Đôi Nét Về Một Linh Mục Truyền Giáo Vùng Sông Nước - TGP SÀI GÒN
WGPSG -- Năm Linh mục, xin giới thiệu cuộc đời truyền giáo của một linh mục đã trở nên thân quen với những hoạt động mục vụ nhiệt tình và những tác phẩm nhà đạo đầy dí dỏm duyên dáng: Cha Piô Ngô Phúc Hậu.
... Ở tuổi 70, linh mục trông vẫn còn khỏe, có lẽ nhờ làm việc không ngừng nghỉ, còn sức lội bộ băng ruộng đồng dưới trời nắng cháy đi thăm dân, tìm chiên lạc mang về. Dù tuổi con chuột nhưng linh mục thường ví mình như con trâu làm việc không biết mệt, không than cực và cũng chưa muốn nghỉ ngơi: "Làm hoài, làm đến chết vẫn chỉ là muối bỏ biển. Số người nghèo thì nghèo thêm… Làm được (bao) nhiêu thì hay (bấy) nhiêu. Chết bỏ, nghỉ khỏe. Ta là trâu, Chúa là thợ cày. Trâu kéo cày, Chúa sắm cày. Chúa không sắm cày thì trâu nghỉ…" (Thư ngày 25-12-2005, Phụ Trang, Nhật Ký Truyền Giáo, Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu, lần thứ IV, San Jose, CA, 2006).
Nhưng linh mục không phải là superman (siêu nhân). Thời gian năm tháng làm việc Chúa vẫn để lại tì vết trên thân xác con người: "Tóc bạc, tai (mặt) điếc 75%, mắt đui một con (mắt mặt), con kia thì loạn nhưng mang kiếng thì thấy cả sợi râu của cậu. Cơ bấp thì còn đánh lộn được…" (Thư ngày 26-10-2005, Phụ Trang, sđd)
Thật sự linh mục Ngô Phúc Hậu không hề có ý định đi Mỹ để chữa bịnh tai và mắt vì đã lớn tuổi… "Chữa xong là tới ngày Chúa gọi về", “Uổng tiền! Để tiền giúp người nghèo." Và cũng có thể vì ý nghĩ "Có khi tôi mù và điếc lại nảy sinh ra nhiều sáng kiến truyền giáo hơn là sáng mắt và thính tai!” Hai bác sĩ Việt Nam ở San Jose, bác sĩ Ngọc và bác sĩ Đức, tình nguyện chữa giúp. Kết quả khám sơ khởi cho biết là mắt mặt không chữa được nữa (linh mục đã biết điều này từ trước 1975). Tai mặt có thể mổ để chữa cho khá hơn, nhưng cần thời gian tối thiểu ba tuần. Linh mục không có nhiều thời giờ cho riêng mình…
Nguyện vọng của linh mục trong chuyến đi Mỹ là “thấy, nghe và suy nghĩ để viết một cuốn sách.” (Thư ngày 26-10-2005, Phụ Trang, sđd).
Trước mắt tôi là anh Tám Hậu, con nguời nhỏ bé, đơn sơ, hèn mọn, khiêm cung. Tôi cũng có dịp nói chuyện với linh mục Piô Ngô Phúc Hậu, tham dự các thánh lễ và nghe linh mục giảng Phúc Âm trong ba ngày cuối tuần. Một linh mục của Chúa Kitô. Một Alter Christus. Một linh mục truyền giáo… đi truyền đạo chứ không phải chỉ giữ đạo bằng việc xây cất nhà thờ thật đẹp, rồi làm chánh xứ… trụ trì, muốn ở, không muốn đi, chỉ thích… đứng truyền giáo! (Sài Gòn, ngày 14-11-1995)
Trưa nay mình ăn cơm ở căng-tin số 370 Cách Mạng Tháng 8. Một linh mục đàn anh hỏi mình: - Anh đi Năm Căn được gần 25 năm rồi đấy. Vậy trong 25 năm qua anh xây được mấy cái nhà thờ? - Chòi thờ thì nhiều. Nhà thờ thì chưa. Hiện nay đang mơ ước có một nhà thờ nổi để đi tới đâu thì đem nhà thờ tới đó.
