Đơn Tuyến

Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
Trang chủ diễn đàn Trợ giúp Đăng nhập Đăng ký
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 22 Tháng Mười Hai, 2024, 12:07:42 pm
1 Giờ 1 Ngày 1 Tuần 1 Tháng Vô hạn Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Lịch sử Quân sự Việt Nam > Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam > Tài liệu - Hồi ký Việt Nam (Quản trị: macbupda) > Đơn tuyến
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 Xuống « Trước Tiếp »
In
Tác giả Chủ đề: Đơn tuyến (Đọc 26707 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Đơn tuyến « vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2018, 11:12:12 pm »
- Tên sách : Đơn tuyến (Năm tháng, cuộc đời nhà tình báo công an nhân dân, nhà khoa học, giáo sư Nguyễn Đình Ngọc) - Tác giả : Phạm Quang Đẩu - Nhà xuất bản Công an nhân dân - Số hóa : Giangtvx
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #1 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2018, 11:16:13 pm »
Chương mộtMỘT NGÀY CUỐI NĂM 1947 Trong đầu óc của thằng bé mười lăm tuổi còn non nớt như tôi, đó là một ngày uất hận! Tôi giật mình, thảng thốt. Tràng tiểu liên Thompson trong giây lát xé toạc màn đêm tĩnh lặng. Trước đấy, khi bị bắt cha tôi đã dõng dạc bảo với tên quan hai chỉ huy tốp lính đi càn: “Các ông phải tuân thủ Công ước Genève, không được giết thầy thuốc khi đang cứu chữa thương binh trên chiến trường!”. Giờ thì điều Người cảnh báo ấy trước lũ lang sói đã trở nên vô nghĩa. Có một sự trùng hợp đến kỳ lạ. Vào tầm này tròn một năm trước, một người bạn vong niên của cha là bác sĩ Nguyễn Tài Chất cũng bị chúng sát hại khi đang cấp cứu thương binh trong đêm Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946. Bác sĩ Chất làm ở Quân y viện Hà Nội, tối hôm đó thấy một chiến sĩ Vệ quốc đoàn bị thương đang nằm ở dìa hồ Hale, liền khoác áo blu chạy xuống đường băng bó cho anh, vừa xong thì ông hứng trọn loạt tiểu liên của một tên lính Pháp tại cửa sổ tầng hai tòa nhà gần đó, chết ngay tại chỗ. Nghe tin, cha tôi lặng đi nghẹn ngào: “Quân vô nhân tính đến thế là cùng!” Giờ lại đến lượt Người là nạn nhân của sự vô nhân tính ấy. Cha tôi: Nguyễn Đình Diệp, sinh năm 1910; quê Phượng Vũ, Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Đông. Ông học trường Y sĩ Đông Dương vào đầu những năm 1930, ra trường hành nghề y ở nhiều nơi như: Uông Bí, Hà Nội, Sơn La, Hải Phòng, Sơn Tây, Đông Khê... Ông có lòng yêu nước, sớm cảm tình với cách mạng và đã có những việc làm cụ thể giúp đỡ nhiều chiến sĩ cộng sản trong thời kỳ hoạt động bí mật. Cách mạng Tháng Tám nổ ra ông tham gia quân đội, là Quân y xá trưởng của Trung đoàn Vĩnh Phúc, bệnh viện dã chiến đóng tại Phúc Yên (Ngày ấy, bệnh viện này còn có những thầy thuốc đầu tiên của đội quân cách mạng non trẻ như: Đỗ Xuân Hợp, Đinh Văn Thắng, Trịnh Văn Tuất, Lê Văn Cát...). Thời gian đó tôi sống bên cạnh cha, làm giao thông liên lạc cho Trung đoàn.Gia đình năm 1938 ở Hà Nội: Song thân đứng giữa; Nguyễn Đình Ngọc năm 6 tuổi (ngoài cùng bên trái)
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Giêng, 2018, 11:23:28 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #2 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2018, 11:17:06 pm »
Đầu tháng 10-1947, tướng Salan, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã huy động 1,2 vạn quân với hai gọng kìm lớn trên bộ, đồng thời dùng lực lượng lính dù như mũi thứ ba mở cuộc tấn công quy mô chưa từng có lên chiến khu Việt Bắc, hòng tiêu diệt đầu não của Chính phủ kháng chiến, nhưng chúng đã bị thảm bại. Canh bạc khát nước, ngay sau đó chúng mở mặt trận Đường số 4 ở mấy tỉnh biên giới phía Bắc, lại tung nhiều đơn vị lê dương càn quét khốc liệt các vùng giáp ranh đồng bằng và trung du Bắc Bộ nhằm tiêu hao sinh lực ta và gỡ lại một phần thể diện. Một ngày cuối năm, được tin có những toán lê dương đang từ Sơn cốt, Đô Tân càn về phía bệnh viện dã chiến, cha tôi liền đưa thương binh vượt vòng vây. Chạy đến thôn cầu Vây (xã Đô Tân, huyện Phúc Yên) nơi gia đình tôi sơ tán, thì bất ngờ đụng một toán địch do tên quan hai Pháp chỉ huy. Có kẻ chỉ điểm. Cha bị bắt khi vẫn mặc bộ đồ Vệ quốc đoàn, bên ngoài khoác áo blu của thầy thuốc. Tên quan hai ra lệnh trói ngay, còn bắt theo cả tôi và em Nguyễn Đình Kim lúc ấy vừa đến chơi với tôi (Tôi còn người em trai dưới Kim là Nguyễn Đình Sơn, mất trước đó không lâu vì lao ruột khi mới ba tuổi). Kim kém tôi có một tuổi, gầy nhỏ, chỉ còn biết bám riết sau lưng tôi. Mới đi được một đoạn ngắn, tên quan hai có lẽ thấy Kim còn quá nhỏ, đã giật tay em khỏi hàng, quát: - Xéo đi! Tôi và Kim đứng ngây giây lát chưa kịp hiểu chuyện gì, thấy cha đang bị trói ở đầu hàng ngoái lại nói to với Kim: - Về ngay nhà đi con! Nghe vậy tôi cũng vụt tách khỏi hàng, kéo tay em định cùng chạy về phía sau. Thằng quan hai giữ tôi, mắt trợn trừng: - Mày ở lại! Kim bỗng cởi cái áo dài tay đang mặc đưa tôi, nói nhanh: - Anh mặc vào kẻo lạnh. Xong em chạy ù. Cái dáng bé nhỏ của em biến vào màn sương từ phía cánh đồng ấp Làng Tây đang dăng cuồn cuộn. Chẳng mấy chốc, sương chiều đã như bát cháo đặc ông trời đổ xuống đọng lại khắp thôn xóm ruộng đồng, mang theo giá rét của chiều đông, lúc ấy tôi mặc thêm cái áo của Kim cũng đỡ lạnh hơn. Về sau