Đôn Hoàng | Nguyenducchinh

HUYỀN THOẠI VÀ SỰ THẬT 

Đức Chính

Bài 1: Khái quát

Theo các tài liệu, thiên văn học được thực hành ở Trung Hoa rất lâu, có thể từ 1.500 năm trước Công nguyên, nhưng những tài liệu này thường chỉ xuất hiện vào đời Đường Tống thuật lại chuyện thời cổ đại nên độ xác tín không lớn lắm. Những mảnh xương khảo cổ có chút ít liên quan đến thiên văn mà người Trung Hoa trưng ra như bằng cứ cũng chỉ là ghi lại những hiện tượng tự nhiên trên bầu trời phục vụ mục đích tôn giáo mà bất cứ dân tộc nguyên sơ nào cũng có (chẳng qua có ghi lại hay không ghi lại). Nhưng điều này không  nhiều chứng cứ xác thực vì tài liệu sớm nhất là bộ Sử Ký Tư Mã Thiên, mục Thiên Quan (Thế kỷ thứ 1 trước Công Nguyên, đầu nhà Hán) chủ yếu viết về các hiện tượng thiên thạch, sao chổi, … thiên về bói toán và chẳng có sự mô tả vị trí sao. Vào thời kỳ này sử trung Hoa có ghi lại nhân vật Trương Hoàng (→Zhang Heng) với hỗn thiên nghi mang tính huyền thoại: chạy bằng nước mà ngồi trong phòng kín có thể biết quang cảnh trên bầu trời như là mô hình máy tính thời hiện đại mà ngày nay chẳng ai có thể mô phỏng được để chứng minh. Ngoài cuốn sử của Tư Mã Thiên còn lưu giữ được, những công trình của Trương Hành không lưu lại dấu vết ngoài lời thuật lại trong “Trương Hành Liệt Truyện” trong Hậu Hán Thư của Phạm Diệp (thế kỷ thứ 5) viết dựa theo truyền tụng. Dù rằng những đóng góp của Trương Hành rất quan trọng nhưng tính khoa điệu thổi phồng cũng nên coi lại. Thời kỳ này đã có sự thông thương với Ấn Độ qua ngỏ Đôn Hoàng sau khi Hán Vũ Đế đánh chiếm xứ Nguyệt Chi năm 121 trước Công Nguyên. Cùng với bước chân Phật giáo, khoa thiên văn Vệ Đà cùng truyền sang Trung Hoa với rất nhiều kiến thức về thiên văn cũng như sự phân loại tinh tú. Từ những kiến thức này rất có thể được Trung Hoa phiên dịch và nghiên cứu thêm. Ví dụ một đoạn Hậu Hán Thư trích lại bài “Tư Huyền Phú” của Trương Hành như sau: “Tôi đi ra khỏi ‘Tử Vi Cung’ yên tĩnh mờ ảo, tới ‘Thái Vi Viên’ sáng ngời rộng mở; khiến ‘Vương Lương’ vội đuổi theo ‘Tuấn Mã’, từ ‘Các Đạo’ ở cao vượt qua ‘Dương Tiên’! Tôi đan được ‘Liệp Võng’ dày đặc, đi tuần giữ ở trong rừng ‘Thiên Uyển’; mở ra ‘Cự Cung’ chăm chú ngắm nhìn, muốn bắn chết trăm loài ‘Ác Lang’ trên núi! Tôi ở ‘Bắc Lạc’ để quan sát ‘Bích Lũy’ một cách nghiêm mật, rồi đánh trống ‘Thủy Cổ’ kêu tùng tùng vang dội; chầm chậm lên thuyền ‘Thiên Hoàng’, du hành giữa sông ngân hà vô biên vô tận; đứng ở đoạn cuối chỗ sao ‘Bắc Đẩu’ quay đầu nhìn lại, nhìn thấy trời đất đang không ngừng xoay chuyển tuần hoàn”. Rất giống giọng văn mượn sự vật (ở đây là tinh tú, tên đặt trong dấu nháy) để bày tỏ triết lý, hơn là một tác phẩm thiên văn. Những thuật lại tên các sao của Trương Hành không cụ thể vị trí như ngầm ý nói “đó là việc mọi người đã biết rồi”. Rất có thể mọi người đã biết qua sự giao thoa với thiên văn học Vệ Đà của Ấn Độ.

