Đối Tượng, điều Kiện, Hồ Sơ, Mức Hưởng Bảo Hiểm Thai Sản
Có thể bạn quan tâm
Quy định, điều kiện, thủ tục & hồ sơ hưởng chế độ thai sản. Chế độ nghỉ thai sản, mức hưởng chế độ thai sản, cách tính & nhận tiền thai sản (bao gồm cả chế độ thai sản cho chồng)
Nội dung chính:
- I. Quy định đối tượng hưởng chế độ thai sản
- II. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
- III. Các quyền lợi được hưởng trong quá trình mang thai
- IV. Mức hưởng trợ cấp chế độ thai sản
- V. Quy trình thủ tục đăng ký làm bảo hiểm thai sản
- 1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản
- 2. Địa điểm nộp hồ sơ bảo hiểm thai sản
- 3. Hình thức nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản
- 4. Thời hạn nộp hồ sơ thai sản
- 5. Thời gian cơ quan BHXH giải quyết hồ sơ thai sản
- 6. Hình thức nhận tiền trợ cấp thai sản
- 7. Quy trình thực hiện
- VI. Câu hỏi thường gặp về chế độ bảo hiểm thai sản cho người lao động
I. Quy định đối tượng hưởng chế độ thai sản
Căn cứ theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng được hưởng chế độ thai sản gồm:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
II. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Đối với lao động nữ
➧ Lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ mang thai hộ, người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận con nuôi (căn cứ Khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).
Ví dụ:
Ngày 01/09/2022 chị T sinh con, để được hưởng chế độ thai sản thì từ 31/08/2021 đến 01/09/2022 chị T phải đóng đủ thời gian 6 tháng.
➧ Trường hợp người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai sức khỏe yếu phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (căn cứ Khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).
Ví dụ:
Chị T đã tham gia BHXH từ tháng 01/2021 đến hết tháng 12/2021. Tháng 03/2022 chị T mang thai và dự sinh vào tháng 12/2022, nhưng do sức khỏe yếu nên bệnh viện yêu cầu chị T phải nghỉ để dưỡng thai từ tháng 08/2022.
Như vậy, chị T được hưởng chế độ thai sản vì đáp ứng đủ điều kiện:
- Đã đóng đủ 12 tháng (01/2021 đến hết 12/2021);
- Trong vòng 12 tháng trước khi sinh đã đóng đủ 3 tháng;
- Có giấy tờ chứng minh bệnh viện yêu cầu nghỉ dưỡng thai.
➧ Nếu lao động nữ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện như trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc trường hợp thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi thì cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản (căn cứ Điều 34, 36, 38 và Khoản 1 Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).
2. Đối với lao động nam
Lao động nam có vợ sinh con đóng BHXH từ đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
>> Tham khảo: Tham gia đóng BHXH được những chế độ gì?
III. Các quyền lợi được hưởng trong quá trình mang thai
➧ Căn cứ Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần và mỗi lần là 1 ngày (trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc trường hợp người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai).
➧ Trợ cấp trong thời gian nghỉ đi khám thai:
Mức hưởng lương | = | (MBQTL tháng đóng BHXH 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc / 24) | x | Số ngày nghỉ để đi khám thai |
IV. Mức hưởng trợ cấp chế độ thai sản
1. Trợ cấp đối với lao động nữ (chế độ thai sản cho nữ)
➧ Mức hưởng thai sản: 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc.
Mức trợ cấp thai sản | = | 100% | x | MBQTL đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ thai sản |
Mức trợ cấp 1 lần | = | 1.490.000 đồng | x | 2 | = | 2.980.000 đồng |
(Mức lương cơ sở năm 2022 là 1.490.000đ).
Ví dụ:
Chị T được cơ quan BHXH xác định là đủ điều kiện hưởng thai sản tại thời điểm tháng 01/2022 với lương đóng BHXH bình quân 6 tháng trước khi sinh của chị T là: 7.000.000đ thì chị T sẽ được trợ cấp như sau:
- Mức hưởng thai sản: 7.000.000đ x 6 = 42.000.000đ;
- Mức trợ cấp một lần: 1.490.000đ x 2 = 2.980.000đ (mức lương cơ sở năm 2022 là 1.490.000đ);
Như vậy, tổng số tiền chị T được nhận là: 42.000.000đ + 2.980.000đ = 44.980.000đ.
➧ Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.
