Đơn Tuyến

Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
Trang chủ diễn đàn Trợ giúp Đăng nhập Đăng ký
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 23 Tháng Mười Hai, 2024, 09:33:13 am
1 Giờ 1 Ngày 1 Tuần 1 Tháng Vô hạn Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Lịch sử Quân sự Việt Nam > Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam > Tài liệu - Hồi ký Việt Nam (Quản trị: macbupda) > Đơn tuyến
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 » Xuống « Trước Tiếp »
In
Tác giả Chủ đề: Đơn tuyến (Đọc 26712 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #10 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2018, 10:46:20 pm »
Qua ba ngày cuốc bộ, đêm nghỉ ngày đi, Vinh đã ở trước mặt. Đến lúc ấy Thành mới bảo nhỏ vào tai tôi, yên chí mình sẽ dẫn cậu đến gặp một “sếp” có thể thu xếp được việc làm. Thời buổi loạn lạc, kẻ gian trà trộn người ngay, phải luôn đề phòng, đừng có mà nhẹ dạ cả tin - đó là lời mẹ dặn đi dặn lại tôi trước lúc lên đường. Nhưng những điều anh Thành đã kể trong suốt chặng đường dài cùng lời hứa hẹn của anh thì tin được, linh cảm mách bảo đây là một người tốt. Và tôi cũng cảm nhận được sự tin cậy của anh với mình. Tôi ở một nhà trọ ven thị xã, cứ vài ngày Thành lại đến chơi, anh em chuyện trò ý hợp tâm đầu. Song tôi sốt ruột, sao chưa thấy anh đưa đi gặp “sếp”? Qua hơn mười ngày chờ đợi. Sáng hôm ấy anh mới dẫn tôi đi gặp người mà anh tỏ ra rất kính trọng. Người ấy ở trong một căn nhà tranh có lũy tre um tùm bao quanh một xóm nhỏ cách nơi tôi trọ không xa. Ông trạc ba tư, ba nhăm tuổi, dong dỏng cao, nước da tai tái, tác phong nhanh nhẹn. Thành giới thiệu một cách trịnh trọng: - Đây là sếp Nguyễn Hữu Khiếu, Giám đốc Công an Liên khu 4... Thật bất ngờ, trước mặt tôi một “sếp lớn”, song giản dị, dễ gần. Ông nói giọng Quảng Trị và ngay từ đầu gọi tôi là “em” một cách tự nhiên. - Tổ chức đã xác minh lý lịch, - Ông nhỏ nhẹ nói - biết em là trí thức trẻ, con một liệt sĩ. Nếu em muốn trả nợ nước, thù nhà có thể gia nhập Công an Liên khu 4. Tôi còn chưa hết sững sờ, mãi sau mới nói với ông: - Em đã kể hoàn cảnh gia đình với anh Thành rồi. Đang học dở cao đẳng, vào đây để trốn quân dịch, cũng là tìm cơ hội xin công tác thoát ly. Nhưng quả thật em chưa hề biết chút gì về công việc anh vừa nói, cho em có thời gian để suy nghĩ kỹ. Ông nhìn tôi thiện cảm. - Miềng đồng ý, - Ông nói - rứa là một bước ngoặt trong cuộc đời. Cứ nghĩ cho kỹ, hỉ. Miềng nói trước, nghề ni đòi hỏi hy sinh ghê lắm, trung thành ghê lắm. Điệp viên thực ngoài đời không cầu kỳ, mầu mè như kiểu thám tử Sherlock Holmes của Conan Doyle hay các nhà tình báo yêng hùng trong phim ảnh đâu nha. Nghề ni cần phán đoán nhanh nhạy, thiệt chuẩn, hành động thì mưu trí, quyết đoán. Rứa, thực tế có tình huống còn gay cấn, hấp dẫn hơn cả trong tiểu thuyết hay phim ảnh trinh thám. Miềng tin, học trò nhất trường Chu Văn An sẽ thu nhận tốt nghiệp vụ, trở thành điệp viên giỏi. Cũng kể qua về bản thân miềng cho eng bạn trẻ nghe, hỉ. Giữa năm bốn nhăm, vừa vượt ngục Đakmin thì miềng tham gia khởi nghĩa giành chánh quyền ở tỉnh nhà, rồi Đảng bảo vô công an, cũng có biết chi mô. Phải học từ đầu. Khóa huấn luyện của Nha Công an Việt Nam do “sếp” Lê Giản phụ trách, miềng trong số một trăm học viên đầu tiên ra trường cuối năm bốn sáu. Tỏa về các tỉnh, thành. Giờ eng mô cũng đều trưởng thành cả, cũng có eng đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Vậy hỉ. Chừ về nghĩ kỹ, sáng mai trả lời tổ chức. Nguyên Đình Ngọc năm gia nhập Công an Lién khu 4 (1953)ông Nguyễn Hữu Khiếu - Giám đốc Công an Liên khu 4 và vợ (1953)
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #11 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2018, 10:48:13 pm »
Đó là một đêm thao thức khó ngủ, hệt như gặp một bài toán hóc búa phải giải cho xong. Lâu nay, đối với tôi niềm ham mê khám phá khoa học thật vô bờ và đã mường tượng ra con đường trước mặt. Có bằng cử nhân, học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ, thành nhà toán học có những công trình đẳng cấp quốc tế. Nếu thấy ở môi trường nghiên cứu không có khả năng phát triển, thì chuyển nghề giáo. Cũng có thể làm nhiều nghề khác miễn là được sử dụng kiến thức đã học, bất kể nghề gì: kỹ sư, công trình sư, bác sĩ, dược sĩ. Từ ngày cha hy sinh, tôi đã nghĩ nhiều đến việc cầm súng ra trận, trả thù cho cha và bao nhiêu người đã chết oan ức khác. Đây là sự lựa chọn có tính định mệnh. Bởi thế lúc giám đốc Nguyễn Hữu Khiếu gợi ý về nghề điệp viên, tôi hình dung ngay, cũng là chiến sĩ ra trận, nhưng trên mặt trận thầm lặng, chiến công thầm lặng, hy sinh thầm lặng. Tôi chỉ còn băn khoăn, liệu khi vào nghề này có thể thực hiện được lời cha học lên; giúp người khác học để họ không phải khổ vì giặc dốt? Và có lẽ việc học sẽ bị gián đoạn, cuộc đối mặt sinh tử với quân thù còn thì giờ, tâm trí đâu để nghĩ đến việc khác, âu đó cũng là hy sinh sở thích cá nhân cho sự nghiệp lớn. Giờ đã ra vùng tự do, tôi cũng còn những sự lựa chọn khác ngoài nghề điệp viên. Nếu không thích, thấy bị gò ép, tôi vẫn có thể từ chối. Có nhiều công việc để làm cũng là trả nợ nước thù nhà... Gà đã gáy canh hai. Cuối cùng thì tôi đã có lời giải cho “bài toán” chọn nghề buổi đầu đời. Và dự cảm đây sẽ là một định mệnh tốt lành! Nghề này luôn đòi hỏi phải “cháy” hết mình, phải dốc toàn bộ trí tuệ, bản lĩnh để giành phần thắng, dù có mất mát, hy sinh cũng trong thế thắng, trong danh dự. Tôi tự tin là mình đã có những phẩm chất, trách nhiệm để thực hiện được điều đó. Cuối cùng, sự lựa chọn dứt khoát như vậy làm tôi cảm thấy yên tâm, nhẹ nhõm trong lòng và ngủ thiếp, giấc ngủ còn lại của một đêm tuy ngắn nhưng rất ngon và sâu. Tôi vào ngành công an bắt đầu từ buổi sáng hôm sau khi thức dậy, đi gặp giám đốc Nguyễn Hữu Khiếu. Đào Hữu Thành, một điệp viên vào nghề trước tôi ba năm, đã kể thêm với tôi về người sếp đáng kính. Giám đốc công an Nguyễn Hữu Khiếu (Thời kỳ này ông còn là Phó bí thư Liên khu ủy Liên khu 4) vào công an tuy không lâu mới khoảng dăm, bảy năm song đã hội tụ những đức tính của người chỉ huy tình báo có tầm nhìn xa trông rộng; rất yêu thương và tin tưởng đồng đội; biết dùng đúng người đúng việc. Người nào được ông “cài cắm” đều làm tốt nhiệm vụ. Đã có câu ông căn dặn anh em trở thành “danh ngôn” trong nghề, như: Càng giữ kín bao nhiêu càng thành công bấy nhiêu; Mất tài liệu là