Đọc Thơ Chữ Hán Của Nguyễn Du - Đạo Phật Ngày Nay
Có thể bạn quan tâm
Học giả Mai Quốc Liên có lần viết : "Thơ chữ Hán Nguyễn Du là những áng văn chương nghệ thuật trác tuyệt, ẩn chứa một tiềm năng vô tận về ý nghĩa. Nó mới lạ và độc đáo trong một nghìn năm thơ chữ Hán của ông cha ta đã đành, mà cũng độc đáo so với thơ chữ Hán của Trung Quốc nữa". (*)
Truyện Kiều là một kiệt tác của Nguyễn Du, là linh hồn của văn học Việt Nam, điều đó hẳn không ai dám phủ nhận. Cũng bởi giá trị có một không hai của nó mà khi nói đến Nguyễn Du, người ta nói ngay đến Truyện Kiều. Do vậy ít người để ý đến phần còn lại trong văn nghiệp của ông. Thực ra, Truyện Kiều là tác phẩm diễn nôm, nói theo cách của một nhà nghiên cứu, "lỡ tay" mà thành kiệt tác, còn thơ chữ Hán mới đích là sáng tác, nên xem nó là phát ngôn viên chính thức của Nguyễn Du.
Học giả Mai Quốc Liên có lần viết : "Thơ chữ Hán Nguyễn Du là những áng văn chương nghệ thuật trác tuyệt, ẩn chứa một tiềm năng vô tận về ý nghĩa. Nó mới lạ và độc đáo trong một nghìn năm thơ chữ Hán của ông cha ta đã đành, mà cũng độc đáo so với thơ chữ Hán của Trung Quốc nữa". (*)
Quả đúng như vậy. Người viết bài này đã có may mắn được đọc hết gần 250 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, trong lòng bội phần kính phục. Xin góp nhặt đôi vần để phát họa vài nét về nhân cách, tấm lòng và tư tưởng của bậc Đại thi hào dân tộc.
1. Nhân cách của một kẻ sĩ :
Nguyễn Du sinh ra trong thời đại nhiễu nhương, chứng kiến bao nhiêu cảnh bọt bèo dâu bể. Triều Lê sụp đổ, 11 tuổi mồ côi cha, 13 tuổi mất mẹ, suốt thời trai trẻ ăn nhờ ở đậu, có lúc làm con nuôi người ta, "Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán", Nguyễn Du trải qua 10 năm gió bụi. Sau ra làm quan với triều Nguyễn, tâm hồn chàng trai xứ Nghệ đã thuộc về những con người đáng thương trong xã hội. Với một tấm lòng mẫn cảm, dào dạt yêu thương và vô cùng tinh khiết, những vần thơ chữ Hán của cụ Tiên Điền như những giọt lệ đầy bi tráng nhỏ xuống lòng đời trái đắng, vọng lên những âm thanh thống thiết mà vẫn hiên ngang một nhân cách phi thường.
"Độc Tiểu Thanh Ký" có lẽ là bài thơ phát họa rõ nét nhất giọt lệ và nụ cười của một trang chí sĩ. Hãy đọc những câu cuối :
"Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tại cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như".
Nỗi hận xưa nay trời khó hỏi, nỗi oan ức của những người phong nhã "ta tự nai lưng ra cán đáng" (*). Chẳng biết 300 năm sau thiên hạ còn ai khóc cho Tố Như chăng ? Hương hồn Tố Như Tử nếu linh thiêng trở lại, chắc ông chẳng bận tâm làm gì cái chuyện "tam bách dư niên hậu" ! Điều đáng ray rức là thân phận con người, ta nên oán nó hay không nên oán nó ?
Thân phận như bèo trôi giữa ba đào thế thái, Nguyễn Du không tự đánh mất mình hoặc ngồi ôm tay bó gối. Ông nhập thế một cách trọn vẹn, lòng hướng về những bậc tài danh kim cổ. Mỗi lúc gặp lại hình ảnh người xưa, ông luôn liên hệ đến mình, soi rọi lại chính mình để gọi về một chút niềm kiêu hãnh. Về văn chương, ông luôn xem Đỗ Phủ là bậc thầy thiên cổ. Niềm kính trọng ấy chưa từng thôi nghỉ :
"Thiên cổ văn chương thiên cổ sư, Bình sinh bội phục vị thường ly". (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng Mộ 1)Hay :
"Mỗi độc nho quan đa ngộ thân, Thiên niên nhất khốc Đỗ Lăng nhân". (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng Mộ 2)(Mỗi lần đọc câu "Mũ áo nhà Nho thường làm lụy thân mình", lại một lần khóc thương người đất Đỗ Lăng sống nghìn năm trước).
Khi nghĩ về Giả Thái Phó ở Trường Sa, Nguyễn Du có ý cho rằng mình là người nghìn năm sau hiểu lòng Khuất Nguyên hơn Giả Nghị. Tương Đàm với đây gần nhau chỉ trong gang tấc, sống cách nhau nghìn năm, gặp nhau mà hai bên không có gì trái nhau :
"Tương Đàm chỉ xích tương lân cận Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi". (Trường Sa Giả Thái Phó).Khi đi sứ sang Trung Quốc, đến thăm mộ của Liễu Hà Huệ, ông viết :
"Bi tàn một tự mai hoang thảo Thiên cổ văn phong nhất há xa". (Liễu Hà Huệ Mộ) (Bia tàn chữ mất vùi trong cỏ Ngàn năm nghe tiếng xuống xe chào). (*)Xuống xe để tỏ lòng tôn kính trước mộ của một tịnh nhân như Liễu Hà Huệ, đối với một vị sứ thần nhà Nguyễn như Nguyễn Du phỏng có mấy người ?
Cũng với niềm kính trọng ấy, ông trách người đời không để tâm đến những bậc chí nhân ưu thời mẫn thế. Và ông cảm thương cho tấm lòng cô trung tiết liệt của Tam Lư Đại Phu Khuất Nguyên, khi những cái đỏm dáng bên ngoài đã gượng gạo bắt chước người xưa :
"Thiên cổ thùy nhân lân độc tỉnh Tứ phương hà xứ thác cô trung Cận thời mỗi hiếu vi kỳ phục Sở bội tiêu lan cánh bất đồng". (Tương Đàm Điếu Tam Lư Đại Phu) (Nghìn xưa ai xót người thức tỉnh Khắp chốn gửi đâu một tấm lòng Thời nay kẻ thích trang phục lạ Tiêu lan họ mặc chẳng giống ông).Đọc những câu thơ trên, thoạt nghe, ta ngỡ Nguyễn Du chỉ là người đa sầu đa cảm. Chính bạn bè ông cũng nghĩ như thế. Nhưng ngẫm cho cùng, cuộc đời là cuộc mộng, ai sống trong cõi đời này mà chẳng mộng. Ông tự bạch :
"Tri giao quái ngã sầu đa mộng Thiên hạ hà nhân bất mộng trung". (Ngẫu Đề)Điều đáng nói là giữa chốn huyễn hóa tám vạn khói sương này, người mộng tự tìm cho mình một đời sống thanh tao, thoát tục, dẫu biết rằng cảnh phù sinh khó mà dứt đoạn.
"Tiễn nhĩ dã âu tùy thủy khứ Phù sinh lao lục kỷ thời hưu". (Đồng Lung Giang) (Giá được như đàn âu lội nước Cõi đời lao nhọc lúc nào thôi).Hay :
"Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại Trường tùng thọ hạ tối nghi nhân". (Sơn Thôn) (Ước gì nhảy khỏi ra vòng tục Dưới bóng cây tùng thích biết bao).Có lúc, hình ảnh Đào Tiềm thong dong vô sự làm ông thèm thuồng ao ước :
"Tiễn sát bắc song cao ngọa giả Bình cư vô sự đáo hư linh". (Ký Hữu) (Thèm được như người bên cửa Bắc (*) Ngày ngày chẳng việc bận đến tâm).Khác với người đồng thời và đồng hương với mình, Nguyễn Công Trứ thường nói :
"Làm trai đứng ở trong trời đất Phải có danh gì với núi sông".Đáng mặt anh hùng lắm ! Thì Nguyễn Du cũng chẳng ra làm quan đấy thôi ! Nhưng Nguyễn Công Trứ sau bao nhiêu năm "Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên" lại thốt ra một câu vô cùng chua chát :
"Trên trường danh lợi vinh liền nhục Giữa cuộc trần ai khóc lộn cười".Nguyễn Du thì "Giữa đường ngẫu hứng" đã ý thức rõ sự phù phiếm của cuộc đời. Cái nhìn của ông thật là tinh tế và sâu sắc :
"Phục lạp tử tôn không loại tửu Thế gian phú quý đẳng phù vân Bách niên đáo để giai như thị Hồi thủ mang mang nhất phiến trần". (Đồ Trung Ngẫu Hứng) (Lễ bày rượu tưới phiền con cháu Chức trọng tiền nhiều mây hợp tan Kết cục trăm năm đều thế cả Ngoảnh trông một áng bụi mơ màng). (Ngô Linh Ngọc dịch)Ý thức sâu sắc cõi đời là giả tạm, Nguyễn Du tự vạch cho mình một lối về, một chốn về mà ở đó không còn những oái oăm phiền muộn, đơn sơ với hoa tùng quả bách, với mây trắng nước trong :
"Tùng hoa bách tử khẳng hứa thực Bạch đầu khứ thử tương an quy". (Hoàng Mai Sơn Thượng Thôn) (Hoa tùng quả bách mà ăn được Đầu bạc về đây chứ về đâu ?)Còn biết bao nhiêu câu thơ nói về con người hồn hậu, trong sáng này. Những tưởng như bao nhiêu sĩ phu bất đắc chí giữa "Vạn lý lợi danh khu bạch phát", vay mượn một chữ Nhàn có vẻ rất trữ tình để thoa dịu những đớn đau thất bại trên đường đời. Nhưng Nguyễn Du khác họ nhiều lắm. Ông thèm được như Đào Tiềm, thương cảm Khuất Nguyên và kính trọng Đỗ Phủ, nhưng tư tưởng của ông thì không như họ. Ông có một niềm tin vững chắc ở bản tâm mình, và đó là niềm vui lớn nhất khi ông mang tất cả chí nam nhi trở về với những phút giây yên tĩnh. Thỉnh thoảng vụt lên trong thi ca những dòng chữ siêu thoát và thiền vị đến không ngờ :
"Vô ngôn độc đối đình tiền trúc Sương tuyết tiêu thời hợp hóa long". (Ký Hữu) (Lặng lẽ trước sân nhìn khóm trúc Tan tuyết rồi xem trúc hóa rồng).Cao Bá Quát một đời chỉ cúi đầu trước hoa mai (Nhất sanh đê thủ bái mai hoa). Còn Nguyễn Du thì có lần suốt 3 tháng chống chọi với cái rét ghê người để được nhìn thấy hoa mai nở trên đỉnh núi :
"Nhương tận khổ hàn tam duyệt nguyệt Lĩnh đầu lạc đắc khán mai hoa". (Từ Châu Đạo Trung)Tôi đã vô tình liệt kê quá nhiều, hẳn có thể làm bạn khó chịu. Nhưng thiển nghĩ, mấy trăm bài thơ, bài nào cũng hay, câu nào cũng đẹp, tôi chỉ sợ để rơi rớt bao nhiêu châu ngọc khi vẽ lại một nhân cách, một tấm lòng ... Đôi vần vụng dại, ngâm lên cùng khói hương tưởng niệm, cung chiêu "Người cha tóc trắng" của văn học Việt Nam.
