Dong Bang Song Hong Ung Xu Van Hoa Voi Moi Truong Tu Nhien
Có thể bạn quan tâm
I. Khai thác các tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho nhu cầu của một số dân quá đông.
Con người và xã hội loài người đã và đang tồn tại trong môi trường thiên nhiên, hay nói đúng hơn là môi trường thiên nhiên đã được người hóa – có thể gọi môi trường đó là môi trường sinh thái – nhân văn. Sống và hoạt động trong môi trường này, bằng trí tuệ và lao động, con người đã và đang không ngừng khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các yếu tố của môi trường nhằm đáp ứng các nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của mình và sự phát triển không ngừng của xã hội. Tuy nhiên chính trong quá trình say sưa nhào nặn thiên nhiên con người đã không thể lường hết những hậu quả nghiêm trọng đem đến cho thiên nhiên, và suy đến cùng là hậu quả cho chính con người và xã hội loài người. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đưa đến thực trạng môi trường sống hiện nay xấu đi là do sự ứng xử thiếu văn hóa của con người với môi trường tự nhiên.
Đồng bằng sông Hồng là một trong những vùng được khai thác sớm nhất ở nước ta. Ngay từ những buổi đầu định cư thì thái độ sống hòa hợp, nương nhờ và thuận theo thiên nhiên là đặc trưng cơ bản của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Bởi vì phương thức sản xuất nông nhiệp trồng trọt gắn bó chặt chẽ với những điều kiện thiên nhiên. Việc tạo lập một cuộc sống ổn định là vô cùng cần thiết để các cư dân nông nghiệp có thể an tâm tạo ra những vụ mùa, những sản phẩm nông nghiệp nhiều hơn, tốt hơn phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của mình và sự phát triển của xã hội.
Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế, sự gia tăng ồ ạt của quá trình đô thị hóa thì văn hóa ứng xử của cư dân đồng bằng sông Hồng với môi trường thiên nhiên cũng đã thay đổi. Sự ứng xử thiếu văn hóa với môi trường thiên nhiên đã làm cho môi trường cảnh quan của đồng bằng bị biến đổi rất nhiều và ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng môi trường sống. Trước tình hình như vậy con người cần phải thay đổi cách ứng xử với tự nhiên, phải lựa chọn cách ứng xử cho hợp lý để giải quyết xung đột giữa nhu cầu sống, nhu cầu về một môi trường an toàn, sạch sẽ và cố gắng để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
I. Đặc điểm môi trường tự nhiên đồng bằng sông Hồng
Đồng bằng sông Hồng còn gọi là đồng bằng Bắc Bộ là vùng đất màu mỡ, được hình thành do sự bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình.
Về mặt tọa độ thì đồng bằng sông Hồng trải dài từ 19o53’B đến 21o34’B và từ 105o17’Đ đến 107o07’Đ, có hình dáng điển hình của một vùng châu thổ, với đáy là đường bờ biển kéo dài 130 km từ trung tâm mỏ than và cảng thành phố Hạ Long ở phía Bắc, đến điểm cực Nam của tỉnh Ninh Bình ở phía Nam. Đỉnh của tam giác này thay đổi theo thời gian cùng với sự mở rộng của nó và hiện tượng mực nước biển rút xuống. Theo GS Trần Quốc Vượng (Việt Nam cái nhìn địa văn hóa, 1998), vào thời kỳ nhà nước Văn Lang, đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng ở gần thành phố Việt Trì ngày nay. Đến thời kỳ nhà nước Âu Lạc (thế kỷ 3 TCN), đỉnh của tam giác đã lui xuống vùng Đông Anh (Hà Nội). Hiện nay, đỉnh của tam giác này ở Hưng Yên.
Nếu vẫn coi đỉnh tam giác là ở Việt Trì, thì diện tích tổng cộng của đồng bằng sông Hồng khoảng 15.000 km2, bao gồm có 11 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Hà Tây. (Đến ngày 01/08/2008 tỉnh toàn bộ tỉnh Hà Tây đã được sát nhập vào thủ đô Hà Nội, vì vậy đến nay về mặt hành chính đồng bằng sông Hồng chỉ còn có 10 tỉnh).
Phía Bắc của vùng là Miền núi trung du phía Bắc, phía Nam là Bắc Trung Bộ, hai vùng có tài nguyên khoáng sản lớn cung cấp nguyên liệu cần thiết cho sự phát triển công nghiệp. Phía Đông là Vịnh Bắc Bộ, một vùng biển giàu tài nguyên thuận lợi cho việc phát triển các ngành kinh tế biển.
Như vậy, đồng bằng sông Hồng nằm ở vị trí là tâm điểm của con đường giao lưu quốc tế theo hai trục chính: từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam. Vị trí này tạo điều kiện cho cư dân có thuận lợi về giao lưu và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Đồng bằng sông Hồng là đồng bằng tích tụ phù sa của hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình có địa hình thấp, bằng phẳng, với 55,5% diện tích đồng bằng ở độ cao từ 0-2m so với mặt biển, 27% diện tích đồng bằng ở độ cao từ 2-4m và 10% diện tích ở độ cao 4-6m. Tổng số đất ở độ cao dưới 6m chiếm tới 92,5% diện tích của đồng bằng.
