Đối Phó Với Việc Sẩy Thai: Cách để Vượt Qua - Huggies

Dù sẩy thai là một sự cố khá phổ biến – cứ 4 người có bầu sẽ có một người bị sẩy thai – thì đối phó với việc này về mặt tâm lý cũng không hề đơn giản. Xác định có thai là một niềm vui lớn, nhất là với những cặp vợ chồng đang cố gắng thụ tinh. Tất cả những cảm xúc, ước mơ, dự tính và cả sự vui mừng đều bắt đầu từ khoảnh khắc thử thai cho kết quả dương tính. Nhưng tất cả sẽ nhanh chóng chuyển sang thất vọng khi bị sẩy thai.

Điều gì đang xảy ra?

Tùy giai đoạn mang thai, việc sẩy thai có thể được xử lý bằng nhiều cách khác nhau. Nếu sẩy thai vào đầu thai kỳ và được chẩn đoán là “đã kết thúc”, việc nạo thai sẽ không cần thiết. Tuy nhiên, phụ nữ bị sẩy thai nên cẩn thận, phải chắc chắn là nhau thai không còn sót lại để giảm nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu kéo dài.

Một trong các vấn đề của việc sẩy thai là hiện tượng này thường được xem như vấn đề về sức khỏe hơn là về mặt tâm lý. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi vẫn được xem là “phôi” hoặc “bào thai” hơn là “em bé” dù với người đang mang thai, đó đã là đứa con thật sự chứ không chỉ đơn giản là một nhóm mô. Trong lúc bận rộn lo cầm máu, siêu âm và xác định việc sẩy thai, cảm xúc của người mẹ thường bị bỏ qua. Nỗi buồn của việc sẩy thai không tỷ lệ thuận với số tuần mang thai. Bạn có quyền buồn khi mất đi đứa con của mình theo cách riêng của bạn. Buồn nhiều hay ít phụ thuộc vào kinh nghiệm sống, mong đợi, hy vọng và nỗi sợ của chính bạn.

Dù sao, cảm giác đau buồn khi mất con vào 3 tháng đầu vẫn dễ chịu hơn khi bé con sắp chào đời hoặc khi đang ở 3 tháng giữa hoặc cuối thai kỳ. Không nên cho rằng chỉ có mình mới “xui xẻo” như vậy và so sánh với người khác càng vô ích thêm thôi.

Điều gì có thể giúp vượt qua cú sốc sẩy thai?

Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng quả thực là thời gian có thể chữa lành mọi vết thương. Lúc buồn, khó mà nhận ra rằng cuộc sống trước mắt vẫn tươi đẹp. Hãy nói chuyện với bạn bè, gia đình về em bé và cảm cảm giác của bạn khi bạn thấy sẵn sàng. Nếu bạn có cảm giác bị sốc cũng là bình thường và bạn cần vượt qua những ngày đầu sau khi sẩy thai. Việc ra huyết và đau đớn trong thai kỳ có thể đáng sợ và xảy ra hoàn toàn bất ngờ, do đó, quan tâm hàng đầu với sức khỏe là rất cần thiết.

Hãy thả lỏng cảm xúc. Cách vượt qua cú sốc này mỗi người một khác, có thể bạn chưa bao giờ phải trải qua nỗi buồn khi mất đi người thân trước đây. Không có toa thuốc nào để chữa nỗi buồn. Có thể hôm nay bạn thấy ổn nhưng hôm sau lại thấy buồn vô cùng. Cố gắng vượt qua nỗi đau chẳng khác gì kéo dài cảm giác mất mát. Hãy cư xử tử tế với chính bản thân mình, ráng ăn ngủ tốt và đừng quên chăm sóc bản thân. Cố gắng không nằm lì trên giường mà dậy đi tắm hay ăn cái gì đó vào lúc này có vẻ như là những việc quá sức. Nhưng những hoạt động này sẽ làm bạn dễ chịu hơn.