2. Nhân sinh quan của Nguyễn Du :
Nếu đặt vấn đề Nguyễn Du và Phật giáo, hẳn có người sẽ lên tiếng dị nghị : Suốt mấy trăm bài thơ, có chỗ nào Nguyễn Du nói đến Phật đâu ? Rồi người ta sẽ viện dẫn bao nhiêu từ ngữ trong thơ ông để cho rằng ông đã tìm đến Lão Trang, nào là "hạc hĩnh", "mã đề", nào là "hoạn hữu thân", "dưỡng chuyết", nào là "ngọa thính tùng phong hưởng bán vân", "sài môn trú tĩnh sơn vân bế"... Thực ra Nguyễn Du không muốn quên đời, Lão Trang trong ông chỉ là cốt cách của một Nho sĩ thức thời, và thường thì tư tưởng Lão Trang được thi nhân mượn để tỏ bày cái nội tâm trong sáng, thanh khiết giữa cuộc đời ô trược mà thôi. Làm sao một kẻ tự xưng là "Hồng sơn liệp hộ" (phường đi săn ở núi Hồng Lĩnh) lại có thể là đồ đệ Lão Trang ? Có chăng ông là một Nho sĩ. Ở thời đại Nho giáo độc tôn, ở thời đại mà cái học chỉ toàn là lý học, Nguyễn Du sẽ nói gì ? Viết gì ? "Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên, hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên". Hùng tâm và sinh kế, cả hai cái ấy hẳn đã làm ray rức hồn người lắm lắm ! Sau THANH HIÊN THI TẬP và NAM TRUNG TẠP NGÂM, Nguyễn Du viết BẮC HÀNH TẠP LỤC. BẮC HÀNH TẠP LỤC là đỉnh cao nghệ thuật trong văn nghiệp của ông. Trên đường đi sứ sang Trung Quốc, Nguyễn Du đã đến viếng hết di tích của các danh nhân kim cổ. Ông gửi gắm tâm sự mình qua những vần thơ, xẻ chia và cảm thông cũng những "người ngàn năm trước". Ông đã đánh giá nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, từ Tiên Tần cho đến Đường Tống. Ông viết về Khuất Nguyên đến Đỗ Phủ, từ Tam Hoàng đến Tào Tháo ... Tất cả là một sự kính thương nhưng buồn giận, kính nhi viễn chi, rồi khái quát cuộc đời với những nhận định vô cùng bi tráng, vô cùng lạ lẫm :
"Đại địa xứ xứ giai Mịch La" (*)
Khi đến thăm mộ Kỳ lân, một vật thiêng được người Trung Hoa xem là điềm báo Thánh nhân xuất thế, ông bảo nếu vậy thì thời ấy sao Kỳ lân không lượn chơi đất phương Nam :
"Nhược đạo năng vị Thánh nhân xuất Đương thế hà bất Nam du tường". (Kỳ Lân Mộ)Rõ ràng, Nguyễn Du cũng thao thức với nỗi đau thế sự, cũng xót xa cùng đất nước nhiễu nhương. Nhưng ông tự nghĩ : Sao ta lại đem trong sạch hay tỉnh táo để nhìn đời, để phải như cánh bèo trôi dạt rất đáng thương :
"Hà dĩ thanh tỉnh khan thế sự Phù bình nhiễu nhiễu cánh kham ai". (Lưu Linh Mộ)Ngôn ngữ là cửa ngõ của tâm hồn, nhưng chưa hẳn là chính tâm hồn ấy. Nói một cách khác, thi ca Nguyễn Du phơi bày một nhận thức sâu sắc về cuộc đời; và ẩn nấp sau những vần thơ mẫn cảm ấy là một chữ "Tâm" vô cùng sâu rộng, một tư tưởng vừa siêu thoát vừa hiện thực, vừa tích cực vừa khoan hòa, thấm đẫm vị Thiền Phật giáo.
Ngôn ngữ thiên tài bao giờ cũng khiến người ta ngộ nhận. Nguyễn Du tự xưng mình là Hồng sơn liệp hộ, nhưng có phường săn nào lại có cái buồn và nỗi đau man mác đến dường ấy. Bi kịch và bi kịch cứ trùm lên bầu không khí thi ca Nguyễn Du, nhưng nỗi niềm riêng vẫn canh cánh bên lòng trang lữ thứ :
"Vô cùng kim cổ thương tâm xứ Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim".Văn thiêng không ở trong lời (Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa), Nguyễn Du không hề nói đến Phật giáo, nhưng thái độ, quan điểm của ông luôn nhuốm đầy nhân sinh quan Phật giáo. Trước hết là nhận thức về Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã. Đâu đâu trong thơ ông cũng toát lên cái nhìn chín chắn, không hư dối về cuộc đời. Đó là sự thật về cái Khổ (Khổ đế), sự thật thứ nhất trong bốn sự thật mà một hành giả tu tập Phật giáo phải ý thức rõ ràng. Nguyễn Du hay nói về cái đầu bạc, ông có vẻ bị ám ảnh bởi sương tuyết thời gian phủ lên mái tóc xanh trai trẻ của mình. Lúc mới 30 tuổi Nguyễn Du đã viết : "Hư danh vị phóng bạch đầu nhân" (Mạn Hứng). Rồi suốt ba tập thơ, chỗ nào cũng thấy ông nói về mái đầu tóc trắng. Thảo nào đã có người gọi ông là "Người cha tóc trắng của thi ca và tư tưởng Việt Nam, ngồi im lặng trên mây núi Hồng, già với gió Thu ..."(*). Nhìn mình, nhìn người, nhìn đời, chỗ nào Nguyễn Du cũng thấy vô thường chi phối, toàn thể nhân sinh thế thái qua cái đầu bạc :
"Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên"... "Nại hà đầu dĩ bạch như ngân"... "Bạch phát thu phong không tự ta"... "Vạn lý lợi danh khu bạch phát"... "Nhất lộ giai lai duy bạch phát"... "Bạch đầu khứ thử tương an quy"... "Bạch đầu vô lại chuyết tàng thân"... "Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long" ...Còn rất nhiều những câu có chữ "bạch đầu", "bạch phát" như thế. Khỏi cần phải luận bàn, ta cũng đủ thấy nhận thức về vô thường trong ông như thế nào. Tôi chợt nhớ một câu thơ của Đỗ Phủ : "Người đầu bạc giữa lớp sóng bạc" (Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân). Đi giữa lớp sóng bạc của cuộc đời, mái đầu xanh cũng bạc trắng, bạc trắng như chính nỗi lòng người cô lữ.
