Dồn Lực Sản Xuất Lúa - Báo Hậu Giang

Dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài khiến cho việc đi lại, chăm sóc mùa vụ bị ảnh hưởng; cộng với giá vật tư, phân bón tăng cao gây bất lợi cho nông dân trồng lúa. Tuy nhiên, với sự kiên trì vượt khó của ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương, cùng nông dân... đã giúp các tỉnh ĐBSCL giành thắng lợi trong sản xuất lúa gạo năm 2021. Đây là tiền đề để các địa phương thực hiện thắng lợi vụ lúa Đông xuân tới đây.

Sản lượng lúa năm 2021 ở ĐBSCL tăng 515.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: H.THU

Kết quả ấn tượng

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, cho biết: “Mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự nỗ lực chung của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, nông dân… nên vụ lúa Thu đông 2021 ở ĐBSCL đã xuống giống hơn 714.600ha, đạt 102% kế hoạch đề ra. Hiện nay, các tỉnh đang vào cao điểm thu hoạch lúa Thu đông, năng suất đạt 5,6 tấn/ha, tăng 0,04 tấn/ha, tổng sản lượng cả vụ ước đạt 4 triệu tấn…”.

Ở tỉnh Hậu Giang cũng đã xuống giống vụ lúa Thu đông là 35.358ha, đạt 96,3% kế hoạch, giảm 7.718ha so với cùng kỳ. Đến nay đã thu hoạch được 2.520ha, ước năng suất đạt 5,84 tấn/ha. Giá bán lúa tươi tại ruộng đối với giống OM 5451 là 5.100-5.2000 đồng/kg, OM 18 là 5.300-5.400 đồng/kg. Dự kiến lúa Thu đông thu hoạch dứt điểm vào đầu tháng 11. Các giống sử dụng chủ yếu như OM 5451 chiếm 47,04%, giống OM 18 chiếm 47,51%, Đài Thơm 8 chiếm 2,88%, IR 50404 chiếm 1,67%, các giống khác như VNR 20, OM 6976, OM4 900, OM 7347... chiếm 0,89%.

Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa mùa 2021 ở các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ gieo sạ 258.600ha, giảm 6.000ha; năng suất ước đạt 4,97 tấn/ha, tăng 0,27 tấn/ha; tổng sản lượng cả vụ khoảng 1,28 triệu tấn, tăng 43.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, việc sản xuất lúa cả năm 2021 ở các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ với diện tích đạt 4,16 triệu héc-ta, giảm 58.700ha; tổng sản lượng hơn 25,7 triệu tấn (trong đó ở ĐBSCL là 24,3 triệu tấn) tăng 515.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020. Đây là kết quả ấn tượng của ngành nông nghiệp trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Mặc dù sản lượng lúa toàn vùng tăng, nhưng do tác động của nhiều nguyên nhân nên mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL chưa như mong muốn. Cụ thể, vụ Thu đông 2021 các tỉnh thực hiện theo cánh đồng lớn chỉ đạt 93.479ha, bằng 66,7% so với các vụ trước đây (trước đây ổn định ở 140.000-150.000ha). Cục Trồng trọt nhận định, trong quá trình liên kết sản xuất lúa vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Do sản lượng lúa thu hoạch tập trung, nông dân bán lúa tươi nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong chuẩn bị phương tiện vận chuyển, không đủ các thiết bị phơi sấy, kho chứa đựng nên lúa thu hoạch thường phải tập kết đầu bờ khoảng 4-5 ngày công ty mới thu gom hết. Một số diện tích lúa quá ngày thu hoạch 7-10 ngày mới cắt nên đã ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng. Mặc dù giữa nông dân và doanh nghiệp có hợp đồng thu mua, nhưng vẫn xảy ra trường hợp công ty thu mua không kịp thì nông dân bán ra thương lái bên ngoài và sự biến động giá cả ngoài thị trường nên ảnh hưởng đến việc thu mua. Lực lượng thương lái thu mua lúa vẫn chưa được chú trọng, chưa được gắn kết vào chuỗi liên kết sản xuất ngành hàng lúa gạo. Hiện vẫn còn thiếu một hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông. Ngoài ra, một bộ phận nông dân còn canh tác theo tập quán cũ, không tuân thủ theo quy trình sản xuất do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn.