mất điệp viên; Sự rèn luyện của người chiến sĩ cũng như rèn một cái dùi, nếu đâm thủng được loại vách rơm đất thì đừng vội tự mãn, phải rèn cho đến khi nó đâm vào tường gạch mà không bị quằn mũi... Thành còn cho tôi xem bài thơ do chính sếp sáng tác, từng đọc và bình giảng cho anh em nghe trong một buổi sinh hoạt ở cơ quan: Nhớ người tình báo năm xưa Tẩm thân đi sớm về trưa đã từng Oan như Thị Kỉnh ai bằng Có ngày giải được mấy tầng nỗi oan Oan người tình báo vẻ vang Mang về cơ nghiệp cao sang cho đời Nhớ ơn muôn vạn con nguời Cam vui thầm lặng không lời oán than Ôi vẻ vang! Ôi cao sang! Một năm được huấn luyện, thực hành điệp báo viên ở địa bàn Liên khu 4 đã làm tôi ngộ ra nhiều điều, nhất là về những sự nghiệt ngã chỉ nghề này mới có, đúng như lột tả của những vần thơ nôm na trên. Một nghề mà ngoài sự giữ mồm giữ miệng, quyền biến, can trường trong suy nghĩ, hành động, còn phải chịu đựng nỗi cô đơn triền miên và những rủi ro nghề nghiệp có thể đến bất cứ lúc nào. Một khi đã đi vào lòng địch, khoác một “bộ áo” nào đó để đứng ở bên kia trận tuyến thì mặc nhiên phải chấp nhận bao nỗi oan khiên, hiểu lầm, không thể một sớm một chiều thanh minh được với người thân, bạn bè, thậm chí với tổ chức sau này. Và còn có một logic của nghề này, đơn giản mà thật nghiệt ngã biết bao: điệp viên may mắn là điệp viên chưa bị bắt, chưa bị thủ tiêu! Vậy là đầu tháng Tư 1953 tôi nhập lớp, đến đầu tháng Sáu 1954 mãn khóa, tôi cũng như hơn một chục anh em lớp điệp báo đều hồi hộp chờ được phân công. Giám đốc Nguyễn Hữu Khiếu trao đổi một buổi chiều với tôi. Đó là cuộc gặp cấp trên giao nhiệm vụ cho cấp dưới; cuộc tâm sự về nghề của thầy với trò; cuộc dặn dò thân tình của người anh lớn với đứa em út và tôi còn cảm nhận được cả tình cảm thân thiết như của người cha (Giám đốc Nguyễn Hữu Khiếu kém cha tôi 5 tuổi) với con. Tôi sẽ là điệp báo xã hội hóa, hoạt động đơn tuyến, trà trộn trong dòng người di cư vào Nam. Tôi lấy bí danh “Diệp Sơn”, ghép tên cha và cậu em xấu số. Lúc chia tay giám đốc Nguyễn Hữu Khiếu “chốt” lại: Em phải cố học lên, càng nhiều bằng cấp càng tốt để tạo một vỏ bọc vững chắc trong giới trí thức miền Nam. Em vừa là nhà khoa học kiêm tình báo hoạt động lâu dài trong lòng địch, cung cấp những tin tức quan trọng có tầm chiến dịch, chiến lược. Ông đưa cho tôi nửa sợi dây inox của cái đồng hồ đeo tay Thụy Sĩ mác Omega và bảo rằng, đến một ngày sẽ có người tìm gặp và đưa ra chiếc đồng hồ thiếu nửa sợi dây, lấy cái dây tôi đang giữ chắp lại vừa khớp, ấy là khi người đó sẽ truyền đạt mệnh lệnh cụ thể.
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #12 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2018, 10:49:01 pm »
** * Trên đường về Hà Nội, tôi vừa chân ướt chân ráo đến thị xã Ninh Bình thì đụng bọn hiến binh đi tuần, về sau nghĩ mãi tôi cũng không hiểu sơ hở gì mà bị bắt, chỉ có thể giải thích do chúng tình cờ tra xét, thấy tôi người lạ mặt từ vùng tự do trở về vùng tề mà nghi nội gián của Việt Minh. Chúng nộp tôi cho Phòng Nhì Pháp ở thành phố Nam Định. Tên sĩ quan Phòng Nhì có gương mặt khá giống với tên sĩ quan đã gặp trong nhà thương Đồn Thủy gạ tôi làm con nuôi, song hắn trẻ hơn khoảng dăm tuổi, cách thẩm vấn của hắn cũng lẹ và quyết liệt hơn. Cuộc thẩm vấn bằng tiếng Pháp. - Anh nói về Hà Nội chữa lao, y bạ, “toa” thuốc đâu? - Tôi mới biết mình nhiễm lao - Tôi bình tĩnh nhìn thẳng vào mắt hắn, nói - khi hôm rồi ở Nghi Lộc, Nghệ An lên lớp ho, khạc ra thấy đờm có máu. - Anh dạy học lâu chưa? - Mới. Từ Hà Nội bỏ học vào đó được gần một năm. - Ở đâu trong Hà Nội? -121 Hàng Bạc, nhà ông bà ngoại. Ông ngoại tôi là viên chức Sở Binh lương, đã nghỉ hưu. Kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, phải bỏ học kiếm sống. - Sao không kiếm sống ngay tại Hà Nội? Mắt hắn bỗng quắc lên, như muốn áp đảo tôi bằng nhãn lực của con cú mèo nhao xuống vồ con chuột nhắt. Tôi cũng đánh bài ngửa: - Tôi không thể ở Hà Nội vì sẽ phải đăng lính, ông thấy rồi đấy, thể lực tôi không tốt... - Thể lực không tốt - Hắn cắt lời - thì không ai lấy anh đi lính cả. - Ông nhầm - Tôi nói - Trên Hà Nội hễ ai còn trong độ tuổi khám là trúng. Họ cần đủ chỉ tiêu, chứ chẳng tính đến chất lượng. Bạn sinh viên với tôi không ít người cũng ốm yếu như tôi phải đăng lính, có người đã chết vì bệnh ngay tại nơi huấn luyện. -Ai? - Nguyễn Thế Thắng, sinh viên năm thứ hai Cao đẳng Canh nông, đã mất hồi đầu năm nay tại Trung tâm huấn luyện Nhổn, Hà Đông. Hắn ghi lại điều tôi vừa nói, bảo: - Được! Sẽ cho thẩm tra. Tôi thầm nghĩ: cứ việc. Tôi biết Thắng. Anh học khác lớp hồi ở trường Chu Văn An, vừa đỗ vào Cao đẳng Canh nông đã phải đăng lính và khi huấn luyện mới được ba tháng bị phát hiện ung thư gan di căn giai đoạn cuối, mất khi chưa kịp đi nhà thương điều trị. - Ngay bây giờ kiểm tra phổi. Nếu không có gì thì rõ ràng anh nói dối, trở về Hà Nội với mục đích khác. Sáng hôm sau xe nhà binh đua tôi đến một bệnh viện và nguời khám cho tôi là bác sĩ Nguyễn Ngọc Điệp. Tôi nhận ra ông, nhung ông thì không biết tôi con cái nhà ai. Ông là bác sĩ X quang. Hồi đầu năm bốn sáu ở Hà Nội ông quen cha tôi và có lần đã đến nhà tôi ở Hàng Bạc, bẵng đi khá lâu không thấy ông lại, nay mới biết ông xuống Nam Định làm việc. Bác sĩ Điệp cầm tờ giấy yêu cầu khám tên hiến binh đưa, rồi nhìn tôi bảo: - Tạng người gày yếu thế này, lại làm nghề bán cháo phổi dễ nhiễm lao lắm. Ông khám, chụp kỹ càng, còn lấy mẫu đờm của tôi đưa đi xét nghiệm. Tôi lo: nếu không bị lao thì sao đây? Hay nói thực với ông tôi là con ai để ông biết mà thuận theo yêu cầu ghi vào đơn có lợi cho mình? Không ổn, tôi nghĩ lại, hiện chúng chưa kịp điều tra nhân thân của tôi, chưa biết cha tôi là Quân y xá trưởng Trung đoàn Vĩnh Phúc, thì làm việc ấy khác gì “thưa ông tôi ở bụi này” càng bất lợi hơn, mạo hiểm hơn. Tốt nhất im lặng, tùy tình huống cụ thể mà đối phó. Hai ngày sau, tên sĩ quan Phòng Nhì Nam Định gọi tôi lên, vẻ mặt hắn đã có chút dễ dãi, rút trong ngăn bàn ra cái thẻ căn cước của tôi, nói: - Bác sĩ đã xác nhận anh có những đám thâm nhiễm ở đỉnh phổi trái, lao đang tiến triển. Đúng là tại trại huấn luyện Nhổn có tân binh Thắng mới mất vì ung thư. Anh được cầm lại giấy tờ. Vạn sự khởi đầu nan. Cũng có may mắn ngẫu nhiên, tôi đã thoát hiểm một cách bất ngờ, lại còn biết thêm được một điều khá hệ trọng mình đang mắc bệnh phổi, cần điều trị gấp trước khi vào Nam như dự kiến.
