Đổi Mới, Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Dân Vận Trong điều Kiện Hiện Nay

Công tác dân vận là nhiệm vụ chiến lược

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, nhân dân vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực của cách mạng và xác định công tác dân vận là vấn đề có tính chiến lược, là điều kiện quan trọng củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thu phục được lòng dân, làm cho dân tin, dân theo thì việc khó mấy cũng thành công. Đó chính là kinh nghiệm của cha ông ta trong lịch sử được Bác Hồ đúc kết thành quan điểm “Dân vận khéo thì việc khó mấy cũng thành công”.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đồng bào chăm sóc lúa nước.

Trên quan điểm đó, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng về công tác dân vận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định công tác dân vận là phương thức đặc biệt quan trọng để đạt được mục tiêu mà Đảng đã đặt ra, coi đây là sự nghiệp của toàn dân và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Ngoài các nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận, như Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, nhiều nghị quyết về công tác dân tộc, tôn giáo, về nông dân, thanh niên, phụ nữ, công nhân,... được ban hành nhằm hướng đến mục tiêu thực hiện tốt hơn công tác dân vận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nội dung và phương thức thực hiện công tác dân vận ngày càng được đổi mới, bám sát tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, hướng đến chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có thể thấy, dù còn nhiều khó khăn, còn nhiều việc phải làm, nhưng các chính sách kinh tế, xã hội hướng đến chăm lo cuộc sống của nhân dân ở nước ta thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực; kinh tế - xã hội từng bước phát triển vững chắc; đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt, mạnh mẽ, không có vùng cấm; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao,... Do vậy, niềm tin, sự ủng hộ của người dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững; đất nước ổn định, phát triển, ngày càng khẳng định được vị thế và vai trò trên trường quốc tế.

Một số vấn đề mới đặt ra đối với công tác dân vận hiện nay

Tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, âm mưu của các thế lực thù địch, những tiêu cực của xã hội, sự tha hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống, vô cảm, xa dân, thờ ơ với những khó khăn của nhân dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và một số tiêu cực, sai phạm mới nổi lên gần đây (như gian lận kết quả thi cử; bổ nhiệm “người nhà”, “thần tốc” trong công tác cán bộ; sai phạm trong quản lý đất đai ở một số nơi, tham nhũng của một số cán bộ cấp cao;...) đã tác động không tốt đến công tác dân vận. Những “khúc mắc” trong các dự án đầu tư BOT giao thông “sai vị trí” và sự phản ứng của người dân trên 20 trạm BOT toàn quốc đã làm cho chính sách đầu tư theo hình thức “xây dựng - kinh doanh - chuyển giao” bị méo mó, ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực xã hội cho đầu tư, phát triển,... Nhiều vụ tham nhũng được xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã tạo niềm tin vào Đảng trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” này, nhưng đồng thời cũng làm cho một bộ phận người dân băn khoăn, lo lắng khi có khá nhiều cán bộ từ cấp thấp đến cấp cao của Đảng, chính quyền vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng ta là “nêu gương”, trong khi mà có quá nhiều cán bộ, đảng viên không gương mẫu, quan liêu, cửa quyền, xa dân, sai phạm nghiêm trọng phải xử lý hình sự, thì liệu lòng tin của nhân dân có giảm sút?

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch ráo riết lợi dụng triệt để vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, những sơ hở, yếu kém trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội để xuyên tạc, vu khống, chống phá Đảng, Nhà nước, kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm rạn nứt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang với nhân dân. Trong khi đó, những kiến nghị, đề xuất, bức xúc, khó khăn, nguyện vọng của nhân dân chậm được giải quyết; đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn mà chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh những hạn chế, yếu kém có thể làm suy giảm đến công tác dân vận của Đảng, sự phát triển của mạng xã hội cũng có tác động sâu rộng, khả năng lan tỏa cao, chi phối đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, hành động của người dân. Những việc làm tốt - xấu của cán bộ, đảng viên hay hạnh phúc - khổ đau của người dân đều được phản ánh trên mạng xã hội. Các thế lực thù địch dễ dàng lợi dụng khuyết điểm của một cán bộ, đảng viên nào đó nhằm “tạo sóng” trên truyền thông xã hội, hòng hạ thấp uy tín lãnh đạo của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Hiện nay, ngày càng có nhiều hình thức vận động người dân trên mạng xã hội. Có những vận động tích cực, như tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo; bảo vệ môi trường; rèn luyện thể dục, thể thao; lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống;... Song, cũng có những vận động tiêu cực, như vận động người dân xuống đường phản đối dự án luật “Đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt”, dẫn dến tình trạng mất an ninh, trật tự ở một số tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Bình Thuận. Điều này khiến cho không gian, thời gian của hoạt động dân vận được mở rộng; thậm chí, không gian “ảo”, hoạt động “ảo” lại trở thành không gian “thực”, hoạt động “thực”. Qua mạng xã hội, người dân không chỉ giám sát, phản biện, mà còn tạo ra những áp lực đối với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tăng cường sử dụng mạng xã hội nhằm xuyên tạc, bịa đặt về Đảng, Nhà nước, các lãnh tụ, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và tạo ra sự nghi ngờ của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cán bộ của Đảng. Mạng xã hội là một kênh có tác động đến công tác dân vận khá nhanh nhạy, nếu biết phát huy thì sẽ rất hiệu quả, song cũng ẩn chứa nhiều vấn đề phức tạp. Điều này tạo nên những phương thức mới đối với công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đòi hỏi công tác dân vận cần có những tiếp cận mới.

Đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận trong điều kiện hiện nay

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhờ dân tin Đảng, dân theo Đảng mà tạo thành sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi. Trong thời kỳ hiện nay, nếu quan liêu, xa dân, không dựa vào nhân dân, không làm tốt công tác dân vận, thì sẽ mất dân, không nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân. Do đó, để làm tốt công tác dân vận, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp khi ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, thực hiện các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đời sống, phải hướng đến giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, vì nhân dân, “đặt lợi ích nhân dân lên trên hết”; loại bỏ các yếu tố “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”...; tổ chức các hình thức phù hợp để người dân tham gia các khâu của quá trình ban hành chủ trương, chính sách; tạo cơ chế cho người dân tham gia giám sát, phản biện, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để “ý Đảng” hợp với “lòng Dân”.

Thứ hai, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an sinh, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân; quan tâm thực hiện các chính sách cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng biển bãi ngang, hải đảo, những nơi còn nhiều khó khăn, các hộ gia đình chính sách, gia đình nghèo. Khi thực hiện các dự án có liên quan đến thu hồi đất của người dân, cần phải công khai, minh bạch, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, quan tâm đến quyền lợi của người dân thuộc diện có đất thu hồi, không để người dân bị thua thiệt. Phải thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy, đó là “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến dân”.

Thứ ba, quan tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, chú trọng xây dựng đạo đức trong Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu để vận động nhân dân noi theo, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước (dân vận chính quyền); thực hiện quyết liệt và có hiệu quả hơn nữa cải cách thủ tục hành chính đi liền với xây dựng đạo đức, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự gần dân, trọng dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân. Cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp cao, người đứng đầu phải thường xuyên tiếp dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân và đối thoại với nhân dân, tăng cường trách nhiệm giải trình. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm những cán bộ tham nhũng (kể cả tham nhũng vặt), cán bộ có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc cho người dân; tạo điều kiện để người dân giám sát cán bộ, góp ý, đánh giá cán bộ cả ở nơi cư trú.

Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc Vệt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phải năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở và đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; thực sự là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Để đạt được mục tiêu trên, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, có đạo đức cách mạng trong sáng, thật sự tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, gần gũi với nhân dân, được nhân dân tin yêu.

Thứ năm, tổ chức các hình thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp để nắm bắt kịp thời tình hình nhân dân, trong đó chú ý theo dõi những vấn đề mà người dân và dư luận xã hội quan tâm, những diễn biến trên mạng xã hội để có hình thức giải quyết phù hợp. Trong giải quyết, phải quan tâm đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cần phải xem mạng xã hội là môi trường hoạt động của công tác dân vận, phát huy những yếu tố tích cực của mạng xã hội để làm công tác dân vận. Mỗi một cán bộ, đảng viên phải có ý thức tuyên truyền, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đồng thời có hình thức phù hợp để định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, lệch lạc, xấu, độc trên mạng xã hội.

Thứ sáu, tổ chức thực hiện sâu rộng, có hiệu quả phong trào thi đua “dân vận khéo”; nhân rộng những mô hình dân vận điển hình, có hiệu quả để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong toàn xã hội.

Đảng ta xem công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác dân vận, phải đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác dân vận (về con người, nguồn lực, phương tiện,...) để công tác dân vận có thể “đi trước một bước”, làm cho nhân dân hiểu, nhân dân tin, nhân dân ủng hộ. Có như vậy, “ý Đảng” mới phù hợp với “lòng Dân”, tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển đất nước./.

Theo: tapchimattran.vn

Từ khóa » Giải Pháp Cho Công Tác Dân Vận Hiện Nay