Ừ, thật thế. Mình cũng tự đặt câu hỏi: “Tại sao mình không tha thiết lắm với việc xây nhà thờ?” Có lẽ vì chưa có thời giờ để nghĩ đến nó chăng? Nhưng cũng có thể vì Đức Giám mục của mình không muốn mình xây nhà thờ vật chất mà chỉ lo xây dựng con người. Có lần mình ngỏ ý muốn xây nhà thờ Cái Rắn thì ngài tỏ thái độ lửng lờ. Cuối cùng, ngài không bật đèn đỏ, không bật đèn xanh, mà bật đèn vàng: “Cái đó tùy cha.” Thế thì rõ rồi, xây dựng con người trước đã. ("Nhà Thờ", sđd, tr. 146)
Linh mục, bất cứ linh mục nào, phải là nhà truyền giáo. Và “truyền giáo là đem sự yêu thương, đem Chúa đến mọi người, không phân biệt trong đạo hay ngoài đạo, vì Chúa là Tình Yêu.” Linh mục Hậu nhận xét trong thời gian đầu khi mới đến Việt Nam, các nhà truyền giáo ngoại quốc, có lẽ vì ngôn ngữ bất đồng, phong tục khác biệt, không am hiểu con người Việt Nam nên dùng những từ không chỉnh, không xứng, không đẹp gây phản ứng tiêu cực nơi người nghe khiến việc truyền giáo bị cấm đoán. Hậu quả là sau hơn 5 thế kỷ truyền bá Phúc Âm rất ít người Việt Nam hiểu đúng về Đức Kitô. (Hiện nay vẫn còn có kinh sách dùng những từ không xứng hợp với tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với loài người thụ tạo như “Ta,” “bây,” “ quân bây” …)
Trong thời gian 30 năm đi truyền giáo đến những nơi chưa có ánh sáng Tin Mừng, linh mục rất đau buồn mỗi khi nghe người ngoại đạo hiểu sai về Đức Kitô, có những mẫu chuyện không đúng về Người. “Là người truyền giáo, tôi có trách nhiệm sửa đổi những sai lầm đó… Tôi không có tài làm phép lạ như Chúa làm người chết sống lại, chữa người mù sáng mắt, người câm nói được, người què đứng dậy đi… nhưng tôi có thể mang tình yêu của Thiên Chúa đến mọi người, giúp họ nhận biết Thiên Chúa chính là Tình Yêu!”.
“Xin anh chị em luôn nhớ đến những người lương nghèo khó và quê hương Việt Nam.” Linh mục Ngô Phúc Hậu kết thúc buổi lễ bằng lời nói làm mọi người ngạc nhiên. Linh mục không những chỉ nghĩ đến giáo dân Cái Rắn, nơi linh mục làm chánh xứ, mà còn nhớ cả những người bên lương, những người ngoại đạo, đến tất cả mọi người nghèo khó ở Việt Nam. Đó là cung cách của một nhà truyền giáo thật sự “thương người hàng xóm như chính mình.”
Ước nguyện của linh mục Hậu khiến tôi nhớ đến hai câu kết trong bài hát “Diễm Xưa” của Trịnh Công Sơn: Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.
