Đồng Bạc Đông Dương – Wikipedia Tiếng Việt

Đối với các định nghĩa khác, xem Đồng (định hướng).
Đồng bạc Đông Dương
Tờ bạc 100 đồng Đông Dương, 1954Đồng tiền kim loại 1885
Ngân hàng trung ươngNgân hàng Đông Dương
Sử dụng tại Liên bang Đông Dương
Đơn vị nhỏ hơn
 1/100cent
Ký hiệup
Tiền kim loại¼, ½, 1, 5, 10, 20, 50 cents, 1 piastre
Tiền giấy10, 20, 50 cents, 1, 5, 10, 20, 50, 100, 200, 500 piastre
Hộp thông tin này hiển thị trạng thái mới nhất trước khi tiền tệ này bị loại bỏ.

Đồng Đông Dương (tiếng Pháp: piastre) đơn vị tiền tệ người Pháp cho phát hành và lưu thông[1] tại Đông Dương thuộc Pháp trong thời gian từ năm 1885 đến năm 1954.

Đơn vị đếm và tên gọi của chúng

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiền Đông Dương được chia thành các đơn vị piastre, cent/centimesapèque. Một piastre bằng 100 cent. Một cent lại bằng 2-6 sapèque tùy theo triều đại. Theo tỷ lệ đó thì một đồng bạc Đông Dương có giá trị từ 200 đến 600 đồng tiền cổ truyền của người Việt.[2] Mặt trước của các tờ tiền giấy hoặc tiền kim loại ghi bằng tiếng Pháp. Mặt sau ghi bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Lào và chữ Khmer, song cũng có lúc chỉ ghi chữ Pháp.

Piastre phiên dịch sang chữ Hán thành 元 (nguyên); thông dụng gọi là đồng, hoặc đồng bạc hay thậm chí ngắn gọn là bạc (khi tiền Đông Dương còn theo chế độ bản vị bạc cho đến tháng 5 năm 1930), hoặc đồng vàng (khi tiền Đông Dương theo chế độ bản vị vàng từ tháng 5 năm 1930 về sau). Cent tức sou khi phiên âm sang chữ quốc ngữ thành xu. Người Việt Nam còn có thói quen gọi các tiền mệnh giá hàng chục xu trở lên là cắc (gọi chệch từ âm giác của chữ Hán 角). Về sau, người Pháp viết chính thức bằng chữ quốc ngữ là hào và bằng chữ Hán là 毛 (mao). Sapèque tục gọi là đồng kẽm hay đồng điếu là đơn vị có giá trị nhỏ nhất.

Từ đó, ta có cách gọi và mệnh giá của đồng tiền Đông Dương như sau.

Mệnh giá lớn nhất Đồng Bạc/Đồng Vàng (Piastre) 1 Đồng có giá tầm 200 - 600 đồng tiền cổ Việt Nam.

1 Đồng bạc bằng 100 Xu (Sou /Cent/Centime)

1 Cắc/Hào tương đương 10 Xu trở lên.

1 Xu bằng 2 - 6 đồng kẽm/đồng điếu (Sapèque). Đây là đồng tiền có mệnh giá thấp nhất.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiền kim loại

[sửa | sửa mã nguồn]
Xu bạc 8 reales Mexico, đúc năm 1890

Đồng bạc Đông Dương được phát hành để ổn định tình hình tiền tệ tại các xứ thuộc địa của Pháp. Ban đầu đồng Đông Dương mang giá trị tương đương với đồng peso Mexico, thường gọi là đồng hoa xòe, đồng con cò [3] hay đồng con ó khi đó đang được lưu hành rộng rãi trong khu vực. Đồng con cò trị giá 600 đồng tiền kẽm (tức đồng điếu), bằng giá với một quan tiền cổ truyền.[4]