Bước đi trong cuộc đời như thế khác nào bước đi trong đêm tối, Nguyễn Du hướng về hình ảnh những bậc xuất thế, xuất thế giữa lòng thế tục. Bài "Dạ Hành" là bài thơ tôi thích nhất của Nguyễn Du. Ông mô tả hình ảnh vị Sư già ngủ trên mây núi Hồng Lĩnh giữa đêm tối :
"Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân Phù âu tĩnh túc noãn sa tân Nam minh tàn nguyệt phù thiên lý Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu Bạch đầu vô lại chuyết tàng thân Bất sầu cửu lộ triêm y duệ Thả hỷ tu mi bất nhiễm trần". (Sư già ngủ giữa mây Hồng Lĩnh Bãi ấm âu nằm lặng giấc say Biển rộng trăng trôi ngàn dặm thẳm Đường xưa gió quất một thân gầy Đêm đen dường mãi quên không sáng Ẩn vụng xui thêm tóc bạc đầy Vạt áo dầm sương đâu ngại ướt Mày râu mừng chẳng bụi trần ray). (Ngô Linh Ngọc dịch).Hai câu cuối thật thần tình, thật ý vị. Không ngại sương đêm thấm ướt vạt áo, chỉ mừng là mày râu không dính bụi. Ô hay ! Vị Sư già nằm giữa mây núi, mày râu Sư chắc bạc trắng như mây, trinh tuyền lắm lắm, vì có bụi trần hồng nào mà nhuộm đỏ ? Chỉ có sương đêm làm ướt áo đôi chút. Lạnh chút thôi, mà thanh thản biết dường nào ! Hình ảnh đẹp, ngôn từ cũng cực kỳ đẹp, hẳn cái nhìn kia cũng xuất phát từ một tấm lòng rất đẹp.
Chúng ta còn bắt gặp hình ảnh này trong bài Vọng Quan Âm Miếu : ... Tăng yên ngủ khi mây ngừng trôi khắp chốn, tiếng vượn kêu khi trời lặn trên những ngọn đồi. Đốt một nén hương để tiêu tuệ nghiệp, quay đầu nhìn lại đã cách muôn lớp núi :
"Đình vân xứ xứ tăng miên định Lạc nhật sơn sơn viên khiếu ai Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai".Lạ nhất trong bài này là câu thứ bảy : "Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp". Sao lại là tiêu tuệ nghiệp ? Có phải tác giả muốn nói đến cái nghiệp do trí tuệ gây ra ? Tức Sở tri chướng, Thế trí biện thông ? Quả là ít ai dám dịch chữ này.