Có đi truyền giáo, có chứng kiến, trực diện hàng ngày với cái đói khổ của người dân lao động tay lấm chân bùn, có thấy được một số tiền nhỏ chỉ 50, 100 đô dùng để mua thuốc hay giải phẫu cứu sống một mạng người ở Việt Nam thì người chủ chăn mới không dám sử dụng những số tiền khổng lồ cho những công tác không cần thiết, vô ích tốn hàng trăm ngàn, hàng triệu đô la chỉ cốt để “có với người ta,” hay “có hơn người ta.” Linh mục Hậu kể tôi nghe một câu chuyện buồn cười (mà không cười được). Một ông trùm xứ đạo ngoài Bắc được phép linh mục chánh xứ vượt đường xa tìm đến linh mục Hậu xin giúp tiền xây tháp chuông nhà thờ, vì nghe tiếng linh mục Hậu có tiền giúp nhiều người ngoại đạo. Linh mục Hậu hỏi giáo xứ ông có bao nhiêu giáo dân. - Khoảng 400 , ông trùm đáp. - Nếu chỉ có 400 người thôi thì cần gì phải xây tháp chuông? - Nhưng cha ơi, các nhà thờ khác ở chung quanh đều có cả… Mình không có người ta chê cười!!!
Có lặn lội đi truyền giáo thì mới không còn can đảm đặt mua tháp chuông nhà thờ từ bên Pháp giá tốn gần 40.000 đô la, mới không dám tổ chức mừng lễ bạc, lễ vàng linh đình trọng thể, mới không dám lễ lạc hình thức khoe trương, mới không phí phạm đồng tiền đóng góp của giáo dân…
Có lặn lội đi truyền giáo như anh Tám Hậu mới không dám đi xe sang trọng, mặc áo lễ lộng lẫy, đắt tiền… đứng trên bục giảng rêu rao mình đã hy sinh thế này thế nọ cho cộng đoàn, giáo xứ, lương ít nhưng làm việc không nghỉ tay…
Cần đi truyền giáo bên ngoài bằng hành động, xin đừng chỉ đứng truyền giáo bằng lời giảng từ bục gỗ trong những nhà thờ tiện nghi, trang bị đầy đủ, máy móc tân tiến, hiện đại…
Con Người, Tác Phẩm và Việc Làm
Con Người
Linh mục Ngô Phúc Hậu sinh năm 1936 tại tỉnh Phú Thọ thuộc giáo phận Hưng Hóa, tu học ở đại chủng viện Thánh Tôma và đại chủng viện Thánh Giu-se, Sài Gòn. Sau khi thụ phong linh mục năm 1964 tại Cần Thơ, linh mục Ngô Phúc Hậu làm hiệu trưởng Trung Học Đồng Tâm, Cần Thơ (1967 – 1971), sau đó đi truyền giáo ở Năm Căn và các vùng phụ cận thuộc Cà Mau. Từ 1994, linh mục Hậu làm chánh xứ Cái Rắn, Cà Mau.
Linh mục Ngô Phúc Hậu có lối nói dí dỏm và chân tình khiến người đối thoại lắng nghe và dễ cảm thông. Dù sinh ở đất Bắc, nhưng lớn lên ở trong Nam, làm việc, tiếp xúc hòa mình với cuộc sống bữa đói bữa no của người dân quê chất phác, linh mục đã học, sống, nghĩ và nói như họ.
Dưới đây là vài mẫu chuyện nhỏ nghe được trong chuyến "Hai Lúa đi lạc sang Hoa Kỳ", trích từ các điện thư của anh Trần Ngọc Chánh gởi thân hữu các nơi: • Cha đi máy bay có mệt không? Hỏi như vậy là xúc phạm. Trâu làm gì biết mệt mà hỏi. • Cha sợ cái nóng xứ cao bồi Texas? Dư sức qua cầu. • Cha ngán cái lạnh của Minnesota? Nước đá lạnh 0 độ, cho vào miệng đã muốn chết. Tại sao không cho da thịt của mình được thuởng thức cái đã đó? (Ước gì anh Tám lưu lại tiểu bang Minnesota đến tháng 12, tháng 1, 2… để có dịp thưởng thức "cái đã" của thời tiết nơi đây!) • Đi Mỹ, linh mục chỉ mang theo hai bộ đồ để thay đổi. Hỏi sao cha mang ít quá vậy? Mang nhiều phiền hơn mang ít. • Anh em đưa cha đi ăn phở. Cha hỏi một tô giá bao nhiêu. Khi nghe trả lời… 5, 6 đô la… Thôi, chờ lúc tôi về Việt Nam hãy ăn. Bên đó một tô phở chỉ 50 xu. • Cha sẽ đi không ngừng nghỉ gần trọn ba tháng. Liệu cha có đủ sức khỏe để đi không? Tôi khỏe lắm. Đi máy bay, đi xe hơi đâu có làm khổ tôi nổi! (Được biết anh Tám Hậu vẫn còn có thể lội bộ băng đồng băng ruộng đi thăm giáo dân, mỗi bận đi về hơn ba tiếng đồng hồ.)