Đẩy nhanh xuống giống vụ Đông xuân

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, cùng với việc tập trung thu hoạch dứt điểm lúa Thu đông thì một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL là dồn sức cho vụ Đông xuân 2021-2022, một vụ mùa rất quan trọng.

Tổng cục Thủy lợi lưu ý, năm 2021 lũ trên dòng chính sông Mekong có xu thế ở mức thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ các năm 2019, năm 2015. Tại Tân Châu và Châu Đốc thì lũ đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp; đỉnh lũ có khả năng xuất hiện vào giữa tháng 10, tại Tân Châu dao động ở mức 2,8-3,2m, thấp hơn khoảng 0,3-0,7m so với báo động 1 và thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-0,9m; tại Châu Đốc dao động ở mức 2,6-2,9m, thấp hơn khoảng 0,1-0,4m so với báo động 1 và thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,4-0,6m... Do ảnh hưởng lũ nhỏ nên các chuyên gia dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 ở mức sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm. Theo đó, khả năng trong tháng 11 và tháng 12-2021, ranh mặn 4‰/lít xâm nhập ở mức từ 20-30km; sang tháng 1 và tháng 2-2022, ranh mặn 4‰/lít vào sâu từ 50-70km, cao hơn 7-15km so với trung bình nhiều năm...

Trước nhận định xâm nhập mặn gay gắt, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, việc bố trí lịch thời vụ hợp lý là rất quan trọng nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng. Trong tháng 10-2021, những vùng ven biển có nguy cơ bị hạn mặn cuối vụ như Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang cần xuống giống sớm khoảng 400.000ha lúa Đông xuân, chiếm khoảng 26% diện tích của vụ, tập trung sử dụng giống ngắn ngày và giống chịu mặn. Trong tháng 11 sẽ là thời vụ chính cho cả 3 vùng “vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển”, với kế hoạch xuống giống khoảng 700.000ha, chiếm khoảng 46% diện tích của vụ. Tháng 12 tiếp tục xuống giống khoảng 400.000ha, chiếm khoảng 26% diện tích. Riêng một số vùng xuống giống Đông xuân muộn sẽ phải kết thúc trước ngày 10-1-2022. Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh ĐBSCL khi bố trí thời vụ sản xuất lúa cần bám sát theo việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, đồng thời căn cứ theo bản đồ nguy cơ cho lúa vào những năm cực đoan đã được xây dựng trước đây để làm cơ sở cho bố trí mùa vụ sản xuất hợp lý, tránh bị hạn mặn gây thiệt hại.

Việc bố trí thời vụ như trên và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn nhằm đảm bảo đủ lượng nước ngọt và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra. Ngoài ra, cũng đề phòng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn thuộc vùng phù sa ngọt. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh băn khoăn khi giá vật tư, phân bón… tăng cao, vì vậy các địa phương cần đẩy mạnh giải pháp khoa học kỹ thuật để giảm chi phí giá thành càng thấp càng tốt, nhằm đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trồng lúa.

Để sản xuất lúa Đông xuân 2021-2022 đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn vận động nông dân áp dụng các giải pháp về giảm giống (80-100kg/ha), sử dụng phân bón hợp lý trong điều kiện giá phân bón tăng cao như hiện nay, ưu tiên nhân rộng áp dụng các gói kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, IPM…

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, nhằm hỗ trợ nông dân trong việc sản xuất lúa vụ Đông xuân 2021-2022, tiếp tục duy trì sản xuất và giảm chi phí đầu tư trước bối cảnh khó khăn do tình hình dịch Covid-19 và giá phân bón vẫn rất cao, đề nghị Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT cùng phối hợp để có giải pháp hỗ trợ, cụ thể hóa phương pháp bình ổn giá phân bón để nông dân sản xuất lúa nói riêng, các loại cây trồng khác nói chung tiếp tục đầu tư sản xuất trong thời gian tới.

Theo kế hoạch sản xuất vụ lúa Đông xuân 2021-2022 ở các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ là hơn 1,6 triệu héc-ta, tăng 2.000ha; trong đó vùng ĐBSCL chiếm diện tích 1,52 triệu héc-ta với sản lượng dự kiến 11 triệu tấn, tăng 35.200 tấn so cùng kỳ.

H.TÂN - H.THU

Từ khóa » Diện Tích Lúa đbscl