có người nói với tôi, bị bắt hôm đó còn có mấy du kích xã nữa, tôi không thấy họ vì bị giải sau cùng và đã sớm bị tách khỏi cha tôi đi trước. Được một chặp dài đến gần Đáp cầu, chúng dừng và có ý giam cha tôi một nơi. Tôi bỗng cảm nhận sắp có cuộc chia ly không bao giờ được gặp cha nữa, nên vội lẻn lên phía đầu hàng. Cha đang ngồi ở cửa một ngôi nhà gạch bỏ hoang bên đường, mặc áo trấn thủ có những đường may chéo nhau hình quả trám, ngoài vẫn còn khoác cái áo blu cứu thương lúc bị bắt đã giằng co với giặc đứt hết khuy, hai khuỷu tay thì bị sợi dây dù thít chặt. - Cha ơi! - Tôi vụt đến ôm lấy cha. - Đừng sợ! - Giọng cha khàn hẳn nhưng vẫn rõ ràng. Từ lúc bị bắt tôi cũng luôn nhẩm trong đầu mỗi câu “đừng sợ” ấy để tự trấn an, vậy là cha đã hiểu ý nghĩ của tôi, động viên tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Bỗng, cha cúi xuống thầm thì vào tai tôi - Con ở lại hãy cố học cho giỏi và giúp người khác học. Dân mình khổ trước hết vì giặc dốt đấy. Tôi sững sờ. Sao cha chỉ dặn điều ấy trong lúc máu lửa sinh tử này? Chợt có tên lính đến kéo tuột tôi đi. Nó lôi xềnh xệch tôi theo toán lính đang chạy rầm rập lên phía trước, toán người tù trong đó có cha tôi bị tụt hẳn lại phía sau. Từ đây, giữa tôi và cha hoàn toàn bị tách khỏi nhau. Mặt trời lặn sau những ngôi nhà mái bằng, mái ngói, mái rạ nhấp nhô trên bầu trời phía Tây, để lại trước mặt tôi một khối mây màu đỏ đậm như một bọng máu khổng lồ đè nặng xuống thành phố. Hơn một năm nay quân Pháp gây hấn, nội, ngoại thành đâu cũng có thể thành chiến trường, đã nhuốm máu bao người. Chẳng mấy chốc, bọng máu ấy sẫm lại biến vào bầu trời tối đen. Tôi đã thấy thấp thoáng trước mặt muôn vàn ánh đèn điện nhấp nháy của Hà Nội soi bóng xuống dòng sông Hồng. Đấy là nội thành, nơi gia đình tôi vừa tản cư tháng trước. Trên con đường nhựa tróc lở lỗ chỗ không một ngọn đèn đường, không một bóng người và xe cộ qua lại, mọi thứ xung quanh tôi giờ đây đều lờ mờ, hỗn độn đến nỗi không thể phân biệt là người hay thân cây, bụi cây đang đứng lặng phắc như bóng ma hai bên đường. Chốc chốc lại gặp lù lù ngôi nhà gạch tiêu thổ kháng chiến đổ nát, hoang phế.
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #3 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2018, 11:20:58 pm »
Khi tôi đến gần cầu Long Biên, thì nghe thoảng trong gió tràng Thompson nổ “roẹt” từ phía sau lưng mạn cầu Đuống vọng lại, đó là thời khắc bất ngờ nhất, kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi, không gian, thời gian như bị bóp méo, tan biến, xóa nhòa! Linh cảm mách bảo: cha đã vĩnh viễn rời bỏ thế gian này sau loạt đạn định mệnh đó. Và tôi đau đớn hiểu rằng từ nay mình đã thành đứa trẻ mồ côi cha, lời căn dặn ban chiều cũng là lời trối trăng cuối cùng của Người, về sau này, ngay cả thời gian, địa điểm nơi cha tôi hy sinh cũng không thể xác định được cụ thể, quân thù đã thủ tiêu cha tôi một cách đê hèn. Đêm ấy tôi cứ thấp thỏm, lúi cúi bước trên những tấm ván gỗ lát bên thành cầu dành cho người đi bộ. Qua cầu Long Biên, chúng đưa tôi men theo đê sông Hồng, chừng gần nửa giờ đồng hồ thì dừng lại trước nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện Trung ương quân đội 108 bây giờ). Chúng ném tôi vào một căn buồng không đèn đóm, giường chiếu, vừa trải qua một ngày quá hãi hùng, mệt mỏi, tôi ngủ thiếp ngay. Tỉnh dậy đã sáng bạch. Tôi trơ trọi trong một khoảng không gian nhỏ hẹp, lờ mờ. Tôi hiểu mình bị bắt cùng cha vì chúng biết tôi là liên lạc viên, sẽ tra hỏi để tìm manh mối lực lượng Việt Minh. Chúng sẽ còn truy bức tôi về những điều khác nữa sao có thể dự liệu trước được. Mấy ngày đầu chưa có động tĩnh gì. Rồi có viên quan hai Pháp đến. Hắn tỏ vẻ quan tâm đến tôi và đưa ra gợi ý bất ngờ: - Nom chú mày linh lợi, thông minh, có muốn làm con nuôi ta không? Ta sẽ đưa về Pháp để nuôi dạy thành tài giúp ích cho mẫu quốc. Trái tim non trẻ của tôi lúc đó bỗng trào lên nỗi căm giận vô bờ. Kẻ đã bất chấp đạo lý, công pháp quốc tế giết cha đẻ tôi, một thầy thuốc chỉ làm việc nhân đạo là cứu chữa thương binh giờ lại muốn nhận làm cha nuôi tôi! Và, tôi muốn nhổ bãi nước bọt khinh bỉ vào cái mặt dài vêu, đôi mắt cú vọ sâu hoắm của hắn. Tôi nhìn thẳng vào hắn, hất hàm: - Không! Hắn chưng hửng bỏ đi. Lát sau quay lại mở toang cửa buồng giam, bất ngờ hắn tung cú đá bằng giày đinh vào mông tôi, làm tôi chấp chới ngã nhoài về phía trước. - Việt Minh con! Sướng không muốn, sẽ có người dạy cho mày biết thế nào là lễ phép. Bộ mặt hắn tím bầm. Mấy ngày sau đó tôi liên tục bị tên sĩ quan Phòng Nhì hỏi cung. Truy bức, mớm cung, dỗ ngon ngọt, rồi giở cả trò đấm đá, nhưng chẳng moi được tin tức gì, hay nói đúng hơn không có gì để moi ở một thằng bé học trò tuổi mười lăm như tôi. Đến đầu tháng 3-1948 chúng phải thả tôi ra. Bước thấp bước cao khỏi cổng nhà thương Đồn Thủy, tôi cắm cổ bước như chạy trên vỉa hè qua hết phố này đến phố khác, hướng về nhà xưa ở khu phố cổ. Buổi chiều hôm ấy khi em Kim chạy về báo, cả nhà trong tâm trạng hoang mang, rối bời đã từ Phúc Yên bìu díu nhau tản cư tiếp lên mạn Thái Nguyên. Được hơn một tháng trên đất khách quê người, không nơi nương tựa, không phương kế sinh nhai, cả nhà đành phải quay trở lại nội thành Hà Nội. May mà tôi được thả, đúng lúc cả nhà cũng mới về căn nhà cũ được ít bữa.
