Đổi Mới Lề Lối, Phong Cách Làm Việc Của Cán Bộ, Công Chức, Viên Chức

Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND tỉnh; 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 108 đơn vị hành chính cấp xã; có 388 đơn vị sự nghiệp công lập. Tính đến thời điểm 30/12/2021, toàn tỉnh có tổng số 12.471 công chức, viên chức trong đó có 1.356 công chức, 8.881 viên chức và 2.234 công chức cấp xã.

Giải quyết thủ tục cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở. Trình độ, kiến thức và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dần được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Với 95% công chức cấp huyện, cấp tỉnh; 62,4% viên chức có trình độ từ đại học trở lên, cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều có khả năng vận dụng kiến thức vào hoạt động thực tiễn công việc được giao, hiệu quả công tác được nâng lên rõ rệt. Nhìn chung, cán bộ, công chức, viên chức cơ bản thực hiện tốt kỷ luật lao động, có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, có ý thức chủ động nghiên cứu, học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn, qua đó nâng cao hiệu quả công tác.

Tuy nhiên, qua kết quả thanh tra, kiểm tra và khảo sát của ngành chức năng cho thấy, ý thức tổ chức kỷ luật cũng như chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa ý thức rõ về chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; còn có cán bộ, công chức, viên chức thiếu kiến thức, kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học; chưa sử dụng, ứng dụng kỹ thuật mới vào lĩnh vực công việc đang đảm nhiệm một cách thuần thục. Một số cán bộ, công chức thực hiện các công việc theo khuôn mẫu, quy định có sẵn, chưa có tư duy đột phá, cải tiến để thay đổi lề lối, phương thức làm việc; chưa thường xuyên, tích cực học tập, bồi dưỡng, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ...

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, tập trung chỉ đạo đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, khoa học, sâu sát, kịp thời, đúng pháp luật. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng về nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Xây dựng bộ máy chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, ngày 19/1/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”. Mục tiêu hướng tới của Đề án là hình thành phong cách ứng xử, phương thức làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm giải trình trong hoạt động thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, phục vụ xã hội.

Theo đó, trước hết, tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cần nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quán triệt chỉ đạo đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đổi mới tư duy, thái độ, đổi mới phong cách theo hướng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ vì mục tiêu chung của tập thể và phục vụ lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Đặc biệt, cần quán triệt sâu sát làm thay đổi tư duy, thái độ, đổi mới lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận, thụ lý, giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc”.

Đón tiếp, phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, định hướng thực hiện nhiệm vụ, cần phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường công tác của từng cá nhân; thực hiện rà soát, bố trí, sắp xếp, điều chuyển nhân sự phù hợp với từng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế động viên, khích lệ đối với cán bộ, công chức, viên chức tận tâm với công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới và đạt thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được giao; khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, có cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức phải bám sát vào các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng theo quy định, đánh giá đúng thực chất; kết quả xếp loại chất lượng là cơ sở để sắp xếp, bố trí lại nhân sự. Cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và kiên quyết đưa ra khỏi hệ thống chính trị những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng về trình độ, năng lực, sức khỏe theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức đúng đắn, xác định rõ trách nhiệm của bản thân, trách nhiệm trước công việc; chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, tránh tư duy khuôn mẫu; có tinh thần trách nhiệm, cầu thị, hợp tác, chia sẻ, luôn nỗ lực hết mình, tự khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ động tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tự giác trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc. Chấp hành nghiêm quy định của cơ quan, đơn vị về tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ; không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; chấp hành nghiêm việc đeo thẻ công chức, viên chức; trong thực thi nhiệm vụ, phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền, trách nhiệm được giao...

Triển khai thực hiện Đề án này, hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về hoạt động công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong đó bao gồm cả về văn hóa công sở, về trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của công chức khi thi hành nhiệm vụ… để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm./.

Từ khóa » Giải Pháp đổi Mới Tác Phong Lề Lối Làm Việc