Đông Anh, Gia Lâm Tiến Sát Tiêu Chí Lên Quận - Tiền Phong

Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Đức, cả 5 huyện trong đề án lên quận là Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng đều đã xây dựng lộ trình và dự kiến thời gian hoàn thành (từ 2022 đến 2025) nhưng khả năng hoàn thành đề án của 5 huyện với mốc thời gian 2025 là khó khả thi.

Xét về tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị, Đông Anh đang là huyện sáng giá nhất về hạ tầng. Đại diện UBND huyện Đông Anh cho biết, huyện đã xây dựng 15 đề án nhằm hoàn thành nhanh nhất các tiêu chí lên quận. Ngoài ra các đại dự án cũng góp phần đảm bảo các tiêu chí hạ tầng cho huyện. Đó là các dự án Công viên Kim Quy (136ha), Công viên phần mềm (78,1ha), Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (90ha), Thành phố thông minh (gần 200ha)... “Đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng dự án Thành phố thông minh đã thực hiện được gần 70ha, cùng diện 55,9ha đã được thành phố bàn giao để thực hiện hồ điều hòa cho dự án”, đại diện UBND huyện thông tin.

Huyện Đông Anh còn 1 tiêu chí chưa đạt là tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, song để hoàn thành tiêu chí này, phải đầu tư hệ thống thu gom dẫn nước thải trên địa bàn huyện về Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long. Hiện nay, dự án này chưa được đầu tư. Huyện đang đề xuất cơ chế đầu tư xây dựng các trạm xử lý cục bộ tại thôn Thiết Úng, Vân Hà...

Cùng dự kiến lên quận vào năm 2023, Gia Lâm còn 2 tiêu chí chưa đạt là cân đối thu, chi ngân sách và cơ sở y tế cấp đô thị. Để hoàn thành tiêu chí Cơ sở y tế cấp đô thị, huyện phải hoàn thành dự án Bệnh viện Đa khoa. Dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025 của Thành phố song còn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Huyện đang lập đề xuất chủ trương đầu tư để trình HĐND thành phố phê duyệt.

Ngoài 2 huyện phấn đấu lên quận vào năm 2023, danh sách đánh giá lần này đánh tụt hạng huyện Hoài Đức do vẫn dừng ở mức đạt 22/27 tiêu chí. Đại diện UBND huyện cho biết, đối với tiêu chí về giao thông, dự kiến huyện sẽ hoàn thành trong năm 2022 và các xã, thị trấn sẽ đạt tiêu chí này trong năm 2023. Huyện cũng đang đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, hạ tầng Khu đô thị Nam An Khánh, Khu đô thị Đại học Vân Canh, Khu đô thị Anh Khánh - An Thượng…

Tiêu chí y tế khó đạt hơn, bởi cần điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị S2 để đầu tư mở rộng Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (quy mô 500 giường bệnh) và thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng bệnh viện đa khoa tại khu vực La Phù, An Khánh. “Tiêu chí y tế của huyện dự kiến hoàn thành trong năm 2024”, đại diện UBND huyện nói.

Sở KH&ĐT đánh giá việc hoàn thành Đề án của cả 5 huyện đến năm 2025 là khó khả thi. Do đó, Sở đề xuất Ban Chỉ đạo xem xét, điều chỉnh lộ trình thực hiện đề án của 5 huyện Cụ thể, Đông Anh và Gia Lâm sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2022-2025; 3 huyện còn lại rà soát, báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét điều chỉnh giãn tiến độ hoàn thành Đề án.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Bộ Chính trị cho phép Hà Nội báo cáo Chính phủ, Quốc hội để triển khai một số chính sách lớn và đây là cơ sở pháp lý để yên tâm, quyết tâm làm.

Trần Hoàng

Từ khóa » Gia Lâm Lên Quận Năm Bao Nhiêu