Dọn Tủ Quần áo: Từ A-Z - The Present Writer

Cuối năm Âm lịch là dịp rất nhiều người dọn dẹp nhà cửa, bỏ đi những thứ thừa thãi, tiêu cực của năm cũ để đón những thứ cần thiết, có ý nghĩa hơn trong năm mới.

Cũng dịp này bốn năm trước (năm 2017), tôi thực hiện series bài viết về tối giản không gian sống (phần 1 | phần 2).

Năm nay, tôi quyết định trở lại với một bài viết toàn diện, từ A tới Z về việc dọn tủ quần áo—nỗi ám ảnh của nhiều chị em (và có thể cả các anh em nữa!). Kèm theo bài viết là hai video miêu tả trực quan quá trình dọn dẹp và thanh lý đồ đạc mà chính tôi mới vừa trải qua.

Bài viết này được chia làm ba phần: (1) Trước khi dọn tủ đồ, (2) Trong khi dọn tủ đồ, và (3) Sau khi dọn tủ đồ

Một khoảnh khắc “ngáo ngơ” khi dọn đồ 🐒

Trước khi dọn tủ đồ

Đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất vì bạn sẽ phải sắp xếp thời gian, chuẩn bị thể lực, lên dây cót tinh thần để bắt tay vào dọn dẹp.

Vì vậy, bạn nên tận dụng những dịp đặc biệt cho mình động lực (như ngày cuối năm, đợt nghỉ lễ, chuẩn bị đón khách đến nhà chơi…) để thúc đẩy bản thân “hành động”. Bạn cũng có thể biến dọn dẹp thành một quy trình hàng ngày (routine) để mọi thứ được ngăn nắp từ ban đầu, tránh phải dồn việc về sau. 

Là một người sống tối giản, bản thân tôi không có quá nhiều quần áo. Tuy nhiên, sau hai năm liền không làm một cuộc “tổng dọn dẹp” nào, cộng với việc bạn bè gửi đồ nhờ thanh lý hộ, tôi cũng vừa phải xử lý một khối lượng quần áo khổng lồ.

Nếu bạn tò mò về lý do tại sao tôi hai năm liền không dọn tủ và muốn tận mắt thấy núi quần áo tôi phải dọn lớn thế nào, bạn có thể xem video dưới đây:

Trong khi dọn tủ đồ

Quá trình dọn dẹp đồ đạc nói chung và tủ đồ quần áo nói riêng, thường có ba bước chính:

Bước 1: Tập kết

Theo phương pháp dọn dẹp của chuyên gia người Nhật Marie Kondo, để bắt đầu, bạn cần lôi tất cả đồ đạc trong cùng một loại ra để chung một chỗ. Trong trường hợp này là quần áo. Hãy lôi ra hết tất cả quần áo trong căn nhà của bạn (ý tôi là TẤT CẢ!) từ trong hộc tủ, giá treo, túi đựng, vali… Tất tần tật đều phải quy về một địa điểm duy nhất.

Cách làm này giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh về số lượng đồ đạc mình sở hữu, giúp bạn nhận ra mình có bao nhiêu món đồ trùng lặp, thừa thãi, cũ kỹ… cần bỏ đi. Mặc dù cách này có thể làm nhiều người “choáng váng” vì phải đối diện với quá nhiều đồ đạc một lúc nhưng nó là cách tốt nhất để bạn thay đổi tư duy và dũng cảm, triệt để hơn trong quá trình tối giản đồ đạc sau này.

Tôi thường gọi đống đồ đạc lôi ra trong bước này là: “sự hỗn độn cần thiết trước khi trật tự mới được lập ra”.

Bước 2: Phân loại

Trong bước này, bạn sẽ cầm từng món đồ lên và đánh giá, phân loại xem mình nên làm gì với chúng. Về cơ bản, mọi người hay phân loại đồ làm ba nhóm:

  • Giữ: Những món đồ bạn muốn giữ lại
  • Bỏ: Những món đồ bạn muốn bỏ đi (bao gồm cho/tặng, bán, từ thiện, vứt bỏ hoàn toàn…)
  • Chưa xác định: Những món đồ bạn chưa ra được quyết định sẽ giữ hay bỏ. Bạn sẽ phải xem xét nhóm này thêm lần nữa sau khi đã phân loại xong cơ bản. 

Ở trong video dọn dẹp, vì tôi đã có kinh nghiệm và khả năng quyết định nhanh, tôi chỉ phân đồ làm hai nhóm: Giữ và Bỏ. Trong nhóm Bỏ, tôi phân loại trực tiếp luôn đâu là đồ mình muốn bán và đâu là đồ mình muốn làm từ thiện. Tuy nhiên, nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể bắt đầu với ba nhóm chính trên trước, và dần chia nhỏ lựa chọn hơn sau.