Đồng bằng có khí hậu nhiệt đới gió mùa với một mùa đông lạnh. Tính chung cả năm, đồng bằng sông Hồng có nền nhiệt độ cao, tổng lượng bức xạ 110-120Kcal/cm2/năm, tổng số giờ nắng 1600-1800h/năm, nhiệt độ trung bình năm khoảng 23oC, tối cao trung bình trên 26oC và tối thấp trung bình trên 20oC. Trong năm nhiệt độ có sự phân hóa mạnh thành hai mùa. Mùa đông thường bắt đầu từ hạ tuần tháng 11 với sự xuất hiện của thời tiết rét, và kết thúc vào khoảng tháng 4 năm sau, với 3 tháng mùa đông lạnh (tháng 12, 1, 2) nhiệt độ bình quân thấp nhất biến động trong khoảng từ 16o2 đến 17o8, tạo nên một mùa đông thực sự. Nhiệt độ trong mùa đông xuống khá thấp, khiến cho mùa vụ ở đồng bằng rất nghiêm ngặt và tối đa chỉ cấy được 2 vụ. Nhiệt độ xuống thấp tuy cản trở một số cây trồng nhiệt đới đòi hỏi nhiệt lượng cao song lại cho phép trồng một vụ cây ngắn ngày ôn đới, khiến cho cơ cấu cây trồng ở đây lại phong phú, đa dạng làm giàu cho bữa ăn của nhân dân. Mùa hè thường bắt đầu từ tháng 4, 5 và kết thúc vào tháng 10. Đây là mùa quan trọng nhất và cũng dài hơn cả, rất thuận lợi cho cây cỏ nhiệt đới phát triển. Thời tiết đặc trưng là nóng, nhiệt độ trung bình trên 25oC, có những ngày chịu ảnh hưởng của gió Lào nhiệt độ có thể lên đến trên 37oC, gây bất lợi cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đồng bằng sông Hồng có một mạng lưới sông ngòi dày đặc vừa bao gồm hạ lưu các sông lớn với các chi lưu dày đặc, vừa là hệ thống kênh đào, có sông đổ ra biển, nhưng cũng có sông chỉ chảy trong phạm vi một ô trũng, gọi là sông nội địa. Đồng bằng sông Hồng tuy có nhiều sông nhưng quan trọng nhất là hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Hai hệ thống sông này cung cấp một lượng nước ngọt lớn và lượng phù sa cao cho đồng bằng. Tuy vậy, chế độ thủy văn và hải văn của đồng bằng sông Hồng khiến cho vấn đề chống lũ lụt, chống úng và chống mặn là những mối quan tâm hàng đầu của cư dân nơi đây mà biện pháp an toàn nhất là đắp đê. Vì thế tuy đắp đê, giữ đê là một công trình rất vất vả, tốn kém, cư dân đồng bằng sông Hồng từ xa xưa đến nay vẫn phải tự tổ chức sao cho có thể tiến hành việc đắp đê được vững chắc.
Những điều kiện của môi trường tự nhiên nêu trên đã có ảnh hưởng rất lớn đến tập quán sản xuất, đến đời sống sinh hoạt của cư dân đồng bằng sông Hồng. Để có thể thích nghi và khai thác các điều kiện hết sức đa dạng của tự nhiên thì cư dân đồng bằng sông Hồng đã có những phương thức sống khác nhau trong những thời kì lịch sử nhất định. Điều này được thể hiện rất rõ trong văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của cư dân đồng bằng sông Hồng.
II. Văn hóa ứng xử truyền thống của cư dân đồng bằng sông Hồng với môi trường thiên nhiên.
1. Văn hóa tận dụng môi trường tự nhiên
Văn hóa ứng xử truyền thống của cư dân đồng bằng sông Hồng với môi trường thiên nhiên chính là thái độ sống hài hòa với thiên nhiên. Văn hóa ứng xử hài hòa với thiên nhiên trước hết được thể hiện trong tâm thức của người dân dưới dạng các quan niệm vừa mang tính bác học, vừa mang đậm triết lý sống dân gian: “Thiên – Nhân hợp nhất”, “Thiên – Địa – Nhân hòa đồng”…. Đồng thời, lối sống hài hòa, nương nhờ vào thiên nhiên còn được thể hiện đậm nét trong nếp làm, nếp ăn, nếp mặc, xây cất nhà cửa, đi lại, chữa trị bệnh tật…
1.1. Tập quán sản xuất
Đồng bằng sông Hồng được hình thành chính là nhờ sự bồi đắp phù sa của hai con sông lớn: sông Hồng và sông Thái Bình, song cho đến ngày nay, người ta vẫn quen gọi nó là đồng bằng sông Hồng. Những cứ liệu sử học và khảo cổ học cho thấy, sau đợt biển tiến cách ngày nay chừng 3000 năm, lần theo dòng chảy của các dòng sông, tổ tiên người Việt từ những vùng trước núi đã tràn xuống đồng bằng. Chính môi trường tự nhiên với những ưu điểm của một vùng đất màu mỡ nhờ phù sa bồi đắp, nguồn nước ngọt phong phú, khí hậu nhiệt đới gió mùa rất thích hợp cho hoạt động nông nghiệp đặc biệt là việc trồng lúa nước đã giữ chân được những người đi khai phá.
Trong những buổi đầu sơ khai, đất rộng, người thưa thì cách ứng xử của cư dân ở đây với môi trường tự nhiên chủ yếu là thích nghi và lợi dụng tự nhiên. Họ tập trung khai thác trên các sống đất cao, các đồi sót, các cồn cát nổi. Họ lợi dụng thủy triều để dẫn nước vào ruộng và tháo nước ra sông biển. Nhân dân thời kì này chủ yếu là thích nghi với chế độ triều và chế độ lũ mà canh tác, hoặc khi lấn vùng triều bãi tiền châu thổ thì cũng chỉ đắp bờ bao cho một vùng nhỏ, ở vùng cửa sông, nước lũ không cao, phía biển thường đắp bờ dựa vào các cồn cát, chỉ khi triều kết hợp với bão to mới phá hủy nổi.
Nhưng từ thế kỉ XV trở đi, dân số ngày càng nhiều và tăng nhanh thì nhu cầu thâm canh, tăng vụ, mở rộng đất đai trở nên cấp bách . Cùng với việc quai đê lấn biển mở rộng diện tích, cư dân đồng bằng sông Hồng thời kì này còn biết khai thác tính đa dạng của tài nguyên thiên nhiên để bù đắp cho số lượng sản phẩm tương đối hạn chế của từng giống loại. Đồng bằng sông Hồng tuy có hai mùa nóng lạnh rõ rệt, nhưng mùa đông với nhiệt độ dưới 18oC kéo dài tới 3 tháng rất thích hợp với những cây chịu lạnh, như các loại rau, quả, khoai tây, bắp cải…Vì vậy, cư dân ở đây đã dần dần đa dạng hóa cơ cấu giống cây trồng, trong mỗi giống lại có nhiều loài khác nhau, thích hợp với từng chất đất, từng điều kiện tiểu khí hậu. Công cụ sản xuất và kĩ thuật sản xuất được cải tiến mạnh, phân bón được sử dụng rộng rãi.
Từ đầu thế kỉ XX, người nông dân đồng bằng sông Hồng đã sử dụng những phương pháp, kĩ thuật canh tác tinh vi phù hợp với các môi trường khác nhau nhằm một mục đích duy nhất là sản xuất được tối đa trên một diện tích trồng trọt. Trong thời kì này ít nhất cũng có trên 300 loại lúa ở vùng châu thổ, 200 loại lúa tháng mười và 100 loại lúa tháng năm (Pierre Gourou, người nông dân châu thổ Bắc Kì). Mỗi loại có một đặc tính riêng trong những hoàn cảnh riêng biệt như khả năng chịu hạn, khả năng chịu úng sâu, chấp nhận được đất cằn hoặc chống được mưa rào, trỗ sớm hay muộn, chịu được nước lợ, thích hợp với loại đất nặng hay nhẹ. Người nông dân nắm được đầy đủ các đặc tính đó và họ đã chọn loại thích hợp nhất cho mỗi nơi riêng biệt. Để tăng suất cây trồng, người nông dân hoàn toàn hiểu biết về lợi ích của phân bón và cũng cố gắng bón nhiều phân cho đồng ruộng. Mặc dù không có nhiều tiền để mua phân bón hóa học song người nông dân đã biết cách sử dụng mọi nguồn phân hữu cơ có được từ môi trường tự nhiên: xác tôm cá làm nước mắm từ các trung tâm đánh cá, bã tràm, tro rơm rạ… Nông dân cũng hiểu rõ giá trị của phân xanh, họ đào hố để ủ lá thầu dầu, lá xoan, lá sắn, lá rụng của khoai lang, đậu, lục bình. Khi nguồn phân xanh không đủ, họ còn biết tận dụng bùn ao để bón ruộng, họ dùng vôi để khử độ chua quá nhiều của một số đất…Cách sử dụng nguồn phân bón lấy từ thiên nhiên như trên vừa giảm được chi phí sản xuất vừa không gây ô nhiễm môi trường.
Đến nay, tuy là một đồng bằng châu thổ phì nhiêu, có truyền thống trồng lúa nước lâu đời, nhưng lại chịu một sức ép mật độ dân số khá cao so với các vùng khác trong nước, khả năng mở rộng diện tích đất nông nghiệp là ít nên đồng bằng sông Hồng từ lâu đã đi vào hướng thâm canh cây lúa và ngày càng đạt trình độ cao. Sự gia tăng mùa vụ (hệ số sử dụng đất là 2,1) việc gieo trồng các lúa mới cho năng suất cao, ngắn ngày, chịu sâu bệnh và môi trường khắc nghiệt (úng, hạn, chua, mặn…), đi đôi với các biện pháp thủy lợi hóa, cơ giới hóa, hóa học hóa đã tạo nên những biến đổi khá cơ bản trong nông nghiệp đồng bằng sông Hồng theo hướng thâm canh tăng vụ. Những biện pháp thâm canh theo kinh nghiệm cổ truyền “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” đã được kế thừa và phát triển trên cơ sở khoa học – kĩ thuật hiện đại. Cùng với việc thâm canh tăng vụ thì cơ cấu cây trồng ở đồng bằng đã được mở rộng và đa dạng hơn trước rất nhiều. Cây lúa tuy chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu cây trồng của đồng bằng nhưng không còn ở vị trí độc tôn như trước, bên cạnh sản xuất lương thực thì việc sản xuất rau, đậu, cây ăn quả, cây công nghiệp cũng rất đang được chú trọng, nhằm khai thác có hiệu quả hơn các loại tài nguyên thiên nhiên của đồng bằng.
Là một châu thổ nhiều sông ngòi, kênh mương, hồ ao, diện tích phủ nước khá lớn, nhất là về mùa mưa, cư dân từ lâu đời có truyền thống ưu tiên sử dụng đạm thủy sản, nên bên cạnh canh tác lúa, ở đồng bằng sông Hồng đã phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, kể cả việc nuôi cá ngay trên chân ruộng đang trồng lúa, cũng là một biện pháp thâm canh tăng năng suất loại cây trồng này. Đây là kinh nghiệm lâu đời của cư dân đồng bằng sông Hồng. Thừa kế tài sông nước và đánh cá của người Lạc Việt, từ mấy nghìn năm trước, họ đã thấy rõ lợi ích của việc nuôi cá "thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên, thứ ba canh điền". Nhất nuôi cá, nhì làm vườn, ba làm ruộng. Hay là, "cơm với cá như mạ với con". Đồng bằng sông Hồng có nhiều ao, có nơi "đào đá" "vượt thổ" để có đất cư trú. Vì vậy, về sau với sức ép của dân số đông, đất chật thì người nông dân không thể sống với việc làm nông nghiệp thuần túy được nữa. Họ đã đã biết cách kết hợp giữa làm ruộng với làm vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm với thả cá vừa tận dụng được tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vừa tăng năng suất, đa dạng hóa được sản phẩm, phần nào đáp ứng được nhu cầu của gia đình. Cho nên, cùng nhà ở, một số nông dân còn cả vườn và ao với cách bố trí "trước cau, sau mít, cá vít chân bèo", cùng với chuồng nuôi gia súc, gia cầm.
Lịch sử phát triển nông nghiệp ở vùng châu thổ sông Hồng cho thấy bên cạnh cây lúa truyền thống, còn có con trâu, con lợn. Cùng với chăn nuôi, nghề thủ công làm cho kinh tế tiểu nông càng thêm đa dạng nhằm giải quyết cái ăn, cái mặc, cái ở cho nông dân. Cho tới cách mạng tháng Tám, có hàng trăm nghề thủ công khác nhau ở đồng bằng sông Hồng, trong đó nổi lên ba nghề chính là dệt, gốm và luyện kim. Các nghề thủ công ở đây có lịch sử từ rất lâu đời và chúng ra đời hầu hết là dựa trên các nguồn tài nguyên sẵn có của đồng bằng, và phần nào đó tận dụng thời gian nhãn rỗi của người nông dân, nhất là nông dân ở vùng đồng bằng chiêm trũng trong năm chỉ cấy có một vụ nên thời gian nông nhàn nhiều.
1.2. Văn hóa sinh hoạt đời sống vật chất (ăn, mặc, ở)
Trong văn hóa đời thường, sự khác biệt giữa văn hóa Bắc Bộ và các vùng khác trong cả nước chính là được tạo ra từ sự thích nghi với thiên nhiên, không thể tách rời các đặc điểm của tự nhiên. Trước hết, cách ứng xử với thiên nhiên trong nền văn hóa cổ truyền của cư dân đồng bằng sông Hồng, người ta coi tính hợp lý là quan trọng hàng đầu. Ăn hợp lý, ở hợp lý và làm nhà phải hợp lý.
1. 2.1. Kiến trúc nhà cửa
Lối xây dựng nhà ở, kiến trúc phải tận dụng và thuận theo thiên nhiên, từ việc chọn hướng, đến việc sử dụng các nguyên vật liệu: tranh, tre, nứa lá vốn rất sẵn trong thiên nhiên. Ứng xử với thiên nhiên, người nông dân đã có lý khi chọn hướng Nam làm cửa chính của ngôi nhà. Bởi vì đồng bằng sông Hồng nói riêng và nước ta nói chung là một nước nhiệt đới gió mùa, phía Đông là biển, phía tây là núi, với hai mùa gió chính: gió Đông Bắc khô, lạnh về mùa đông và gió Đông Nam mát mẻ về mùa hè. Do đó, trong 4 hướng chính, hướng Nam có nhiều ưu thế hơn cả: một mặt tránh được cái gió bấc giá lạnh, khô hanh từ phương Bắc về mùa đông, cái gió khô nóng (gió Lào) từ phía Tây về mùa hè, vừa tránh được gió bão từ biển Đông. Tục chọn đất, xem phong thủy để xây cất nhà cửa, đặt mồ mả…cũng là một cách làm có khoa học để sống “thuận” theo thiên nhiên của người nông dân.