Thật ra phải đến thế kỷ thứ 4 sau công nguyên mới có sách An Thiên Luận của Ngu Hỉ viết về các điểm phân trên đường Hoàng Đạo. Khoảng đời Tống (960-1278) mới thấy có bản đồ sao với những dụng cụ như “hỗn thiên nghi” và “hỗn tượng” một cách rõ ràng dù rằng nhiều tài liệu Đường Tống mạo ngôn nói là có từ thời Hiên Viên Hoàng Đế. Từ đó những vấn đề cơ bản về thiên văn như cấu trúc vũ trụ, sự phân bố các chòm sao, kỹ thuật đo sao qua các dụng cụ thời ấy, … mới có sách lưu hành (Ví dụ cuốn Thông Chí Lược 1150). Tư liệu chính thức (như tư liệu Đôn Hoàng, cửa ngỏ liên thông với Ấn Độ) chỉ cho thấy nền thiên văn đúng nghĩa chỉ có mặt vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên và đến đời Đường sự du nhập này thêm mạnh mẽ theo con đường Phật giáo nên nhiều điểm trong thiên văn học Trung Hoa mang dấu ấn của Thiên Trúc. Đến thế kỷ 13-15 sau Công nguyên thiên văn học Trung Hoa có thêm nguồn bổ sung từ thiên văn học Á Rập qua những vị tướng và học giả Á Rập theo chân đoàn quân Nguyên Mông, cùng những nhà du hành Phương Tây như Marco Polo. Tuy nhiên từ trước cũng có một số sách nói phớt qua về khái niệm vũ trụ như thuyết “Hỗn Thiên” của Trương cho rằng Vũ trụ như quả trứng gà hình tròn, trong đó Trái đất nổi trên mặt nước; hay thuyết của Tuyên Dạ cho rằng bầu trời mênh mông và trống không. Những thuyết này mang tính triết học hơn là thiên văn học đúng nghĩa. Chúng giống như khái niệm “Đạo, Thái cực, Vô cực” của Lão Tử trong Đạo Đức kinh vậy. Cho nên những trích dẫn này chưa thể quy kết xác đáng niên đại thiên văn học Trung Hoa. Người Trung Hoa tuy chưa thể chứng minh thuyết phục tính cổ đại của nền thiên văn học của họ, nhưng dù sao cũng phải nói mối quan tâm đến bầu trời không phải là chậm trễ. Từ thế kỷ thứ 4 trrước Công nguyên Trang Tử từng đặt vấn đề: “Tại sao Mặt trời thì quay, Trái đất lại đứng yên”. Đáng lẽ từ mối quan tâm đó sẽ làm những khảo sát thiên văn xuất hiện và ghi chép trong các tác phẩm lớn, nhưng người Trung Hoa quá thiên về đạo học nên những thắc mắc đó được giải thích chủ yếu bằng triết học. Cụ thể hơn, trong cuốn Trung Quốc Cổ Tịch Tổng Hội Yếu có chép: Năm Chí Hòa Nguyên Niên (1054) quan khâm giám Dương Duy Đức phát hiện một sao khách (siêu tân tinh) trên bầu trời, ông luận: “sao khách không xâm phạm đến sao Tất, lại óng ánh sắc vàng, nên đoán là điềm tốt cho hoàng đế, đất nước thịnh vượng”. Nguyên nhân là toán học và vật lý học của Trung Hoa vào thời kỳ đó chưa phát triển tương xứng. Chính từ dòng tư duy này thiên văn học Trung Hoa có sự phân chia bầu trời khác hẳn. Nếu thiên văn học Phương Tây kế thừa từ Hy Lạp dựa trên các vì sao sáng gần nhau nối kết thành một hình dáng và từ đó liên tưởng đến nhân vật thần thoại Hy Lạp mà đặt tên (thiên văn hóa thần thoại), thì thiên văn học Trung Hoa dựa vào học thuyết Âm dương Ngũ hành chia bầu trời ra thành các cung rồi mới xác định mảng sao như trường hợp Nhị Thập Bát Tú (triết học hóa thiên văn). Vì thế rất nhiều tên của các mảng sao không phù hợp với hình dáng và các mảng sao chủ yếu mang tính chiêm thuật nặng nề.

