Đối Tượng ưu Tiên, điểm ưu Tiên Khu Vực Tuyển Sinh Đại Học

Dưới đây là chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học theo đối tượng và khu vực theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh có thể tham khảo:

I. Đối tượng ưu tiên tuyển sinh

Đối tượng ưu tiên là những đối tượng thuộc nhóm ưu tiên sẽ được cộng điểm khi xét tuyển vào đại học. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhóm đối tượng ưu tiên trong xét tuyển Đại học được phân chia cụ thể:

1. Nhóm ưu tiên 1 (UT1)

Điểm cộng: 2 điểm

Đối tượng:

- Đối tượng 01: Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại Khu vực 1 quy định tại điểm c khoản 4 Điều 7 của Quy chế.

  • Cụ thể: Khu vực 1 (theo điểm c khoản 4 Điều 7 của Quy chế) gồm các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành tương ứng với thời gian học THPT hoặc trung cấp của thí sinh; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Đối tượng 02: Công nhân trực tiếp sản xuất đã làm việc liên tục 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm là chiến sĩ thi đua được cấp tỉnh trở lên công nhận và cấp bằng khen;

- Đối tượng 03:

  • Thương binh, bệnh binh, người có “Giấy chứng nhận người được hưởng chính sách như thương binh”
  • Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân tại ngũ được cử đi học có thời gian phục vụ từ 12 tháng trở lên tại Khu vực 1;
  • Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân tại ngũ được cử đi học có thời gian phục vụ từ 18 tháng trở lên;
  • Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân đã xuất ngũ, được công nhận hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định;
  • Các đối tượng ưu tiên quy định tại điểm i, k, l, m khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005 được sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ưu đãi người có công với cách mạng;

- Đối tượng 04:

  • Con liệt sĩ
  • Con thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
  • Con bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
  • Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% trở lên;
  • Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh” mà người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh” bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên;
  • Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động;
  • Người bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng là con đẻ của người hoạt động kháng chiến;
  • Con của người có công với cách mạng quy định tại điểm a, b, d khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005 được sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 về việc ưu đãi người có công với cách mạng.

2. Nhóm ưu tiên 2 (UT2)

Điểm cộng: 1 điểm

Đối tượng:

- Đối tượng 05:

  • Thanh niên xung phong tập trung được cử đi học;
  • Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân tại ngũ được cử đi học có thời gian phục vụ dưới 12 tháng ở Khu vực 1 và dưới 18 tháng không ở Khu vực 1;
  • Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn; Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng Dân quân tự vệ nòng cốt, Dân quân tự vệ đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nòng cốt từ 12 tháng trở lên, dự thi vào ngành Quân sự cơ sở. Thời hạn tối đa được hưởng ưu tiên là 18 tháng kể từ ngày ký quyết định xuất ngũ đến ngày dự thi hay ĐKXT;

- Đối tượng 06:

  • Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú ở ngoài khu vực đã quy định thuộc đối tượng 01;
  • Con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%;
  • Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 81%;
  • Con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;
  • Con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế có giấy chứng nhận được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;
  • Con của người có công giúp đỡ cách mạng;

- Đối tượng 07:

  • Người khuyết tật nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ GDĐT quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện;
  • Người lao động ưu tú thuộc tất cả các thành phần kinh tế được từ cấp tỉnh, Bộ trở lên công nhận danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, được cấp bằng hoặc huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
  • Giáo viên đã giảng dạy đủ 3 năm trở lên thi vào các ngành sư phạm;
  • Y tá, dược tá, hộ lý, kỹ thuật viên, y sĩ, dược sĩ trung cấp đã công tác đủ 3 năm trở lên thi vào các ngành y, dược.

LƯU Ý: Người thuộc nhiều diện ưu tiên theo đối tượng sẽ được hưởng theo một diện ưu tiên cao nhất.

II. Điểm ưu tiên khu vực

Khu vực cũng là một trong những ưu tiên trong tuyển sinh đại học. Quy định này cũng đã được Bộ GD&ĐT quy định rõ:

- Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp tại khu vực nào sẽ được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học THPT (hoặc trong thời gian học trung cấp) có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng với cả những thí sinh đã tốt nghiệp vào những năm trước năm tuyển sinh.

Đối với các trường THPT do thay đổi địa giới hành chính, chuyển địa điểm hoặc thay đổi cấp hành chính, chính sách dẫn đến thay đổi mức ưu tiên khu vực thì mỗi giai đoạn hưởng mức ưu tiên khác nhau, trường sẽ được gán một mã trường khác nhau cùng với một mức ưu tiên khu vực phù hợp.

Thí sinh căn cứ thời gian học tập tại trường THPT chọn và điền đúng mã trường theo các giai đoạn để được hưởng đúng mức ưu tiên theo khu vực

- Các trường hợp được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú:

  • Học sinh các trường THPT dân tộc nội trú;
  • Học sinh các trường, lớp dự bị ĐH;
  • Học sinh các lớp tạo nguồn được mở theo quyết định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc UBND cấp tỉnh;
  • Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Thủ tướng Chính phủ; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135; các thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn tại các địa bàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ nếu học THPT (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên.
  • Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân được cử đi dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn; nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ.

- Cụ thể các khu vực tuyển sinh:

  • Khu vực 1 (KV1): Cộng ưu tiên 0,75 điểm

KV1 là các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành tương ứng với thời gian học THPT hoặc trung cấp của thí sinh; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

  • Khu vực 2 (KV2): Cộng ưu tiên 0,25 điểm

KV2 là các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1).

  • Khu vực 2 - nông thôn (KV2-NT): Cộng ưu tiên 0,5 điểm

KV2-NT gồm các địa phương không thuộc KV1, KV2, KV3;

  • Khu vực 3 (KV3): Không được cộng điểm ưu tiên

KV3 là các quận nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương. Thí sinh thuộc KV3 không thuộc diện hưởng ưu tiên khu vực.

Cách cộng điểm ưu tiên thi Đại học

Như vậy, nếu thí sinh thuộc một trong các đối tượng và khu vực dưới đây, điểm cộng của thí sinh sẽ được tính như sau:

· Nhóm ưu tiên 1: được cộng 2 điểm

· Nhóm ưu tiên 2: được cộng 1 điểm

· Khu vực 1: được cộng 0,75 điểm

· Khu vực 2: được cộng 0,25 điểm

· Khu vực 2 - NT: được cộng 0,5 điểm

Ví dụ: Nếu thí sinh NGUYỄN VĂN A là đối tượng thuộc nhóm ưu tiên 1 và ở khu vực 1 thì sẽ được cộng tổng điểm ưu tiên là 2,75.

Thông tin về các phương thức xét tuyển Đại học năm 2023 xem Tại đây

Thí sinh đăng ký xét học bạ 2023 trực tuyến Tại đây

Media/31_TH1044/FolderFunc/202204/Images/images-20220426094806-e.jpg ---------------------------------------------------------- HỘI ĐỒNG TUYỂN SINH ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC ĐÀ NẴNG Hotline: 0866.254.999 - 0816.988.288 Webstie: https://tuyensinh.dau.edu.vn Fanpage: https://www.facebook.com/daihockientrucdanang

Từ khóa » điểm ưu Tiên đối Tượng Là Gì