Bước 3: Sắp xếp

Sau khi đã phần loại được nhóm đồ bạn muốn giữ, bạn sẽ cần sắp xếp lại chúng về vị trí phù hợp. Ví dụ, những món đồ nào cần treo thì treo lại trên giá, món nào để trong tủ thì cần gấp gọn lại để vừa vào tủ.

Đây cũng là cơ hội để bạn cân nhắc hệ thống sắp xếp của mình: Nó có thực sự khoa học không? Có điều gì bạn nên làm để hệ thống tiện dụng hơn, giữ được đồ ngăn nắp hơn? Tôi thường dành thời gian này để tạo label (thẻ tên đánh dấu) cho từng nhóm đồ trong ngăn tủ hoặc trong hộp kín, để mình có thể nhìn qua là biết được đồ trong đó là gì mà không phải bới tung lên để tìm kiếm khi cần

Sắp xếp xong, bạn cũng nên dành một đôi phút để “tận hưởng thành quả” của mình (chụp tấm hình selfie trước tủ quần áo chẳng hạn 🙈) và nghĩ về những bài học mình rút ra được trong quá trình dọn dẹp này. Bạn có thể nghe chia sẻ về hai bài học lớn nhất của tôi trong video.

Sau khi dọn tủ đồ

Làm gì với số quần áo dư thừa? Nhiều người không nghĩ nhiều về câu hỏi này vì đối với họ, quần áo ra khỏi tủ của mình thì sẽ được chuyển thẳng vào tủ quần áo của người khác (khi cho/tặng người thân, bạn bè), lên các chuyến xe thiện nguyện, hoặc đơn giản là chui vào thùng rác.

Nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn, ta sẽ thấy việc mình xử lý quần áo dư thừa như thế nào có ảnh hưởng không nhỏ đến những người sống quanh mình, những dự án thiện nguyện và cả môi trường nữa. Tôi giải thích kỹ hơn tư tưởng này này trong video dưới đây:

 

Sau đây là một số ý tưởng để bạn cân nhắc khi xử lý quần áo dư thừa của mình:

Cho/tặng: Người Việt có câu “cũ người, mới ta”—ý nói món đồ bạn không cần nữa có thể lại là món người khác cần và muốn sở hữu. Bởi vậy, cho/tặng ai đó quần áo cũ là một điều tốt. Tuy nhiên, trước khi mang đồ đến cho ai đó, bạn cần hỏi ý kiến người ta trước xem họ có thực sự cần món đồ đó không và nói cho họ an tâm rằng: họ có toàn quyền quyết định với món đồ được nhận. Điều này giúp cho người ta không cảm thấy bị ép buộc khi nhận đồ bạn cho và tránh cho họ rơi vào tình huống khó xử nếu không thích món đồ của bạn.

Thiện nguyện: Cũng với tinh thần “cũ người, mới ta”, bạn có thể gửi quần áo dư thừa của mình đến các trung tâm từ thiện hoặc tới các chiến dịch quyên góp quần áo cũ. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chỉ gửi đi từ thiện quần áo lành lặn, sạch sẽ, phù hợp với lứa tuổi và văn hoá của đối tượng nhận đồ của bạn.

Bán: Bạn cũng có thể bán quần áo dư thừa của mình để tạo thêm thu nhập hoặc đơn giản là “gỡ gạc” lại phần nào số tiền bạn đã bỏ ra để mua những món đồ này ban đầu. Có hai hình thức bán quần áo cũ thường gặp là: (1) tự bán(2) ký gửi. Tự bán có nghĩa là bạn chủ động bán quần áo của mình trên mạng xã hội, forum, group thanh lý. Ký gửi là hình thức bạn bán lại (hoặc gửi lại) quần áo của mình cho cửa hàng đồ cũ và nhận được một tỷ lệ phần trăm nhất định từ việc bán hàng. Một số tiệm ký gửi quần áo còn cho bạn lựa chọn để lại đồ để họ gửi đi làm thiện nguyện hộ bạn—kết hợp được cả hai mục đích bán hàng và thiện nguyện. (Xem thêm hình thức này trên video)

Bỏ đi: Để hạn chế tối đa rác thải đổ vào môi trường, bạn chỉ nên xem việc vứt bỏ quần áo như một lựa chọn cuối cùng. Cố gắng tái chế và bỏ quần áo cũ vào nơi phân loại rác phù hợp.

Hy vọng bài viết và những video trên đây giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về quá trình dọn dẹp tủ quần áo và có thêm ý tưởng để thanh lý quần áo cũ trong những ngày cuối năm này. Nếu bạn có địa chỉ thanh lý quần áo cũ hoặc quyên góp từ thiện nào đáng tin cậy, hãy gợi ý cho mọi người dưới phần comment nhé!

Be Present,

Chi Nguyễn

*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận

**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

RSSFollow by EmailFacebookFacebook

Từ khóa » Dọn Tủ Quần áo