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #13 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2018, 10:50:41 pm »
Chương hai CUỘC DI CƯ Đài Hirondelle (Con nhạn) của Pháp liên tiếp đưa tin về Hiệp định Genève. Hiệp định với sự tham dự của chín phái đoàn (Mỹ, Anh, Pháp, Quốc gia Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Bắc Việt, Lào, Campuchia) đã chính thức khai mạc ngày 8-5-1954 tại Genève, Thụy Sĩ. Một ngày trước đó, Việt Minh đã xóa sổ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng chỉ huy De Castrie. Ngày 20-7, Hiệp định Genève được ký kết, tạm chia lãnh thổ Việt Nam làm hai miền lấy vĩ tuyến 17 - cầu Hiền Lương (Vĩnh Linh) làm ranh giới, chờ hai năm hiệp thương thống nhất. Hai bên rút quân về hai phía, có giám sát quốc tế với thời hạn tối đa 300 ngày kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, riêng từng khu vực có những thời hạn khác nhau, như: Hà Nội 80 ngày, Hải Dương 100 ngày, Hải Phòng 300 ngày. Ngày 9-8, chính phủ Quốc gia Việt Nam của tân Thủ tướng Ngô Đình Diệm lập Phủ Tổng ủy di cư tỵ nạn ở cấp ngang bộ trong nội các. Lúc tôi vừa rời Sở hiến binh Nam Định thì không hiểu lý do gì, cả thành phố bị cúp điện, cũng là khi hàng nghìn người đổ ra đường chen chúc mua vé hoặc thuê xe đi về hai địa chỉ là Hà Nội, Hải Phòng. Đoàn xe hàng bốn, năm chục chiếc rồng rắn nối đuôi nhau trên quốc lộ về hướng Bắc, qua trạm kiểm soát đặt ở Phủ Lý, xe nào ọc ạch không bảo đảm cự ly đội hình lập tức bị ủi sang bên đường để không cản trở cuộc rút chạy vội vã. Trên đường, tại một vài cầu lớn, lính công binh cài sẵn thuốc nổ, tuyên bố sẽ cho nổ tung cây cầu khi chiếc xe cuối cùng đi qua. Không ăn thì đạp đổ, đó là cái cách hành xử thường gặp của kẻ bại trận! Người ùn ùn đổ về các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng), hoặc xuống cảng Hải Phòng, nơi có các tầu há mồm (landing ship) đang trực ngoài khơi. Cũng không ít người tự tìm đường, phương tiện riêng tùy nghi di tản trên bộ hay đường thủy, trong đó đa số theo đạo Thiên chúa. Từ Nam Định về, tôi nằm nhà uống, tiêm thuốc chữa tích cực được nửa tháng, đã cảm thấy lại người. Khỏe hơn về thể chất, nhưng tâm trí thì ngổn ngang trăm mối. Nay mình không chỉ con của gia đình, mà đã là con của tổ chức, có trách nhiệm lâu dài với sự nghiệp chung của đất nước. Cuộc chia ly đang đến rất gần. sắp xa Hà Nội, xa mẹ, các em, bạn bè. Biết bao giờ trở lại, hay vĩnh viễn không bao giờ trở lại? Không điều gì có thể nói được trước lúc này. Thành phố buổi giao thời nhuộm nhoạm. vẻ bề ngoài bằng lặng, nhiều đường phố ban ngày vắng tanh vắng ngắt. Song trong lòng nó đang sôi sực, xáo trộn. Những tên trùm thực dân ngậm quả đắng khó nuốt, đang chuẩn bị cuốn cờ; những tên lính lê dương hung hăng, lạm sát dạo nào nay đang lủi thủi nhét vài kỷ vật của xứ nhiệt đới vào ba lô và niêm phong súng; kẻ làm công ăn lương người Việt trong bộ máy cai trị, không ít trong số đó bàn tay đã nhuốm máu đồng bào, chiến sĩ đang tìm đường thoát thân; thương gia phất lên nhờ chiến tranh thành tư sản mại bản “ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn”; những “con kỳ nhông” luôn thay đổi màu da thuộc các đảng phái chính trị hẩu lốn hiểu rằng đã hết đất diễn... Tất thảy đều lo âu, hoảng loạn, mệt mỏi hiện rõ trên từng khuôn mặt chuẩn bị cho cuộc trốn chạy lịch sử. Phía đối cực, đa số là dân thường thuộc nhiều tầng lớp có lòng yêu nước thì niềm vui hiện rõ không cần giấu giếm, đang háo hức chờ ngày 5 cửa ô mở toang, đón những người chiến thắng trở về, những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh sau 9 năm kháng chiến trường kỳ. Hôm tôi sang phi trường Gia Lâm để tìm hiểu thủ tục cho chuyến bay, ở cổng sân bay có khá đông người đang chen chúc đứng ngồi chờ đến lượt mua vé. Bỗng có một toán thiếu niên trạc mười bốn, mười lăm tuổi xuất hiện. Một em trai đứng vào vị trí đối diện với mọi người và đưa loa lên miệng kêu gọi: “Cha, mẹ, chú, bác, anh chị ơi! Đừng nhẹ dạ cả tin nghe theo bọn xấu mà bỏ nhà di cư vào Nam, nên ở lại quê hương miền Bắc để hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc trong chế độ mới...” Rồi một em gái tốt giọng ngâm phụ họa bài thơ “Đừng theo giặc vào Nam”: Nghe ai lầm phải lời điêu Mà đành cuốn gỏi bước liều ra đi Ra đi là bước hru ly Đường vào Nam Bộ sầu bi não nùng Ra đi là bước long đong Bỏ nhà nằm bãi ngủ đồng quạnh hiu...
