Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân – Lực Lượng Tiền Thân ...

Lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam  ngày nay chính là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đây là một tổ chức hoạt động từ tháng 12/1944 đến tháng 5/1945. Sau này, ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22/12) được Đảng, Nhà nước chọn làm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Giữa năm 1944, chính quyền Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh ở vùng Cao – Bắc – Lạng, tận dụng lợi thế quân Pháp, Nhật đang ghìm nhau ở Đông Dương, chủ yếu ở những đô thị quan trọng nên chưa thể  thực hiện trấn áp ở vùng núi, biên giới. Dù đã có những đội du kích vũ trang nhưng những hoạt động tuyên truyền chính trị cán bộ Việt Minh vẫn chưa hoàn toàn kết hợp được với hoạt động vũ trang, khi đó vẫn mang nặng tính địa phương, thiếu thống nhất nên chưa phát huy được tác dụng gây dựng cơ sở lan rộng, nhất là những vùng còn nằm trong sự kiểm soát của địch.

Lực lượng vũ trang quân sự tỉnh diễu binh tại lễ ra quân huấn luyện năm 2018.  Ảnh: ĐÌNH QUANG

Trong bối cảnh đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nhận định: Nếu chỉ có tuyên truyền chính trị sẽ khó thành công, vì vậy, Người đã chỉ thị về viêc thành lập một lực lượng vũ trang, nòng cốt lấy từ các cán bộ chính trị, đội viên năng nổ và chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công việc thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Sau khi đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba thông báo kế hoạch thành lập tổ chức vũ trang lấy tên là “Đội Việt Nam giải phóng quân”, Người thêm chữ “Tuyên truyền” thành “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”.

 Tháng 9/1944, một số cán bộ chính trị và đội viên du kích của Việt Minh tập hợp thành 3 đội vũ trang tập trung của Tam Kim, Hoa Thám, Chí Kiên đã được triệu tập dự lớp huấn luyện 20 ngày tại rừng Khuổi Co (cách đèo Cao Bắc khoảng 6 km), do đồng chí Võ  Nguyên Giáp và Hoàng Sâm làm giảng viên. Giữa tháng 12/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp một chỉ thị viết tay, để trong vỏ bao thuốc lá với nội dung:

“1-Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là tập trung lực lượng cho nên theo chỉ thị mới của đoàn  thể sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao – Bắc – Lạng, số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để làm ra đội chủ lực.

Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên cần phải duy trì trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có thêm nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.

2-Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.

3-Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay đông mai tây, lai vô ảnh khứ vô hình. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chúng có đội quân đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang, nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước Việt Nam.”

Đội được thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng nằm giữa 2 tổng Trần Hưng Đạo và Hoa Thám (Cao Bằng). Quân số ban đầu được chia làm  3 tiểu đội, trong đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung, Hoàng Sâm được chọn làm đội trưởng, Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, Hoàng Văn Thái phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến… Vũ khí ban đầu có 2 súng thập (súng ngắn) với 10 viên đạn, 17 súng trường, 14 mã tấu.

Sau khi thành lập, đội đã đánh thắng 2 trận đầu là Phai Khắt và Nà Ngần. Quân số tăng lên thành đại đội, tạo ra một khu vực cơ sở cách mạng rộng lớn. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 9/3/1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chia làm nhiều mũi. Mũi thọc xuống phía nam giải phóng Ngân Sơn, Chợ Rã, Phủ Thông, Chợ Đồn, Na Rì (Bắc Cạn); Chiêm Hóa (Tuyên Quang); mũi tiến công Thất Khê (Lạng Sơn); lại có mũi ngược lên biên giới Việt – Trung, một loạt đồn từ Trùng Khánh, Bảo Lạc bị hạ, rồi phát triển sang Hà Quảng (Cao Bằng). Cuối tháng 3, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã gặp Cứu quốc quân tại Chợ Chu (Thái Nguyên).

Ngày 15/5/1945, tại Chợ Chu, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân hợp nhất với Đội Cứu quốc quân và một số đơn vị du kích thành lực lượng quân sự thống nhất, lấy tên là Giải phóng quân. Đây là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 22/12/1944 được xác định là ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của Nhân dân ta. Năm 1989, theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hằng năm không chỉ là ngày kỷ niệm Quân đội Nhân dân Việt Nam mà còn là Ngày Quốc phòng toàn dân nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, động viên mọi công dân chăm lo, củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội để  bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Nguồn: https://baolangson.vn/tieu-diem/469617-doi-viet-nam-tuyen-truyen-giai-phong-quan-luc-luong-tien-than-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam.html

Từ khóa » Hình ảnh đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân