ĐÔI NÉT VỀ KINH THÁNH VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KINH ...

  • Trang nhất
  • Thông tin - Tư liệu
  • Thư viện
ĐÔI NÉT VỀ KINH THÁNH VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KINH THÁNH DRS 2024-07-05T18:54:22+07:00 https://frs.ussh.vnu.edu.vn/vi/thong-tin-tu-lieu/thu-vien/doi-net-ve-kinh-thanh-va-phuong-phap-nghien-cuu-kinh-thanh-18.html https://frs.ussh.vnu.edu.vn/uploads/drs/thong-tin-tu-lieu/2021_10/logo.jpg Bộ môn Tôn giáo học Thứ bảy - 22/05/2021 01:30

ĐÔI NÉT VỀ KINH THÁNH VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KINH THÁNH

ĐÔI NÉT VỀ KINH THÁNH VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KINH THÁNH

[TƯ LIỆU] Tác giả Vũ Văn Hiếu - Nxb Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ. Bài viết đã được in trong cuốn sách: "Đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam quá trình hình thành và phát triển" của Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Nxb Tôn giáo, 2017, tr. 446-451. Muốn hiểu về một tôn giáo, không thể không nghiên cứu kinh điển của tôn giáo đó. Kinh điển của tôn giáo tỏ bày về bản chất của tôn giáo đó. Tuy nhiên việc tiếp cận nghiên cứu kinh điển tôn giáo là công việc khó khăn, nó đòi hỏi những người đam mê nghiên cứu lĩnh vực này phải có phương pháp phù hợp và khả năng "cảm" về đối tượng nghiên cứu. Việc nghiên cứu Kinh thánh là một đòi hỏi đối với những ai muốn hiểu về Ki-tô giáo. Ở góc độ hiện sinh, Kinh thánh chứa đựng nhiều quan điểm nhằm trả lời cho những câu hỏi về phần lớn các vấn đề mà con người phải đối mặt ở mọi nơi và mọi thời: Con người là ai? Con người bởi đâu mà hiện hữu? Tại sao con người lại ở đây? Số phận con người là gì? Ý nghĩa sự tồn tại của mỗi cá nhân là gì trong một thế giới có cấu trúc?... Vì thế, việc nghiên cứu Kinh thánh luôn có tính thời sự. Bài viết này, người viết đề cập đến một số nội dung về Kinh thánh và phương pháp tiếp cận nghiên cứu Kinh thánh. 1. Bộ Kinh thánh và vai trò của Kinh thánh 1.1. Từ nguyên "Kinh thánh" và những sách thuộc Kinh thánh Danh từ Kinh thánh hay Thánh kinh là nghĩa chuyển dịch từ tiếng Hy Lạp "biblia", chỉ có nghĩa đơn giản là "kinh sách", theo nghĩa chung chỉ một tuyển tập gồm nhiều tác phẩm được xem là tác phẩm có uy tín, mang tính chất thánh thiện đặc biệt. Ngày xưa, khi dịch Cựu ước toàn thư và Tân ước toàn thư sang chữ Hán, người Trung Quốc gọi hai cuốn sách này là "Thần thánh điển phạm" (Mẫu mực thiêng liêng) và "Thiên kinh địa nghĩa" (Đạo nghĩa muôn thuở). Về sau, khi in gộp Cựu ước và Tân ước thành một bộ sách, người Trung Quốc ghép hai chữ thứ hai lại thành "Thánh kinh". Kinh thánh là một pho sách (Công giáo thừa nhận 73 quyển, Tin lành công nhận 66 quyển) được chia làm hai phần Cựu ước (Công giáo thừa nhận 46 cuốn, Tin lành thừa nhận 39 cuốn) và Tân ước (27 cuốn, đều được Công giáo và Tin lành thừa nhận). Cựu ước là những sách được viết trước Đức Giê-su ra đời do các vị được gọi là Tiên tri và các tác giả người Do Thái khác; Tân ước được viết sau Đức Giê-su ra đời, do các vị được gọi là thánh sử, các Tông đồ và các môn đệ trực tiếp của các vị này. Cựu ước (Công giáo) gồm 46 cuốn được chia làm 3 loại: Sử ký gồm 21 cuốn (Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số, Đệ Nhị luật, Giô-suê, Thủ lãnh, Rút, Sa-mu-en quyển 1, Sa-mu-en quyển 2, Sách Các vua quyển 1, Sách Các vua quyển 2, Sử biên niên quyển 1, Sử biên niên quyển 2, Ét-ra, Nơ-khe-mi-a, Tô-bi-a, Giu-đi-tha, Ét-te, Ma-ca-bê quyển 1, Ma-ca-bê quyển 2); Giáo huấn gồm 7 cuốn (Gióp, Thánh vịnh, Châm ngôn, Giảng viên, Diễm ca, Khôn ngoan, Huấn ca); Tiên tri gồm 18 cuốn (I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ai-ca, Ba-rúc, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en, Hô-sê, Giô-en, A-mốt, Ô-va-đi-a, Giô-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai, Da-ca-ri-a, Ma-la-khi). 27 cuốn trong Tân ước cũng được chia làm ba thể loại: Sử ký gồm 5 cuốn (Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca, Gio-an, Công vụ tông đồ); Giáo huấn gồm 21 quyển (Rô-ma, Cô-rin-tô 1, Cô-rin-tô 2, Ga-la-ta, Ê-phê-sô, Phi-líp-phê, Cô-lô-sê, Thê-sa-lô-ni-ca 1, Thê-sa-nô-ni-ca 2, Ti-mô-thê 1, Ti-mô-thê 2, Ti-tô, Phi-lê-môn, Do-thái, Gia-cô-bê, Phê-rô 1, Phê-rô 2, Gio-an 1, Gio-an 2, Gio-an 3, Giu-đa); Tiên tri có một cuốn là Khải huyền. 1.2. Vai trò của Kinh thánh - Vai trò tôn giáo Kinh thánh có vai trò về mặt tôn giáo đặc biệt quan trọng. Phần đầu tiên trong Kinh thánh (thường được tín đồ Ki-tô giáo gọi là Cựu ước, và người Do Thái gọi là Tanak) được người Do Thái xem là kinh sách thiêng liêng. Tín đồ Ki-tô giáo thì xem toàn bộ Kinh thánh là "Lời Chúa" trong cùng một tâm thế. Ngoài ra, Islam mặc dù có sách thánh của riêng mình (Kinh Qur'an) cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ Kinh Cựu ước, và trong một chừng mực nào đó, chịu ảnh hưởng của Kinh Tân ước. Bản thân Islam cũng thừa nhận giá trị nhất định trong "Kinh sách" của Ki-tô giáo và Do Thái giáo, và gọi những người theo hai tôn giáo này là dân của Kinh sách. Vì thế, xét từ góc độ tôn giáo, Kinh thánh có vai trò đặc biệt trong lịch sử và sinh hoạt của ba tôn giáo này. Ngoài ra, nền tảng tôn giáo của một bộ phận lớn dân số toàn cầu, trực tiếp hay gián tiếp trong đạo Ki-tô hay Do Thái. - Vai trò văn hóa Không thể phủ nhận vị trí và ảnh hưởng của Kinh thánh trên lĩnh vực văn hóa. Kinh thánh chứa đựng một số tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới, vì thế cấu thành một bộ phận quan trọng trong truyền thống văn học phương Tây. Ngoài ra, ảnh hưởng sâu rộng và việc áp dụng phổ biến các chủ đề, hình ảnh trong Kinh thánh có thể được tìm thấy trong rất nhiều các tác phẩm của nhiều nhân vật văn học nổi tiếng trong thế giới phương Tây. Kinh thánh truyền cảm hứng cho ngành hội họa, điêu khắc, kiến trúc và âm nhạc trong nền văn hóa phương Tây, và phần lớn truyền thống luật pháp và xã hội phương Tây đều dựa vào tư tưởng và các hướng dẫn thực hành trong Kinh thánh. - Vai trò lịch sử Kinh thánh, ở góc độ lịch sử là những ghi chép về các sự kiện, sinh hoạt, nhân vật... cung cấp tư liệu nguồn quan trọng đối với các sử gia, vì không có tư liệu này, kiến thức Cận Đông cổ đại của các sử gia sẽ bị hạn chế và sử gia sẽ hầu như không biết gì về sinh hoạt và lịch sử của nước Israel cổ đại cũng như phong trào Ki-tô giáo ban đầu. Ngoài ra, người ta có thể khám phá những ý nghĩa quan trọng khác của Kinh thánh như đạo đức, ý nghĩa hiện sinh... 2. Một số gợi ý về