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #14 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2018, 10:51:37 pm »
Nhiều người lo lắng ra mặt thì thầm với nhau: Bọn mình giờ tiến thoái lưỡng nan, ở lại cũng đỡ phiêu lưu hon chăng? Bỗng có một kẻ lớn tiếng nạt nộ: Cảnh binh đâu, sao để bọn nhóc Việt Minh làm loạn thế này! Các em vẫn tỏ ra bình tĩnh không hề sợ hãi. Suốt buổi chẳng thấy bóng tên cảnh binh nào, có lẽ chúng cũng đang rối mù thu xếp của nả cho cuộc di tản, bộ máy đàn áp hầu như đã tê liệt cả rồi. Mấy người bảo nhau, vừa gặp ông cán bộ Việt Minh công khai về thăm nhà trong nội thành; còn đồ chơi trẻ em bày bán dịp tết Trung thu thấy có sơn vẽ cờ đỏ sao vàng. Tôi lặng lẽ rời khỏi nhà ga, ngày lên đường đã được ấn định. Viên Tư lệnh Pháp tuyên bố dành hẳn 12 chuyến bay trong hai ngày 12 và 13 tháng Tám cho sinh viên Hà Nội vào Nam, chở được khoảng trên 1.000 người. Tình hình trong nước và thế giới chuyển động rất nhanh, đúng như nhận định của giám đốc Nguyễn Hữu Khiếu hôm trao nhiệm vụ cho tôi: thể nào ngụy quyền Sài Gòn cũng tìm mọi cách phá hiệp thương, tổng tuyển cử hai miền; thể nào Mỹ cũng hất cẳng Pháp quay trở lại Đông Dương vục dậy chế độ ngụy, chia cắt đất nước thành hai miền. Cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân, thống nhất đất nước còn gian khổ, lâu dài và đấu tranh vũ trang sẽ là phương thức chủ yếu. Cần sớm cài cắm được người của ta “nằm vùng”, kịp thời nắm được ý đồ, hành động của địch. Cấp trên trực tiếp của tôi có mật danh KD1. Thời điểm đồng bào, chiến sĩ sắp ca khúc khải hoàn, thì tôi cùng các điệp viên hoạt động đơn tuyến khác lại âm thầm bước vào một mặt trận mới. Ngày nào mẹ cũng lại chỗ anh em tôi trọ lo cơm nước. Nhìn mẹ vẻ mặt hốc hác, đi lại tất tả tôi bỗng thấy thương quá, mà không sao có thể nói hết nỗi lòng mình. Con có lỗi với mẹ, để mẹ khổ, mẹ lo và phải giấu mẹ, dối mẹ về công việc sẽ theo đuổi suốt đời. Liệu đến một lúc nào đấy mẹ có hiểu được cho con? Chắc là khó, tuổi mẹ đã cao, mà cuộc chiến đấu này chưa biết đến bao giờ kết thúc... Dường như mẹ cũng linh cảm cuộc chia ly sắp đến rất dài và đầy bất trắc. Có lần Người hỏi: - Ngọc à, hay cả nhà ta cũng đi theo con vào định cư trong ấy? Tôi chỉ còn biết an ủi mẹ bằng những lý lẽ đã đặt ra từ đầu. Dịp này con vào Sài Gòn để lấy nốt hai chứng chỉ, hoàn thành chương trình cử nhân, rồi sẽ tính tiếp chuyện tương lai cho mình. Gia đình ta đã có cơ sở làm ăn ở Hà Nội, bỗng chốc bỏ vào trong ấy không người thân quen, không nơi nương tựa thì thật diệu vợi. Em Kim lớn rồi có thể thay con giúp mẹ và trông nom em Thủy... Nhìn ánh mắt mọi người, tôi hiểu dẫu có nói thế, nói nữa cũng chỉ là gượng ép. Song, ngay từ đầu mẹ đã có chủ ý. Ngày tôi dẫn nàng về ra mắt cả nhà, mẹ đã “chấm” cô con dâu tương lai của mẹ rồi! Và mẹ tôn trọng sự lựa chọn của tôi, chỉ vì biết Nguyệt Tỉnh sẽ cùng anh trai, em gái và gia đình ông Phan Huy Quát bay vào Nam. Cuộc đưa tiễn thật buồn, bịn rịn. Trước lúc cái va ly da hành lý của tôi được khóa lại, mẹ mới vào tủ lấy ra một bộ complet pha len màu xám được là phẳng phiu, bảo bộ này cha đã mặc trong ngày cưới cách đây hai mươi ba năm, con giữ mà dùng. Ông Phan Huy Quát hơn cha tôi hai tuổi, truớc cách mạng hai nguời có quen biết nhau do cùng nghề y. Cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, mỗi nguời một ngả rẽ. Cha tôi theo Việt Minh, còn ông gia nhập đảng Đại Việt, trở thành một nhân vật có vai vế của chính quyền ngụy. Thời quốc truởng Bảo Đại do Pháp dựng lên, ông đã là Tổng truởng Giáo dục (1949), rồi Tổng trưởng Quốc phòng (1950-1954). Lúc giao thời nhuộm nhoạm vừa qua, chính phủ bù nhìn bày trò “tổng tuyển cử”, ông được một số nhân vật chủ chốt thuộc các đảng phái ở Hà Nội vận động tranh cái ghế thủ tướng Quốc gia Việt Nam với Ngô Đình Diệm, nhưng thất bại. Ông quyết định đưa cả nhà vào Sài Gòn, buổi đầu trở về nghề cũ, nhưng vẫn chờ thời, nuôi nhiều tham vọng chính trị.
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #15 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2018, 10:51:57 pm »
Từ hôm tôi ở Nam Định về, Nguyệt Tỉnh lo lắng cho bệnh tình của tôi, bảo sẽ nhờ ông Phan Huy Quát kê “toa” thuốc, song tôi đã có phác đồ điều trị bệnh lao của bác sĩ Nguyễn Ngọc Điệp ở Nam Định rồi. “Thùy đỉnh phổi trái có đám thâm nhiễm”, phát hiện ấy của bác sĩ làm tôi bi quan về sức khỏe, có lần tôi bảo nàng: - Anh ốm yếu thế, sợ rằng mai này sẽ làm khổ em. Hay là... Nàng lấy tay bịt mồm không cho tôi nói tiếp, bảo: - Ốm sẽ khỏi! Chú em bảo là quá nửa dân An Nam mình sống vất vả, môi trường bụi bặm trong phổi đều có vi trùng Koch, khi yếu nó vùng dậy, khỏe nó rút lui, phải biết chung sống với nó thôi. Vậy có gì mà lo lắng. Dù hoàn cảnh nào em cũng yêu anh! Nói rồi nàng âu yếm cúi xuống thơm nhẹ vào má tôi. Lời nói và cử chỉ của nàng làm tôi cảm động, không ngờ một tiểu thư khuê các, con nhà quyền quý như nàng lại thủy chung son sắt vậy. Nàng từng nói một cách “sách vở” rằng: Em có khối cậu đẹp trai con nhà quyền thế đến tán tỉnh, xin làm vệ sĩ, nhưng lũ công tử bột ấy không thể bén gót được anh. Em yêu tâm hồn trong sáng, trái tim đa cảm, khối óc thông minh sáng láng của anh cơ. Có lần Nguyệt Tỉnh đã dẫn tôi đến ra mắt vợ chồng ông Phan Huy Quát, hai người tiếp tôi một cách ân cần, chừng mục, họ tỏ ra tôn trọng sự lựa chọn của cô cháu gái. Ông Quát có lẽ đã biết tôi từ trước do sự “kể tốt về bạn” của anh Phan Huy Lương, ông nói với tôi, sắp tới nếu có “buốc” đi Pháp dành cho những sinh viên xuất sắc, thì thế nào cũng chú ý để cho tôi một suất. Ông tỏ ra trân trọng khi nói về cha tôi, còn bảo: Trong đội quân lê dương không tránh khỏi thu nạp những kẻ khát máu, đã hành xử hết sức tồi tệ làm mất thanh danh của Pháp quốc văn minh. Đôi khi nằm vắt tay lên trán suy nghĩ về hạnh phúc, về tương lai, tôi tự vấn lương tâm: ta có thực sự yêu nàng không nhỉ, hay chỉ lợi dụng gia thế của nàng để làm vỏ bọc cho sự hoạt động lâu dài của mình? Tôi thấy khó trả lời cho thỏa đáng điều này, rồi chỉ biết tự an ủi, rằng ta quen biết và ngỏ lời yêu trước khi nhận nhiệm vụ vào Nam cơ mà! Tôi để lại cho em Kim một thư ngắn, dặn có người từ Nghệ An tên Thành đến lấy thì đưa. Đó là thư tôi báo cáo tổ chức đã lên đường vào Sài Gòn đúng như dự kiến. Ngày 4-8-1954, một cầu không vận dài nhất thế giới bắt đầu hoạt động, trung bình khoảng 6 phút một chuyến hạ, cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Toàn khách di cư, mỗi ngày có từ 2.000 đến 4.200 người. “Hòn ngọc viễn Đông” ồn ã, nhiều tòa nhà cao tầng hơn Hà Nội và thời điểm tôi đặt chân đến thành phố này thì nhốn nháo nhất ở khu vực Trường đua Phú Thọ, nơi có “Phú Thọ lều” với hàng trăm lều bạt dụng tạm dành cho người tị nạn, có lúc trại này chứa đến một vạn người di cư. Gia đình ông Phan Huy Quát đủ sức tậu một biệt thự ngay ở Quận 1 gần chợ Bến Thành và thông qua Phan Huy Lương (anh đang học trường bộ binh Thủ Đức) tôi được ông bà cho ở nhờ một căn buồng nhỏ trên tầng ba. Điều này làm Nguyệt Tỉnh hết sức vui mừng, ngày nào chúng tôi cũng có dịp gặp nhau. Ngay từ đầu tôi định cho mình một chế độ tập luyện, ăn uống nền nếp, quy củ để phục hồi sức khỏe. Sáng, năm giờ chạy ra công viên Tao Đàn gần nhà hít thở không khí trong lành, rồi tám giờ đến trường, học thông đến tận chiều. Tự nấu, bữa cơm rau dưa đạm bạc hợp với túi tiền. Trường tôi nhập học ở 125 đường Bonard, vốn một chi nhánh của Cao đẳng Khoa học Hà Nội, khi có cuộc di cư vào Nam 1954 thì cơ sở Hà Nội cũng chuyển toàn bộ vào Sài Gòn hợp nhất thành Viện Đại học quốc gia. Ngày 11-5-1955 diễn ra lễ chuyển giao Viện Đại học quốc gia từ chính phủ Pháp cho Việt Nam và giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Trình là người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm giám đốc, ông cũng kiêm khoa trưởng Khoa học Đại học đường, tức trường tôi học. Trong 15 giáo sư của trường tôi thì vẫn còn 7 người Pháp.