Tính hợp lý trong ứng xử với thiên nhiên được biểu hiện thông qua các giá trị sử dụng, thông qua sự tiện dụng của ngôi nhà. Ngôi nhà lí tưởng của cư dân đồng bằng sông Hồng được ưu tiên theo thứ tự các tiêu chí như: “Nhất cận thị. Nhị cận lân. Tam cận giang. Tứ cận lộ. Ngũ cận điền”. Cư dân đồng bằng sông Hồng coi tính hợp lí gắn với ăn, ở, đi lại và các giao tiếp thuận lợi. Họ ít muốn đi lại, vì cái gì cũng gần: gần chợ, phố phường, gần sông, gần đường đi, gần ruộng đồng. Điều đó cũng xuất phát từ lối sống định cư của người làm nông nghiệp trồng trọt, đặc biệt là cư dân trồng lúa nước.
Sự thích ứng với môi trường tự nhiên trong nếp ở của cư dân đồng bằng còn được thể hiện rất rõ trong việc lựa chọn các nguyên vật liệu xây nhà và trong cách thiết kế cấu trúc nhà cửa.
Nguyên vật liệu dùng để dựng nhà cửa thường được cư dân đồng bằng sông Hồng tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có trong thiên nhiên. Như thế vừa rẻ, vừa tiết kiệm vừa tạo ra môi trường cảnh quan sinh thái hài hòa với thiên nhiên. Cột kèo khung gỗ thường dùng gỗ xoan, tre ngâm, xoan tre đều là tự trồng. Tường nhà dùng vật liệu địa phương như tường đá ong ở vùng Sơn Tây, tường bằng gạch “cay” (đất không nung) ở Nam Định, Ninh Bình…Gạch ngói thường được làng, huyện tự sản xuất, vì đất sét ở đâu cũng có, chỉ cần kiếm được chất đốt lò. Mái nhà thì được lợp bằng rơm hoặc lá gối. Người nông dân Bắc Bộ thường muốn xây dựng ngôi nhà của mình theo kiểu bền chắc, to đẹp, tuy nhiên vẫn hòa hợp với cảnh quan.
1.2.2. Văn hóa ẩm thực
Trong phong tục tập quán của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, có thể thấy tập quán ăn uống có quan hệ rất mật thiết với sinh thái môi trường, đặc biệt là nguồn lương thực và thực phẩm, họ tận dụng triệt để những sản vật vốn có của thiên nhiên. Đồng bằng từ xưa do vẫn sinh hoạt bằng nghề cày cấy và nghề chài lưới cho nên hai thứ đồ ăn chủ yếu của người dân là gạo và cá.
Ngoài việc sử dụng lương thực, thực phẩm có sẵn trong thiên nhiên, cư dân trong vùng còn chế biến món ăn phù hợp với thời tiết, khí hậu. Tại vùng đồng bằng sông Hồng, nếu xét theo nhiệt độ có hai mùa nóng, lạnh. Vào mùa nóng, người dân hay thích ăn rau quả, tôm, cua, cá là những thứ hàn. Khi chế biến người ta hay ăn luộc, tái, gỏi, ưa những món canh chua, rau sống và các thứ chè để giải nhiệt…. Còn mùa lạnh, họ lại thích các món làm theo kiểu xào, rán hoặc khi nấu canh thì cho nhiều mỡ để giữ nhiệt cho cơ thể. Các gia vị có tính chất cay, chua, đắng, quen thuộc với cư dân Trung Bộ, Nam Bộ lại không có mặt trong bữa ăn của người Việt Bắc Bộ nhiều lắm. Người dân đồng bằng sông Hồng mà tiêu biểu là người Thăng Long – Hà Nội nổi tiếng sành ăn, tinh tế trong lựa chọn và chế biến món ăn, khi ăn uống luôn giữ được vẻ thanh lịch của người đang thưởng thức cái ngon cái đẹp. Ăn uống của người Hà Nội không đơn giản chỉ là cung cấp nguồn năng lượng duy trì sự sống của con người mà nó đã được nâng lên thành một nghệ thuật – nghệ thuật ẩm thực. Vẫn là công thức muôn thuở của bữa cơm Việt Nam ở mọi miền đất nước: cơm + rau + cá, thịt… nhưng với sự chế biến tài ba của những đầu bếp Hà Nội, bữa ăn trở nên đậm đà hương vị, màu sắc, tạo cho người ăn cảm giác ngon miệng, thích thú khó quên. Cách ứng xử thanh lịch trong ẩm thực của người Hà thành là biết cách chọn các cây gia vị của tự nhiên trong khung cảnh Hà Nội. Hà Nội có vùng Láng trồng nhiều cây rau gia vị rất nổi tiếng. Người Hà Nội ăn trong khung cảnh tự nhiên và màu sắc kỳ thú.