phương pháp nghiên cứu Kinh thánh 2.1 Một số khó khăn thường gặp khi nghiên cứu Kinh thánh Ngày nay, khi tiếp cận nghiên cứu Kinh thánh, người nghiên cứu thường gặp một số khó khăn: Thứ nhất, xuất phát từ tính đa dạng của Kinh thánh. Kinh thánh phản ánh kinh nghiệm và sinh hoạt của hai cộng đồng khác biệt là Israel cổ đại và cộng đồng đạo Ki-tô nguyên thủy. Những tư liệu khác nhau do nhiều tác giả viết ra, trong thời gian hơn 1000 năm và ít nhất bằng ba ngôn ngữ khác nhau (Hê-bơ-rơ, A-ram, Hi Lạp); chúng biểu hiện cho sự đa dạng các hình thức văn học: truyền thuyết, lịch sử, hư cấu, luật pháp, thi ca, bài giảng, thư gửi... Thứ hai, xuất phát từ khoảng thời gian biên soạn đến nay, khoảng 2 đến 3 thiên niên kỷ; các sự kiện được đề cập trong Kinh thánh, những người tham gia các sự kiện và bố cục tư liệu Kinh thánh được ấn định trong bối cảnh các nền văn hóa xa xôi trong lịch sử. Thứ ba, liên quan đến thế giới tư tưởng trong Kinh thánh. Trong nhiều phương diện, những quan niệm trong Kinh thánh xa lạ với nhận thức của con người thời nay, như quan điểm về nguồn gốc hình thành và cấu trúc vũ trụ theo Kinh thánh về cơ bản khác với quan niệm khoa học hiện đại... Thứ tư, sự tồn tại những định kiến (nếu có) của cá nhân người nghiên cứu đối với Kinh thánh cũng là một rào cản cần được thừa nhận và khắc phục nếu người nghiên cứu thực sự muốn biết các tác giả Kinh thánh muốn nói gì trong thời đại của họ. 2.2. Phương pháp phê bình trong nghiên cứu Kinh thánh Đối với Giáo hội Ki-tô giáo, việc nghiên cứu Kinh thánh được tiến hành thường xuyên. Đây là công việc trọng yếu của thần học (với ba đường hướng chính: Chú giải hoặc nghiên cứu Kinh thánh, thần học hệ thống hoặc thần học tín lý, thần học thực hành hay thần học mục vụ). Trong nhiều thế kỷ, có nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau được sử dụng bởi cả giới học giả Do Thái giáo lẫn Ki-tô giáo, cũng như những người quan tâm chủ yếu đến khía cạnh triết học, lịch sử, đạo đức hoặc văn học hơn là quan tâm đến tôn giáo. Phương pháp tiếp cận cụ thể phụ thuộc rất nhiều vào nguyên tắc giả định của từng học giả về tính chất cơ bản của Kinh thánh. Tuy nhiên, có một phương pháp được sử dụng phổ biến là phương pháp phê bình Kinh thánh. Có hai lưu ý về giả định mang tính nguyên tắc trong phương pháp phê bình Kinh thánh: Thứ nhất, Kinh thánh, dù có những quan điểm khác nhau trong việc nhìn nhận nguồn gốc và tính chất, cũng là một tuyển tập tư liệu của nhân loại, do các tác giả là con người biên soạn bằng ngôn ngữ của con người, do đó phải theo cùng tiêu chuẩn điều nghiên lịch sử và văn học như mọi quyển sách khác. Thứ hai, nghiên cứu Kinh thánh không thể theo lối tư duy ngày nay mà phải theo bối cảnh lịch sử và văn hóa ban đầu của chúng. Tất cả những hình thức diễn đạt, thông điệp muốn gửi gắm, chất liệu được sử dụng... phải được đặt vào trong bối cảnh cụ thể (nguyên tắc lịch sử cụ thể) Câu hỏi chủ yếu không phải lúc này chúng có ý nghĩa gì mà đúng ra là lúc đó chúng có ý nghĩa gì. Phương pháp phê bình Kinh thánh cũng có những bước đi và "phương pháp con": Bước đi đầu tiên là thực hiện phương pháp phê bình nguyên bản. Mục đích của phương pháp này là phục hồi từng từ có thật do nhiều tác giả khác nhau