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #16 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2018, 10:52:29 pm »
TRƯỚC NGÀY LÊN ĐƯỜNG Tôi nhận được chỉ thị ngắn gọn từ KD1: tìm cách sang Pháp, học lên. vẫn là thực hiện kế hoạch do giám đốc Nguyễn Hữu Khiếu đã vạch ra. Với tôi lúc này chỉ có học, học thật giỏi để giành “buốc”. Mục tiêu có vậy. Lớp tôi đa số dân miền Bắc di cư, còn lại người Sài Gòn và mấy tỉnh miền Tây. Tôi thiếu hai chứng chỉ, vào ngay năm thứ ba, có lẽ buổi đầu chỉ Hai Lân người cần Thơ là sức học ngang ngửa được với tôi. Song tôi không mấy thiện cảm với anh ta. Anh ta cao ráo, trắng trẻo, đẹp mã, kiêu ra mặt. Tất nhiên, chỉ có thể vênh vang, làm dáng với các em xinh đẹp trong trường, chứ người như tôi suốt buổi cắm cúi với sách vở thì giờ đâu mà để ý đến anh ta. Song không hiểu lý do gì ngay từ đầu Hai Lân đã tỏ ra quan tâm đến tôi. Ngày khai trường anh ngồi cạnh tôi từ lúc nào, chủ động bắt tay: - Mình Trần Mạnh Lân, người Tây Đô - Anh tự giới thiệu - Dân Nam Bộ, con lớn nhất trong nhà gọi là “hai”, mình Hai Lân. Dưới mình còn sáu em nữa, ba gái ba trai. Trước sự xởi lởi của anh, tôi cũng mỉm cười đáp lễ: - Mình Nguyễn Đình Ngọc, cũng “Hai Ngọc”; cũng có em trai, gái nhưng nhân ba mới bằng số em của cậu. Hai Lân cười to, màn làm quen của chúng tôi xem ra thật tự nhiên. Song trong những ngày tựu trường, cái cách xã giao của cậu ta không làm tôi khoái tí nào. Chẳng hạn, một bận trong giờ ra chơi, cậu kéo một em nom cao ráo xinh xắn đến trước tôi, bảo: - Chị hai đây cũng tên Ngọc, Mộng Ngọc họ Vương, dân Ba Tầu Chợ Lớn. Đề nghị hai Ngọc quen nhau đi. Thế thì phô quá! (Vương Mộng Ngọc phản ứng liền với Hai Lân: Nếu muốn, tự tôi làm quen không cần nhờ đến anh giới thiệu!). Mộng Ngọc có lần nói riêng với tôi: Hai Lân nhìn ai cũng như dưới tầm anh ta cả, vừa nhập lớp chưa thể biết mèo nào thắng mỉu nào đâu. Quả cô gái gốc Hoa đó thông minh, lớp có sáu chục đứa, cô thuộc “top -ten” học giỏi của lớp. Mật ít ruồi nhiều, tôi luôn biết mình, có thiên bẩm mà không cần cù chịu khó cũng khó mà giành “buốc”. Và ngay từ đầu năng khiếu “ngủ ngồi” của tôi đã phát huy tác dụng, tận dụng tối đa thời gian học. Thuộc làu lý thuyết, làm không sót bài tập nào, còn tìm thêm sách toán, sách hóa để tham khảo Chỉ trong vòng ba tháng đầu tôi đã vươn lên đứng đầu lớp, Hai Lân có vẻ hậm hực. Lần ấy thi tôi đạt điểm 10, Lân 9, anh ta tuyên bố: Ngọc huy chương vàng, mình tuy huy chương bạc, nhưng hãy đợi đấy! Một lần trên đường đi học về, Hai Lân rủ tôi vào một quán cà phê bên đường, tôi định từ chối, song anh ta nài nỉ quá mà phải vào. Anh rút trong cặp ra một cuốn tạp chí còn mới, giơ tôi xem và hỏi: - Cậu đã đọc chưa? Đó là cuốn “Ngày mai - tháng 10-1954.” Quả tôi lần đầu nhìn thấy tờ tạp chí này. Cậu ta nói: - Của phong trào hòa bình Huế đấy. Ông Diệm đang tố cộng, lấy ngày ký hiệp định đình chiến 20-7 là ngày “Quốc hận” mà nhóm ông Thân Trọng Phước, Tôn Thất Dương Kỵ, Nguyễn Hữu Đính chủ trương ra văn tập này đòi hòa bình, hiệp thương thì thật là gan hùm... Tôi ngắt lời anh ta: - Mình không quan tâm! - Và định đứng lên, Hai Lân cứ nhất quyết giữ lại, nói tiếp: - Nghe mình nói hẵng nào. Ta chú tâm vào việc học nhưng cũng phải biết thời cuộc chuyển vần ra răng chứ. Mình đã đọc số 1, có nhiều bài đặc sắc ra phết, số 2 vừa mới ra, mình muốn cậu thử đọc đổi món, thư giãn trí não xem sao. Nói rồi anh ta chìa cuốn tạp chí trước tôi. Tôi khoát tay đứng dậy, tỏ ý kiên quyết: - Nói rồi, mình không quan tâm đến chính trị. Xin lỗi cậu! Có thể Hai Lân đọc cuốn tạp chí ấy một cách ngẫu nhiên, cũng có thể anh ta dùng cuốn đó thăm dò chính kiến của tôi, phản xạ khước từ của tôi đến rất nhanh một cách tụ nhiên như vậy, âu cũng là một sự “nhập vai” khá đạt. Hôm rồi ra cửa hàng sách báo cũ ở chợ Bến Thành, tình cờ tôi mua được một cuốn tiếng Pháp viết về trùm tình báo Nga Xô thời nội chiến Derânski, tôi nhập tâm được một câu nói hay của ông: Người điệp viên phải có cái đầu lạnh, trái tim nóng và bàn tay sạch. Trước Hai Lân, tỏ ra không quan tâm đến “Ngày mai”, nhưng ngay sau đấy tôi vẫn lẳng lặng tìm hiểu về văn tập này. Có một tổ chức đứng sau nó gọi là “Chi bộ trí thức”, ngoài ba cái tên Hai Lân đã nêu còn có các vị: Cao Xuân Lữ, Tôn Thất Dương Tiềm, Võ Đình Cường, Nguyễn Hữu Ba... đều là những trí thức có tên tuổi ở Huế. Hai cuộc biểu tình lớn mới đây ở quảng trường Phú Văn Lâu có hàng vạn người tham gia, do Chi bộ Trí thức chỉ đạo. Cuối năm 1954, “Ngày mai” ra tiếp số 3, bị chính quyền đàn áp, rút giấy phép xuất bản. Anh em Diệm - Nhu đã giấu bàn tay nhung và chìa ngay bàn tay sắt khi vừa lập nên nền Đệ nhất cộng hòa. Sau lần bị cụt hứng, Hai Lân ít khi chủ động nói chuyện với tôi. Thế rồi không hiểu vì lý do gì sau đó anh ta lại phú quý giật lùi, cứ bị tốp đầu bỏ xa dần, mất “huy chương bạc”, thậm chí không có cả “đồng”. Cay đắng. “Buốc”, không đến lượt anh ta! Hôm nhận bằng cử nhân, mặt anh ta buồn thỉu, “đâu rồi vẻ tự mãn, hãnh tiến hồi mới nhập lớp!” Vương Mộng Ngọc kín đáo nguýt hắn, nói nhỏ vào tai tôi một câu như vậy. Cô bắt chặt tay chúc mừng tôi. Khóa ấy có 326 sinh viên, đỗ 96, tôi đỗ đầu và một á khoa được nhà cầm quyền trao hai suất học bổng toàn phần đi Pháp. Mãn khóa, chúng tôi mỗi người mỗi ngả, mỗi số phận. Cũng không thể ngờ hơn mười năm sau tôi và Hai Lân lại đụng nhau, lần này là trên hai chiến tuyến một mất một còn.
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #17 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2018, 10:53:03 pm »
** * Nguyệt Tỉnh nói với tôi đã mấy lần bà dì giục: Cháu và Ngọc tìm hiểu cũng lâu rồi, nó lại sắp sang Pháp, tổ chức đi thôi. Tôi báo cáo với lãnh đạo KD1 về việc hôn nhân và nhận được trả lời ngay: đồng ý! Tôi hiểu, chuyện riêng của chúng tôi có lợi cho công việc chung, gia đình Nguyệt Tỉnh có nhiều người ở phía bên kia sẽ càng tốt cho “vỏ bọc” của tôi. Do hoàn cảnh gia đình hai bên đều ở xa, chúng tôi đăng ký kết hôn ở tòa thị chính thành phố, rồi tổ chức một tiệc mặn mời họ hàng, bạn bè thân thiết đến chia vui. Thực ra đến dự chỉ có họ hàng bên vợ tôi và của gia đình ông Phan Huy Quát, còn gia đình ruột thịt của tôi đều ngoài Bắc, trong này không có ai. Hoàn cảnh chia cắt hai miền không cho phép tôi báo hỷ, chỉ đến hơn một năm sau chúng tôi đã sang Pháp rồi, mới có điều kiện viết thư và gửi ảnh cưới về cho mẹ, các em. Nàng sát bên, cười rạng rỡ trong bộ đồ voan cô dâu trắng muốt dài quét đất, còn tôi khoác tay nàng sánh bước, ngực hơi ưỡn với bông hồng nhung tuyệt đẹp cài trên ve áo chú rể, bộ complet xám của cha, dẫu hơi dài một chút, song tôi cảm thấy rất vừa vặn, hãnh diện. Cha ơi, lúc này con nhớ cha lắm! Tôi cũng chạnh nghĩ về mẹ. Người mẹ hiền tần tảo những năm tháng vất vả đã hết lòng nuôi mấy anh em tôi khôn lớn, sẽ có lỗi biết bao khi không báo được tin vui này để Người chúc phúc cho chúng tôi. Đám cưới hạn hẹp trong phạm vi gia đình diễn ra vui vẻ, ấm cúng. Sau ngày chúng tôi cưới được một tuần, Phan Huy Lương mới đến thăm, xin lỗi đã nhận được thiệp mời, đúng lúc anh đang bận một công vụ không thể về dự tiệc. Bộ đồ ka ki xanh xám loang lổ của học viên sĩ quan trừ bị bó sát thân, càng làm nổi bật cái dáng kềnh càng có phần dữ dằn của anh. Giờ thì Nguyệt Tỉnh không gọi là “chú” như hồi đầu nữa, vì là bạn tôi, hơn tôi có một tuổi, nàng chủ động gọi “anh”. Lương kể trường bộ binh Thủ Đức của anh vừa đổi tên thành Liên trường võ khoa Thủ Đức, ngoài đào tạo sĩ quan trừ bị bộ binh còn huấn luyện chuyên môn cho các binh chủng thiết giáp, pháo binh, công binh, truyền tin, quân nhu, quân cụ và quân vận. Anh sắp ra trường, đi thực hành phân đội tìm diệt ở vùng Bến Cát vừa về. - Tìm diệt là cái chi anh? - Nguyệt Tỉnh hồn nhiên hỏi. - Ồ, chuyện nghề nghiệp mà - Lương cười - cô dâu cần chú tâm cho tuần trăng mật hơn chứ. Nguyệt Tỉnh có vẻ không vừa lòng với câu trả lời, song nàng vẫn ý tứ cười nói vui vẻ. Lương hỏi tôi: - Bao giờ cậu lên đường? - Nếu không có gì thay đổi thì đầu tháng 11 này lên đường thôi. - Tôi trả lời. - Gấp quá nhỉ - Lương hỏi - Cả hai cùng đi? - Mình định sang trước, ổn định chỗ ăn ở, rồi đón Nguyệt Tỉnh sang sau. - Cậu chọn con đường khoa học là đúng, còn mình không ngờ theo binh nghiệp. - Trường võ bị, lieutenant (trung úy) oai phong lắm chứ. - Tôi tỏ ý tán thưởng. - Ông anh mình, - Lương nói - đam mê quyền lực, đam mê làm chính trị, giờ ruốt cuộc lại trở về cái nghề cũ nhân bản hơn, vững bền hơn. Binh nghiệp và chính trị đi với nhau như hình với bóng, ban đầu mình không đồng quan điểm với ông anh, nhưng rồi đã vào guồng quay của nó thì không thể nào thoát ra được. Đó như một định mệnh. Mà nghiệm ra ai đi theo con đường này thì thường kết thúc không có hậu. Hôm rồi mình hỏi rỡn ông anh là đã yên phận hành nghề bác sĩ chưa, thì ông lắc đầu ngán ngẩm nói: Người đã sa vào vòng quyền lực thì ham hố lắm, chẳng thể chối bỏ được, nhưng phải biết thờ chữ “Nhẫn”. Mỹ quá thực dụng, Pháp còn kém xa, xem ra làm chính trị ở đất Sài Thành này không bằng Hà Nội ngàn năm văn vật. Đã ném lao thì phải theo lao thôi. - Thì Ngô Đình Diệm thân Pháp hơn, xem ra Mỹ có sủng ái lắm đâu. - Tôi nói. - Ông Diệm thân thiết với đức Hồng y vùng New York là Spellman thì đúng hơn - Lương bổ sung - Ông anh mình khi nhắc đến Ngô Tổng thống là giãy lên như đỉa phải vôi, bảo là không thể sống với chế độ nửa cộng hòa, nửa phong kiến như vậy được. Ông biết cũng có nhiều tướng tá quân đội ngán anh em Diệm - Nhu, rục lịch muốn đảo chánh. Giờ thì ông mũ ni che tai, thu mình tọa sơn quan hổ đấu. - Quân lực Việt Nam Cộng hòa dạo này có vẻ được củng cố và bắt đầu trang bị vũ khí hiện đại của Mỹ? - Cũng khá hơn trước nhiều - Lương nói tiếp - Vừa mới được chỉnh đốn lại từ đầu năm nay. Ngày Quân lực 19 tháng 6 vừa qua chẳng đã khua chiêng gõ trống rùm beng đấy thôi. Lực lượng chủ yếu vẫn là quân đội quốc gia trong Liên hiệp Pháp chuyển giao, với nòng cốt Bảo chính đoàn. Khi Hiệp định Genève được ký kết, cuộc tổng động viên trước đấy đã huy động được 83 tiểu đoàn Việt Nam; 81 tiểu đoàn khinh quân và 5 tiểu đoàn dù, tổng cộng hơn 27 vạn người, cũng là đông quân. Số liệu do ông anh mình lúc còn Tổng trưởng Quốc phòng thời Quốc trưởng Bảo Đại cung cấp đấy. Từ khi chính thức thành lập Quân lực Việt Nam Cộng hòa đến giờ mới được gần một năm, có lẽ cũng đã tăng quân số đến ba chục vạn rồi...
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #18 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2018, 10:53:40 pm »
** * Bố vợ tôi, ông Trịnh Phong thời trước cách mạng làm viên chức bưu điện ở Hòn Gai, sau tham gia cướp chính quyền ở địa phương, có thời kỳ làm ở ngành công an của ta. Ông có hai bà, bà cả đẻ được một trai, bốn gái, còn bà hai được hai gái. Ông anh cả Trịnh Tùy Gia vào đây trúng tuyển phi công đang học lớp huấn luyện bay. Vợ tôi con gái đầu của bà cả. Cô em tiếp sau Trịnh Thị Nguyệt Mỹ, chồng là Nghiêm Văn Phú, từ dạo vào Sài Gòn, vợ chồng cô chú ấy luôn tỏ ra sốt sắng với việc cưới xin của chúng tôi. Nghiêm Văn Phú với tôi sàn sàn tuổi nhau, bề ngoài nom anh đúng con nhà võ: cao, to, da ngăm đen, tính nết lại xuề xòa dễ dãi. Ngày tôi chuẩn bị lên đường, vợ chồng anh đến thăm. Anh là sĩ quan hải quân, vừa ở Trung tâm huấn luyện hải quân Nha Trang ra được một năm, biên chế về một hải đoàn ở Sài Gòn. Nguyệt Mỹ với vợ tôi vốn rất hợp nhau, hễ gặp nhau chị em chuyện trò tíu tít như lâu ngày lắm, còn tôi với Phú lẳng lặng rút ra cái bàn ở hiên ngồi nhâm nhi ly cà phê nói chuyện. Tôi hỏi anh về việc học ở Nha Trang. Anh bảo, học khóa hai 1952-1954, có 16 học viên, hầu hết thụ huấn ngành chỉ huy, còn lại học máy-cơ khí. Nghề của anh chú trọng căn bản về vũ khí, tác xạ, hải pháo và ôn tập hải nghiệp. Rồi anh dặn tôi: - Anh sang Pháp nhớ đến thăm quan thành phố Brest bên bờ Đại Tây Dương nhé, có trường sĩ quan hải quân lâu đời. Đáng lẽ tôi trong diện sang đấy thụ huấn, rồi đến phút cuối bị trục trặc mà phải học trong nước. Tôi biết anh có năng khiếu toán, học hải quân chắc là hợp, trong chương trình đầy đủ các môn dùng đến toán, như: Toán học đại cương, Lượng giác không gian, Thiên văn, Khí tượng, Hải pháo, Tầu ngầm, các loại máy điện tử để quan sát không gian, máy Sonar, Sondeur, Radar... Tôi có thằng bạn thân là Phạm Trung Giám học khóa một Brest, ngành Hành chánh - tài chánh đi năm 1952, mãn khóa vào tháng Tư vừa rồi, còn được đi vòng quanh thế giới 8 tháng nữa trên Tuần dương hạm Pháp Jeanne dArc. - Tôi sang đấy dự kiến sẽ học ngành khí tượng và đóng tầu - Tôi nói - Cũng gần với chuyên môn anh vừa kể. Có điều kiện thì cứ học, chứ cũng chưa biết khi về dùng vào việc gì. Thể nào tôi cũng đến thăm trường hàng hải Brest, thăm thôi chứ không học vì thú thực tạng tôi không hợp với nhà binh. Nghiêm Văn Phú mỉm cười, bảo: - Tôi cũng có thích nhà binh đâu anh, số phận run rủi đấy chứ. - Xem ra anh tin vào tử vi tướng số? - Không tin cũng phải tin - Phú nhấp một chút cà phê rồi nhẩn nha nói - Hồi tôi bảy tuổi, hôm đó bố tôi đang dắt đi dạo ở công viên Tao Đàn, có ông thày bói Tầu nhìn tôi bảo ngay, thằng bé sau này phải theo nghiệp võ mới làm nên. Bố mới nhờ ông lấy cho một lá số, nghiệm đến giờ thì “i xì phooc” từ chuyện nghề nghiệp, vợ con, đất cát, tiền bạc, chỉ có nói năm ba mốt tuổi sẽ lên tướng thì chưa biết thế nào thôi. - Ồ, - Tôi bật cười - anh cũng giống tôi. Lúc bé, có ông thầy tử vi ở Hà Nội nói tôi cũng sẽ lên tướng. Có mà tướng cướp. Phú nghiêm giọng: - Anh tuy dáng thư sinh, nhưng ẩn tướng thì sao. Cứ xem trên ảnh Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy quân đội Việt Minh thì biết, người nhỏ nhắn, trắng trẻo rõ là thư sinh mà phẩm hàm đến đại tướng quân, lừng danh thiên hạ. Nhân định không bằng thiên định mà. Anh biết rồi đấy, nghề đi biển từ thời thượng cổ đã gắn với các vì sao trên trời. Thời văn minh tiến bộ như hiện nay dù có nhiều phương tiện máy móc nhưng căn bản việc định vị trí trên biển vẫn bằng các tinh tú. Có phải vậy mà người làm nghề hàng hải như tôi thường thích tử vi do nó giải mã cuộc đời bằng các vì sao trên trời. Trường Brest còn điều đặc biệt này nữa, bắt đầu từ khóa 4 nhập trường năm ngoái, khi chuyển giao tên mỗi khóa cho hải quân ta thì ngoài việc lấy theo số thứ tự còn lấy tên riêng một vì sao đặt cho, tên sao tây cũng giống tên sao ta, chỉ phiên âm là khác đi. Tôi ham tử vi nên cũng thuộc tên các sao tạo thành mười hai con giáp của khoa chiêm tinh học phương Tây. Chẳng hạn, Verseau (Bảo Bình) từ 21-1 đến 19-2; Poissons (Song Ngư) từ 20-2 đến 20-3; Bélier (Dương Cưu) từ 21-3 đến 20-4; Taureau (Kim Ngưu) từ 21-4 đến 20-5; Gémeaux (Song Nam) từ 21-5 đến 21-6... Bởi thế, khóa 4 mới có tên là Đệ nhất Kim ngưu, tiếp theo khóa 5 sẽ là Đệ nhất Song Nam... Chuyện của anh em tôi cứ lan man hết chủ đề này sang chủ đề khác như vậy; chị em Nguyệt Tỉnh, Nguyệt Mỹ cũng đã vãn chuyện, vợ chồng họ xin phép ra về. ** * Trước ngày lên đường tôi đã suy nghĩ rất lung: có nên cho Nguyệt Tỉnh biết mục tiêu lâu dài của chuyến sang Pháp lần này? Tôi luôn biết ơn nàng bởi tình yêu nồng nàn, trọn vẹn nàng đã dành cho tôi, song thâm tâm vẫn phân vân, liệu nàng có chấp nhận được, có cảm thông chia xẻ được cuộc đời hy sinh thầm lặng của người điệp báo? Trong gia tộc, họ hàng xa gần của nàng có nhiều người thuộc cả hai chiến tuyến và tôi đã mấy lần thăm dò cũng phần nào hiểu được chính kiến của nàng. Cha nàng làm việc trong ngành công an và bưu điện của ta; nàng đã từng tỏ thái độ hâm mộ người cậu ruột “Hùm xám đường số 4” Đặng Văn Việt; nàng mong mỏi ông anh ruột Trịnh Tùy Gia là phi công đừng thả bom, bắn giết bừa bãi người vô tội... Nàng thiên về phía những người yêu nước, những người kháng chiến. Tôi vẫn chưa có câu khẳng định, song tôi tin vào thiện căn trong con người nàng. Tình cảm vợ chồng lạ thế, không thể có đồng sàng dị mộng cả trong việc xác định lý tưởng, mục tiêu sống! Cuối cùng suy đi tính lại, tôi quyết định cần có thêm thời gian nữa, chờ thời điểm thuận lợi sẽ nói cho nàng biết. Và phải chờ đến 6 năm sau, vào cuối năm 1961, sau khi được lãnh đạo KD1 “bật đèn xanh”, tôi mới nói với nàng về một phần công việc của mình sau khi về nước. Đêm hôm đó nàng đang gối đầu lên tay tôi, nghe xong bất chợt quay hẳn người ôm tôi, thì thầm: - Khi anh quyết định rời bỏ gia đình di cư vào Nam, em đã linh cảm về điều này. Mục tiêu của anh trong chuyến đi ấy còn cao hơn việc lấy tấm bằng cử nhân và cũng không hẳn vì em đã vào định cư ở Sài Gòn. Chắc anh còn nhớ, có lần em hỏi anh là có căm thù người Pháp không, anh đã nói thật lòng mình... Tôi vuốt má nàng, hỏi: - Ủng hộ anh chứ? - Lại còn hỏi - Nàng nói - em đã là của anh thì cũng là người của tổ chức. Em sẽ tìm cách liên hệ, tình nguyện làm cầu nối giữa anh và tổ chức. Nàng nói nhẹ trong hơi thở. Lời nàng thốt ra tự nhiên như thể bản chất nàng phải như vậy. Và tôi ôm ghì nàng, rên xiết vì biết ơn... Sau đó nàng đã viết thư về Sài Gòn theo cách do tôi hướng dẫn, muốn nhận việc của một giao thông viên.
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #19 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2018, 10:55:57 pm »
Chương ba GIÁO SƯ "VÙ" Đầu tháng 11-1955, tôi đặt chân đến thủ đô Paris hoa lệ. Bao năm học trường Pháp bảo hộ, tôi ngấm được chút nào nền văn hóa Pháp, nay vừa đặt chân lên đất Pháp cái cảm giác đầu tiên là bâng khuâng nhiều cảm xúc trước một nền văn minh hiển hiện. Tháp Eiffel kiêu hãnh vút lên trời xanh; đại lộ Champs Elysées thoáng rộng loáng bóng đến ngỡ ngàng; Điện Louvre cổ kính uy nghi mang trên mình rêu phong mấy thế kỷ; Nhà thờ Notre-Dame nhắc đến kiệt tác của văn hào Victor Hugo tôi đã đọc hồi bé giờ vẫn chưa quên tên nhân vật... Nhưng rồi cái cảm giác mới lạ pha chút lãng mạn ấy mau chóng tan đi, hoàn lại trong đầu một thực tế trần trụi: làm sao để tồn tại, không phải một tháng hay một năm, mà chắc phải nhiều năm ngoại trừ số học bổng ít ỏi ban đầu không có nguồn tài trợ, hay chỗ dựa nào khác nơi đất khách quê người? Mười năm, nước Pháp kể từ kết thúc Thế chiến thứ hai bắt đầu hồi phục trở lại thành nước công nghiệp phát triển, còn chủ nghĩa thực dân kiểu cũ mà họ đã thực thi bao năm ở nước Pháp hải ngoại thì đang đổ vỡ theo hiệu ứng quân cờ Domino không gì có thể cứu vãn. Những người dân Pháp tôi gặp đều tỏ ra mến khách và tốt bụng, bao chính thể đã đổ, họ đã đi bầu cho bao đời tổng thống với sự kiên nhẫn chờ đợi, hy vọng để rồi lại thất vọng, tôi chợt nghĩ đến câu ngạn ngữ của dân mình “Quan nhất thời dân vạn đại”. Những năm đầu thập niên 50 thế kỷ XX, cuộc sống của đa phần Việt kiều ở đây đều nghèo nàn, bị o ép trăm bề. số đông Việt kiều sau chiến tranh Đông Dương dồn cả về thị trấn Noyant d’Allier, một vùng mỏ than đã hoang hóa. số sinh viên du học từ Sài Gòn như tôi, trừ một số con em những gia đình thật khá giả, còn hầu hết túng bấn, vừa làm vừa học. Có gia đình gửi con đi du học tụ túc nhờ chủ yếu vào việc đổi tiền. Hàng tháng mỗi người được chuyển một số tiền nhất định, có những nhà huy động cả gia đình họ hàng gửi hộ tiền cho nhà giàu bằng bưu phiếu để được trả hoa hồng và dùng số tiền đó cho con du học. Du học bằng mọi giá vì muốn được hấp thu một nền học vấn tiên tiến, mai này hồi hương nhờ học vấn ấy mà trở nên có vai vế trong xã hội, có tiền của, chức tước vinh thân phì gia. Chỉ tôi du học vì một cái đích hoàn toàn khác, mà không thể sẻ chia với bất kỳ ai. Bọn chúng tôi ngày mới đến xứ người, thân cô thế cô phải co cụm, che chở, đùm bọc nhau để cùng tồn tại. Thường thì bốn, năm đứa thuê chung một phòng cho đỡ tiền. Chỗ ở ẩm thấp, hôi hám và hay bị mất nước, nhiều khi một tuần mới được tắm gội một lần. Có cậu không sắm nổi đồng hồ đeo tay, đến lớp phải mang theo trong cặp cái đồng hồ báo thức to bằng cái bát. Có cậu mỗi bộ cánh, tối ở trần vì áo giặt phơi cho kịp khô sáng mai đến lớp. Tôi thì được cậu bạn thải cho cái áo veston hơi dài, người anh họ bên vợ đưa đôi giày đinh da bò rộng như cái thuyền, còn cái mũ vải nhầu nhĩ mua ở hiệu đồ cũ bán như cho, tất cả đều là dùng tạm, lâu nay trang phục đối với tôi có thành vấn đề gì đâu, cốt giữ ấm trong mùa đông tuyết rơi. Nhưng ăn uống kham khổ, điều kiện sống kém vệ sinh thì cái hại là nhỡn tiền, nhiều sinh viên bị nhiễm lao. Phổi tôi vốn yếu, mới sang được một thời gian ngắn đã có dấu hiệu lao tái phát, thế là bọn tôi cứ thay phiên nhau đi dưỡng đường vừa điều trị vừa học. Lần ấy tôi đến dưỡng đường Sceaux ở ngoại ô Nam Paris gặp một chàng trai gầy gò, dong dỏng cao, mái tóc đen dày, gương mặt thanh tú, lông mày rậm, đôi mắt sáng. Vừa gặp anh ta xởi lởi giơ tay bắt trước, chào hỏi: - Chắc anh mới từ Sài Gòn sang? Gặp đồng hương cùng trang lứa quả là mừng. Chúng tôi mau chóng làm quen. Anh tên Bùi Trọng Liễu, kém tôi hai tuổi, quê Yên Mô, Ninh Bình, cùng người anh ruột sang đây du học đã được 5 năm. Anh vốn cậu ấm con quan. Cha anh từng là tuần phủ Thái Nguyên, rồi tuần phủ Phúc Yên, sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 có liên hệ với phong trào của Việt Minh song ông không chịu được khổ “dinh-tê” về thành, gia đình sống tằn tiệm bằng số vốn tích cóp hồi làm quan. Chiến dịch Biên giới 1950 nổ ra, Việt Minh thắng lớn chấn động đến Hà Nội, ông Tuần sợ, cho hai con “sơ tán” sang Pháp. Để tiết kiệm tiền không đi bằng phi cơ mà tầu thủy, hai anh em lênh đênh cả tháng trên biển. Bùi Trọng Liễu còn bảo, ở nhà chưa học xong tú tài, lo nhất môn văn học Pháp, bốn tuần trên tầu Athos II từ cảng Sài Gòn sang cảng Marseille là bốn tuần khổ học, tranh thủ nhồi nhét thêm chút vốn liếng tiếng Tây, trên tay lúc nào cũng kè kè cuốn tự vị Pháp - Việt của Nguyễn Văn Khôn. Đến Paris, gặp đúng vào mùa đông rét mướt, thể lực yếu, ăn thiếu chất nên bị nhiễm lao ngay, phải mấy năm liên miên qua hết dưỡng đường này đến dưỡng đường khác. Anh cười: Trong cái rủi có cái may. Cuối năm 1950 ốm quá phải bỏ học, chuyển sang điều trị tích cực ở dưỡng đường Aire-sur-lAdour miền Tây nam, thì gặp chỗ ăn ở tốt, lại được bảo hiểm xã hội tài trợ không phải trả tiền, tự do học theo ý muốn, chớp thời cơ mình thi đậu tú tài. Rồi năm sau vào đại học, vẫn quặt quẹo, toàn tiêm Streptomycine ù tai, giảm trí nhớ. May mà ở nhà mình đã có cái căn bản, tiếp thu tốt các môn tự nhiên, vẫn trả chứng chỉ từng khóa học đều đặn... Giờ vào dưỡng dường này là khi anh sắp tốt nghiệp đại học. Chúng tôi hợp nhau trước hết vì đều lấy môn toán làm sở trường và đều có ước mơ học lên, cả hai đã nghĩ xa đến việc giành cho được tấm bằng tiến sĩ chuyên ngành (Doctorat 3eme cycle), rồi tiến sĩ nhà nước (Docteur d Etat) về toán trong vòng sáu, bảy năm tới.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 » Lên
In
« Trước Tiếp »
Chuyển tới: Chọn nơi chuyển đến: ----------------------------- Thông tin chung ----------------------------- => Bảng tin => Chung sức xây dựng website ===> Trao đổi thông tin về sách ===> Mặt trận Wiki => Giúp đỡ tìm người ----------------------------- Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam ----------------------------- => Cha ông ta đánh giặc => Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tài liệu nước ngoài => Tự dịch => Văn học chiến tranh ----------------------------- Thảo luận Lịch sử bảo vệ Tổ quốc ----------------------------- => Từ thuở mang gươm đi mở cõi... => Quyết tử cho Tổ quốc... => Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước... => Anh ở biên cương... => Từ cây giáo đến khẩu súng... => Kiến thức quốc phòng ----------------------------- Máu và Hoa ----------------------------- => Một thời máu và hoa => Về người lính hôm nay => Hình ảnh - Kỷ vật => Về lại chiến trường xưa... ----------------------------- Văn hoá - Thể thao - Giao lưu ----------------------------- => Quán nước cổng doanh trại => Du lịch => Xem phim bãi => Văn công => Chiến sỹ khoẻ ----------------------------- Chợ xép ngoài rào doanh trại ----------------------------- => Hàng sách cũ
Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM
Loading...

Từ khóa » đơn Tuyến Là Gì