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #4 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2018, 11:22:12 pm »
** * Nhà số 121 phố Hàng Bạc là của ông bà ngoại, gia đình tôi đã ở chung từ mấy năm trước. Lúc đó mẹ đang lúi húi sắp xếp hàng bày trong tủ kính, chợt ngửng lên thấy tôi vội chạy ra ôm chầm, nước mắt giàn giụa. Em Kim thấy tôi về có một mình thì khóc nức lên: -Cha đâu? Cha ơi! Tiếng khóc của nó làm em gái út Nguyễn Lê Ninh Thủy, lúc cha mất mới được bẩy tháng tuổi, đang ngủ trên giường bỗng choàng mở mắt, khóc sa sả. Mẹ lại chạy vào bế em Thủy lên, vén áo cho bú. Em nức nở vục đầu vào bầu vú mẹ, tôi thấy nước mắt mẹ rơi lã chã xuống tã của em. Sống mũi tôi cũng cay xè, nhưng nghĩ đến lời cha dặn, quyết mím chặt môi không để bật ra tiếng nấc. Tắm rửa, ăn uống xong xuôi, mọi người trong nhà mới xúm lại hỏi tôi sự việc những ngày qua. Tôi kể là chiều hôm đó ở Phúc Yên chúng cố tình tách cha con ra hai nơi, đến quá nửa đêm chỉ nghe tiếng súng nổ gần mạn cầu Đuống, vả lại trời tối om, không thể hình dung cha ngã xuống chỗ nào, lúc nào. Mọi người trong nhà bần thần nhìn nhau, cũng không ai có thể nhớ được ngày hôm đó dẫu chưa xa, là ngày mùng mấy? Cú sốc do cái chết tức tưởi, oan khốc của cha tôi đã hằn sâu vào tâm khảm, cũng xóa nhòa đi nhiều cảm nhận cụ thể về không gian, thời gian của mỗi thành viên trong gia đình. Chỉ biết đó là một ngày cuối năm 1947. Sau này cả nhà đã quyết định lấy ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12 hàng năm làm ngày giỗ cha. Nỗi đau buồn hiện rõ trên từng khuôn mặt. Ông ngoại đi đi lại lại như cái bóng chập chờn. Ông từng làm công chức ở sở Binh lương, về hưu trước ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra. Còn bà ngoại, giờ phải mở lại cái cửa hàng vàng bạc khi lưng vốn đã tiêu tán hết trong những biến cố vừa qua, gánh nặng của cả gia đình đang đè nặng lên đôi vai gầy của bà và mẹ tôi. Mẹ sau khi nghe tôi kể ngồi thừ một lúc lâu, nước mắt lưng tròng, mới quay sang ông bà nói: - Xin ông ngồi lại cho con thưa chuyện. Hay cho con và cháu Ngọc ngày mai đến mạn cầu Đuống dò la xem nơi chúng chôn cất chồng con ở chỗ nào? Em Kim ngồi bên mẹ láu táu xen vào: - Con cũng đi với mẹ. - Không ổn - Ông ngoại đã ngồi trên cái phản đặt giữa nhà, lắc đầu bảo với mẹ tôi - Sự việc diễn ra hơn một tháng nay, nhà mình đã hỏi nhiều nơi mà chẳng có được tin nào cụ thể. Giờ cháu Ngọc không biết gì hơn. Từ đây về cầu Đuống khá xa, có đến được cũng chẳng thể biết chúng đã vùi xác nhà con vào đâu đấy để phi tang, hay cho trôi sông rồi. Như tìm kim đáy bể, ích gì. Thời buổi loạn lạc này, con là trụ cột trong nhà, đi tìm diệu vợi thế nhỡ gặp chuyện không may thì nhà ta còn khốn khổ thêm. Bà ngoại ngồi bên ông bỗng tức tưởi nói: - Sao cả nhà mình ngày đó lại tự dưng đâm đầu vào nơi có cái tên gở thế không biết! Thôn Câu Vây, âp Làng Tây. Đúng là tây - vây. Tây - vây. Ông ngoại nhìn khắp lượt, nhỏ nhẹ vỗ về mọi người: - Thôi, giờ ngồi mà than vãn được ích gì. Đành mở lại cửa hàng mà kiếm miếng ăn cho qua ngày đoạn tháng, chờ thời. Ngọc, Kim, phải đi học tiếp ngay đấy. Đồng lương hưu ít ỏi của ông vẫn có thể bù trì được cho các cháu. Hai anh em về lại nơi trọ cũ ở phố Chợ Đuổi, bảo nhau học. Bà Đại chủ nhà vẫn còn ở đấy, bà ấy là người tốt, nói khó vẫn có thể khất tiền trọ được dăm ba tháng đầu. Thế là ngay chiều hôm đó chúng tôi trở về Chợ Đuổi (phố Tuệ Tĩnh bây giờ). Liên hệ, dọn dẹp nơi ở xong xuôi, ngày hôm sau chúng tôi trở lại lớp học ở trường tiểu học Thanh Quan, phố Hàng Cót. Lớp cuối cấp, dẫu học đuổi cũng không khó khăn gì. Tôi đỗ tiểu học lên bậc trung học, thi được vào trường chỉ dành cho nam sinh, tuyển chọn rất khắt khe là trường Chu Văn An bên hồ Tây. Tôi học đều các môn, riêng toán ngày càng tỏ ra vượt trội. Tôi thường ngồi lì trước bàn học đến quá nửa đêm mới đi ngủ, ban ngày ngoài buổi đến trường vẫn tranh thủ đi làm thuê thêm tiền giúp mẹ. Tôi còn có biệt tài ngủ ngồi, vì sợ ngủ nằm thì “sướng quá” mà quá giấc quên việc thức để học, thói quen ấy về sau đến già còn giữ được. Do học “gạo” như thế, mà thuộc làu cả cuốn sách toán trung học Lebosse. Năm sau Kim cũng đỗ vào trường tôi. Với người ngoài, tôi thường vô tư giải giúp những bài toán khó, nhưng với chú em, sợ nó ỷ lại mà mất đi tính tự lực nên thường tỏ ra khe khắt. Có lần Kim nhờ giải một bài toán quả là hóc búa, hồi trước tôi phải vắt óc mới nghĩ ra. Tuy đã có sẵn lời giải, tôi vẫn gắt um: “Tao giải cho mày thì ai giải cho tao đây!”. Lúc ấy Kim cáu thực sự, bảo từ ngày chạy Tây về sao bỗng dưng ông anh hay dở chứng thế! Rồi sau này dần dần nó cũng hiểu ông anh luôn muốn hai anh em phải ghi nhớ lời cha, dù hoàn cảnh nào cố học, học cho thật giỏi. Thầy dạy toán ở bậc trung học là một người Pháp, từ đầu tỏ ra khoái tôi, từng nói với các thầy cô trong trường: “Khóa nào trường ta chẳng có dăm bẩy cậu giỏi toán, nhưng chỉ Nguyễn Đình Ngọc là thực sự có năng khiếu”. Với thầy, học giỏi chưa chắc đã có năng khiếu; năng khiếu trời ban, bao giờ cũng hiếm hoi. Và lần ấy lên bảng chữa bài tập, tôi làm được không chỉ một mà cả hai cách giải bài toán khó, chính thầy cũng ngạc nhiên, vào sổ điểm 10, còn xoa đầu động viên tôi: Chân trời toán học đang rộng mở trước mắt em đấy. cố lên nhé! Niên học 1949-1950 tôi đỗ đầu lớp trung học đệ tứ. Năm sau đỗ đầu tú tài toàn phần, sau đó theo chương trình MG, học tiếp ở trường Cao đẳng khoa học Hà Nội. Thường thì sinh viên mỗi năm hoàn thành một chứng chỉ. Năm đầu tôi lấy chứng chỉ toán học đại cương; năm thứ hai “năng suất” hơn, lấy liền hai chứng chỉ vật lý đại cương và cơ học lý thuyết; chỉ cần có hai chứng chỉ nữa là phép tính vi phân và hóa học đại cương là tôi có bằng cử nhân khoa học. Nhưng tôi quên sao mối thù giặc đã giết cha, nuốt hận và nung nấu ý định trả thù trong lòng! Cuộc chiến đang ngày càng lan rộng ra cả miền Bắc, số người trẻ tuổi trong nội thành như vơi đi, do phải đăng lính hay nhiều người đã trốn ra vùng tự do, tham gia kháng chiến. Tôi cũng dự cảm được rằng giờ đây sự học chỉ là tạm thời, tôi sẽ còn có những đoạn đường vòng hay ngả rẽ bất ngờ khi bước vào đời.