Thỉnh thoảng có thể bạn chỉ muốn được một mình. Khi bị sẩy thai, bạn sẽ thấy nhiều người liên quan đến các quyết định trong cuộc sống của bạn. Các bác sĩ, kỹ thuật viên siêu âm, các nhân viên bệnh viện cũng góp phần quan trọng vào quãng thời gian ngắn ngủi nhưng đáng nhớ ấy. Sau khi sẩy thai, có thể bạn sẽ có cảm giác cô độc và chẳng màng đến sự quan tâm của bất kỳ ai khác.

Lợi ích từ những kỷ niệm

Có thể bạn muốn làm gì đó để nhớ đến đứa con đã mất. Có người thích trồng một loại cây nở hoa vào thời điểm bị sẩy thai hoặc lúc đứa bé dự định chào đời. Một món trang sức đặc biệt, vật kỷ niệm, một quyển thơ cũng có thể thiết lập những liên kết hữu hình nhắc nhớ đến em bé. Một vài người lại muốn giữ mối dây liên kết riêng tư với đứa bé họ đã mất và không muốn chia sẻ với người khác. Một số người thì đơn giản hơn, cố gắng vượt qua và không lưu giữ kỷ vật nào cả.

Chúng ta không sinh ra để đơn độc

Tham gia vào một nhóm hỗ trợ nào đó cũng rất có ích. Có thể tham gia các nhóm hoạt động online, gặp gỡ trực tiếp hoặc qua điện thoại. Việc chia sẻ với người khác giúp bạn không cảm thấy cô đơn bởi lúc buồn, bạn thường có cảm giác không ai trải qua những chuyện giống mình. Chỉ cần một vài câu nói ý nghĩa, cách nói chuyện chân tình, hoặc một số gợi ý để vượt qua nỗi buồn trong những ngày này cũng đã giúp an ủi rất hiệu quả.

Đừng xem thường sự giúp đỡ của những người phụ nữ khác, đặc biệt là những người đã có tuổi. Với thế hệ của chúng ta, việc tâm sự với nhau về nỗi buồn không phải là việc làm phổ biến. Tuy nhiên, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều khi được một người đồng cảm chia sẻ.

Bạn không cần bắt kịp nhịp độ sống như trước đây

Hãy xin nghỉ phép mà không cần lý do gì cả. Cố gắng trở về nhịp sống bình thường quá nhanh cũng có thể không tốt. Ngay cả khi bạn thấy ổn thì một vài ngày nghỉ để sức khỏe hồi phục cũng tốt. Hãy nộp giấy chứng nhận sức khỏe của bác sĩ cho phòng nhân sự ở công ty để chứng minh lý do vắng mặt chính đáng.

Bạn cũng có thể đi đâu đó một thời gian. Phá vỡ những thói quen thường nhật và thay đổi cảnh quan cũng có thể xóa đi sự thất vọng. Hãy đến nơi nào đó thật đẹp và làm những gì bạn thích. Cố để xem đây là khoảng thời gian hưởng thụ theo một cách nào đó hơn là cứ chôn mình trong sự đơn độc vì nỗi đau mất mát.

Viết nhật ký

Hãy viết nhật ký ghi lại cảm xúc của mình. Mục đích là viết cho chính bạn chứ không phải cho ai khác. Theo thời gian, rất có ích để xem bạn đã tiến triển như thế nào sau nỗi buồn đó.

Kiếm gì đó làm để luôn bận rộn. Bận rộn có thể đem lại một lợi ích nào đó và bạn không có thời gian để suy nghĩ vẩn vơ. Chơi thể thao hoặc có một thú tiêu khiển đòi hỏi sự tập trung cũng là một giải pháp tốt. Khôi phục tinh thần sau khi sẩy thai cũng tương tự như với các biến cố quan trọng khác trong đời.

Chia tay thiên thần nhỏ

Chọn thời điểm nào đó để chia tay hẳn với thiên thần bị sẩy. Có thể tập trung cả nhà hoặc chỉ cần vài phút mặc niệm với chồng hay thậm chí chỉ mỗi mình bạn. Thai nhi bị sẩy trong giai đoạn nào của thai kỳ không quan trọng, việc chấp nhận sự thật không vui ấy một cách nhẹ nhàng và tiếp tục tiến về phía trước sẽ nhanh chóng chữa lành vết thương tâm lý này.

Từ khóa » Chia Buồn Sảy Thai