Mức hưởng | = | MBQTL tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ thai sản | x | Số tháng được nghỉ |
Chị T được cơ quan BHXH xác định là đủ điều kiện hưởng thai sản tại thời điểm tháng 01/2022 với lương đóng BHXH bình quân 6 tháng trước khi sinh của chị T là: 7.000.000đ. Chị T sinh đôi thì chị T sẽ được nghỉ 7 tháng.
- Mức hưởng thai sản: 7.000.000đ x 7 = 49.000.000đ;
- Mức trợ cấp 1 lần: 1.490.000đ x 2 = 2.980.000đ (mức lương cơ sở năm 2022 là 1.490.000đ);
Như vậy, tổng số tiền chị T được nhận là: 49.000.000đ + 2.980.000đ = 51.980.000đ.
2. Trợ cấp đối với lao động nam khi vợ sinh con (chế độ thai sản cho chồng)
➧ Thời gian lao động nam được nghỉ hưởng lương:
- 5 ngày làm việc nếu sinh thường 1 con;
- 7 ngày làm việc trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- 10 ngày làm việc trong trường hợp sinh đôi, từ sinh ba thì thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc và tối đa không quá 14 ngày làm việc;
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên nếu phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc;
- Thời gian được hưởng chế độ không tính ngày lễ, tết, nghỉ hàng tuần.
Cách tính tiền thai sản (mức hưởng trợ cấp chế độ thai sản cho chồng):
Mức hưởng trợ cấp | = | (MBQTL 6 tháng / 24 ngày công) | x | 100% | x | Số ngày được nghỉ |
Mức lương bình quân 6 tháng là mức lương bình quân 6 tháng trước khi vợ sinh của người lao động nam. Nếu chưa đủ 6 tháng thì mức lương bình 6 tháng = bình quân lương các tháng đã đóng BHXH.
Ví dụ:
Anh K có mức lương bình quân đóng bảo hiểm 6 tháng trước khi vợ sinh là: 7.000.000đ và được nghỉ 5 ngày (vợ sinh thường).
Số tiền lương anh K được trợ cấp sẽ tính như sau:
- Mức lương bình quân 6 tháng = (6 x 7.000.000đ) / 6 tháng = 7.000.000đ;
- Mức hưởng = (7.000.000 / 24) x 5 = 1.458.333 đồng.
➧ Mức hưởng chế độ thai sản:
Mức hưởng trợ cấp thai sản một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở.
Mức trợ cấp 1 lần | = | 1.490.000 đồng | x | 2 | = | 2.980.000 đồng |
V. Quy trình thủ tục đăng ký làm bảo hiểm thai sản
1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản gồm các giấy tờ sau:
- Bản sao y giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con;
- Bản sao y chứng tử của con (trường hợp con mất) hoặc giấy chứng tử của mẹ (trường hợp sinh con mà mẹ mất);
- Giấy xác nhận của cơ quan khám chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng của người mẹ khi sinh mà không đủ sức khỏe để sinh con;
- Hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con mất sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền trong trường hợp lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai.
2. Địa điểm nộp hồ sơ bảo hiểm thai sản
Cơ quan BHXH quận, huyện, thành phố/ tỉnh nơi lao động đóng BHXH trước khi nghỉ sinh con.
3. Hình thức nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản
Nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc nộp qua đường bưu điện (tùy từng cơ quan BHXH yêu cầu).
4. Thời hạn nộp hồ sơ thai sản
Trong vòng 45 ngày, kể từ ngày người lao động trở lại làm việc sau 6 tháng nghỉ thai sản.
Ví dụ:
Sau khi kết thúc 6 tháng nghỉ thai sản, ngày 01/01/2022 chị A quay trở lại doanh nghiệp làm việc, thì trong vòng 45 ngày kể từ ngày 01/01/2022 phải nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho cơ quan BHXH, quá thời hạn trên sẽ không được hưởng trợ cấp thai sản.
5. Thời gian cơ quan BHXH giải quyết hồ sơ thai sản
Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ lên cơ quan BHXH thì cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết hồ sơ thai sản.
6. Hình thức nhận tiền trợ cấp thai sản
Trợ cấp thai sản sẽ được chi trả bằng tiền và chuyển vào tài khoản ngân hàng của người lao động.
