào tính xác thực của một cuốn sách giúp chúng ta tiếp cận việc đọc một cách sòng phẳng và hợp lý.

Từ khóa » đ Sách