Đổi Mới, Phát Triển Trò Chơi Truyền Hình Thuần Việt

Á hậu biển Chân Phương cậy nhờ Xuân Bắc - Cát Tường mai mối trong gameshow Chân ái Gameshow truyền hình “Kèo này ai thắng” gây bức xúc cho khán giả vì có cảnh dung tục
Đổi mới, phát triển trò chơi truyền hình thuần Việt
Hình ảnh trong gameshow "Ðường đến danh ca vọng cổ".

Gameshow là một hình thức giải trí văn hóa quen thuộc trên các kênh truyền hình, thường được thực hiện tại trường quay lớn, hoặc trong một diện tích hẹp phù hợp với công việc thu hình. Hiện nay đa số gameshow được các công ty chuyên cung cấp bản quyền trò chơi truyền hình sáng tạo và sản xuất, sau đó được các kênh truyền hình, các công ty quảng cáo mua lại bản quyền để phát sóng. Trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21, gameshow bùng nổ trên các kênh truyền hình Việt, nhưng phần lớn trong số đó vẫn là các gameshow mua bản quyền từ nước ngoài, sau đó được "Việt hóa". Giai đoạn đầu, xen kẽ giữa các trò chơi trên truyền hình bản quyền nước ngoài đã xuất hiện một số gameshow thuần Việt thu hút công chúng như: "Chiếc nón kỳ diệu", "Vườn cổ tích", "Tuổi đời mênh mông", "Lục lạc vàng", "Ngôi nhà mơ ước", "Ðố vui để học", "Ðồ rê mí", "Sao Mai", "Sao Mai điểm hẹn", "Vượt lên chính mình", "Ðường lên đỉnh Olympia", "Ai là triệu phú"...

Tuy nhiên, đến nay chỉ còn một vài chương trình như "Ai là triệu phú", "Ðường lên đỉnh Olympia" còn bền bỉ phát sóng, đa số chương trình khác đã dần thoái trào, có thời điểm "lép vế" hoàn toàn trước sự xâm lấn ồ ạt của gameshow ngoại. Tuy nhiên thời gian gần đây, khán giả chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của gameshow Việt với loạt chương trình thu hút người xem. Có thể kể tên các chương trình "made in Việt Nam" được quan tâm nhiều như: "Quán thanh xuân", "Ký ức vui vẻ", "Gương mặt truyền hình", "Danh hài đất Việt", "Gương mặt điện ảnh", "Solo cùng bolero", "Tiếng hát mãi xanh", "Vợ chồng mình hát", "Cùng nhau tỏa sáng", "Hoán đổi", "Ðiệp vụ đối đầu", "Hát cùng mẹ yêu", "Tạp dề tí hon", "Sao nối ngôi", "Ðường đến danh ca vọng cổ", "Kỳ tài lộ diện", "Người hát tình ca", "Cười xuyên Việt", "Lô tô show-Gánh hát ngàn hoa", "Quyền lực nóng", "Mãi mãi thanh xuân", "Ðặc nhiệm Blouse trắng", "Thử thách bất ngờ", "Khúc hát se duyên", "Phái mạnh Việt","Vua Tiếng Việt"... Các gameshow thuần Việt này khá đa dạng về chủ đề, thể loại, hình thức thể hiện, từ thi thố tài năng, hẹn hò, hài hước, trinh thám, thử thách bản thân đến ẩm thực, đấu võ…

Qua khảo sát có thể thấy rất rõ sự khác biệt giữa gameshow bản quyền nước ngoài với gameshow thuần Việt. Về nội dung, gameshow bản quyền nước ngoài thường thiên về thi thố tài năng, sử dụng nhiều chiêu trò để hút khán giả, đi kèm với giải thưởng rất lớn, thì gameshow thuần Việt bên cạnh tính giải trí lại thiên nhiều về yếu tố chia sẻ kiến thức, gắn kết cộng đồng và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống. Về thành phần tham gia gameshow, nếu ở các format nước ngoài thường là các ngôi sao, người nổi tiếng tham gia là chính, thì các gameshow thuần Việt đa dạng người chơi hơn, những phần thể hiện của người chơi cũng gần gũi, bình dị hơn. Chẳng hạn chương trình "Vua tiếng Việt" đang phát sóng hằng tuần trên VTV3 ngoài việc giúp khán giả thư giãn còn mang đến những kiến thức bổ ích cho họ, bồi đắp tình yêu tiếng mẹ đẻ cho giới trẻ. Hay các gameshow "Vợ chồng mình hát" (phát trên HTV9), hoặc "Hát mãi ước mơ" (phát trên HTV7) Ðài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc ca hát giải trí, còn giúp người chơi thêm gắn bó tình thân gia đình, qua câu chuyện được chính người chơi chia sẻ đã mang cảm xúc rất thật đến với khán giả.

Một số gameshow nói về nghề nghiệp, công việc như "Gương mặt truyền hình", "Gương mặt điện ảnh", dù chỉ gắn với người chơi nổi tiếng nhưng lại rất nghiêm túc trong chia sẻ kiến thức nghề nghiệp, hướng người tham gia đến sự tử tế, thắp lên tình yêu dành cho các bạn trẻ trong lựa chọn công việc mình yêu thích. Gameshow "Mãi mãi thanh xuân" dành cho người cao tuổi, là nơi để người chơi tuổi trung niên thể hiện các khả năng đặc biệt của mình, truyền cảm hứng sống, tình yêu đời cho thế hệ kế tục. Các gameshow xứng đáng được nhận điểm cộng từ khán giả còn có "Lô tô show-Gánh hát ngàn hoa", "Sao nối ngôi", "Ðường đến danh ca vọng cổ", được ví như các kênh giao lưu quảng bá, tôn vinh, giữ gìn kho tàng văn hóa dân gian gắn với nhiều địa phương, vùng miền, giáo dục kiến thức cũng như bồi đắp lòng tự hào cho thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống của cha ông để lại.

Các chương trình như "Ðường lên đỉnh Olympia", "Ai là triệu phú" dù người chơi không phải ngôi sao nhưng nhờ thường xuyên hoàn thiện format, đổi mới cách làm để tạo sự sinh động, nên vẫn hút khán giả sau nhiều năm phát sóng. Thậm chí, một số chương trình đứng Tốp đầu trong các gameshow giải trí hằng năm đã được khán giả bình chọn giải Mai Vàng của báo Người Lao động, như các chương trình "Ký ức vui vẻ", "Sao nối ngôi". Từ đó, một số công ty sản xuất gameshow đã chuyển hướng để đầu tư sáng tạo, sản xuất các chương trình giải trí thuần Việt, đáng chú ý là những cái tên như M&T Picture, Jet Studio, Khang Media…

Gameshow mua bản quyền nước ngoài có ưu điểm chung là đã được khán giả kiểm chứng, dễ được nhà sản xuất chấp nhận đầu tư. Nhưng thực tế tại Việt Nam, không ít chương trình bản quyền nước ngoài, dù được Việt hóa song vẫn gặp phản ứng của khán giả vì nội dung có nhiều điểm không phù hợp với văn hóa tiếp nhận của người Việt. Ðây là "khoảng trống" để các nhà sản xuất sáng tạo và "lấp đầy", đưa tới các chương trình giải trí đậm văn hóa Việt, cho người Việt. Nhìn vào số lượng chương trình cũng như lượng khán giả theo dõi các năm vừa qua có thể thấy, dù không phát triển nóng, chưa có chương trình gây "bão" hay trở thành hiện tượng, nhưng gameshow thuần Việt đang có sự phát triển ổn định, trở thành một dòng chảy riêng biệt.

Có thể lý giải điều này từ chính nội dung của các gameshow thuần Việt, với xu hướng tôn vinh những giá trị đẹp trong văn hóa dân tộc, cổ vũ tinh thần cộng đồng, khôi phục tinh hoa truyền thống, hướng khán giả đến các giá trị chân-thiện-mỹ. Trong khi gameshow định dạng nước ngoài coi tạo scandal là thủ pháp để thu hút khán giả, thì gameshow thuần Việt lại nói "không" với cách thức "câu kéo" này, tiếp cận khán giả chân thật hơn, và văn hóa ứng xử của người tham gia trong các chương trình khá bình dị, dễ đi vào lòng người. Ngoài ra, các gameshow thuần Việt thường không đặt nặng giá trị vật chất mà thiên về giải trí, mang giá trị tinh thần. Khán giả có thể không ngay lập tức bị hút vào chương trình, nhưng cùng với thời gian, tính lành mạnh, phù hợp tâm lý tiếp nhận của người Việt đã khiến cho gameshow Việt từng bước thuyết phục người xem, hấp dẫn họ ở lại với chương trình.