Để có đơn vị nhỏ hơn để tiêu dùng, chỉ vài năm sau khi chiếm được Nam Kỳ, người Pháp giao cho Ngân hàng Đông Dương nhiệm vụ đúc ra đồng centime, tức đồng 1 xu vào năm 1875, trị giá 5 đồng kẽm. Đồng centime hình tròn nhưng đục thêm một lỗ bầu dục ở giữa tương tự như loại tiền cũ của người Việt vì dân bản xứ quen lối xỏ dây xách đi thành một xâu. Năm 1879 thì thay thế đồng centime cũ bằng đồng cent mới, kích thước lớn hơn nhưng giữ tỷ lệ giá trị 5 đồng kẽm. Dân Việt gọi đồng cent đó là đồng xu lá bài hay đồng chiêm (gọi trại centime). Ngoài ra còn có những đồng 10 centimes, 20 centimes (tục gọi là đồng góc tư), 50 centimes (tục gọi là đồng ru-bi) và giá trị lớn nhất là 1 piastre tức $1. Thay vì đục lỗ ở giữa, những đồng tiền này xóa hẳn biểu tượng của cựu triều và thay thế bằng dòng chữ République françaiseCochinchine française. Mặt kia có hình biểu tượng nước Pháp: Marianne. Người Việt quen dần gọi đồng bạc 1 piastre đầu tiên đó của Ngân hàng Đông Dương là bạc hoa xòe giống như đồng peso Mexico cũ vì phía sau Marianne có vầng hào quang tia sáng tỏa ra như cánh hoa. Đồng piastre với trọng lượng 27,125 gr này được lưu hành với mục đích dần loại bỏ tiền đồng con cò.[5]

Tiền giấy đầu tiên

[sửa | sửa mã nguồn]

Về tiền giấy thì tờ giấy bạc Đông Dương được lưu hành đầu tiên ở Nam kỳ. Sắc lệnh của Tổng thống Pháp ra ngày 5 tháng 7 năm 1881 đã quy định đồng bạc Đông Dương là đơn vị dùng trông việc giữ sổ sách cùng soạn ngân sách, và kể từ niên khóa 1882, mọi việc thu chi đều phải dùng đơn vị này.[6]

Sau khi Pháp tiếp tục gây hấn ở Đông Dương và triều đình Huế phải chấp nhận Hòa ước Quý Mùi ngày 25 tháng 8 năm 1883 thì một đồng bạc Đông Dương được quyền lưu hành tự do ở cả hai xứ Trung kỳ và Bắc kỳ. Vì vậy vào cuối thế kỷ 19 ở Việt Nam, trên toàn quốc có ba loại tiền cùng lưu hành một lúc: tiền Việt Nam (tiền, quan tiền - tiền đồng, tiền kẽm), peso México, và đồng bạc Đông Dương.[7] Dần dà những thể tiền cũ bị loại bỏ và riêng đồng Đông Dương chiếm vị thế duy nhất kể từ năm 1906 khi có lệnh hủy bỏ giá trị lưu hành pháp lý của đồng peso México.

Giá trị

[sửa | sửa mã nguồn]
Mặt trước của đồng 5 piastre
Hối suất đồng bạc Đông Dương: franc Pháp
1885 1914 1920 1930 1945 1953
4,5[8] 2,5[9] 16,5[9] 10 17 10

Đồng bạc Đông Dương giữ bản vị bạc nhưng vì giá bạc dao động nên năm 1895 đồng $1 được đúc lại với trọng lượng giảm từ 27,215 gr xuống còn 27 gr chẵn. Năm 1920 giá trị của đồng bạc Đông Dương dựa vào đồng Franc Pháp. Bản vị bạc lại được phục hồi vào năm 1921 và giữ đến tháng 5 năm 1930 thì trở lại ràng buộc vào đồng Franc Pháp theo tỷ giá 1 đồng Đông Dương = 10 franc. Từ tháng 5 năm 1930 đến năm 1939, nó theo bản vị vàng. Trong thời kì Nhật chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, tỷ giá với đồng yen Nhật là 0,976 đồng = 1 yen. Sau chiến tranh, tỷ giá với đồng franc Pháp lại được khôi phục. Tuy nhiên, tháng 12 năm 1945, để tránh sự mất giá của đồng franc, tỷ giá hối đoái đã bị thay đổi thành 1 đồng = 17 franc.