Thấy mọi người cứ lo lắng sợ Hai Lúa đi mình ên chỗ này chỗ nọ, bị lạc rồi bị mấy cô Mỹ tóc vàng bắt cóc, linh mục pha trò: - Mình chưa phải là Hai Lúa, mới có Một Rưỡi Lúa thôi… Lần trước đi Thái Lan, tiếng Thái mình không biết. Còn dân Thái vừa không biết tiếng Việt, vừa không biết tiếng Anh. Máy bay lại tới trễ… Vậy mà quơ tay múa mồm, bác tài taxi vẫn đưa mình đến đúng địa chỉ được. Ở bên này tiếng Anh mình OK… Không cách gì mà đi lạc cho được!
(Tháng 8-2004, linh mục Ngô Phúc Hậu cùng với linh mục Nguyễn Văn Nam và linh mục Hoàng Hôn đi thăm một vài địa điểm hoạt động truyền giáo của dòng Maryknoll ở Thái Lan, theo lời mời của anh chị Michael Thái Bình đang truyền giáo bên đó).
Những mẫu chuyện nhỏ trên đã nói lên con người thật tình, chất phác của nhà truyền giáo Ngô Phúc Hậu. Nói chuyện với linh mục, người đối thoại cảm thấy "bị lây" bởi đức tính lạc quan yêu đời, lối sống phó thác và vững tin nơi Thiên Chúa của linh mục. Cuộc đời lặn lội đi truyền giáo hơn 30 năm đã cung cấp cho anh Tám Hậu nhiều chuyện để kể và người nghe muốn nghe hoài, không chán. Sống như anh… đây mới thật là một gương sáng.
Tác Phẩm
Dù luôn bận rộn trên cánh đồng truyền giáo, linh mục Ngô Phúc Hậu vẫn tìm được thời giờ ghi lại những cảm nghĩ, ưu tư của mình về những vấn đề đạo, đời gặp phải hàng ngày trong hoạt động truyền giáo, tích cực hay tiêu cực. Cho đến nay, ba tác phẩm đã ra đời với mục đích để chia sẻ: - Nhật Ký Truyền Giáo , xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1996 và in ba lần ở Hoa Kỳ 1999, 2000, 2006. - Viết Cho Em , Sài Gòn, 2002. - Nhật Ký Đức Giê-su , Sài Gòn, 2005.
Tác phẩm thứ tư, Dấu Chân Của Thầy , sắp hoàn tất, là tập sách suy niệm về cuộc đời truyền giáo của Chúa Giê-su.
Sau chuyến đi Hoa Kỳ của Hai Lúa, linh mục Ngô Phúc Hậu hy vọng thấy nhiều, nghe nhiều, dù khả năng nghe thấy chỉ còn phân nửa, để viết thêm một quyển sách nữa.
Nhật Ký Truyền Giáo
Tác phẩm đầu tay của linh mục Ngô Phúc Hậu là tập hợp những suy tư, khắc khoải của một nhà truyền giáo Việt Nam ở vùng Cà Mau từ năm 1971. Những chuyện buồn vui hằng ngày, những khó khăn, thử thách được ghi lại trung thực. Những vấn đề căn bản của việc truyền giáo ở Việt Nam được tác giả thẳng thắn đề cập tới như đi tìm thợ gặt, tìm chiên lạc, áo thầy tu, giữ chay, hội nhập văn hoá, công bằng xã hội, đến với người nghèo, nhà thờ, linh mục của ai… khiến người đọc bị đánh động và suy nghĩ. Tác giả có một cái nhìn xác thực và nhân bản về truyền giáo: Phải xây dựng con người trước!