Đi trong cuộc đời, trái tim của "Người tóc bạc" luôn hướng về những mảnh đời bèo dạt mây trôi, về người đẹp gảy đàn vô danh ở thành Thăng Long, về nàng Tiểu Thanh, hay cả nàng Thúy Kiều bạc mệnh. Nói chung, Nguyễn Du thường nói đến những người tầm thường, những điều mà ta đã biết. Nhưng đó lại là cái vĩ đại, vĩ đại nhờ ông vừa đau khổ vừa nói. "Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy" (Phạm Quý Thích), ông đau khổ, nhưng là cái đau khổ thánh thiện. Ông nói về những người đau khổ, nhưng thực ra ông đã khơi mở một chủ nghĩa nhân đạo đặc thù cho cả hồn Việt. Chỉ có tâm lượng của người con đất Việt, thụ bẩm một cách toàn triệt nền tảng Từ bi mới có được những tuyệt tác như thế. Đúng như lời của Mộng Liên Đường chủ nhân đã nói : "... nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy..." (*)
Đôi lúc, ông cũng muốn gán chiếc áo màu lông chim túc sương để đổi lấy một cuộc say, nhưng tóc trên đầu đã bạc trắng thì biết làm thế nào :
"Dục điển túc sương mưu nhất túy Nại hà đầu dĩ bạch như ngân". (Quảng Tế Ký Thắng)Chính vì không thể đổi lấy một cuộc say, nên Nguyễn Du đã thao thức. Phải có một lối thoát, duy tại con người không biết lấy mà thôi, ông buồn trông áng bụi hồng mờ mịt không bờ bến mà tự trách ngày ngày mình vẫn đi lại trong ấy mà không biết :
"Trướng vọng hồng trần diễu vô tế Bất tri nhật nhật thử trung hành". (Từ Châu Đê Thượng Vọng)Cũng với ý ấy, có một câu thơ vô cùng đặc sắc, hệt như lời vịnh của một Thiền sư :
"Niên niên thu sắc hồn như hử Nhân tại tha hương bất tự tri". (Giang Đầu Tản Bộ) (Hồn thu vẫn tự bao giờ Người xa quê cũ chẳng ngờ đó thôi).3. Kim Cang Bát Nhã - Tư tưởng chủ đạo trong thi ca Nguyễn Du :
Điều đáng ghi nhận là ở thời đại Nguyễn Du, Phật giáo Việt Nam không còn chiếm địa vị độc tôn như thời Lý Trần, thậm chí có thể nói là hết mức suy đồi. Khi nhà Minh sang xâm lược nước ta, tướng Trương Phụ đã đem toàn bộ kinh điển Phật giáo về Kim Lăng hoặc thiêu đốt hết. Nho giáo cùng với chế độ thi cử đã lấn át hết tư tưởng của giới trí thức đương thời, ít người có điều kiện nghiên cứu kỹ Phật giáo. Và, Phật giáo trong lòng nhân sĩ chỉ là một mớ tư tưởng chán đời, yếm thế.
Khi đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, tôi lại vô cùng ngạc nhiên trước những câu thơ đầy hào khí :
"Nhân liễu thử tâm nhân tự độ Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu".Hay :
"Mãn cảnh giai không hà hữu tướng Thử tâm thường định bất ly thiền".Nguyễn Du chưa bao giờ tự xưng mình là Phật tử. Nhưng người học Phật có thể xem ông là "Đạo hữu". Người cha của thi ca Việt Nam lại là người từng đọc Kinh Kim Cang đến hơn 1000 lần (Ngã độc Kim Cang thiên biến linh), hẳn toàn bộ sự nghiệp thi ca của ông thấm đẫm tư tưởng Phật giáo.
Ta thử đọc một vài bài thơ nói về ý đạo, để xem sự thâm nhập kinh điển Phật giáo của Nguyễn Du sâu thẳm dường nào :
"Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh Tỉnh thủy vô ba đào Bất vị nhân khiên xả Thử tâm chung bất giao Túng bị nhân khiên xả Nhất giao hoàn phục chỉ Trạm trạm nhất phiến tâm Minh nguyệt cổ tỉnh thủy". (Đạo Ý) (Trăng sáng soi giếng xưa Nước giếng không gợn sóng Không bị người khuấy động Tâm này chẳng giao động Nếu bị người khuấy động Lay động rồi lại dừng Một chữ Tâm lóng lặng Như trăng soi giếng xưa).Trong bài nói về ý đạo trên, Nguyễn Du đã xác định Tâm chính là Đạo. Nghĩa chữ Tâm ở đây chỉ có trong kinh điển Phật giáo. Tâm thể thì thường hằng vắng lặng, dù sóng gió ba đào có làm mặt nước tâm giao động chút ít, nhưng rồi mặt nước cũng trở về trạng thái nguyên ủy của mình.
