Đổi Mới Có Nguyên Tắc - Sự Vận Dụng Sáng Tạo Chủ Nghĩa Mac ...
Có thể bạn quan tâm
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), công cuộc đổi mới đất nước đã được xúc tiến mạnh mẽ.
Triển khai tinh thần của Nghị quyết đại hội, nhiều quyết sách mang tính đột phá về lưu thông phân phối, về đổi mới quản lý nhà nước, về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, xd Đảng, công tác quần chúng của Đảng…đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đã đưa ra.
Tuy nhiên, tình hình lúc bấy giờ cũng không hoàn toàn là thuận lợi. Hậu quả của đợt điều chỉnh Lương – Giá – Tiền năm 1985 còn rất nặng nề. Những chủ trương mới của Đảng không thể đi ngay vào cuộc sống. Khủng hoảng kinh tế - xã hội chưa hề giảm bớt. Có thể thấy rõ điều này qua các thông số cơ bản của nền kinh tế: Lạm phát từ năm 1986 đến 1989 đều ở mức 3 con số. Hệ quả tất yếu là giá cả tăng vọt, tiền lương thực tế giảm, bội chi ngân sách lớn. Nhiều cơ sở kinh doanh của nhà nước thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa. Đời sống của nhân dân giảm sút nghiêm trọng. Đất nước quả thật đang đứng trước những khó khăn chồng chất, tưởng chừng như không thể vượt qua.
Bối cảnh thế giới lúc bấy giờ cũng có nhiều yếu tố không thuận lợi cho công cuộc đổi mới của nước ta. Công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu càng ngày càng lún sâu vào sai lầm, bế tắc. Những khuynh hướng lệch lạc đã bộ lộ ngày càng rõ (phủ định thành quả cách mạng, đả kích và muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, xa rời mục tiêu CNXH…). Những khuynh hướng này không phải không có tác động tiêu cực đến tình hình ở trong nước.
Những khó khăn nội tại trong nước và những tác động xấu từ bên ngoài đã đặt đất nước vào tình thế vô cùng hiểm nghèo. Nhưng trong tình cảnh khó khăn như ngàn cân treo sợi tóc ấy, Đảng vẫn vững vàng về bản lĩnh chính trị, bình tĩnh đưa ra những quyết sách đúng đắn để lèo lái con thuyền cách mạng của đất nước tiến lên trên con đường xây dựng CNXH. Bản lĩnh chính trị ấy không phải tự nhiên mà có, mà có được là do sự trui rèn qua kinh nghiệm dạn dày của thực tiễn đấu tranh cách mạng. Trong bước ngoặt lịch sử của dân tộc, ở thời điểm mà những quyết định đúng đắn hay sai lầm sẽ có ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, Đảng đã sáng suốt đề ra luận điểm: Giữ vững nguyên tắc trong quá trình đổi mới.
Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 3/1989) đã đề ra 6 nguyên tắc cơ bản mà Đảng ta phải giữ vững trong quá trình đổi mới.
- Xây dựng CNXH là mục tiêu của Đảng và của nhân dân ta. Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu XHCN, mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về CNXH, bằng những hình thức, bước đi và biện pháp phù hợp.
- Chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Đổi mới tư duy là nhằm loại bỏ những quan niệm sai lầm, khắc phục những biện pháp lạc hậu, lỗi thời về Chủ nghĩa Mác - Lê nin, về CNXH, vận dụng sáng tạo và phát triển những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác – Lê nin trong hoàn cảnh mới, chứ không phải xa rời những nguyên lý ấy.
- Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có nghĩa là tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chuyên chính vô sản, làm cho các tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động năng động và có hiệu quả hơn.
- Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Những khuynh hướng phủ nhận hoặc hạ thấp sự lãnh đạo của Đảng đều phải phê phán. Tuy nhiên, bản thân Đảng cũng cần không ngừng hoàn thiện, nâng cao sức chiến đấu, lắng nghe và tiếp nhận những ý kiến phê bình trung thực về những khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo cũng như trong công tác xây dựng Đảng.
- Xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng xã hội XHCN. Dân chủ phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật, với pháp luật và với ý thức trách nhiệm công dân. Dân chủ phải có sự lãnh đạo thống nhất để phát huy dân chủ đúng hướng. Ngược lại, lãnh đạo phải bằng phương pháp dân chủ trên cơ sở thực hiện và phát huy dân chủ. Dân chủ với toàn thể quần chúng nhân dân, nhưng mặt khác cũng cần nghiêm trị những kẻ phá hoại thành quả cách mạng, an ninh trật tự và an toàn xã hội.
- Kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện lịch sử mới.
- Có thể thấy rằng, việc giữ vững những nguyên tắc cơ bản trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, nhờ giữ vững những các nguyên tắc trên trong quá trình đổi mới, đất nước ta đã có được sự ổn định cần thiết về mặt chính trị, hạn chế và đẩy lùi được những hoài nghi, dao động trong nhân dân và cả trong không ít cán bộ, đảng viên, hướng toàn thể dân tộc tập trung đẩy mạnh công cuộc đổi mới đang ngày càng mở rộng về phạm vi và gia tăng về nhịp độ.
Đổi mới có nguyên tắc, đó là một luận điểm rất cơ bản của Đảng đã được đưa ra ở một thời điểm có ý nghĩa đặc biệt đối với vận mệnh của đất nước. Chỉ có giữ vững nguyên tắc trong khi tiến hành công cuộc đổi mới thì mới có thể đưa Tổ quốc vượt qua cơn khủng hoảng và tiếp tục phát triển. Ngược lại, đổi mới mà không giữ được nguyên tắc chỉ làm cho khủng hoảng trầm trọng thêm, làm hiện rõ nguy cơ đi chệch khỏi quỹ đạo XHCN, tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội trong Đảng lật đổ chế độ XHCN. Thực tế cho thấy, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu từ cuối năm 1989 đến cuối năm 1991 là bài học xương máu vô cùng quý giá chứng minh cho điều đó.
Có thể nói, đổi mới là một tất yếu lịch sử. Chủ nghĩa xã hội không thể đi đến thành công bằng mô hình cũ vốn chứa quá nhiều khuyết tật và hạn chế. Những thành tựu to lớn của hơn 25 năm đổi mới đã chứng tỏ điều đó. Ngày nay, những kinh nghiệm, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn. Tình hình trong nước và thế giới ngày càng có nhiều thay đổi, chứa đựng những biến động phức tạp. Các yếu tố ấy có tác động rất sâu sắc đến quá trình đổi mới. Thực sự công cuộc đổi mới ở nước ta đã phải có nhiều thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Nhưng mặc dù vậy, luận điểm đổi mới có nguyên tắc vẫn giữ nguyên tính đúng đắn của nó. Bởi điều này không phải chỉ có ý nghĩa trong một thời điểm nhất định. Thực chất của luận điểm này là ở chỗ: phải giữ vững nguyên tắc trong toàn bộ quá trình đổi mới thì mới có thể đi đến thắng lợi. Còn tiến hành nửa vời, thì cũng coi như không hề thực hiện gì cả. Đó cũng là cơ sở lý luận quan trọng đã được khảo nghiệm qua thực tiễn để soi đường cho công cuộc đổi mới hiện nay; giúp cho Đảng và dân tộc Việt Nam tiếp tục tiến lên trên con đường xây dựng thành công CNXH, giành lấy những thắng lợi to lớn và vỹ đại hơn nữa trong tương lai sắp tới./.
(Trần Ngọc Sáng - GV Khoa Dân Vận)
Từ khóa » Nguyên Lý Của Nghĩa Là Gì
-
Nguyên Lý Hay Nguyên Tắc (principle) Là Gì ? - Luật Minh Khuê
-
Nguyên Lý Là Gì? - Luật Hoàng Phi
-
Nguyên Lý Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Nguyên Lý - Wiktionary Tiếng Việt
-
Nguyên Lý Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Nguyên Lý Là Gì? - Kiến Thức Cho Người Lao Động Việt Nam
-
Nguyên Lý Là Gì? 10 Nguyên Lý Kinh Tế Học - VietnamFinance
-
Nguyên Tắc Là Gì? Phân Tích Mối Liên Hệ Giữa Nguyên Lý Và Quy Tắc?
-
Nguyên Lý Hiệu Quả Là Gì? Cách Hoạt động, Hạn Chế Và Ví Dụ Của ...
-
Hai Nguyên Lý Của Phép Biện Chứng Duy Vật – Wikipedia Tiếng Việt
-
Vận Dụng Nguyên Lý Của Chủ Nghĩa Mác - Lê-nin, Tư Tưởng Hồ Chí ...
-
[PDF] Nhập Môn Những Nguyên Lý Cơ Bản Của Chủ Nghĩa Mác
-
[PDF] Chủ Nghĩa Xã Hội Và Thời Kỳ Quá độ