Đối Tượng, điều Kiện để được Mua Nhà ở Xã Hội?

Một góc khu đô thị Đặng Xá - nơi thực hiện các dự án liên quan đến nhà ở xã hội.

(Ảnh: TQ).

Thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp có những bài thông tin, phản ánh những nội dung xung quanh câu chuyện về nhà ở xã hội, về những vướng mắc hạn chế phát sinh trong quá trình thực hiện. Một trong số những nội dung được đề cập nhiều nhất liên quan đến đối tượng, điều kiện để được thuê/mua nhà ở xã hội. Những kiến nghị, tranh chấp bắt đầu phát sinh từ quá trình thực hiện. Mặc dù quy định pháp luật đã có, nhưng không phải ai cũng nắm rõ những quy định, do đó, trên cơ sở ý kiến bạn đọc gửi đến, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư để phân tích, làm rõ.

Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Đặng Văn Tiến, trước hết, cần hiểu khái niệm, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội từ đó sẽ xác định được đối tượng, điều kiện để mua nhà ở xã hội.

Theo khoản 7 Điều 1 Luật Nhà ở 2014, nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2014.

Về tiêu chuẩn, nhà ở xã hội phải đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích theo quy định tại Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 49/2021/NĐ-CP), cụ thể:

- Trường hợp nhà ở xã hội là nhà chung cư:

+ Căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng;

+ Tiêu chuẩn diện tích sử dụng mỗi căn hộ tối thiểu là 25m2, tối đa là 70m2, bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần so với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Việc tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất phải đảm bảo sự phù hợp với chỉ tiêu dân số, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian, kiến trúc cảnh quan trong phạm vi đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đó phê duyệt điều chỉnh.

Căn cứ vào tình hình cụ thể tại địa phương, UBND cấp tỉnh được điều chỉnh tăng tiêu chuẩn diện tích sử dụng căn hộ tối đa, nhưng mức tăng không quá 10% so với diện tích sử dụng căn hộ tối đa là 70m2 và bảo đảm tỷ lệ số căn hộ trong dự án xây dựng nhà ở xã hội có diện tích sử dụng trên 70m2 không quá 10% tổng số căn hộ nhà ở xã hội trong dự án.

- Trường hợp nhà ở xã hội là nhà ở liền kề thấp tầng:

+ Tiêu chuẩn diện tích đất xây dựng của mỗi căn nhà không vượt quá 70m2;

+ Hệ số sử dụng đất không vượt quá 2,0 lần và phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Việc thiết kế nhà ở xã hội riêng lẻ do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng phải bảo đảm chất lượng xây dựng, phù hợp với quy hoạch và điều kiện tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế và ban hành quy định về điều kiện tối thiểu xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ.

Trong khi đó, theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014, đối tượng được mua nhà ở xã hội nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 51 Luật Nhà ở 2014 gồm:

- Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

- Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;

- Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;

- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;

- Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;

- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;

- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

- Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định là người thuê nhà ở công vụ khi không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở hoặc chuyển đi nơi khác hoặc có hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở mà thuộc diện bị thu hồi thì phải trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước.

- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Về điều kiện được mua nhà ở xã hội, theo khoản 1 Điều 51 Luật nhà ở 2014, có 03 điều kiện để được mua nhà ở xã hội gồm điều kiện về nhà ở, cư trú và thu nhập, cụ thể:

4.1 Điều kiện về nhà ở

Người có nhu cầu mua nhà ở xã hội đáp ứng các điều kiện về nhà ở sau đây:

- Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình;

- Chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội;

- Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.

4.2 Điều kiện về cư trú

Người có nhu cầu mua nhà ở xã hội đáp ứng các điều kiện về cư trú sau đây:

- Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội;

- Trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 49 của Luật Nhà ở 2014.

4.3 Điều kiện về thu nhập

Người có nhu cầu mua nhà ở xã hội đáp ứng các điều kiện về thu nhập sau đây:

- Thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật gồm:

+ Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;

+ Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;

+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

- Trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Các đối tượng không cần đáp ứng yêu cầu về thu nhập:

+ Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

+ Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định là người thuê nhà ở công vụ khi không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở hoặc chuyển đi nơi khác hoặc có hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở mà thuộc diện bị thu hồi thì phải trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước.

+ Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

“Những nội dung nêu trên cơ bản đã nêu rõ những quy định liên quan đến khái niệm, tiêu chuẩn, đối tượng cũng như điều kiện mua nhà ở xã hội. Từ những quy định này, người dân hoàn toàn có đủ cơ sở để xem mình có thuộc đối tượng cũng như đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội hay không. Cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm giám sát chặt chẽ, tránh mất công bằng, thiệt hại. Do đó, để nắm rõ được các quy định hơn, người dân có thể liên hệ sự hỗ trợ, hướng dẫn từ cơ quan chuyên môn như Xây dựng, Tài nguyen – Môi trường, Tư pháp, hoặc chính quyền địa phương để bảo đảm quyền lợi chính đáng” – luật sư Đặng Văn Tiến cho biết thêm/.

Từ khóa » Tiêu Chuẩn được Mua Nhà ở Xã Hội