Năm 1946, "tiền cụ Hồ" được phát hành và được sử dụng ở vùng do Việt Minh kiểm soát song song với đồng bạc Đông Dương. Trong khi đó Viện Phát hành Quốc gia Việt, Miên, Lào (Institut d'Emission des Etats du Cambodge, du Laos et du Viet-Nam) thành lập năm 1951 bắt đầu cho lưu hành loại tiền tệ mới trong thời kỳ chuyển tiếp từ Liên bang Đông Dương sang ba nước riêng với đồng kip của Lào (1952), riel của Campuchia (1953), và đồng Quốc gia Việt Nam (1953) lần lượt phát hành và sử dụng song song với đồng bạc cũ. Tiền giấy thì có hai dạng: một kiểu chung cho cả ba nước Việt, Miên, Lào; kiểu kia là riêng cho mỗi nước. Tiền kim loại thì ngay từ khởi đầu đã đúc riêng cho mỗi xứ. Tỷ giá 1 đồng = 10 franc được khôi phục vào năm 1953. Tờ tiền giấy ghi 2 mệnh giá tiếp tục lưu hành cho đến năm 1955 tại Việt Nam Cộng hòa và Campuchia, và mãi đến năm 1957 tại Lào.

Tiền kim loại

[sửa | sửa mã nguồn]
Piastre 1885

Năm 1885, tiền đồng trị giá 1 xu, tiền bằng bạc trị giá 10, 20, 50 xu, và 1 đồng được phát hành. Tiếp theo là các đồng trinh bằng đồng đục lỗ phát hành năm 1887. Năm 1895 các đồng xu bằng bạc bị giảm khối lượng, do giảm tỉ lệ tiền so với bạc. Từ năm 1896, đồng 1 xu cũng có lỗ. Năm 1923, phát hành đồng 5 xu bằng hợp kim cupro-nickel đục lỗ, tiếp theo là đồng nửa xu đục lỗ bằng đồng vào năm 1935.

Năm 1939, đồng nửa xu bằng kẽm và các loại đồng 10 và 20 xu bằng nickel và cupro-nickel được phát hành. Các đồng xu État Française được phát hành trong thời gian 1942 và 1944 với các mệnh giá ¼, 1 và 5 xu. Cả ba loại này đều có lỗ, đồng ¼ xu bằng kẽm, hai đồng kia bằng nhôm. Năm 1945, các đồng 10 và 20 xu bằng nhôm được phát hành, theo sau là các đồng 5 xu và 1 đồng bằng nhôm không đục lỗ. Những đồng tiền kim loại cuối cùng được phát hành dưới tên "Liên bang Đông Dương".

Những đồng tiền kim loại kip đầu tiên của Lào ra đời năm 1952, trong khi các đồng Việt Nam và đồng riel Campuchia ra đời năm 1953.

Tiền giấy

[sửa | sửa mã nguồn]
Đồng bạc Đông Dương tờ $100 ghi Hán tự: Đông phương hối lý ngân hàng tức Ngân hàng Đông Dương

Theo nghị định ngày 21 Tháng Giêng, 1875 thì Ngân hàng Đông Dương cho lưu hành những tờ giấy bạc đầu tiên với ba mệnh giá: $5, $20, và $100. Loại này mặt trước ghi bằng hai thứ tiếng Pháp và Anh. Mặt sau ghi chữ Hán: Đông phương hối lý ngân hàng (東方滙理銀行). Trên các tờ giấy bạc thường có ghi dòng chữ:

L'art. 139 du code pénal punit des travaux forcés ceux qui auront contrefait ou falsifié les billets de banques autorisées par la loi.

Tạm dịch:

Điều 139 bộ luật hình sự quy định những kẻ làm giả giấy bạc, phát hành bởi các ngân hàng được pháp luật cấp phép, sẽ nhận hình phạt lao động khổ sai.