Trong khi nhiều giáo sĩ truyền giáo bằng cách xây dựng những nhà thờ lộng lẫy, nguy nga, đồ sộ để Thiên Chúa có nơi thờ phượng xứng đáng, thì linh mục Ngô Phúc Hậu truyền giáo bằng cách âm thầm xây dựng con người để họ có cơ hội có một đời sống xứng đáng với con người hơn. Những câu chuyện thực tế cộng với lối hành văn giản dị đã tạo nên sức hút mãnh liệt khiến nhiều người khi đã bắt đầu đọc Nhật Ký Truyền Giáo cứ muốn đọc tiếp cho đến trang cuối cùng.
Phải nói NKTG có sức kết hợp lạ kỳ. Nhiều anh chị em chưa gặp tác giả, cũng không quen biết nhau, nhưng nhờ có duyên đọc NKTG mà kết hợp lại để yểm trợ và quảng bá công tác truyền giáo của tác giả.
"Mình đã đọc cuốn " Dấu chân của Thầy". Nó là một cuốn Phúc âm không chỉ để đọc mà là để sống." (Teresa Hiền)
Viết Cho Em
Qua "Viết Cho Em" linh mục Ngô Phúc Hậu chứng tỏ là một nhà tâm lý giáo dục thật sâu sắc. "Em" là những nhân vật linh mục gặp trên đường đời với tư cách là nhà giáo hoặc người đi truyền đạo Chúa, rao giảng Tin Mừng. "Em" là người đang có vấn đề khó khăn trong cuộc sống đang cần lời khuyên, giúp cách giải quyết, đủ lứa tuổi, đủ thành phần, từ thiếu niên 15, 16 tuổi đến người làm cha mẹ, nam có, nữ có… Mỗi lá thư, mỗi câu chuyện là một vấn đề xã hội đáng được quan tâm, từ chuyện tình yêu, tình dục giữa nam nữ, lấy nhau vì tình hay vì tiền… đến chuyện nuôi con, cai sữa, dạy dỗ, từ chuyện bất hòa giữa vợ chồng, ly dị đến chuyện số phận con gái đi lấy chồng nước ngoài, chuyện làm ăn thua lỗ rồi sinh buồn chán đến gương sống can đảm của người tật nguyền… Mỗi câu chuyện là một hình ảnh, một thực tế sống động của xã hội hôm nay. Mỗi lá thư là một chân tình chia sẻ, thể hiện một quả tim biết chạnh lòng thương, đồng cảm với người trong cuộc.
"Em cũng đã đọc cuốn "Viết cho em" do Ngài viết. Hay tuyệt! Rất gần gũi với đời thường. Đọc một lần là ghiền lun đó: laughs!" (Haixuanvt)
Nhật Ký Đức Giêsu
Như lời tác giả ghi trong phần Lời Trần Tình : "Nhật Ký Đức Giêsu chỉ là một thể cách nguyện gẫm của tác giả. Đó là những khoảnh khắc tác giả tưởng nhớ về Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh của mình. Đó cũng là cách mà những đứa con đi xa tưởng nhớ về người mẹ đang sống trong căn nhà thân quen, với những sinh hoạt gần như không thay đổi. Mẹ đang đưa võng... Đứa con tưởng thế là đúng... có thể không đúng... nhưng thấy lòng ấm áp lạ thường!"
Nhật Ký Đức Giêsu gồm 69 đoạn, mỗi đoạn là một ngày ghi lại những nguyện gẫm của linh mục Ngô Phúc Hậu về Đức Giêsu, những sự việc, biến cố xảy ra trong ba năm đi rao giảng Tin Mừng cũng như thời gian 30 năm trước đó, như đã được ghi lại trong các Phúc Âm: từ lúc sinh ra trong hang đá bò lừa... đi hành hương ở đền thánh Jêrusalem, đàm đạo với các tôn sư... đến khi mở đầu sự nghiệp truyền giáo với người phụ nữ Samari trên thành giếng Giacóp... bị đóng đinh chịu khổ hình trên thập giá, chịu chết, sống lại, rồi về Trời. Nói khác, Nhật Ký Đức Giêsu là những dòng cảm nghĩ của tác giả về các sự việc xảy ra trong cuộc đời dương thế của Đức Giêsu, nhất là 3 năm truyền giáo cuối đời.
Mong rằng cả người viết lẫn người đọc đều trở thành bạn đồng môn ngồi xung quanh Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh..., Thầy dễ thương lạ lùng! (Lời trần tình của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu)
Công Tác Truyền Giáo
Tác phẩm/sách là đứa con tinh thần hình thành sau nhiều năm tháng cưu mang. Nhưng đối với nhà truyền giáo, chính những mảnh đời tan vỡ trở nên lành, những người khốn cùng, tuyệt vọng được nâng đỡ làm lại cuộc đời, những con chiên lạc tìm gặp mang về… mới thật sự là những tác phẩm tuyệt vời.
Linh mục Ngô Phúc Hậu bận rộn suốt ngày với các công tác dạy giáo lý, rửa tội, thêm sức, thăm viếng, giúp đỡ người nghèo khó, tật nguyền, xây cất nhà cho dân nghèo, xây cầu, đắp đường, cất trường học… Những công tác xã hội, từ thiện, bác ái… anh Tám Hậu làm cho tất cả mọi người, không phân biệt lương giáo…
Khi linh mục Ngô Phúc Hậu nhận bài sai đến Cái Rắn năm 1994, cả vùng chỉ có 501 người công giáo lớn nhỏ. Hiện nay con số đã hơn 2500 và lúc nào cũng có đông người dự tòng đang theo học đạo, trong số đó có cả cựu chiến binh ở địa phương.
"Nhiều người ngoại xin mở khóa để họ đi học. Có một số thân hào nhân sĩ rủ nhau đến xin cho họ một ngày để tìm hiểu đạo." (Thư ngày 25-12-2005, Phụ Trang, sđd)
Như lời vị Hồng Y Bỉ Leon Joseph Suenens, một trong những nhân vật lãnh đạo tài ba của Công Đồng Vaticano II, đã nói: "Ngày trọng đại nhất trong cuộc đời của một giáo hoàng không phải là ngày được bầu chọn để lãnh đạo giáo hội, nhưng chính là ngày ngài được rửa tội", nhà truyền giáo Ngô Phúc Hậu đã thật sự mang lại ngày trọng đại đó cho nhiều người ở vùng Năm Căn, Cái Rắn. Ngày 10 tháng 8 vừa qua, khoảng 200 em thiếu nhi từ các kinh xung quanh Cái Rắn đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy. "Mùa gặt" mới đích thực là niềm vui to lớn nhất của người đi truyền giáo. Cụ già quê mùa thân thương này được bà con ở Cái Rắn gọi bằng cái tên thương lắm: Ông Cố. Già, trẻ, lớn bé gì cứ gọi ông là Ông Cố tuốt. Chẳng phải ông làm ông cố rồi ăn trên ngồi chốc, chuyên ngồi "chiếu trên" người ta đâu. Ông chỉ là ông cố sở một họ đạo bé nhỏ nghèo hèn. Suốt cuộc đời ông cứ mãi lầm lũi, lặng lẽ để làm chút gì đó cho Cái Rắn và rồi lặng lẽ và lầm lũi ấy mang về cho ông những bó lúa mộc mạc, đơn sơ và chân thành...