biên soạn. Loại nghiên cứu này rất cần thiết vì các bản sao nguyên bản các quyển Kinh thánh đều bị thất lạc mà trong nhiều thế kỷ trước khi phát minh máy in, các tư liệu đều được chép tay (tam sao thất bản). Thực trạng này dẫn đến xuất hiện nhiều biến thể. Một số nội dung biến thể ảnh hưởng đến nội dung hay ý nghĩa cốt yếu mà tác giả muốn truyền tải. Phương pháp này đòi hỏi người nghiên cứu phải dày công, so sánh cẩn thận, giữa hàng ngàn bản chép tay hiện có, để xác định tác giả lúc đầu viết câu gì. Đây không phải là một môn khoa học chính xác, nhưng trong rất nhiều trường hợp đạt được xác suất rất cao. Bước thứ hai trong phê bình Kinh thánh là phương pháp phê bình lịch sử hay phương pháp phê bình lịch sử - văn học. Phương pháp này giúp giải quyết các vấn đề về nguồn gốc hình thành và lịch sử tư liệu Kinh thánh. Các vấn đề này bao gồm: Tác giả của tư liệu cụ thể là ai? Tác giả ấy viết tư liệu ấy khi nào, ở đâu, bằng ngôn ngữ gì, lý do tại sao và viết cho ai? Tác giả ấy có sử dụng nguồn tư liệu hay không, nếu có, sử dụng nguồn tư liệu gì? Tác giả đầu tiên có viết sách như cách của chúng ta ngày nay hay không, hay là những phần thêm vào/bỏ sót và/hoặc sử đổi sau này, và nếu có tình trạng như thế, thì tiến hành vào lúc nào, với mục đích gì? Chúng ta biết gì về cái nôi lịch sử văn hóa hình thành nguồn tư liệu Kinh thánh có thể giúp xác định ý nghĩa của tác phẩm? Kinh thánh cũng có đặc điểm giống kinh điển của nhiều tôn giáo khác đó là hình thức truyền khẩu những nội dung Kinh thánh tồn tại trước khi Kinh thánh thành văn ra đời. Giới nghiên cứu Kinh thánh ngày rất quan tâm đến hình thức tiền văn tự hoặc hình thức truyền khẩu của những tư liệu này. Vì thế một phương pháp nghiên cứu mới được ra đời, được gọi là phương pháp bình phẩm hình thức, cố gắng lần theo lịch sử và sự phát triển các truyền thuyết Kinh thánh trước khi nó được rút gọn thành tác phẩm. Phương pháp này rất có giá trị trong việc giải thích sáng tỏ nhiều khía cạnh khác nhau trong sinh hoạt cộng đoàn Israel cổ đại và Hội thánh Ki-tô giáo tiên khởi. Việc hiểu biết này sẽ giúp giới học giả trong nỗ lực tìm hiểu ý nghĩa tư liệu để rồi sau cùng họ kết hợp thành các tác phẩm tạo thành Kinh thánh hiện nay. Tóm lại, mục đích chung của phương pháp phê bình Kinh thánh là phải đặt nhiều phần khác nhau trong Kinh thánh vào bối cảnh văn hóa, lịch sử cụ thể của chúng và cho phép các tác phẩm này nói lên tiếng nói của chính mình trong bối cảnh của riêng mình. Hoặc nói theo cách khác, mục đích của phương pháp phê bình Kinh thánh là phải giúp bạn đọc Kinh thánh thời hiện đại tự đặt mình vào vị trí của các cộng đoàn thời cổ đại, cộng đoàn đã hình thành sử dụng tư liệu Kinh thánh, do đó xác định được ý nghĩa của những tư liệu này đối với số cộng đoàn ấy./. Tài liệu tham khảo 1. Kinh thánh Lời Chúa cho mọi người (2012), Nhóm phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 2. John H. Hayes (2008), Nhập môn Kinh thánh, TS. Nguyễn Kiên Trường dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 3. Lane A. Burgland (2016), Đọc và hiểu Kinh thánh, Lê Thị Thanh Hà dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. . Tags: Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Ý kiến bạn đọc