Cách uống của cư dân đồng bằng sông Hồng cũng rất đa dạng, thể hiện cách ứng xử thanh lịch, tận dụng luôn những cây lá có sẵn trong thiên nhiên. Lấy ngay việc uống chè cũng thấy muôn màu muôn vẻ. Chè là loại lá có tính mát, giải độc, là thức uống quen thuộc bên cạnh nước vối, nước lá… Cũng là cách uống chè tươi, nhưng người dân Thái Bình thích trồng chè, lấy lá pha chè vì như thế chất đất và chất nước mới hợp. Vùng quanh Hà Nội thì để nguyên cả lá, hãm nước sôi cho vào tí gừng để giữ ấm mùa đông. Vùng Bắc sông Hồng thì phải giã, ủ, phơi xong mới nấu. Người mạn Nam sông Hồng thì thường giã xong là đem nấu. Đó vừa là thứ nước uống dân dã tận dụng cây cỏ trong vườn nhà, vừa là bài thuốc chữa các bệnh nhiệt, khó tiêu thường ngày. Do khí hậu nóng quanh năm nên phần lớn người dân đồng bằng sông Cửu Long có tập quán pha trà sẵn loãng trong bình to để uống thường xuyên trong ngày, không câu nệ chọn lựa trà và thường uống trong những cái tô, cái chén to. Trong khi đó với thời tiết nhiều tháng trong năm lạnh và ẩm ướt, người dân sông Hồng lại ưu uống trà nóng, đậm và xem trà như một thứ văn hóa tao nhã, từ tốn. Bởi vậy, với cư dân đồng bằng sông Hồng uống trà mang ý nghĩa thưởng thức nhiều hơn là mục đích giải khát như cư dân vùng sông nước Cửu Long.
Ẩm thực đối với con người vùng Bắc Bộ không chỉ đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng sinh học mà nó đã trở thành một nền văn hóa-văn hóa ẩm thực hài hòa với tự nhiên, vừa điềm đạm vừa tinh tế, sáng tạo.
1.2.3. Trang phục truyền thống
Cách mặc của người dân Bắc Bộ cũng là một sự lựa chọn thích ứng với thiên nhiên châu thổ Bắc Bộ. Sự thích ứng này được thể hiện từ việc lựa chọn màu sắc, chất liệu may mặc cho đến việc hình thành cách thức trang phục.
Từ xưa cư dân đồng bằng sông Hồng đã biết lựa chọn các chất liệu may mặc có sẵn trong tự nhiên, các chất liệu thực vật đặc thù như tơ chuối, tơ đay, gai, sợi bông phù hợp với điều kiện khí hậu nóng, ẩm, đem lại những sản phẩm độc đáo. Nổi tiếng nhất đó là chất liệu làm bằng lụa. Trang phục bằng lụa vốn được dân ta từ xưa đến nay ưa thích, mùa hè mặc thì mát, mùa đông mặc thì ấm. Để có được nhiều lứa tằm trong năm, người Việt đồng bằng sông Hồng đã tạo ra được nhiều giống tằm khác nhau phù hợp với thời tiết nóng, lạnh, khô, ẩm như giống tằm Bối bát tàm (ươm tháng 3), Thái tàm (ươm vào tháng 4), Nguyên tàm (tháng 5), Ái tàm (tháng 6), Hàn tàm (tháng 10). Từ tơ tằm người dân đã dệt nên nhiều loại sản phẩm phong phú như: tơ, lụa, lượt, là, vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, đũi, nái, sồi…mỗi loại có hàng chục mẫu mã khác nhau. Lụa không chỉ là vật liệu may mặc trong nước mà xưa kia còn là món cống vật quý được vua chúa phương Bắc ưa dùng. Trong tâm thức của người Việt đồng bằng sông Hồng vì vậy luôn có niềm tự hào về một vùng đất lụa trù phú.
Sắc màu trang phục của đồng bằng Bắc Bộ cũng nói lên cảm quan thẩm mỹ của con người sống chan hòa giữa thiên nhiên của cư dân đồng bằng châu thổ với nền văn minh lúa nước. Màu thường gặp của trang phục là màu thâm (hoặc đen) như váy, quần, khăn, có khi cả áo, màu nhuộm được lấy từ cây cỏ quanh nhà như lá sồi, lá bàng, vừa bền màu vừa dễ tìm. Gần với mầu thâm là mầu nâu, màu ưa chuộng và đặc trưng của y phục miền Bắc. Màu nâu già nhuộm nhiều nước, giãi nhiều nắng, lại nhấn thêm bùn ngả sang nâu đen, là màu sắc của người thôn quê “ăn chắc mặc bền” suốt năm quen thuộc với vất vả nơi đồng ruộng. Người trẻ đỏm dáng hơn thì ưa màu nâu non, nền vải ngả từ nâu sang hơi đỏ sậm, rất hợp với nước da của các cô gái đồng quê trong những ngày nhàn nhã. Màu hay dùng, có vẻ hơi “sang” một chút là mùa tam giang (ngả màu giữa nâu và đen) là màu nhã nhặn, hợp với tuổi già. Mùa hoa hiên (ngả giữa cam và đỏ) là màu ưa thích của các cụ già nông thôn hay may yếm (yếm hoa hiên), vì thế trong quan niệm thời trang dân gian nó được gọi là “màu quê mùa”.
Tóm lại, sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên là cách ứng xử thông minh và phù hợp nhất của con người đồng bằng sông Hồng với môi trường thiên nhiên trải qua hàng nghìn năm nay. Văn hóa ứng xử theo kiểu hòa hợp với thiên nhiên có mặt tích cực rất đáng quý đó là làm cho con người sống luôn gắn bó với thiên nhiên, biết tôn trọng và bảo vệ sự cân bằng của các hệ sinh thái tự nhiên, các cảnh quan; biết dựa vào thiên nhiên để hồi phục sức lực của mình; có đầu óc quan sát, suy nghĩ bao quát.