Ông Cố Pi-ô hay tâm sự: khi nào Cái Rắn có người cộng tác, có người kế nghiệp, thì ông sẽ đi tiếp vào những dòng kênh, những con rạch, ở đó vẫn còn rất nhiều người chưa thấy, chưa nghe được Tin Mừng. Biết điều này, lắm kẻ lắc đầu cho Ông Cố là dở hơi, là... man man, ai cũng muốn "ngồi mát ăn bát vàng", còn Ông Cố lại làm chuyện ngược đời. (Trích "Cái Rắn, Mùa Gặt Trái Mùa," An Mai, Ephata 278, tháng 8-2006)
Dưới đây là một số thành quả hơn 10 năm truyền giáo ở địa điểm Cái Rắn, Cà Mau: • 1994 – 2006: Rửa tội khoảng 2000 người • Làm lộ bê-tông cho trẻ em có thể đạp xe đi học: 4.790m • Xây 20 cây cầu bắc qua rạch, đào gần 200 giếng nước • Xây "nhà tình thương" cho người nghèo khổ: 60 căn nhà • Xây một tổ y tế: chi phí hàng năm 100 triệu đồng Việt Nam, khoảng $6.700 USD. • Cấp học bổng cho học sinh nghèo: 200 triệu đồng Việt Nam, khoảng $13.400 USD/năm.
Là môn đệ trung thành với lời dạy của Thầy Chí Thánh, linh mục Ngô Phúc Hậu đi, đi mãi, đi không ngừng nghỉ... Đến bất cứ đâu, mối quan tâm hàng đầu của linh mục cũng là xây dựng con người trước, làm nền tảng cho hạt giống Tin Mừng nẩy mọng, kết hoa, sinh trái. Và nhờ sống hòa đồng với quần chúng, giáo dân, Anh Tám Hậu có những nhận xét rất tinh tế về những bất công xã hội, về đời sống lao động nhọc nhằn của những người tay làm hàm nhai để cảm nhận ra giáo hội Chúa Giêsu không có con đường chọn lựa nào khác hơn là giáo hội của những người nghèo khó, bị áp bức, thế cô..., không phải qua lời rao giảng mà bằng chính hành động và đời sống của những người chọn con đường theo Thầy.
Cà Mau, … 1984 Reng… Reng… Reng… Ba hồi chuông thật dài làm náo động cả nhà xứ. Người bấm chuông kiểu này phải là người thân nhất. Vậy chắc là anh Ba Hiến và anh Mười Râu rồi. Mình vội vàng chạy xuống cầu thang nhanh như đá chuồi. Cánh cửa mở toang... - …??? - Ông cha cho tôi ít trăm mua cơm ăn. Đói quá rồi! - Số của anh là số xui! Nếu hôm qua anh tới đây thì tôi còn có chút ít cho anh. Hôm nay thì tôi không còn một đồng xu dính túi. - Đ. m. làm cha mà không có tiền hả?
Người đàn ông ném cho mình một cái nhìn hận thù rồi quay gót.
Bị chửi quá bất ngờ, mình không kịp cảm thấy tủi nhục, cứ đứng ra như trời trồng.
Mình không có tiền, đó là sự thật, nhưng một sự thật khó tin. Trong túi không còn một đồng xu, nhưng mình vẫn mang kiếng gọng Đức trị giá gần hai trăm ngàn; trên cổ tay vẫn ngự trị một cái đồng hồ Seiko 5 trị giá hơn một chỉ vàng; mình vẫn đang sống trong biệt thự cổ có nhiều tiện nghi… Mình vẫn thương người nghèo và vẫn giúp đỡ người nghèo, khi thì một bộ quần áo, khi thì một vài ngàn, khi thì vài chục ngàn…, nhưng chưa bao giờ mình phải nhịn ăn, nhịn mặc vì người nghèo. Như vậy có nghĩa là mình chỉ mới cho người nghèo những cái dư thừa, chứ chưa dám chia sẻ những cái cần thiết. Mình chỉ mới dám SỐNG CHO người nghèo mà chưa đủ can đảm để SỐNG VỚI người nghèo. SỐNG VỚi người nghèo mới là SỐNG CHO đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất. Chỉ khi nào mình SỐNG VỚi người nghèo, mới cảm nghiệm được thân phận của người nghèo và mới cảm thấy cần phải giải phóng người nghèo khỏi tình trạng nghèo. Ba phần tư nhân loại vẫn sống nghèo. Và nghèo vẫn là một trọng tội, vì nghèo sinh ra dốt nát, vì nghèo sinh ra bần tiện và tình trạng mất nhân phẩm.