7. Quy trình thực hiện
➧ Bước 1: Thực hiện điền đầy đủ thông tin và nộp hồ sơ báo giảm điện tử mẫu 601;
➧ Bước 2: Sau khi báo giảm thành công, thực hiện nộp online hồ sơ điện tử mẫu 630B;
➧ Bước 3: Sau khi có thông báo tiếp nhận hồ sơ 630B, in hồ sơ 630B kèm bản sao y giấy khai sinh hoặc bản sao y giấy chứng sinh gửi lên cơ quan BHXH theo đường bưu điện;
Lưu ý:
Trường hợp hồ sơ 630B đã nộp thành công nhưng phát hiện nội dung có sai sót, bạn thực hiện nộp lại hồ sơ online mẫu 630B, điều chỉnh lại thông tin cho chính xác vào phần 2 “DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ ĐIỀU CHỈNH SỐ ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT”, sau đó bổ sung tóm tắt nội dung được điều chỉnh vào phần ghi chú.
Sau khi nộp hồ sơ mẫu 630B thành công, tùy thuộc vào từng hồ sơ mà cơ quan BHXH có thể sẽ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm các hồ sơ khác như: hợp đồng lao động, bảng lương, chứng từ chi lương… Doanh nghiệp nên chủ động liên hệ cơ quan BHXH để nắm tình hình giải quyết hồ sơ cũng như cung cấp kịp thời những hồ sơ còn thiếu.
VI. Câu hỏi thường gặp về chế độ bảo hiểm thai sản cho người lao động
1. Trường hợp doanh nghiệp không chủ động làm các thủ tục BHXH cho lao động thì người lao động có thể tự làm hồ sơ để nhận chế độ thai sản được không?
Người lao động đóng BHXH tại doanh nghiệp và tại thời điểm nghỉ sinh vẫn chưa chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện các thủ tục BHXH để người lao động được hưởng trợ cấp thai sản. Tuy nhiên, cá nhân người lao động hoàn toàn có thể tự làm hồ sơ để nhận trợ cấp thai sản theo quy định.
2. Sau khi nộp đủ hồ sơ thai sản cho cơ quan BHXH, doanh nghiệp có thể liên hệ bộ phận nào của cơ quan BHXH để cập nhật tình hình giải quyết hồ sơ?
Doanh nghiệp có thể theo dõi tình hình xử lý hồ sơ tại https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn hoặc liên hệ bộ phận chế độ thai sản của cơ quan BHXH để cập nhật chi tiết.
3. Sau khi nộp đủ hồ sơ, khi nào thì được nhận tiền trợ cấp thai sản?
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan BHXH phải thực hiện xử lý hồ sơ thai sản cho người lao động. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào từng hồ sơ. Nếu phát hiện có các dấu hiệu trục lợi, cơ quan BHXH có thể sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ lao động hoặc thanh tra tại doanh nghiệp để xác minh.
Lê Hà - Phòng Kế toán Anpha
Từ khóa » Thủ Tục Làm Bhxh Cho Thai Sản
-
Hướng Dẫn Làm Hồ Sơ Hưởng Chế độ Thai Sản Sau Khi Sinh Con
-
Thủ Tục Hưởng Chế độ Thai Sản Mới Nhất 2021 - Thư Viện Pháp Luật
-
Hồ Sơ, Thủ Tục Hưởng Chế độ Thai Sản Mới Nhất - LuatVietnam
-
Thủ Tục Làm Hồ Sơ Hưởng Chế độ Thai Sản 2021 Mới Nhất
-
Các Quy Trình, Thủ Tục đơn Vị Cần Làm Khi Lao động Nữ Nghỉ Thai Sản
-
Hướng Dẫn Thủ Tục Hưởng Chế độ Thai Sản để Nhận Trợ Cấp Nhanh ...
-
Các Thủ Tục Cần Làm Khi Lao động Nữ Nghỉ Thai Sản
-
Thủ Tục: Giải Quyết Hưởng Chế độ Thai Sản - Dịch Vụ Công
-
Thủ Tục Giải Quyết Hưởng Chế độ Thai Sản đối Với Lao động Nam Khi ...
-
Năm 2022, Nhận Tiền Trợ Cấp Thai Sản Cần Những Giấy Tờ Gì ?
-
Tự Làm Thủ Tục Hưởng Chế độ Thai Sản 2022 Thế Nào?
-
Thủ Tục Hưởng Chế độ Thai Sản - Luật Phamlaw
-
Có được ủy Quyền Cho Kế Toán Làm Thủ Tục Và Nhận Tiền Thai Sản ...
-
Thủ Tục Xin Nghỉ Thai Sản Sớm Cho Người Lao động - Luật Long Phan