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #5 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2018, 11:24:41 pm »
KỶ NIỆM VỚI HÀ NỘI Nhiều đêm tôi nằm mơ cha hiện về, nét mặt vẫn hiền từ như ngày xưa, lạ là Người chỉ nhắc lại mỗi câu đã dặn dò trong buổi chiều định mệnh ấy. Ông ngoại tôi là một viên chức nhỏ được Pháp đào tạo, sau khi phải chứng kiến cuộc càn quét của quân Pháp và cái chết của cha tôi, ông càng ủng hộ chính phủ Cụ Hồ. Có lần tôi hỏi ông: Sao cha cháu không nhắc những chuyện cụ thể như trả món nợ máu với giặc mà chỉ nói đến việc học giỏi, học lên, chỉ nói đến giặc dốt? Suy nghĩ giây lát, ông ngoại bảo có học mới phân biệt được chính tà, mới hiểu cách để giành độc lập tự do, xây dụng lại đất nước. Vậy học đi trước, là cái gốc của chiến thắng ngoại xâm và đói nghèo. Quả lúc đó tôi không thật thỏa mãn lắm với câu trả lời đó, về sau khi lớn hơn, đã đi hoạt động tôi càng hiểu điều ông ngoại nghĩ với lời dặn dò của cha tôi là một. Học là gốc! Tôi giống mẹ nhiều hơn: nhỏ người, trắng trẻo, mặt thon, song vẫn có cái giống cha ở đôi mày rậm phía đuôi hình mác hơi xếch ngược và còn thừa hưởng của Người sống mũi cao, đôi mắt sáng, vành tai rộng. Một hôm qua phố Hàng Hành cạnh Bờ Hồ, tôi gặp một ông già để râu ba chòm, mắt kính đen tròn xoe như hai đồng xu đính vào cái gọng nhỏ bằng que tăm, đầu đội khăn xếp, mặc áo the, chân đi guốc mộc. Ông đang thu lu ngồi ở góc mái hiên với cái tráp gỗ bóng mầu thời gian để trước mặt. Đó là hình mẫu quen thuộc của những người hành nghề tử vi tướng số xuất hiện khá nhiều ở nội thành thời đó. Đúng lúc ông thầy bói giơ tay che miệng ngáp dài (có lẽ buồn ngủ vì vắng khách), thì tôi cắp sách đi qua trước mặt. Ông gọi giật lại: - Cậu bé. Quay lại đây! Tôi dừng bước và ngó chăm chăm vào ông. Hóa ra ông không mù! Trước tôi vẫn nghĩ thầy bói hễ đeo kính đen đều mù. Tôi ngập ngừng: - Thưa... thầy không... - Mù dở chứ gì - Ông cười khà khà tiếp lời tôi - Thằng bé hỗn, định quở quang ông. - Cháu... cháu không có ý đó. - Đùa đấy mà - Nói rồi ông vuốt chòm râu thưa, cười hiền cầm tay tôi kéo lại - Ngồi xuống đây. Cháu không biết đó thôi, nghề này sáng cũng phải đeo kính đen để không biết thầy nhìn kiểu gì mà bói ra khối thứ. Còn mù thật cũng đeo để không ai biết là mù, vẫn như người sáng thấy rõ mọi chuyện như thể ma xó trong nhà. Thế mới tréo ngoe chứ. Thôi, đưa tay trái thầy xem cho. Tôi ngồi xuống ngoan ngoãn chìa tay ra. Thầy nhìn lướt tôi một lượt, sau mới cúi sát mắt vào các đường chỉ trong lòng bàn tay, còn xoa xoa nắn nắn. Thầy hỏi ngày, tháng, năm sinh, giờ sinh của tôi. Sở dĩ tôi trả lời được ngay vì hồi tôi mới sinh ra, cha tôi cũng nhờ một ông thầy đồ quen lấy cho lá số, nên tôi thuộc làu ngày, tháng, năm sinh, giờ sinh của mình. Thầy lấy ngón trỏ bên phải, đếm nguợc đếm xuôi các đốt của lòng bàn tay trái; miệng cứ lẩm nhẩm liên hồi tên các ngôi sao. Rồi, thầy bảo tôi ngồi đối diện, hắng giọng nói là nếu tôi thích thì ngay bây giờ sẽ đoán tiền vận, trung vận, hậu vận cho, không thích về luôn, không ép. Thầy còn bảo: Do hôm nay rỗi rãi, có nhã hứng làm phúc giúp người, không lấy tiền. “Trò chơi ngẫu hứng” của thầy bói già hay thật đấy! Và tôi còn có cả cái ý định muốn thử tài thầy một phen, sẽ ngầm so lời thầy với cái lá số có sẵn ở nhà xem có trùng hay trệch nhau? Thầy hắng giọng, rồi ho khan, quay mặt nhổ vào cái bô để gần chỗ ngồi, bắt đầu phán: - Trước hết nói về tướng người. Cậu da trắng, mặt xuôn, cốt nhỏ cân đối, đi đứng đàng hoàng, tư thế hiên ngang. Cậu trán rộng, mày thanh mắt tú, bàn tay mềm, môi đỏ, cằm vuông, nhân trung sâu, tiếng nói thanh tao. Ây là cậu thuộc hình kim có số phận khá, dù đang gặp cảnh cơ hàn vẫn tin tưởng vào một tương lai sáng lạn. Loại người hình kim thiên về văn hơn võ. Lưỡng quyền cậu cao tròn bóng cân đối, đầy đặn; sống mũi cao, thẳng, chuẩn đầu tròn; mồm miệng cân đối, góc cạnh. Mắt cậu sáng, nhìn thẳng biểu lộ sự thông minh, cương cường. Tóm lại, người có hình tướng như vậy, có ý chí không sợ khó khăn, hiểm nguy lại chủ về võ hơn văn. Cậu được cả tướng văn, võ thì kiểu gì sau này chẳng làm nên. Có khi quan võ làm nghề văn không biết chừng. Chỉ nhìn tướng ta đã toàn nói tốt cho cậu, nhưng nhân vô thập toàn cậu cũng có nhiều cái hãm. Hai lỗ mũi lộ, cậu không bao giờ có nhiều tiền, dẫu cũng là người dè xẻn chứ không phải tiêu hoang. Đuôi mày cậu bị rối, không phẳng mượt cậu có được lên tướng thì cũng phải vào cuối đời, không được bền. Nhưng vẻ ngoài không nói lên tất cả, phải kết hợp với việc giải lá số mới biết được trọn vẹn. Vậy thì ta nói thêm cho về tử vi, nhá. Đây này, ta đã bấm đốt tính sự chuyển dịch của các chính tinh, bàng tinh trong vòng tràng sinh mười hai cung. Cậu sinh giờ Mão, tuổi Nhâm Thân có Thiên Tướng thủ mệnh tại cung Tỵ, Thiên Phủ tại Tài Bạch chính chiếu, Thiên Di có Vũ Khúc, Phá Quân; trợ giúp lại là Ân Quang, Thiên Quý, Tam Thai, Bát Tọa. Nhìn chung cậu có lá số đẹp. Cung phúc đức có Văn Tinh; mệnh, thân có Xương, Khúc, Khôi, Việt, Tả, Hữu hội hợp, lại có Đào Hoa chiếu thì hẳn là người tài hoa, hậu vận khá... Tôi nhanh nhảu cắt lời thầy: - Thưa, thầy nói thêm cho cháu về những sao xấu nữa ạ. Ấy là tôi muốn kích thầy phán thêm tên các sao, xem có trùng với các sao lá số ở nhà đã có bản chú giải cụ thể bằng chữ Hán cùng quốc ngữ, những năm gần đây tôi hay tò mò giở ra xem và đã thuộc lòng. Ông thầy bói bị cắt lời như vậy thì tỏ ý phật lòng, còn thừa hiểu tôi đang muốn thử tài mình, liền nhíu mày mà ra chiều mắng mỏ: - Ta chẳng đã đọc ra một loạt chính tinh, bàng tinh đấy thôi, còn đòi hỏi gì nữa! Hẳn ở nhà cậu đã có người lấy cho lá số rồi nên muốn so đọ với ta chứ gì. Họ nói thế nào ta không cần biết, chỉ mai này cậu không lên tướng, tướng quân, chứ không phải tướng cướp đâu nhá (Thầy bỗng bật cười làm tan biến ngay sự không hài lòng vừa nãy), thì cứ việc đến trước mộ thằng già này mà chửi độc là quân lòe bịp, quân ăn không nói có, quân... bói bù (Thầy lại cuời hóm). Thôi, không vòng vo Tam Quốc nữa, lẳng lặng mà nghe ta đọc tiếp hậu vận cho cậu đây.