Kể từ khi được phát triển, thiên văn học trung Hoa đã xuất hiện nhiều thành tựu. Đặc biệt quan tâm đến các hiện tượng nhật thực (→solar eclipse), nguyệt thực (→lunar eclipse), các hiện tượng xảy ra ngắn ngủi khác như sao chổi (→comet), sao mới (→nova), siêu sao mới (gọi là sao khách →supernova), cực quang (→aurora) và sự giao hội (→conjunction) giữa Mặt trăng với các hành tinh; đặc biệt là cảnh quả cầu lửa (→fireball) sao băng cháy đỏ trên bầu trời được huyền thoại thành “hỏa châu”. Triều đình cắt hẳn những viên quan thiên văn chuyên giải đoán các hiện tượng dị thường trên bầu trời và nếu có thể dự báo trước sự xảy ra của các hiện tượng này. Bên cạnh họ còn có nhiệm vụ soạn lịch, đòi hỏi phát triển một số mô hình toán học. Toán học và vật lý học bắt đầu đòi hỏi người Trung Hoa quan tâm đến để hiểu nhiều hơn bầu trời thực thể thay cho lối hiểu triết lý. Từ sự quan tâm đó nên thư tịch cổ đời Đường (khoảng năm 837) ghi nhận một thành tựu: chu kỳ 76 năm một sao chổi mà ngày nay gọi là sao chổi Halley (→Halley’s comet). Triều đại nhà Tống (960-1277) người Trung Hoa đã có bản đồ sao, khắc ở một ngôi đền tại Giang Tô, ghi lại 1440 vì sao. Thực ra đó là những mảng sao vì người Trung hoa thiếu phương tiện để quan sát một ngôi sao riêng lẻ đúng nghĩa[1]; nên về sau khi tiếp xúc với thiên văn học hiện đại họ đánh thêm số cho các ngôi sao riêng lẻ của từng mảng sao này. Ví dụ như (mảng) sao Bắc Đẩu (北斗) sau này bổ sung thêm tên từng sao riêng lẻ là Bắc Đẩu đệ nhất đến Bắc Đẩu đệ thất (nguyên thủy 7 sao này được coi là một sao Bắc Đẩu). Đến thế kỷ 17 họ có những ghi chép về các siêu tân tinh mà tư liệu phương Tây không có, chẳng hạn như siêu tân tinh AD 1054 đã dẫn đến hình thành ẩn tinh Con Cua (→Crab pulsa) và tinh vân Con Cua (→Crab nebula). Khác với sự phân chia bầu trời của Hy Lạp (sau này Phương Tây kế thừa). Bầu trời của người Trung Hoa mượn từ Ấn Độ chia làm 28 cung (của Ấn Độ có 27 cung, Trung Hoa thêm 1 cung để chia chẵn cho 4 phương tức Tứ tượng) gọi là Nhị Thập Bát Tú (→Twenty-Eight Mansions), trong mỗi cung có một mảng sao cùng tên. Hai mươi tám mảng sao đó xoay quanh Thiên cực bắc nên chỉ biểu diễn một phần rất nhỏ tinh tú trên bầu trời. Do vậy, người Trung Hoa xác định thêm một số mảng sao riêng lẻ khác, gọi là Tam thập lục (36) Thiên Cang và Thất thập nhị (72) Địa Sát[2], một lần nữa được huyền thoại thành 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử và ứng dụng trong khoa bói toán Tử Vi Đẩu Số. Thực ra tài Trung Hoa ghi lại có nhiều mảng sao chứ không phải 108 như huyền học nói, chưa kể những chòm sao lẻ trong Tam Viên chẳng hạn (mảng) sao Thiên Thị Hữu Viên có nghĩa “vườn bên phải của tòa thiên thị” (天市右垣 gồm có β Herculis, γ Herculis, κ Herculis thuộc chòm Vũ Tiên α Serpentis, γ Serpentis, β Serpentis, δ Serpentis, ε Serpentis, thuộc chòm Cự Xà và δ Ophiuchi, ε Ophiuchi ζ Ophiuchi thuộc chòm Xà Phu). Ngày nay đã xác định cụ thể được một số như (mảng) sao Thiên Thương có nghĩa là “kho trời” (天倉 gồm các sao ζ Ceti, ι Ceti, θ Ceti, η Ceti, τ Ceti và 57 Ceti thuộc chòm Kình Ngư), (mảng) sao Kiện Bế có nghĩa “then cài cửa” (鍵閉 gồm hai sao λ Sco và υ Sco thuộc chòm Hổ Cáp), (mảng) sao Nam Môn (南門 gồm có các sao α Lupi, γ Lupi, δ Lupi, , β Lupi, λ Lupi, ε Lupi, μ Lupi, π Lupi, ο Lupi của chòm Hồ Ly và κ Centauri của chòm Bán Nhân Mã), … Mặt khác, bản đồ và tên gọi sao phương Tây được du nhập và thay thế dần thiên văn học cổ điển, chúng ta có thể thấy có những sao được dịch từ tên của Phương Tây như: sao Shaula (→Lambda Scorpii) có nghĩa “đuôi con bò cạp” được dịch thành “Vĩ Túc Bát 尾宿八”, sao Perse là tên khác của sao Alpha chòm Anh-điêng được dịch thành sao Ba Tư (波斯,tồn nghi do thừa sai dòng Tên du nhập vào), … Thậm chí dịch cả mảng sao như trường hợp (mảng) sao Hạc (鶴 gồm có các sao α Gruis, β Gruis, ε Gruis, η Gruis, δ Tucanae, ζ Gruis, ι Gruis, θ Gruis, δ2 Gruis và μ1 Gruis thuộc chòm Thiên Hạc) là mảng sao mới không thuộc Thiên Cang Địa Sát. Đậm nét nhất là các chòm sao của Phương Tây được dịch ra tiếng Trung Hoa; chẳng hạn Phượng Hoàng (→Phoenix), Hội Giá có nghĩa là “giá vẽ” (→Pictor),  Song Ngư có nghĩa là “đôi cá” (→Pisces),  Tức Đồng có nghĩa là “cái bơm” (→Antlia), …