2. Văn hóa ứng phó với môi trường thiên nhiên, ứng phó với thiên tai
Các điều kiện của môi trường thiên nhiên đồng bằng sông Hồng thường là không ổn định. Khí hậu nhiệt đới gió mùa đã tạo ra những hệ sinh thái rất phong phú, đa dạng nhưng hết sức mong manh, dễ bị tổn thương. Mưa, gió, bão, lũ thất thường buộc con người phải có thế ứng xử phù hợp thì mới tồn tại và phát triển được. Cư dân ở đây không chỉ biết tận dụng thiên nhiên, mà còn biết cố kết cộng đồng ứng phó tài tình, uyển chuyển trước những tác động khắc nghiệt của môi trường sống.
2.1. Văn hóa ứng phó với môi trường thiên nhiên trong hoạt động sản xuất
Đối với những cư dân vùng đồng bằng sông Hồng, một trong những khó khăn lớn nhất chính là nạn lụt lội vào mùa mưa bão. Sông Hồng mang đến cái lợi bồi đắp phù sa cho đồng bằng, song cũng là mối lo cho người dân vì thường gây ra lụt lớn. Để chống chọi với thiên nhiên, những người nông dân đã rất quan tâm đến vấn đề thủy lợi. Ngay từ thế kỉ thứ I sau C.N, đồng bằng sông Hồng đã có nhiều kênh ngòi (Hậu hán thư), huyện Phong Khê (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) có đê phòng lụt (Giao châu kí). Hệ thống đê có nhiều tác dụng, ngoài việc ngăn chặn nước lũ lụt, nó còn giữ nước ở một số vùng và mở rộng diện tích ra phía biển.
Ngày nay, hệ thống thủy lợi lại càng được chú trọng phát triển và hoàn thiện dần. Vùng đồng bằng sông Hồng hiện có khoảng 55 hệ thống thủy nông, thủy lợi vừa (bao gồm: 500 cống, 1.700 trạm bơm điện chính, 35.000 trạm bơm nhỏ nội đồng, hơn 5 vạn kênh trục chính (cấp I, II, III), 35 hồ chứa (dung tích từ 0,5 – 230 triệu m3) cùng nhiều hồ chứa nhỏ, đã đảm bảo tưới cho 765.000 ha (trong đó, tưới lúa mùa khoảng 580.000 ha, màu và cây công nghiệp dài ngày 7.000 ha), diện tích được tiêu khoảng 510.000 ha. Qua nhiều năm hoạt động, hệ thống công trình thủy lợi đã góp phần tạo ra những hiệu quả to lớn trong phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, tiêu nước cho các khu dân cư, cải thiện môi trường sinh thái.
2.2. Văn hóa ứng phó với môi trường thiên nhiên trong đời sống sinh hoạt vật chất
2.2.1. Kiến trúc nhà cửa
Dân gian ta hay mơ ước có “nhà cao cửa rộng”, đó không chỉ là ước muốn về một cuộc sống sung túc mà còn là một kinh nghiệm được rút ra qua quá trình đối phó với điều kiện tự nhiên. Cái “cao” của ngôi nhà gồm hai yêu cầu: thứ nhất là nơi con người đặt chân phải cao hơn so với mặt đất để đối phó với nước nôi, lụt lội, ẩm ướt, côn trùng. Một ngôi nhà lý tưởng là nhà phải có nền cao, nhà những người có của, nhà địa chủ, các dinh thự đều làm nền cao. Ở những nơi hay ngập lụt, nền nhà cứ phải đắp cao lên dần. Yêu cầu “cao” thứ hai là mái phải cao hơn so với nơi người đặt chân (sàn hoặc nền) nhằm tạo ra một khoảng rộng, thoáng mát trong nhà để đối phó với nắng nóng. Mái cao còn tạo độ dốc lớn đối phó với lượng mưa nhiều, giúp cho nước thoát đều tuân thủ chặt chẽ yêu cầu này. Tuy nhiên mái cao phải tỷ lệ hợp lý với bề ngang theo nguyên tắc “nằm ba ngồi hai”. Riêng nhà ở ven biển, nơi có nhiều gió thì mái nhà phải làm thấp để tránh bão.
Nhà đã “cao” rồi thì phải có “cửa rộng”. Cửa làm rộng chứ không làm cao để tránh cái nắng xiên khoai và tránh bị mưa hắt. Ngoài ra, người ta còn đan những tấm mành lớn bằng tre nứa đặt trước cửa để cản bớt bức xạ nhiệt trực tiếp từ mặt trời và bức xạ nhiệt từ sân hắt vào. Dân ta còn tạo ra một vành đai tạo bóng mát quanh nhà và hắt mưa ra xa chân các cột gỗ, đó là đầu dưới của mái nhà (gọi là giọt gianh). Làm “cửa rộng” để đón gió thổi vào nhà cho thoáng mát, tránh nóng, nhưng đồng thời lại phải tránh gió độc, gió mạnh, bởi vậy kinh nghiệm dân gian tuyệt nhiên không làm cổng và cửa thẳng hàng (cửa chính thường ở giữa nhà, còn cổng thường lệch về một bên), tuyệt đối tránh để con đường trước mặt đâm thẳng vào nhà. Trong trường hợp bất khả kháng thì phải làm tấm bình phong bằng cách trồng cây xanh hoặc sân gạch để ngăn bớt gió thổi thẳng vào nhà và phân tán chúng sang hai bên.