Kỳ thứ nhì năm 1893-6 thêm tờ $1; kỳ thứ ba 1903-7 thì bỏ phần tiếng Anh nhưng ghi thêm xuất xứ: Cao Miên (高綿), Lục Tỉnh (六省) cho khu vực miền nam và Đông Kinh (東京), An Nam (安南) cho khu vực miền bắc vì lúc đó đã hình thành Liên bang Đông Dương. Tổng cộng có nhiều thay đổi ít nhiều về hình thức, màu sắc. Tờ $20 được người Việt gọi là tờ "hoảnh", đọc trại âm "vingt" của Pháp.

Bắt đầu từ năm 1919 thì in thêm những tờ với mệnh giá: 10 cents, 20 cents, 50 cents.[10] Sau cuộc Đại khủng hoảng kinh tế, đồng tiền mất giá nên đợt phát hành 1936-9 Nhà nước phải cho phát hành tờ $500. Năm 1940 với biến động chính trị ở chính quốc, Đệ tam Cộng hòa Pháp sụp đổ, bị thay thế bới chính phủ Vichy chủ trương hợp tác với Nhật Bản thì bên Đông Dương cho phát một loạt tiền giấy mới. Loại tiền này in thêm dòng chữ Phủ Toàn quyền Đông Dương (Gouvernement General de l'Indochine) thay vì Banque de l'Indochine như những tờ giấy bạc trước kia. Những tờ 10 cents, 20 cents, và 50 cents rồi tiếp theo là tờ 5 cents xuất hiện từ năm 1942 đến 1944. Tuy nhiên cũng trong khoảng thời gian đó thì những tờ giấy bạc mệnh giá $1 đến $500 vẫn giữ dòng chữ Banque de l'Indochine.[11]

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai người Pháp tái chiếm Đông Dương. Tình hình xáo trộn nên mãi đến năm 1947 mới phát hành những mẫu tiền mới, trong đó xuất hiện tờ $50 lần đầu tiên.[12]

Năm 1952, Institut d'Emission des Etats du Cambodge, du Laos et du Vietnam (Viện Phát hành Quốc gia Việt, Miên, Lào) đảm nhận việc phát hành mẫu tiền giấy riêng cho mỗi nước nhưng có giá trị khắp ba nước. Chân dung vua Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, và quốc vương Sisavang Vong xuất hiện trên tờ $1. Danh xưng piastre được dùng song hành với những tên bản xứ: riel cho Campuchia, kip của Lào, và đồng của Việt Nam. Tại Campuchia, các tờ bạc có mệnh giá 1, 5, 10, 100, và 200 đồng/riel được phát hành. Tại Lào là các tờ bạc 1, 5, 10 và 100 đồng/kip. Còn ở Nam Việt Nam là các tờ bạc 1, 5, 10, 100 và 200 đồng/đồng Việt Nam. Loại tiền này đến năm 1955 thì bị thu hồi, nhường chỗ cho tiền tệ của các quốc gia trên bán đảo Đông Dương.

Ghi chú

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Trên thực tế, một thời gian ngắn khi Nhật thay Pháp và một mình cai trị Đông Dương, tiền này được người Nhật phát hành (in tại Nhật Bản) và cho lưu thông. Tiền Đông Dương do Nhật Bản phát hành không có chữ Nhật.
  2. ^ Phạm Thăng. tr 159
  3. ^ “đồng tiền ngoại thương thế kỷ 19”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2009.
  4. ^ Phạm Thăng. tr 325
  5. ^ Phạm Thăng. tr 325-6
  6. ^ “Tiền giấy nước ta qua các thời kỳ lịch sử”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 11 năm 2007. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2007.
  7. ^ Những sự kiện lịch sử ngày 25.08 Lưu trữ 2008-01-18 tại Wayback Machine trên báo Người Viễn Xứ
  8. ^ Bianconi. tr 25
  9. ^ a b "Exchange Rate and Monetary Policies in Indochina during the Colonial Period"
  10. ^ Phạm Thăng. tr 222
  11. ^ Phạm Thăng. tr 239-56
  12. ^ Phạm Thăng. tr 257