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #6 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2018, 11:24:57 pm »
Cũng có nhiều hung tinh gây tác hại không ít cho cuộc đời cậu, làm cho cậu lớn lên luôn phải đối mặt với sự nghi ngờ, đố kỵ, phản trắc. May mà cậu xuất tuớng, nhập tướng nên quyền biến ứng phó được với mọi hiểm nguy. Cung mệnh, thân có Phá Quân, Vũ Khúc sáng sủa, lại có Kình, Sát phải là người sáng dạ, khéo tay về sau chuyên về kỹ nghệ. Mà mệnh cư tại Tỵ, thân cư Thiên Di tại Hợi, có Liêm, Phá tọa thủ đồng cung ắt hành nghề phải giỏi và giỏi nhiều nghề, làm thầy thiên hạ. Nhưng ta nói thế cậu đừng phổng mũi quá đấy nhá. Cung phụ mẫu có Điếu Khách, lại bị Tang Môn, Thiên Khốc hợp chiếu kiểu gì phụ mẫu cũng có người chết oan, chết sớm. Cậu lại hãm cách ở cung thê. Có Tử Vi, Tham Lang, vợ đẹp, tính lãng mạn, ủy mị lại Tuần, Triệt đồng cung, Cự Môn, Phá Quân, Thất Sát, Liêm Trinh xung chiếu thì hạnh phúc gia đạo sau này khó mà trọn vẹn được, phải chịu cô đơn, cay đắng, uất ức. Hôn nhân không chỉ một lần, có muốn cố níu kéo người ta cho êm thấm, vợ chồng vẫn phải chia ly... Thầy tiếp tục ho và khạc nhổ. Rồi như sự “xuất thần” vừa rồi làm thầy quá mệt, muốn dừng để bồi dưỡng sức lực, thầy với tay lấy ra cái điếu bát ở góc hiên. Hai ngón tay đen đúa, nhăn nheo của thầy thong thả véo một nhúm trong bánh thuốc lào để trên cuốn sách chữ Nho giấy bản trong tráp, vo viên, nhồi vào cái nõ bằng bạc trắng gắn ở bầu điếu. Đoạn thầy cẩn trọng tỳ cằm vào cần trúc, rút một cái đóm tre ngâm mỏng, châm lên ngọn đèn hoa kỳ bé như hạt đỗ đặt cạnh đấy. Đóm bắt lửa ngay, sáng bừng tí tách. Đoạn thầy chúm mồm vào đầu cần, lấy hết sức bình sinh rít một hơi dài đến nỗi hai má hóp lại thành hai lỗ sâu, gân, mạch máu trên cổ nổi cuồn cuộn, cái cục yết hầu nhọn hoắt thì tọt hẳn lên phía trên. Bầu điếu lập tức phát ra tiếng réo giòn tan tựa tràng súng liên thanh. Xong các động tác ấy, vẻ mặt thầy biểu lộ sự khoan khoái thoát tục quay ra phía ngoài đường phả một luồng khói trắng mù mịt. Tôi vội né về phía đầu gió để tránh hít phải “khí độc”. Chẳng mấy chốc thầy được khói thuốc vây bủa như người trần gian bỗng chốc được bồng bềnh trên mây. Dù sao với tôi, khói thuốc lào cũng không thể “xóa mờ” những lời như thánh phán vừa nãy của thầy, không hoàn toàn vì những lời ấy hầu hết đều là tốt đẹp, bốc tận mây xanh cho cái hậu vận của tôi, mà còn vì tôi cảm thấy thú vị giữa lời thầy với chú giải về sự tương hỗ các sao của lá số bạn ông ngoại tôi lấy, khá là trùng khớp nhau. Thầy chẳng đã nói trúng việc tang gia đã diễn ra hơn ba năm về trước ở gia đình tôi, cha tôi ngã xuống khi mới ba mươi bẩy tuổi, chịu oan khiên, đoản mệnh đó sao! Đã đến lúc phải chia tay cuộc kỳ ngộ, tôi đứng dậy cúi gập người cảm tạ thầy. Tôi còn mạnh dạn móc trong túi ra tất cả mấy đồng lẻ mẹ cho ăn quà sáng nay đến lớp, vẫn không tiêu để dành, biếu thầy số tiền ít ỏi đó chỉ là muốn để thầy không bị xui xẻo vì làm phúc mà không có tiền công. Thầy cười hể hả nhận đồng bạc lẻ đút túi, khen thằng bé nhỏ tuổi đã hiểu cách đối nhân xử thế ở đời. Lúc bước xuống bậc hiên, tôi còn ngoái lại nói khi nào cháu có việc sẽ hỏi tiếp. Một cử chỉ thân tình, thầy đang ngồi trên bậc, cúi xuống xoa đầu tôi mà răn dạy nốt câu cuối: - Đức năng thắng số cháu ạ. Cứ sống tử tế, làm việc nhân đức thì mọi chuyện đều tốt đẹp cả thôi. Khoảng hai tháng sau. Tôi có việc lên Bờ Hồ liền ghé thăm thầy, thì thấy mái hiên vắng hoe. Bà bán hàng xén gần đấy bảo là thầy mới qua đời, sắp đến kỳ cúng bốn chín ngày rồi. Tôi ngậm ngùi định đi, bà mau miệng hỏi cháu tìm thầy có việc gì? Tôi lắc đầu nói là đến thăm cụ thôi, vì tuy mới gặp có một lần mà thấy cụ người hiền lành, tốt bụng lại giỏi việc tướng số nên muốn quay lại hỏi thăm sức khỏe và thỉnh giáo vài điều. Bà hàng xén cười phô hàm răng đen nhức: - Chắc là cậu đã được thầy phán cho tiền vận, hậu vận rồi chứ gì. Thầy tướng này mà đã phán thì con kiến trong lỗ cũng phải chui ra. Bà ngồi đây lúc vắng khách vẫn thường dỏng tai nghe, hễ ai được thầy phán xong cũng đều tấm tắc đúng quá, đúng quá, như ma xó trong nhà. Ấy vậy mà dao sắc không gọt được chuôi đấy, cháu ạ. - Có phải cụ không biết trước được cái ngày tận số này? - Tôi hỏi. - Trước ngày mất có ít bữa - Bà hàng xén kể tiếp - cụ sang mua của tôi cái máy lửa bảo để phục vụ cho việc hút thuốc lào. Tôi vui miệng nói, cụ ho sù sự thế còn chưa chịu cai thuốc à. Cụ cười hề hề bảo, tôi biết số mình trời đánh không chết, còn thọ chán. Đàn bà các chị không hay hút thuốc lào không biết cái sướng của sự say thuốc, nhớ ai như nhớ thuốc lào; đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên. Cụ lại cười mà bảo: khói thuốc nó “xông” cho hai lá phổi chẳng mối mọt, vi trùng nào đục phá nổi. Sáng trưng. Vậy mà mấy ngày sau con cháu phải khiêng thầy vào nhà thương Phủ Doãn, ông đốc tờ bảo u trong phổi cụ đã to bằng quả ổi găng rồi. Có thằng cháu cụ hôm nọ đến đây dọn dẹp đồ nghề của thầy, nói là cụ nhất định không cho đụng dao kéo, tỉnh đến lúc chết.