Mình sẽ không bao giờ có nhiều tiền để chấm dứt tình trạng nghèo. Mình cũng không đủ can đảm đề SỐNG VỚI người nghèo. Mình không phải là linh mục CỦA người nghèo, không phải là linh mục CHO người nghèo và không là linh mục VỚI người nghèo. Vậy mình là linh mục của ai? Có lẽ lương tâm mình sẽ cắn rứt cho đến chết. (" Linh Mục Của Ai? " sđd, tr. 52-53)
Một con én không làm nên mùa Xuân! Nhưng con én Ngô Phúc Hậu đã và đang đem lại mùa Xuân cho nhiều mảnh đời kém may mắn, sinh ra dưới ngôi sao xấu trên vòm trời Năm Căn, Cái Rắn… ở Cà Mau. Lúa chín đầy trên cánh đồng truyền giáo. Dự định của anh Tám Hậu còn nhiều… Anh Tám không thể làm một mình…
Nói theo lời linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên, linh mục Piô Ngô Phúc Hậu "có số truyền giáo" và chúng ta "có số ngắm truyền giáo." Ngắm hoài, nhìn mãi…nếu chán, xin mời nhập cuộc, mỗi người một tay, góp gió thành bão…
Xin nhại ý lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài "Diễm Xưa" gởi bạn đọc đồng cảm:
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng Để người truyền giáo quên mình cô đơn. Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng Để người nghèo khó quên mình khổ đau.
Cầu Thiên Chúa cho anh Tám Hậu sức khỏe của con trâu cui, kéo cày không biết mệt trên cánh đồng truyền giáo mênh mông…
Cánh đồng truyền giáo mênh mông… Cầu Thiên Chúa ban cho Giáo Hội thật nhiều con trâu kéo cày khỏe như anh Tám Hậu.
Trích SỨ MỆNH GIÁO DÂN Số 30 Ngày 28.09. 2006
Từ khóa » Ngô Phúc Hậu
-
Những Tác Phẩm Của Lm. Pio Ngô Phúc Hậu - Home | Facebook
-
Bài Giảng Rất Hay Và ý Nghĩa Của Cha Pio Ngô Phúc Hậu - YouTube
-
Nhật Ký Truyền Giáo – Lm Piô Ngô Phúc Hậu
-
Piô Ngô Phúc Hậu Là Gì? Chi Tiết Về Piô Ngô Phúc Hậu Mới Nhất 2021
-
SEX ! – Lm. Pio Ngô Phúc Hậu | Giêsu Chạnh Lòng Thương
-
Cha Piô Ngô Phúc Hậu - Linh Mục Mễn
-
NHẬT KÝ TRUYỀN GIÁO – Cha Piô Ngô Phúc Hậu Bài 41-58
-
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu – Legio Mariae - Đạo Binh Đức Mẹ
-
Một Tam Giác Hoàn Hảo: Linh Mục Piô Ngô Phúc Hậu
-
Đi Tìm Bạn: Linh Mục Piô Ngô Phúc Hậu | Giáo Phận Hưng Hóa
-
Mua Online Sách Của Ngô Phúc Hậu | Tiki
-
VIẾT CHO EM (LM. Pio Ngô Phúc Hậu ), ANHOABOOK