Xem thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Đông Dương thuộc Pháp
  • Chiến tranh thế giới thứ nhất
  • Đô la thương mại

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Bianconi, F. Cartes commerciales phyiques, adminsitratives et routières Tonkin. Paris: Imprimerie Chaix, 1886.
  • Phạm Thăng. Tiền tệ Việt Nam theo dòng lịch sử. Toronto: ?, 1995.
  • Krause, Chester L. & Clifford Mishler (1991). Standard Catalog of World Coins: 1801-1991 (ấn bản thứ 18). Krause Publications. ISBN 0-87341-150-1.
  • Krause, Chester L. & Clifford Mishler (2003). 2004 Standard Catalog of World Coins: 1901-Present. Colin R. Bruce II (biên tập cấp cao) (ấn bản thứ 31). Krause Publications. ISBN 0-87349-593-4.
  • Pick, Albert (1994). Standard Catalog of World Paper Money: General Issues. Colin R. Bruce II and Neil Shafer (editors) (ấn bản thứ 7). Krause Publications. ISBN 0-87341-207-9.
  • Pick, Albert (1996). Standard Catalog of World Paper Money: General Issues to 1960. Colin R. Bruce II and Neil Shafer (editors) (ấn bản thứ 8). Krause Publications. ISBN 0-87341-469-1.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Diễn đàn về sưu tầm tiền Việt Nam Lưu trữ 2010-01-03 tại Wayback Machine
  • x
  • t
  • s
Lịch sử kinh tế Việt Nam
Thờikì
  • Hồng Bàng và An Dương Vương
  • Bắc thuộc lần 1
  • lần 2
  • lần 3
  • Đinh
  • Tiền Lê
  • Trần
  • Hồ
  • Bắc thuộc lần 4
  • Lê sơ
  • Nam Bắc triều
  • Đàng Ngoài
  • Đàng Trong
  • Tây Sơn
  • Nguyễn
  • Pháp thuộc
  • VNDCCH
  • VNCH
  • Bao cấp
  • Đổi Mới
Lĩnhvực
Nông nghiệp
  • Tiền Lê
  • Trần
  • Lê sơ
  • Mạc
  • Đàng Ngoài
  • Đàng Trong
  • Tây Sơn
  • Nguyễn
Thủ công nghiệp
  • Tiền Lê
  • Trần
  • Lê sơ
  • Mạc
  • Đàng Ngoài
  • Đàng Trong
  • Tây Sơn
  • Nguyễn
Thương mại
  • Tiền Lê
  • Trần
  • Lê sơ
  • Mạc
  • Đàng Ngoài
  • Đàng Trong
  • Tây Sơn
  • Nguyễn
Tiền tệ
  • Bắc thuộc
  • Đinh
  • Tiền Lê
  • Trần
  • Hồ
  • Lê sơ
  • Nam Bắc triều
  • Đàng Ngoài
  • Đàng Trong
  • Tây Sơn
  • Nguyễn
  • Pháp thuộc
  • VNDCCH
  • VNCH
  • MTDTGPMNVN
  • CHXHCNVN
  • x
  • t
  • s
Nhà Nguyễn
Tổng quan
  • Thời kỳ độc lập (1802–1883)
  • Trung Kỳ và Bắc Kỳ (1883–1945)
  • Đế quốc Việt Nam (1945)
Lịch sử
Việt Nam độc lập / Đại Nam(Nhà Nguyễn thời độc lập)
  • Chúa Nguyễn
  • Đàng Trong
  • Nam tiến
    • Nam Kỳ Lục tỉnh
  • Thành Gia Định
  • Đàn áp Công giáo ở Việt Nam vào thế kỷ 19
    • Cuộc đàn áp Công giáo của Tự Đức