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #7 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2018, 11:25:49 pm »
** * Thời giờ thấm thoắt thoi đưa... Hôm nay tôi đang “ngủ ngồi” trước bàn học trong buồng, choàng tỉnh, nghe tiếng mẹ gọi: - Ngọc ơi. Chị Tâm đến chơi, có chuyện muốn hỏi con này. Chị Đặng Thị Tâm, vợ bác sĩ Nguyễn Tài Chất hơn tôi khoảng năm, sáu tuổi thôi. Bác sĩ Chất là bạn vong niên của cha tôi, ngày trước hai nhà có đi lại, quen biết nhau bởi tình đồng nghiệp. Cái chết của cha tôi lại giống như của chồng chị, nên từ dạo cha tôi mất chị càng năng đến nhà thăm hỏi động viên mẹ tôi. Vừa gặp, chị đã vui vẻ bảo: - Dạo này Ngọc chóng lớn, chững chạc quá rồi nhỉ. Em có bạn gái chưa? - Em bận học không có thì giờ nghĩ chuyện ấy. - Tôi nói. - Lớn rồi có bạn gái đi là vừa. Có muốn cháu chị không? Xinh, ngoan, nữ sinh trường Đồng Khánh đấy. Mẹ tôi ngồi bên, nói với chị Tâm: - Cô cứ giới thiệu, chứ thằng này chỉ cắm cúi học chẳng có bạn gái nào cả. Biết đâu lại có duyên với nhau, nên vợ nên chồng. - Em biết cậu Ngọc nhà ta học giỏi có tiếng ở trường Chu Văn An - Chị Tâm nói với mẹ tôi (dù kém mẹ tôi đến mười mấy tuổi, chị vẫn có thói quen gọi mẹ tôi là “chị”, xưng “em”) - Còn chỗ em định làm mối, dây mơ rễ má thế này. Đây là con gái đầu của bà Đặng Thị Lan, chị cả em, gia đình nền nếp gia giáo lắm. Cha cháu là ông Trịnh Phong trước làm Bưu điện Hòn Gai, sau có thời kỳ làm trưởng ty công an của Việt Minh. Chị Lan em mất đã mười năm rồi, hiện cháu đang ở nhà bà chị thứ dưới chị Lan, chồng là bác sĩ Phan Huy Quát, một chính trị gia có danh vọng, đồng nghiệp quen biết hồi xưa của anh Diệp nhà mình đấy. Nghe vậy, tôi đã nghĩ ngay đến “người ấy”, liền cười mà hỏi bà mối: - Trịnh Thị Nguyệt Tỉnh phải không ạ? - Ồ, biết nhau rồi à? - Biết sơ sơ thôi ạ - Tôi nói - Anh Phan Huy Lương em ông Phan Huy Quát là bạn cùng trường Chu Văn An với em. Em đã gặp Tỉnh ở nhà ông ấy. - Ra vậy - Chị Đặng Thị Tâm nói với tôi - Hà Nội ta cũng nhỏ hẹp mà, quen biết nhau cả thôi. Thế nào, có vừa mắt không? Tôi bỗng thấy nóng tai, cười xòa: - Mới gặp có một lần ạ. - Thế là được rồi - Chị Tâm nhìn tôi cười, giao hẹn - Để chị thu xếp cho nhé. Một tuần sau. Chị nhắn tôi đến nhà chị và đã thấy Nguyệt Tỉnh ở đấy. Nàng có dáng vóc thanh mảnh cân đối của một tiểu thư khuê các, nước da trắng hồng, khuôn mặt trái xoan và nụ cười tươi như hoa nở, khá giống với dì ruột, cũng chắc hẳn nàng giống mẹ. Tuy có những e lệ ban đầu, nhưng nàng tỏ ra dễ gần, hóa ra khả năng “tán” của tôi cũng không đến nỗi nào. - Chú Lương luôn nói về anh - Nàng nói - nên em biết anh lâu rồi đấy. - Chú ấy nói xấu anh chứ gì. - Tôi cười. - Xấu... - Nàng đai miệng một cách dễ thương - xấu mà mấy đứa bạn cùng lớp em không hiểu sao cũng hay nhắc anh thế, bảo cái anh Nguyễn Đình Ngọc học giỏi, có khuôn mặt đẹp như Phan An tái thế kiêu lắm cơ, dễ gì để mắt đến ai. Bắt gặp cái nhìn trìu mến của nàng, tôi bỗng tiến lại gần hơn và thì thào vào tai nàng: - Để bớt “kiêu”, cho phép anh thường xuyên đến thăm em nhé. Lúc chia tay nàng không quên hẹn: mỗi tuần phải ba buổi đến nhà để phụ đạo cho những môn tự nhiên em học rất dở là toán, lý, hóa. Vậy là chẳng mấy chốc tôi đã có bạn gái, một hoa khôi của trường nữ sinh Đồng Khánh ở phố Hàng Bài và mối quan hệ buổi đầu của chúng tôi đúng như câu Kiều “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Một chiều chủ nhật, tôi đến rủ nàng đi chơi. Tôi thong thả đạp xe sát bên lề đường, nàng ngồi trên pooc-ba-ga phía sau, ngồi rất nghiêm lưng thẳng đơ. Đường phố vắng vẻ, thỉnh thoảng có một chiếc xe nhà binh GMC rình rình chạy qua làm những người đang đi vội dạt cả sang hai bên. Dạo này tin từ các mặt trận dội về, quân Pháp thua liểng xiểng, có thêm nhiều cuộc chuyển quân vội vã. Chúng tôi tạt vào vườn hoa Canh Nông gần Cửa Nam, tránh xa con đường chính chạy qua ga Hàng cỏ thường có các cuộc hành quân cơ giới gây tiếng động khó chịu. Xung quanh công viên hàng rào ô rô khá cao được xén cắt cẩn thận, biệt lập và yên tĩnh. Nổi lên giữa công viên là thảm hoa bướm trắng, đỏ, vàng, tím phấp phới trong nắng chiều. Khu vườn có nhiều cây to tán sum suê bóng che râm mát. Một cây bồ đề cổ thụ hết sức độc đáo, không biết được lai ghép từ bao giờ mà những cành nhánh tỏa ra xung quanh, chính giữa thân cây lại nhô lên một cây dừa mập mạp, tầu lá tươi tốt. Chúng tôi vào ngồi ghế đá tựa gốc bồ đề. Nàng ngửng lên chỉ chỗ lai ghép của cây, cười bảo: - Đẹp không? Đôi tình nhân ôm nhau. - Giống y như chúng mình vậy. - Tôi nói vui. - Không giống. - Nàng lắc đầu nũng nịu - Chúng chỉ đứng một chỗ, còn chúng mình bay nhẩy.