Trong bài Tạp Thi, ông viết :
"Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự Tứ thời tâm kính tự như như".(Hoa rơi lá rụng chỉ là việc trước mắt, bốn mùa gương tâm vẫn chẳng có gì thay đổi).
Tâm, Phật, chúng sanh đồng nhất thể. Tất cả các pháp đều lưu xuất từ nhất tâm này. Phật và chúng sanh, mê và ngộ, giải thoát và trói buộc ... tất cả đều ở Nhất tâm. Người liễu đạt được Tâm này thì tự mình độ thoát. Tam tạng kinh điển Phật thuyết ở Linh Thứu sơn cũng ở tại tâm người mà thôi :
"Nhân liễu thử tâm nhân tự độ Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu".Khi chưa liễu ngộ được tâm này thì vạn tượng sum la đều khởi, phàm thánh chia hai, núi là núi, sông là sông. Khi liễu ngộ được tâm này rồi thì gương Tâm sáng rỡ như ánh trăng - Đại viên cảnh trí - gặp nhân chiếu nhân, gặp vật chiếu vật, không phân biệt, thực tại vẫn là thực tại. Núi không phải là núi nên núi là núi. Chẳng rõ người chưa thực ngộ lý này có thể viết một cách tự nhiên được một câu thơ thế này chăng :
"Đạt nhân tâm kính quang như nguyệt Xử sĩ môn tiền thanh giả sơn". (Tạp Ngâm II) (Tâm người đạt ngộ ngời gương nguyệt Trước sân ẩn sĩ núi xanh rờn).Tất cả các pháp đều không. Không có nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng (KINH KIM CANG). Nguyễn Du viết :
"Mãn cảnh giai không hà hữu tướng Thử tâm thường định bất ly Thiền. Đại sư vô ý diệc vô tận Phủ thán thành trung đa biến thiên". (Đề Nhị Thanh Động)Tâm này thường ở trong Định và chẳng xa rời việc chứng ngộ của Thiền. Các cụ thâm nho ở Hà Nội đã không hiểu nên dịch quá xa nghĩa của nguyên tác : "Lòng khăng khăng chỉ hướng về Thiền" (*). Chẳng hề có "khăng khăng" hay "hướng về", "thường định" ở đây là "thường ở trong Định" và "bất ly Thiền" tức ngay nơi tâm là Thiền. Có lẽ Nguyễn Du cũng nhiều lần đọc Pháp Bảo Đàn mới có cái khẩu khí của Huệ Năng như thế.
Khi đi sứ sang Trung Quốc, đến "Đài chia kinh" của Thái tử Chiêu Minh nhà Lương, Nguyễn Du cảm tác một bài thơ khá dài, khá lạ so với toàn bộ thơ chữ Hán của ông (hầu hết thơ chữ Hán của ông gồm 8 câu). Ông cười chê việc làm của Chiêu Minh Thái tử, cho rằng việc chữ nghĩa có dính dáng gì đến sự vắng lặng của Tâm đâu mà phân kinh với chiết tự. Trong bài có đoạn viết :
"Phật bản thị không bất trước vật Hà hữu hồ kinh, an dụng phân ? Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa Thục vi Kim Cang vi Pháp Hoa Sắc không cảnh giới mang bất ngộ Si tâm quy Phật Phật sinh ma Nhất môn phụ tử đa giao tế Nhất niệm chi trung ma tự chí ..."(Tạm dịch : Phật vốn là không, không dính mắc mọi vật, có dính dáng gì đến kinh đâu mà phải chia. Văn thiêng không phải ở ngôn ngữ, cái gì là Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Hoa ? Giữa "Sắc" và "Không" mờ mịt không nhận ra được. Quy y Phật với cái tâm si mê như thế thì Phật sinh ra ma. Cả nhà cha con đều mù quáng cả, thì chỉ trong một niệm là ma tự tìm đến ngay ...).
Đặc biệt là đoạn cuối của bài thơ này :
"Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn Thuyết pháp độ nhân như hằng hà sa số Nhân kiến thử tâm nhân tự độ Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu Minh kính diệc phi đài Bồ - đề bổn vô thụ Ngã độc Kim Cang thiên biến linh Kỳ trung áo nghĩa đa bất minh Cập đáo phân kinh thạch đài hạ Tài tri vô tự thị chân kinh".(Tạm dịch : Ta nghe nói Đức Thế Tôn tại núi Linh Thứu, thuyết pháp độ hằng hà sa số người. Người liễu ngộ được tâm thì người tự độ thoát, Linh Sơn chỉ ở tại tâm người mà thôi. Không có đài gương sáng, nào có cây Bồ-đề. Ta đọc hơn ngàn biến Kinh Kim Cang, những ý nghĩa sâu kín trong đó phần nhiều ta không rõ. Đến hôm nay tới đài chia kinh này mới biết rằng Vô tự chính là Chân kinh).