  • Phong trào Văn Thân
Liên bang Đông Dương(Pháp thuộc)
  • Chiến tranh Pháp–Đại Nam
  • Phong trào Cần Vương
  • Đại thảm sát chuột ở Hà Nội
  • Triển lãm Hà Nội
  • Phong trào Đông Du
  • Duy Tân hội
  • Hà Thành đầu độc
  • Việt Nam trong Chiến tranh thế giới thứ nhất
  • Việt Nam Quang phục Hội
  • Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên
  • Việt Nam Quốc dân Đảng
  • Phong trào Le Travail
  • Đảng Cộng sản Việt Nam
    • Phú Riềng Đỏ
    • Việt Minh
  • Việt Nam trong Chiến tranh thế giới thứ hai
Thời kỳ Nhật thuộc
  • Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương
  • Nạn đói năm Ất Dậu, 1944–1945
  • Chiếu thoái vị của Bảo Đại
  • Tuyên ngôn độc lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Chính quyền
Hoàng đế
  • Gia Long (1802–1820)
  • Minh Mạng (1820–1841)
  • Thiệu Trị (1841–1847)
  • Tự Đức (1847–1883)
  • Dục Đức (1883)
  • Hiệp Hòa (1883)
  • Kiến Phúc (1883–1884)
  • Hàm Nghi (1884–1885)
  • Đồng Khánh (1885–1889)
  • Thành Thái (1889–1907)
  • Duy Tân (1907–1916)
  • Khải Định (1916–1925)
  • Bảo Đại (1925–1945)
Các Bộ, cơ quan
  • Đô sát viện
  • Đại lý tự
  • Quang lộc tự
  • Thái bộc tự
  • Thái thường tự
  • Hàn lâm viện
  • Viện Dân biểu Trung Kỳ
  • Tông Nhân phủ
  • Nội vụ phủ
  • Quốc Tử Giám
  • Lục bộ
  • Bộ Giáo dục
  • Nội các
  • Viện cơ mật
Biểu tượng
  • Quốc huy
  • Đăng đàn cung
  • Cờ Long tinh
  • Tên gọi quốc gia thời nhà Nguyễn
  • Bửu tỷ triều Nguyễn
  • Rồng Việt Nam
Hành chính cấp tỉnh
  • Đề đốc
  • Tuần phủ
  • Tổng trấn
Hành chính theo Pháp
  • Khâm sứ Trung Kỳ
  • Thống sứ Bắc Kỳ
Quan lại nổi bật
  • Bạch Xuân Nguyên
  • Cao Xuân Dục
  • Jean-Baptiste Chaigneau
  • Jean Marie Despiau
  • Hoàng Cao Khải
  • Hoàng Diệu
  • Hoàng Kế Viêm
  • Michael Hồ Đình Hy
  • Lê Chất
  • Ngô Đình Diệm
  • Ngô Đình Khả
  • Ngô Đình Khôi
  • Nguyễn Trường Tộ
  • Nguyễn Huỳnh Đức
  • Nguyễn Văn Tâm
  • Nguyễn Văn Tồn
  • Nguyễn Văn Nhơn
  • Phan Văn Thúy
  • Phạm Quỳnh
  • Phạm Thận Duật
  • Phan Đình Phùng
  • Phan Thanh Giản
  • Phan Thanh Liêm
  • Nguyễn Tri Phương
  • Thân Văn Nhiếp
  • Nguyễn Ngọc Thơ
  • Thoại Ngọc Hầu
  • Tôn Thất Đính
  • Tôn Thất Thuyết
  • Trần Trọng Kim
  • Trần Cao Vân
  • Đặng Huy Trứ
  • Trương Định
  • Trương Minh Giảng
  • Trương Tấn Bửu
  • Nguyễn Văn Tường
  • Philippe Vannier
Quân đội
Các trận đánh/chiến tranh
  • Chiến tranh Tây Sơn – Chúa Nguyễn
    • Quan hệ giữa Nguyễn Ánh và người Pháp
