Đổi Rác Thải Nhựa Lấy Gạo | Chương Trình Phối Hợp

Thời gian qua, phụ nữ xã Phong Tân (TX. Giá Rai) cùng nhau thực hiện việc biến rác thải nhựa thành vật dụng có ích, thành nguồn thu nhập cho gia đình. Từ việc thực hiện các cuộc vận động do địa phương, hội, đoàn thể phát động, nay việc thu gom rác thải nhựa trong sinh hoạt đã trở thành thói quen hàng ngày của chị em phụ nữ trong xã. Ở nơi chái bếp, hiên sau mỗi nhà đều có những bao chứa rác thải nhựa sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Số tiền thu về từ việc bán phế liệu không nhiều, song đó được coi như “phần thưởng” từ hành động bảo vệ môi trường của các chị em. Qua đó, ý thức bảo vệ môi trường xung quanh, tránh những tác hại từ rác thải nhựa cũng dần được hình thành trong đời sống chị em phụ nữ nơi đây.

Bà Hồ Thị Dung (ấp 17, xã Phong Tân) chia sẻ: “Việc thu gom rác thải nhựa không chỉ giúp gia đình mình có thêm nguồn thu nhập mà còn góp phần cùng với chính quyền địa phương xây dựng môi trường xóm, ấp ngày thêm trong sạch. Chính vì vậy, tôi luôn vận động, khuyến khích các chị em trong ấp cùng tham gia. Đặc biệt là từ khi có phong trào đổi rác thải nhựa lấy gạo đã giúp phong trào ngày càng phát triển, giúp ích cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn trong ấp”.

Chẳng những góp phần giữ vệ sinh môi trường ở địa phương, việc thu gom rác thải nhựa còn tạo được việc làm cho các lao động nữ nhàn rỗi ở nông thôn. Được biết, tại các chi hội phụ nữ ấp đều có thành lập một tổ thu gom rác thải nhựa. Mỗi ngày cứ xong công việc nhà, rảnh việc đồng áng thì các chị lại cùng nhau đi dọc các con đường, bờ kênh để thu gom chai lọ, vật dụng nhựa, kim loại bị người đi đường vứt bừa bãi và tập kết lại sau nhà, khi kha khá sẽ mang ra bán. Với số tiền mỗi lần bán từ 200.000 - 250.000 đồng, các chị dành để mua nhu yếu phẩm sử dụng trong gia đình.

Để khuyến khích tinh thần, cũng như đồng hành với chị em phụ nữ trong phong trào hạn chế rác thải nhựa ở địa phương, Hội LHPN xã Phong Tân vận động mạnh thường quân quyên góp gạo để thực hiện chương trình: đổi 2kg rác thải nhựa lấy 10kg gạo. Vì lượng gạo vận động được có hạn, nên chỉ xem xét ưu tiên đổi gạo cho những hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Nếu tìm được nguồn tài trợ gạo ổn định, Hội LHPN xã sẽ xây dựng kế hoạch “đổi 2kg rác thải nhựa lấy 10kg gạo” định kỳ, không chỉ góp phần thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường ở địa phương, mà còn chia sẻ phần nào khó khăn cho chị em hội viên.

“Bước đầu thực hiện phong trào tuy còn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng sau một thời gian tích cực vận động đã giúp người dân, đặc biệt là hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trên địa bàn xã. Qua đó góp phần cùng với các cấp chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các phong trào trong xây dựng nông thôn mới”, bà Nguyễn Thị Mỹ Thoa - Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Tân nhận xét.

Lấy những phong trào mang lại lợi ích tức thời, tạo nên thói quen hình thành nhận thức bảo vệ môi trường lâu dài là một trong những cách làm mang lại hiệu quả kép đối với hội viên, phụ nữ ở vùng nông thôn. Nhờ đó, vấn đề “hạn chế rác thải nhựa ở nông thôn từ phong trào đến ý thức” là con đường không khó, khi chúng ta chọn đúng cách để thực hiện.

Khánh Nguyên

Từ khóa » Em Lấy Gạo