Một bài thơ, cũng có thể xem là một ngữ lục Thiền. Vô hình trung, bài thơ hé mở thế giới tâm chứng của Nguyễn Du. Hay nói một cách khác - Kim Cang Bát Nhã đã là tư tưởng dẫn đạo trong đời sống và thi ca của Tố Như Tử.
Tôi đã trích dẫn khá nhiều, nhưng hoàn toàn chưa nói đến bút pháp đặc biệt trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Truyện Kiều đã làm cho Nguyễn Du được xem là 1 trong 5 hoặc 3 thi hào vĩ đại nhất của nhân loại, thì đối với thơ chữ Hán, quả là một kho tàng để chúng ta khai thác và học hỏi. Mùa Xuân nằm đọc thơ của người xưa mà thấy lòng rưng rưng muốn khóc. Ước gì các bậc thạc học thâm nho để tâm khai triển, phân tích và diễn giải thật nhiều, để hàng hậu tấn chúng tôi được nhuần ân học hỏi.
*****
(*) Lời nói đầu NGUYỄN DU TOÀN TẬP, quyển 1, trang 7 - NXB Văn Học.
(*) Chữ của Bùi Giáng dùng để dịch câu này.
(*) Người viết không có ý dịch thơ, vì muốn diễn Nôm cho dễ hiểu, song cũng cố gắng dịch những câu nào thấy tiện. Nếu có bản dịch nào hay được trích dẫn vào đây thì sẽ đề tên dịch giả, còn lại là của người viết tạm dịch.
(*) Khi Đào Tiềm từ quan về vườn thường nằm khểnh ở cửa sổ phía Bắc hưởng thư nhàn, người đời gọi ông là "Bắc song xử xỉ".
(*) Mịch La là tên dòng sông nơi Khuất Nguyên trầm mình.
(*) IM LẶNG VÀ HỐ THẲM - Phạm Công Thiện, An Tiêm, 1967.
(*) Trích lại từ "Vài nhận xét về Truyện Kiều ... " của Bùi Giáng - NXB Hội Nhà Văn, 1998.
(*) Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Hà Nội, 1978. Đoạn này lấy ý trong "Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc", Phạm Công Thiện - Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới, California, Hoa Kỳ, 1996.
(1) Đầu đội trời cao. (4) Eo truyền chánh pháp. (2) Chân đạp đạp đất bằng. (5) Tam giáo cộng đồng. (3) Lưng chứa kinh luân. (6) Mười phương chầu cúng.Từ khóa » Thơ Chữ Hán Là Gì
-
Thơ Việt Nam Viết Bằng Chữ Hán - Báo Quân đội Nhân Dân
-
Thơ Chữ Hán Của Nguyễn Du - Chồng Khít Lên Cuộc đời ông
-
Tra Từ: Thơ - Từ điển Hán Nôm
-
Chữ Nôm Là Gì? Sự Khác Nhau Giữa Chữ Hán Và Chữ Nôm
-
ĐẶC ĐIỂM THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU - Cao Học Văn 16
-
BÀN VỀ PHƯƠNG PHÁP TÌM HIỂU NGUYÊN TÁC THƠ CHỮ HÁN ...
-
Thơ Chữ Hán Của đại Thi Hào Nguyễn Du - HANU-VNH
-
Thơ Văn Chữ Hán Của Việt Nam: Bông Hoa Duyên Dáng Trong Rừng ...
-
Chữ Nôm – Wikipedia Tiếng Việt
-
TÁC PHẨM BẰNG CHỮ HÁN | Nguyễn Du
-
Nguyễn Du Qua Thơ Chữ Hán - Báo Lao Động
-
Vài Nhận Xét Về Phiên âm Và Dịch Thơ Của - Viện Nghiên Cứu Hán Nôm
-
" Truyện Kiều Là Một Bài Thơ Chữ Hán Do Nguyễn Du..." Mọi Người ...