Đồng Bằng Sông Cửu Long ở Ngưỡng Cửa Năm Canh Tý-2020

Cuộc sống vẫn sẽ đi tới bởi lẽ con người vẫn còn đó, vốn quý nhất của đất nước.

Đồng bằng sông Cửu Long đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi khi hậu toàn cầu, nước biển dâng, và việc khai thác nguồn nước sông Mekong ở thượng nguồn. Mặc dù vậy, vùng đất này vẫn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn đi tới, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Báo Cần Thơ xin giới thiệu bài viết có tựa đề "Đồng bằng sông Cửu Long ở ngưỡng cửa năm Canh Tý-2020" của GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân:

Thiên tai rồi sẽ đi qua, hậu quả sẽ được khắc phục bởi con người

Năm 2019, đất nước chúng ta đã chịu khá nhiều thiên tai. ĐBSCL đang phải đối phó với hạn và mặn còn hơn cả năm 2015. Hạn hán và giông bão khắc nghiệt đến thế mấy rồi cũng sẽ qua đi. Mất mát, khó khăn rồi sẽ được khắc phục. Cuộc sống vẫn sẽ đi tới bởi lẽ con người vẫn còn đó, vốn quý nhất của đất nước.

Để thấy ĐBSCL cùng cả nước bước vào năm 2020 – Canh Tý với tư thế ra sao về nguồn nhân lực, tác giả trích dẫn từ báo cáo “Kết quả Tổng Điều Tra Dân số và Nhà ở” do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra (TĐT) Dân số và Nhà ở Trung ương tiến hành[1], một số kết quả có liên quan đến Dân số (quy mô và cơ cấu), Di cư và đô thị hóa, Giáo dục, Lao động và việc làm.

Các chỉ tiêu có liên quan được trình bày trong Bảng 1 cho cả nước (nông thôn và thành thị) và 6 vùng kinh tế-xã hội là Trung du và miền núi phía Bắc (Vùng 1); Đồng bằng sông Hồng (Vùng 2); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (Vùng 3); Tây Nguyên (Vùng 4); Đông Nam Bộ (Vùng 5); ĐBSCL (Vùng 6).

Tên của các chỉ tiêu được tìm thấy ở Bảng 1, bên trái.

Bảng 1. Các chỉ tiêu trên phạm vi toàn quốc (thành thị và nông thôn) và tại 6 vùng KTXH.

Một số chỉ tiêu về nguồn nhân lực tại Vùng 6, ĐBSCL cần quan tâm

Báo cáo Kết quả TĐT Dân số và Nhà ở (155 trang) và Biểu số liệu và Phụ lục (224 trang) là những tài liệu rất bổ ích cho những ai quan tâm đến các vấn đề kinh tế, xã hội của cả nước, của các vùng kinh tế - xã hội và của các địa phương. Bài viết này chỉ trích một số số liệu mà tác giả cho rằng rất đáng quan tâm.

Dân số cả nước vào thời điểm TĐT 01/4/2019 là 96.208.984 người. Tại ĐBSCL là 17.273.630 người, chiếm 17,95% dân số cả nước.

Mật độ dân số cả nước là 290 người/km2. Mật độ này ở Vùng 6 là 423, đứng thứ 3 trong cả nước, sau Vùng 2, ĐBS Hồng (1060), và Vùng 5, Đông Nam Bộ (757).

Trong khi tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 cả nước là 1,14%/năm, thì tỷ lệ này ở Vùng 6 chỉ là 0,05%, thấp nhất cả nước.

Trong khi chỉ số già hóa dân số [2] trong cả nước là 48,8% thì chỉ số này ở Vùng 6 cao nhất nước, 58,5%.

Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm thấp nhất cả nước, chỉ số già hóa cao nhất nước có thể được giải thích, trong nhiều nguyên nhân có thể, bằng sự đi ra khỏi vùng đế làm ăn sinh sống của lớp người trong độ tuổi lao động.

Điều này đã được thể hiện ở chỉ số tỷ suất di cư thuần (là hiệu số tỷ suất nhập cư trừ tỷ suất xuất cư) [3]. Tỷ suất này ở Vùng 6 là -39,9% cao nhất nước.

Từ nhiều năm nay, trong các cuộc họp ở Trung ương, và giữa Trung ương với các tỉnh ĐBSCL, Vùng 6 luôn được nhắc đến như là một vùng trũng về giáo dục. Điều này đã thể hiện rất rõ qua kết quả TĐT.

Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ ở Vùng 6, ĐBSCL là 94,2% thấp hơn bình quân cả nước (95,8%) và thấp nhất nước, chỉ trên Vùng 4, Tây Nguyên (91,3%).

Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã tốt nghiệp THPT trong cả nước là 17,3%. Tỷ lệ này ở Vùng 6, ĐBSCL chỉ là 11,3%, thấp nhất cả nước.

Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong cả nước là 19,2%. Tỷ lệ này ở Vùng 6, ĐBSCL chỉ là 9,7%, thấp nhất cả nước.

Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường trong cả nước là 8,3%. Tỷ lệ này ở Vùng 6, ĐBSCL là 13,3%, cao nhất cả nước, đồng hạng với Vùng 4, Tây Nguyên.

Các chỉ tiêu về giáo dục như trên đã thấy, chắc chắn có ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về lao động và việc làm.

Tỷ lệ lao động giản đơn trong cả nước là 33,2%. Tỷ lệ này ở Vùng 6, ĐBSCL là 35,9%, thấp hơn Vùng 4, Tây Nguyên (47,6%) và Vùng 1, Trung Du và miền núi phía Bắc (60,7%).

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ trong cả nước là 23,1%. Tỷ lệ này ở Vùng 6, ĐBSCL là 13,6%, thấp nhất cả nước.

Trên đây là số liệu về các chỉ tiêu trên phạm vi cả nước và các vùng kinh tế - xã hội. Nếu muốn biết các chỉ tiêu này liên quan đến địa phương mình ra sao, các tỉnh và thành phố sẽ xem Bảng 2.

Bảng 2. Các chỉ tiêu tại 13 tỉnh, thành phố tại Đồng bằng sông Cửu Long

Khuyến nghị

Đồng bằng sông Cửu Long đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi khi hậu toàn cầu, nước biển dâng, và việc khai thác nguồn nước sông Mekong ở thượng nguồn. Mặc dù vậy, vùng đất này vẫn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn đi tới, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Tuy nhiên để sự phát triển của Vùng 6, ĐBSCL được bền vững, trong chừng mực yếu tố nguồn nhân lực, trước mắt cũng như lâu dài, là nhân tố quyết định, thiết nghĩ các chỉ tiêu mà bài viết trích dẫn trên đây cần được cả hệ thống chính trị ở Trung ương, Vùng và địa phương quan tâm đúng mức và kiên quyết khắc phục cho bằng được. Đây là khuyến nghị và cũng là lời chúc không chỉ riêng của tác giả ở thềm Đầu Xuân Canh Tý 2020.

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân

CHÚ THÍCH:

[1] Tìm đọc trên www.gso,gov.vn, mục Ấn phẩm Thống kê. Kết quả của cuộc TĐT đã được công bố tại Hà Nội ngày 19.12.2019.

[2] Chỉ số già hóa dân số là tỷ số giữa dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi, tính bằng %.

[3] TĐT dân số lần này không tính số người xuất cư ra nước ngoài.

Từ khóa » Dân Số Các Tỉnh đbscl