  • Việt Nam xâm lược Campuchia
  • Cuộc nổi loạn Campuchia (1811–1812)
  • Nổi dậy ở Campuchia (1820)
  • Cuộc nổi dậy Ja Lidong
  • Cuộc nổi dậy Phan Bá Vành
  • Nổi dậy ở Lào (1826–1828)
  • Chiến tranh Việt – Xiêm (1833–1834)
  • Cuộc nổi dậy Nduai Kabait
  • Cuộc nổi dậy Nông Văn Vân
  • Phong trào Hồi giáo Katip Sumat
  • Khởi nghĩa Ja Thak Wa
  • Cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi
  • Nổi dậy ở Campuchia (1840)
  • Chiến tranh Việt – Xiêm (1841–1845)
  • Vụ bắn phá Đà Nẵng (1847)
  • Chiến dịch Nam Kỳ
  • Chiến dịch Bắc Kỳ
    • Biến cố Bắc Kỳ (1873)
    • Chiến tranh Pháp–Thanh
  • Phong trào Cần Vương
  • Khởi nghĩa Yên Thế
  • Bình định Bắc Kỳ
  • Khởi nghĩa Thái Nguyên
  • Khởi nghĩa Giàng Pả Chay
  • Khởi nghĩa Yên Bái
  • Xô Viết Nghệ Tĩnh
  • Cách mạng Tháng Tám
Cá nhân quân sự nổi bật
  • Hoàng Kế Viêm
  • Lê Văn Duyệt
  • Lê Văn Khôi
  • Nguyễn Cư Trinh
  • Nguyễn Huỳnh Đức
  • Nguyễn Văn Thành
  • Nguyễn Văn Tồn
  • Nguyễn Văn Nhơn
  • Nguyễn Tri Phương
  • Phan Văn Thúy
  • Trương Minh Giảng
Khu hành chính đặc biệt
  • Chăm Pa
    • Thuận Thành trấn
  • Hà Tiên trấn
  • Khu tự trị Thái
  • Thủy Xá - Hỏa Xá
  • Bồn Man
  • Trấn Tây Thành
Kinh thành vàlăng tẩm
Kinh thành
  • Hoàng thành Huế
    • Ngọ Môn
Lăng tẩm
  • Lăng Gia Long
  • Lăng Tự Đức
  • Lăng Dục Đức
  • Lăng Khải Định
Xã hội và Văn hóa
  • Áo dài
  • Đại Nam nhất thống chí
  • Đại Nam thực lục
  • Hoàng Lê nhất thống chí
  • Khâm định Việt sử Thông giám cương mục
  • Khăn vấn
  • Mộc bản triều Nguyễn
Giáo dục
  • Khoa cử
    • Khoa bảng Việt Nam
  • Quốc Tử Giám
  • Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học
  • Hội Trí Tri
  • Đông Kinh Nghĩa Thục
Tiền tệ
Đồng
  • Tự Đức Thông Bảo
  • Tự Đức Bảo Sao
  • Khải Định Thông Bảo
  • Bảo Đại Thông Bảo
Đơn vị tiền tệ
  • Văn
  • Mạch
  • Quán
  • Tiền
Tiền tệ thuộc địa
  • Đồng bạc Đông Dương
Luật pháp
  • Hương ước
Hòa ước
  • Nhâm Tuất 1862
  • Quý Hợi 1863
  • Giáp Tuất 1874
  • Quý Mùi 1883
  • Giáp Thân 1884
Huân chương vàhuy chương
  • Bài
  • Đại Nam Long tinh
  • Kim khánh
Chủ đề khác
  • Hoàng triều Cương thổ
  • Kinh tế Việt Nam thời Nguyễn
  • Đàn Nam Giao
  • Nguyễn Phước tộc
  • Trường lũy Quảng Ngãi
  • Tem bưu chính và lịch sử bưu chính An Nam và Bắc Kỳ
  • Kênh Thoại Hà
  • Kênh Vĩnh Tế
  • Tôn Thất
  • Việt gian
  • Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam

Từ khóa » đồng Bạc Hoa Xoè