Đờn Ca Tài Tử Là Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Của Nhân Loại - VnExpress

Tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP HCM), bà Katherine Muller Marin, đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã trao Bằng vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 8 của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế, thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam.

nhan-bang-3168-1392133187.jpg

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội trao bằng vinh danh cho đại diện các tỉnh thành quê hương của đờn ca tài tử Nam bộ. Ảnh: N.B

Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung và miền Nam. Đây là loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ, là sự kết hợp hòa quyện đặc sắc giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc. Ban nhạc của Đờn ca tài tử gồm có bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu. Tuy nhiên, sau này, biên chế ban nhạc có sự thay đổi và có thể thêm các loại nhạc cụ khác như guitar phím lõm hay thậm chí là violon.

"Đây là một minh chứng sinh động về sức lan tỏa của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới, tạo cơ hội để người dân trên toàn thế giới niềm hân hạnh được thưởng thức và hiểu rõ hơn về nền văn hóa tươi đẹp và phong phú của Việt Nam", bà Katherine Muller Marin nói. Vị này cũng cho biết UNESCO đánh giá cao thành công của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ văn hóa phi vật thể vào các chính sách quốc gia trong hơn một thập kỷ qua nhằm nâng cao nhận thức và hành động thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. "Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ, của người Việt Nam chúng ta mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.

nhan-bang-2-1282-1392133187.jpg

Các nghệ sỹ đờn ca tài tử Nam bộ biểu diễn tại lễ vinh danh và nhận bằng của UNESCO. Ảnh: N.B

Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh thành cùng các nghệ sĩ - nghệ nhân và nhân dân cả nước, nhất là các địa phương quê hương của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, với tất cả tình cảm và trách nhiệm hãy hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ để loại hình nghệ thuật độc đáo này luôn được bảo tồn và phát triển sáng tạo, luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào miền Nam, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.

Trước đó, Phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan được tổ chức hôm 5/12 đã khẳng định, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam được vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo đó, Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã đáp ứng được các tiêu chí như: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam; liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc...

Trung Sơn - Nguyễn Loan

Từ khóa » Nghệ Thuật đờn Ca Tài Tử Unesco