Tuy nhiên người Trung Hoa lại có một hệ âm dương lịch (→lunisolar calendar) hoàn chỉnh và khoa học hơn các hệ âm dương lịch của các dân tộc khác (kể cả của Ấn Độ). Hệ lịch pháp này cũng dựa vào sự chuyển động của Mặt trăng để tính số ngày trong tháng, nhưng lại chia vòng hoàng đạo thành 24 tiết khí (→solar terms) để điều chỉnh cho lịch và thời tiết phù hợp nhau. Họ chia tháng theo chi (→sign of the zodiac), và năm cũng vậy, cứ 12 năm lập thành Thập Nhị Chi và 60 năm thành Lục Thập Hoa Giáp. Công việc này có sự đóng góp của những nhân tài kiệt xuất như Lưu Hồng, Hạ Thửa Thiên, Tổ Xung Chi, Lưu Chước, Quách Thủ Kính…

Xem tiếp: Bài 2: Vũ Trụ Luận Trung Hoa.

[1] So với nền thiên văn Á Rập thì thấp hơn rất nhiều. Đa số những “sao” của Trung Hoa là mảng sao (gồm nhiều sao), trong khi Á Rập phân biệt được khá nhiều sao riêng lẻ và có tên gọi cũng như mô tả chính xác.

[2] Thường nhiều tài liệu nặng về chiêm thuật thường bắt đầu cho sao thuộc nhóm thiên cang là chữ “thiên” và nhóm địa sát là chữ “địa”; thực tế theo thiên văn cổ Trung Hoa không nhất thiết như vậy và không có chòm sao nào bắy đầu chử “Địa”.

*MỤC LỤC – NHỮNG BÀI VIẾT CỦA ĐỨC CHÍNH

Từ khóa » Bản đồ Sao đôn Hoàng