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #8 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2018, 11:27:02 pm »
Tôi liền quàng tay ôm eo nàng, thủ thỉ chuyện trò. Sau những chuyện trên trời dưới biển, nàng hỏi chuyện nhà và muốn biết tình tiết về ngày cha tôi bị thủ tiêu. Nghe kể xong, nàng hỏi: - Anh có căm thù quân Pháp không? - Sao lại không - Tôi nói - Họ đã giết cha anh trong khi ông đang làm một việc nhân đạo cứu chữa thương binh. - Chú rể em tuy làm Tổng trưởng trong chính phủ Quốc gia Việt Nam, nhưng vốn xuất thân đốc-tờ, khi nghe tin cha anh tử nạn ông cũng phẫn nộ lắm. Em còn có cậu ruột, đang học dở trường y, cách mạng nổ ra đi theo Việt Minh liền. Nghe nói giờ này cậu đang làm sếp gì ấy, cũng to cơ đấy. - Cậu Đặng Văn Việt chứ gì - Tôi nói - Anh đọc báo Pháp viết về chiến dịch Thu-đông 1947, Biên giới 1950, họ gọi cậu em là “Hùm xám đường số 4”. Quân Pháp sợ cậu lắm. - Cậu ấy đánh trận giỏi vậy, mà có mối tình đầu kỳ khu lắm - Nàng nói và nhìn tôi tủm tỉm. - Kỳ khu thế nào? - Tôi hỏi, ngồi xích lại gần hơn, cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn của nàng. Nàng cứ để yên tay trong tay, nhỏ nhẹ kể: - Cô ấy tên Lan Huê, con nhà tôn thất ở Huế, em gái một người bạn Việt Minh của cậu Việt. Mà cô lại thân với dì Tâm nhà mình. Hồi trước cách mạng hai nhà sát nhau, cô ấy hay vượt rào, tiếng là sang chơi với dì Tâm. Cô xinh đẹp yêu kiều, lại con nhà danh gia vọng tộc, làm cậu Việt mê tơi, loanh quanh mãi không biêt cách ngỏ lời, phải nhờ em gái làm mai... - Dì Tâm em rõ bà mối mát tay. - Tôi cắt ngang lời nàng rồi thơm nhẹ trên gò má nàng. Bỗng nàng cau mày ẩy ra, bảo: - Tốc độ quá nhỉ. Ngọn lửa tình chợt bừng dậy trong nguời, câu nói ấy của nàng chỉ làm tôi thêm tự tin. Thế là tôi xoay hẳn người nàng đối diện và thơm tiếp lên gò má bên kia, áp môi rõ lâu. Tôi đang còn ngây ngất trong mùi hương thơm ngát từ da thịt, mái tóc của nàng, thì nàng lại có vẻ “giận”, cau mày hỏi: - Có muốn nghe người ta kể nốt không đấy? - Có chứ! - Tôi ôm nàng ngồi im, tỏ ý trật tự đã được vãn hồi. Nàng nguýt thêm một cái, rồi nhỏ nhẹ kể tiếp: - Mọi suy nghĩ cậu Việt đều ghi vào nhật ký. Yêu mộng mơ lắm nhé, viện dẫn cả những bài thơ tình diễm lệ của các nhà thơ, như bài này của Xuân Diệu:Thơ ta hơ hớ chưa chồngTa yêu muốn cưới mà không thì giờMùa thi sắp tới. Em thơCái hôn âu yếm xin chờ năm sau. Còn dẫn cả câu của nhà triết học Pascal (Nàng đọc bằng tiếng Pháp, giọng khá chuẩn): Trái tim có những lý lẽ mà lý lẽ có khi không thể nào biết được... Hai người kết nhau lắm, chỉ còn chờ một lời ngỏ chính thức. Nhưng cậu Việt em có lẽ do bận việc học hành thi cử, rồi mới đỗ Đại học y Hà Nội nên chưa chủ động cầu hôn. Thế là một lần sang chơi, tình cờ cô Lan Huê thấy cuốn nhật ký của cậu để trên bàn liền mở xem, cô còn đưa về thưa chuyện với thầy mẹ. Bên nhà trai Tham tri Bộ Hình, bên nhà gái Thượng thư Bộ Công, thật môn đăng hộ đối, hai nhà liền đồng ý cho đôi bên tìm hiểu. Đúng lúc Cách mạng Tháng Tám nổ ra, cậu Việt xếp bút nghiên tham gia Giải phóng quân Huế, làm chỉ huy, có thời kỳ sang Lào chiến đấu bị sốt rét bụng báng, da vàng bủng, phải nhờ ông chú rể em chữa cho. Cô Lan Huê thì xung phong làm cứu thương mặt trận Huế, còn vào cả mặt trận Nha Trang nữa. Hai bên nội ngoại đều lo hai người hai nơi thế thì việc thông gia khó thành, liền gọi cả hai về Hà Nội tổ chức cưới sớm hơn dự kiến. Anh biết không, bây giờ mới đến chuyện kỳ khu. Cưới được một ngày, đã thấy cô Lan Huê vội vã khăn gói ra ga bảo về thăm nhà, còn cậu Việt sau khi tiễn cô cũng lẳng lặng khoác ba lô lên đường về đơn vị. Và từ đấy họ chia tay nhau mãi mãi. Hai nhà ngơ ngác không hiểu chuyện gì, về sau hỏi mãi cậu Việt mới chìa ra một bài thơ do mình sáng tác, bài thơ cũng kỳ khu lắm. Thế này nha: Đêm tân hôn thì có tân mà không có hôn Tuần trăng mật thì có trăng mà không có mật Hạnh phúc thì có hạnh mà không có phúc Vợ và chồng thì không có một phút là chồng là vợ. Nàng dừng kể. Không ngờ cuộc tình của đôi trai tài gái sắc ấy lại có cái kết vô tiền khoáng hậu như thế. Không ai có thể hình dung đêm tân hôn giữa “Hùm xám” và tiểu thư khuê các đã diễn ra như thế nào (về sau cả hai người đều có vợ có chồng, con cái đề huề và đặc biệt không thấy ai nặng lời trách móc ai). Tôi bỗng nói với nàng: - Hóa ra dì Tâm nhà mình không phải bà mối mát tay đâu nhỉ! - Anh bảo sao? Anh sợ à? Tôi thoáng nhận ra vẻ mặt lo lắng, trách cứ của nàng. Chúng tôi là “tác phẩm mới” của dì. Phủi phui. Xin nói lại: dì mát tay, chứ không có chuyện “kỳ cục” như đám trước đâu! Rồi tôi lại thơm lên gò má ửng mầu táo chín, đôi môi mọng đỏ của nàng thay cho một lời đính chính không còn cần thiết lúc này.