Tuy nhiên, trong sự đối sánh với các gameshow mua bản quyền nước ngoài, có thể dễ dàng nhận thấy gameshow thuần Việt đang gặp không ít thách thức, trong đó thử thách lớn nhất là áp lực về chỉ số khán giả, lượng người xem các chương trình dù ổn định nhưng chưa cao. Gameshow Việt đã hiện diện ở trên sóng nhiều kênh truyền hình song về cơ bản khung giờ vàng vẫn được dành cho các gameshow mua bản quyền nước ngoài. Phần nhiều gameshow thuần Việt chủ yếu phát sóng trên kênh truyền hình địa phương, không phải trong khung giờ có nhiều người xem.

Các gameshow tìm kiếm tài năng ca nhạc thuần Việt chưa có ảnh hưởng lớn bằng các gameshow định dạng nước ngoài. Ðã có một số ca sĩ Vpop thành danh sau khi có mặt trong gameshow bản quyền nước ngoài như Uyên Linh, Hương Tràm, Văn Mai Hương, Bảo Anh, Bích Phương, Ali Hoàng Dương, Ðức Phúc,… trong khi gameshow tìm kiếm tài năng ca nhạc thuần Việt như "Ngôi sao phương Nam", "Solo cùng Bolero", "Tôi là ngôi sao" lại chưa xây dựng được các hạt nhân nổi bật đóng góp vào thị trường âm nhạc. Ðây là điều mà các nhà sáng tạo, các nhà sản xuất gameshow thuần Việt cần phải suy ngẫm. Bởi, dù là gameshow trong hay ngoài nước thì chương trình giải trí tìm kiếm tài năng vẫn phải tìm kiếm được những gương mặt thật sự có tài, được số đông công nhận. Hiện, các nhà sản xuất chương trình gameshow thuần Việt vẫn trong giai đoạn vừa làm vừa tìm tòi nên nhìn chung còn khá dè dặt, chưa mạnh dạn đầu tư những format mới lạ. Tâm lý "nghe ngóng", chờ đợi kiểm chứng về hiệu ứng khán giả cũng khiến nhà sản xuất chưa dám bứt phá. Một số chương trình vì e ngại thất bại nên vẫn bắt chước gameshow nước ngoài, do đó khi xem các gameshow Việt không khó nhận ra đâu đó bóng dáng của gameshow ngoại, từ cấu trúc của chương trình đến cách chấm của giám khảo, cách tham gia của người chơi.

Chưa kể, với các gameshow "Made in Việt Nam", ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, điều thiếu nhất hiện nay vẫn chính là sự đột phá trong ý tưởng và độc đáo trong cách thể hiện. Dù cố gắng, có dấu ấn nhất định trong công chúng nhưng đa phần gameshow thuần Việt vẫn đứng sau trong cuộc đua với gameshow ngoại. Trong khi khán giả - những người luôn luôn ủng hộ sáng tạo của người Việt, lại khao khát được xem các chương trình giải trí do chính trí tuệ và bàn tay của người Việt làm ra. Ðó là một thách thức, vì trong một gameshow truyền hình, sự hấp dẫn luôn là yếu tố sống còn, nếu không tạo được sự hấp dẫn, thì dù nội dung có ý nghĩa đến đâu cũng khó lôi cuốn người xem.

Ðặc biệt cần chú ý, khán giả hôm nay không chỉ có trình độ thưởng thức mà còn có nhiều lựa chọn để giải trí, nên sự dễ dãi trong cách làm, hời hợt trong ý tưởng luôn có thể đẩy chương trình đến ngõ cụt. Trong bối cảnh công chúng luôn trông đợi các chương trình giải trí truyền hình thuần Việt có thể tạo ra "cơn bão" trong sinh hoạt văn hóa, thậm chí có thể xuất khẩu, các nhà sản xuất gameshow Việt cần không ngừng đổi mới, tìm kiếm và sáng tạo, hướng sự chú ý vào lĩnh vực mà gameshow ngoại chưa đề cập, hoặc không thể làm nổi. Ví như tập trung khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo ra chương trình mang bản sắc riêng, chuyển tải được thông điệp mạnh mẽ trong bảo tồn và phát huy, gìn giữ văn hóa Việt, hun đúc tâm hồn Việt, giúp khán giả có cơ hội được thưởng thức ngày càng nhiều các chương trình phù hợp, sâu sắc và hấp dẫn.

Theo Quỳnh Trang/nhandan.vn

https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/doi-moi-phat-trien-tro-choi-truyen-hinh-thuan-viet-683723/

Từ khóa » Trò Chơi Truyền Hình Htv7