Sắp xếp theo bình luận mới Sắp xếp theo bình luận cũ Sắp xếp theo số lượt thích Bạn cần đăng nhập với tư cách là Thành viên chính thức để có thể bình luận

Những tin mới hơn

  • TIẾP CẬN CẤU TRÚC VÀ TIẾP CẬN VĂN HÓA TRONG NGHIÊN CỨU XÃ HỘI HỌC TÔN GIÁO

    (25/05/2021)
  • QUAN ĐIỂM CỦA MAX WEBER VỀ ISLAM

    (28/05/2021)
  • Cảm hứng văn chương của Nguyễn Việt Hà từ Kitô giáo

    (29/05/2021)
  • PHẬT GIÁO VỚI VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (Qua hình thức Hỏa táng sau khi mất)

    (02/06/2021)
  • NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỚI LỐI SỐNG CỦA TÍN HỮU TIN LÀNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

    (02/06/2021)
  • ĐẠO LÀM NGƯỜI TRONG SẤM GIẢNG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO HÒA HẢO*

    (06/06/2021)
  • SUY NGHĨ VỀ VIỆC HOÀN CHỈNH PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

    (06/06/2021)
  • VÀI NÉT VỀ DẤU ẤN CỦA KINH PHÁP HOA TRONG VĂN BIA LÝ – TRẦN

    (20/12/2021)
  • ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

    (21/12/2021)
  • ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC CỦA MỘT SỐ VỊ CAO TĂNG THUỘC SƠN MÔN PHẬT GIÁO LINH QUANG – TRÀ LŨ TRUNG, NAM ĐỊNH

    (25/12/2021)
  • Khóa luận, luận văn, luận án
  • Thư viện
  • Bài giảng, giáo trình, sách chuyển khảo
  • https://frs.ussh.vnu.edu.vn/uploads/drs/logo_tgh1.png N/A
  • BỘ MÔN TÔN GIÁO HỌC (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN)
  • Địa chỉ: Tầng 4, Nhà A, Trường ĐHKHXH&NV, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
  • Điện thoại: 024-385-839-03 Fax: +84-24-38583903 Email: flis@vnu.edu.vn
  • Trang chủ
  • Sitemap
  • Feeds
  • Liên hệ
Bản quyền ©2019 Khoa TT-TV. Xây dựng trên mã nguồn NukeViet hỗ trợ bởi VINADES.,JSC Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây cron

Từ khóa » Băng Kinh Thánh Là Gì