Logged
Giangtvx Thượng tá * Bài viết: 25560
Re: Đơn tuyến « Trả lời #9 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2018, 11:27:44 pm »
BƯỚC NGOẶT TRONG ĐỜI Từ đầu năm 1953, quân đội viễn chinh Pháp bị căng ra trên toàn chiến trường Đông Dương, đặc biệt bị hút vào “canh bạc” được ăn cả ngã về không là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chốt tại miền Tây Bắc xa xôi. Chúng tăng cường bắt lính ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... Nhiều học sinh, sinh viên đang học dở phải nhập ngũ. Phan Huy Lương bạn tôi do con nhà gia thế, vừa tập trung đã được gọi đi học sĩ quan lục quân ngay. Nỗi lo quân dịch luôn ám ảnh gia đình tôi. Có lần mẹ đến chỗ trọ của anh em tôi nhắc nhở: Có lẽ con phải nhịn ăn cho thấp bé nhẹ cân để không đủ tiêu chuẩn đăng lính. Chúng tôi đang tuổi ăn tuổi ngủ, hẳn mẹ phải cầm lòng lắm mới “bắt” chúng tôi làm điều như vậy. Không nhịn ăn tôi đã gày gò, cao một mét năm tám, nặng có ba mươi tám cân. Nhưng tôi thấy sức lực mình vẫn dồi dào, học suốt đêm không mệt. Tôi cũng thử nhịn vài bận, thành ra ăn uống thất thường người càng rộc đi. Lần khác mẹ lại chê tôi dạo này gầy, xanh và buồn rầu bảo: Con không thể cứ nhịn ăn mãi được, tránh được lính mà không tránh được bệnh tật thì cũng vậy cả thôi. Làm sao tôi có thể đứng trong đội ngũ của những kẻ đã giết cha mình! Một hôm tôi nghĩ: nếu vào trường dòng học làm linh mục thì khỏi phải đi lính. Tôi liền lên nhà dòng Bắc Ninh hỏi, các thầy tu ở đấy bảo đã có mấy linh mục trẻ nhập ngũ đợt vừa rồi. Trở về, tôi bàn kỹ với mẹ và em trai, tốt nhất vào vùng tự do ở Liên khu 4, vừa để tránh quân dịch, vừa tìm đầu mối cách mạng xin thoát ly. Một người bạn cũng về quê trốn quân dịch mách tôi: Không nên đi bằng đường bộ dễ bị khám xét, hàng tuần vẫn có chuyến bay của hãng Autrex vào xứ đạo Bùi Chu - Phát Diệm, theo đường đó an toàn hơn. Tôi sang sân bay Gia Lâm với bộ đồ linh mục và dễ dàng mua được vé. Đến Phát Diệm thuộc tỉnh Ninh Bình không gặp phải rắc rối nào, có thẻ căn cước hợp lệ, là sinh viên bỏ học đi tìm việc làm. Và điều may mắn, trên chuyến bay ngắn ngủi hôm đó, tôi tình cờ quen một người bạn, nhờ anh đã tìm đúng địa chỉ, nơi mà trong tâm trí lúc khởi hành tôi không thể nào nghĩ tới: Công an Liên khu 4. Trên máy bay, ngồi bên tôi một thanh niên vạm vỡ có nước da bánh mật. Suốt gần một giờ bay anh không nói gì, cũng chẳng nhìn sang tôi lần nào. Tôi thì mải giở cuốn sách toán vi tích phân của Valiron ra đọc lại, ngẫm ngợi về các bài toán khó để giết thì giờ. Đến Phát Diệm, tôi sấp ngửa bước ra khỏi nhà ga định bụng sẽ tìm chỗ mua vé ô tô đi Vinh ngay. Bỗng có ai chạy theo sau, gọi với: - Anh bỏ quên cái này. Tôi sững lại, người ấy chính là anh thanh niên ngồi cạnh trên máy bay ban nãy, suốt chặng chẳng ai nói với ai lời nào. Anh đưa tôi cái khăn tay trắng có thêu hoa cùng con chim hòa bình, vật kỷ niệm Nguyệt Tỉnh tặng tôi hôm chia tay ở sân bay Gia Lâm. Tôi để nó trong cặp xách tay, trên máy bay có lúc rút ra ngắm nghía, rồi tiện thể đút ngay vào túi quần, mải đọc khăn roi lúc nào không hay. Lúc mọi người lục tục xuống máy bay, anh phát hiện cái khăn trên ghế định đưa trả, do tôi đi trước luồn ra quá nhanh, anh phải theo mãi mới kịp. Tôi cảm ơn nhận lại cái khăn, anh cười với vẻ mặt thật hồn nhiên, hỏi: - Người thương tặng? Tôi gật. Anh hỏi tiếp: - Anh bao nhiêu tuổi? - Hai mốt. Còn anh? - Mình hơn ba tuổi, - Anh lại cười vui - mà thua, đã có mảnh tình vắt vai nào đâu. Giờ mới thấy anh thật trẻ trung, dáng vóc cường tráng, dường như tương phản với vẻ thư sinh ốm o của tôi. - Anh về đâu? Anh ta hỏi tiếp. - Định mua vé ô tô Vinh. - Ô, làm gì còn ô tô đi Vinh nữa! cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa bị đánh sập rồi. Tôi cũng đi Vinh. Thế này vậy, ta cùng cuốc bộ. Trăm cây số đường tắt, có bạn vừa đi vừa nói chuyện chóng đến lắm. Mệt đâu nghỉ đấy. Được không nào? Thế là suốt chặng dài chúng tôi cứ rì rầm chuyện trò không lúc nào dứt. Quên mệt. Anh tên Đào Hữu Thành, quê Vĩnh Yên, vào Vinh làm công nhân sở điện. Anh kể, cùng quản đốc xưởng cơ điện ra Hà Nội mua sắm một số thiết bị phụ tùng thay thế cho máy phát điện, quản đốc có nhà ngoại thành, đã xin giám đốc nhà máy cho ở lại chơi vài ngày, còn anh mang đồ thay về trước. Tôi cũng kể sơ sơ hoàn cảnh của mình và nói thật là vào đây để trốn quân dịch, tìm việc làm...
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 Lên
In
« Trước Tiếp »
Chuyển tới: Chọn nơi chuyển đến: ----------------------------- Thông tin chung ----------------------------- => Bảng tin => Chung sức xây dựng website ===> Trao đổi thông tin về sách ===> Mặt trận Wiki => Giúp đỡ tìm người ----------------------------- Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam ----------------------------- => Cha ông ta đánh giặc => Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tài liệu nước ngoài => Tự dịch => Văn học chiến tranh ----------------------------- Thảo luận Lịch sử bảo vệ Tổ quốc ----------------------------- => Từ thuở mang gươm đi mở cõi... => Quyết tử cho Tổ quốc... => Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước... => Anh ở biên cương... => Từ cây giáo đến khẩu súng... => Kiến thức quốc phòng ----------------------------- Máu và Hoa ----------------------------- => Một thời máu và hoa => Về người lính hôm nay => Hình ảnh - Kỷ vật => Về lại chiến trường xưa... ----------------------------- Văn hoá - Thể thao - Giao lưu ----------------------------- => Quán nước cổng doanh trại => Du lịch => Xem phim bãi => Văn công => Chiến sỹ khoẻ ----------------------------- Chợ xép ngoài rào doanh trại ----------------------------- => Hàng sách cũ
Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM
Loading...

Từ khóa » đơn Tuyến