Đổi Thay Nơi Miền Núi Lục Ngạn Sau Những Lần "đưa Vải Xuất Ngoại"

Trước đây, Lục Ngạn là một trong những huyện miền núi khó khăn của tỉnh, nhiều xã vùng đèo có tỷ lệ đường được cứng hóa thấp. Trước thực tế này, trong giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Ngạn đã nỗ lực không ngừng về mọi mặt để thúc đẩy kinh tế - xã hội; làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn miền núi trên địa bàn.

Cải tạo giao thông, tạo đà cho kinh tế phát triển

Cùng với cải tạo, nâng cấp giao thông nông thôn, huyện cũng quy hoạch, đầu tư xây mới nhiều tuyến nội thị, như: Mở rộng, làm mới đường Trần Phú, Lê Duẩn, cải tạo nút giao thông đường Trần Phú kéo dài giao cắt QL31 đi cầu Nam Dương. Huyện được tỉnh đầu tư xây mới cầu Chũ; nâng cấp, mở rộng ĐT289 qua thị trấn Chũ...

Ông Lê Tuấn Anh, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Ngạn chia sẻ, khi các tuyến giao thông được cải tạo, ngoài xoá thế cô lập cho các xã vùng cao, vùng sâu, tạo thuận lợi cho người và phương tiện giao thương, phát triển kinh tế, còn hình thành quỹ đất để quy hoạch thành các khu đô thị, khu dân cư mới. Đồng thời, góp phần giúp kết nối, giúp người dân trên địa bàn thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển kinh tế đồi, rừng.

Đổi thay nơi miền núi Lục Ngạn sau những lần 'đưa vải xuất ngoại'
Người dân Lục Ngạn xếp hàng chờ cân vải thiều. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Cụ thể, trong vụ vải thiều năm 2021, giữa lúc đại dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, quá nửa số xã bị cách ly, phong tỏa theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, những tưởng vải thiều Lục Ngạn sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Tuy nhiên, với hệ thống đường giao thông đồng bộ, cùng nhiều cách làm sáng tạo của cả người dân lẫn chính quyền địa phương, vải thiều không những tiêu thụ tốt trong nước mà còn được xuất khẩu thuận lợi theo đường chính ngạch, được người tiêu dùng đánh giá cao tại một số thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan và một số nước Đông Nam Á với số lượng hàng chục nghìn tấn.

Ngoài ra, vải thiều còn được xuất khẩu đi Nhật Bản, Australia, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Cộng hoà Czech, Đức... được người dân sở tại đón nhận. Đây đều là những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm, giúp khẳng định thương hiệu, chất lượng vải thiều Lục Ngạn.

Thời điểm trên, theo Huyện ủy Lục Ngạn, vụ vải thiều năm 2021, toàn huyện ước đạt tổng thu hơn 4.800 tỷ đồng từ bán vải thiều và dịch vụ phụ trợ.

Thêm một mùa quả ngọt

Tỉnh Bắc Giang vừa chính thức khởi động vụ vải thiều năm 2022 bằng sự kiện "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022", diễn ra mới đây tại điểm cầu chính UBND tỉnh Bắc Giang và trực tuyến tại 4 điểm cầu tại Đại sứ quán, cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Năm nay, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang dự kiến đạt trên 160.000 tấn. Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang – cho biết, do thời tiết thuận lợi nên các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, sâu bệnh, dịch hại được kiểm soát, dự báo vải thiều Bắc Giang có hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội.

Dự tính, mùa vải 2022, Bắc Giang sẽ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Australia, Liên minh châu Âu (EU) với 18 mã số vùng trồng (được Mỹ cấp mã số IRADS) diện tích 218 ha, sản lượng đạt khoảng 1.600 tấn.

Để đẩy mạnh tiêu thụ, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp mở gian hàng vải thiều trên các sàn thương điện tử như: Amazon.com, Alibaba.com, Sendo.vn, Postmart.vn, Voso.vn...; trên mạng xã hội, các fanpage trên Facebook, Zalo.

Trong năm 2022, Bưu điện tỉnh Bắc Giang đặt kế hoạch đưa 96.000 hộ dân lên sàn thông qua công tác mở tài khoản trên sàn tại sàn thương mại điện tử Postmart.vn; hỗ trợ, đào tạo quy cách đóng gói sản phẩm, đào tạo cho bà con nông dân tiếp cận việc kinh doanh trên sàn để đa dạng đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, người dân Bắc Giang cũng xác định sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng vải thiều thông qua sản xuất theo tiêu chuẩn. Anh Vũ Nguyên Bình – Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Bình Nguyên (thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) - cho biết, từ 4 năm nay, hợp tác xã đã dần chuyển sang sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP và một phần sang theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo quả vải an toàn và chất lượng nhất.

Đổi thay nơi miền núi Lục Ngạn sau những lần 'đưa vải xuất ngoại'
Hội nghị trực tuyến kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022. (Ảnh: Tâm An)

Năm nay thời tiết thuận lợi, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, bà con đầu tư tốt hơn cho cây vải nên dự kiến năng suất và chất lượng vải sẽ tăng cao so với năm ngoái.

Hiện nay, trà vải sớm đang trong giai đoạn nở hoa, đậu quả, tỷ lệ ra hoa đạt trên 90%, trong đó ở huyện Lục Ngạn, Tân Yên đạt trên 90%, các huyện còn lại đạt 80 - 85%; thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 15/5. Vải thiều chính vụ của Bắc Giang cũng đã ra hoa, thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 10/6 - 30/7/2022.

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, mặc dù định hướng phát triển thành tỉnh công nghiệp song Bắc Giang vẫn giữ 4 huyện miền núi để xây dựng vùng phát triển xanh, tập trung cho nông nghiệp và quy hoạch vùng sản xuất trái cây trọng điểm của cả nước; trong đó vải thiều là sản phẩm đặc sản, chủ lực.

Những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn thực phẩm tiên tiến để hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Đối với vải thiều, hiện đã xuất khẩu được từ 40 - 50% sản lượng, song chủ yếu vẫn là xuất tươi, sản phẩm chế biến còn hạn chế. Trong tương lai, tỉnh sẽ quan tâm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vừa tham gia xuất khẩu vải thiều tươi, vừa đầu tư công nghệ để xuất khẩu sản phẩm qua chế biến.

Bắc Giang chủ động, sáng tạo, đổi mới đối ngoại, tăng cường hợp tác với Singapore Bắc Giang chủ động, sáng tạo, đổi mới đối ngoại, tăng cường hợp tác với Singapore

Ban hành những chính sách đổi mới về hội nhập, nâng cao sáng tạo trong công tác xúc tiến đầu tư, Bắc Giang đã thực ...

Bộ Ngoại giao hỗ trợ Bắc Giang thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Bộ Ngoại giao hỗ trợ Bắc Giang thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Ngày 25/12, Đoàn công tác Bộ Ngoại giao do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn đã ...

Từ khóa » Ngân Hàng Mb Lục Ngạn Bắc Giang