Mưa và mặt trời buộc người ta phải quan tâm nhiều nhất đến mái nhà. Mái thường có độ dốc lớn để đảm bảo thoát nước mưa một cách tốt nhất. Mái nhà lợp bằng rơm hoặc lá gối, dày hay mỏng tùy theo lượng rơm có được, những nhà khá giả lợp mái rơm dày tới hơn 30 cm, bền lâu và chống nhiệt rất tốt. Nhà giàu lợp mái ngói, gồm lớp ngói lót ở dưới và lớp dui mè gần kín tạo nên một lớp cách nhiệt rất hiệu quả.
Tường nhà làm bằng đất để bảo vệ con người khỏi thời tiết nóng, lạnh goi là “tường trình phên nứa”. Vách được làm bằng phên tre đan thưa rồi lấy bùn trộn rơm rạ trát lên vừa không nứt vừa bảo vệ tre, chống được mối mọt. Những gia đình giàu có thì xây tường gạch nung, có nơi tận dụng ngay vôi tả trộn với xỉ lò vôi hoặc xỉ than để đóng gạch (còn goi là gạch bi), kích cỡ lớn hơn gạch nung, đem phơi nắng một thời gian, gạch bi trở nên cứng và dùng rất tốt. Ngày nay, người ta thêm một ít xi măng để tăng cường độ chống thấm nước. Xã Hải Chính (Hải Hậu – Nam Định) là vùng ảnh hưởng của nước ngầm mạnh, người ta dùng gạch xỉ làm móng nhà để chống nước mặn vào móng và tường. Nhà giàu hơn thì mua gỗ tốt về trạm trổ hoa văn ốp vào tường. Vùng đất Sơn Tây nắng gió khắc nghiệt, vì vậy người dân nơi đây đã sử dụng đá ong để xây nhà, vừa tránh được sự xói mòn của mưa lớn, vừa giữ được không khí mát mẻ của mùa hè.
2.2.2. Trang phục truyền thống
Sự khác biệt nhất lớn về điều kiện tự nhiên giữa đồng bằng sông Hồng và các đồng bằng khác trong cả nước đặc biệt là các đồng bằng phía nam là sự khác biệt về khí hậu. Đồng bằng sông Hồng có một mùa đông lạnh, trong đó có tới 3 tháng nhiệt độ dưới 18oC. Và để đối phó với lạnh, cái rét như cắt da cắt thịt thì trong trang phục ngoài váy yếm, chiếc áo dài tứ thân người dân ở đây còn có thêm áo kép, áo mền. Áo kép thêm một lần lót trong tạo nên vẻ đẹp kín đáo của người phụ nữ, áo mền cũng tương tự như áo kép nhưng giữa hai lần vải ngoài còn có lớp dựng bằng vải dày thô. Áo bông thì chần quân cờ, vừa bền, ấm vừa đẹp, mặc khi đi chơi hoặc đi làm. Mùa đông ở vùng đồng bằng không thể không nhắc tới áo tơi tránh mưa, tránh gió rét và có khi mùa hè còn dùng để tránh nóng nữa. Áo tạo bằng lá gối , tách từng rẻ nhỏ rồi ken lại với nhau thành từng lớp, dài từ cổ tới gấu. Khi mặc, người ta choàng quanh người, thít dây buộc cổ lại vừa tầm vai. Ngoài ra, vào mùa rét phụ nữ còn chít khăn vuông, phân biệt với phụ nữ miền châu thổ sông Cửu Long ưa đội khăn rằn. Có nhiều cách chít khăn tùy theo thời tiết và phong tục địa phương. Khi trời rét đậm, phụ nữ đi ra đường thường chít khăn xuống cằm hay chỉ trùm phần tóc vấn theo kiểu chít khăn mỏ quạ. Để tránh cái nắng “rám má hồng”, các cô đội khăn mép sát lông mày, quấn chéo hai đuôi khăn che kín cả miệng, mũi chỉ để hở hai mắt.
Để đối phó với nắng mưa, dân ta rất coi trọng trang phục đội đầu, tiêu biểu là cái nón. Người nông dân nơi đồng quê dầm mưa, dãi nắng cả ngày ngoài đồng không thể thiếu chiếc nón đội đầu. Nón nông và dày, khâu bằng sợi móc chắc, có khi còn lót mo cho thêm dày, lá nón thường là thứ lá cọ của vùng trung du Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Loại nón đặc trưng cho dân Kinh Bắc – Hà Nội là nón thúng. Nón làm bằng lá, mặt phẳng và rộng, thành cao được ken bằng lá cọ mỏng, khâu bằng móc trắng, phía trong thêu hoa văn hoặc dùng những mảnh gương nhỏ xếp hình hoa và rồng phượng, vừa đẹp lại vừa là tấm gương soi để các cô kín đáo sửa tóc sửa mày.
Qua những nét trang phục tiêu biểu đó, cư dân vùng Bắc Bộ đã thể hiện được sự sáng tạo của mình. Họ vừa biết tận dụng thế mạnh của nền văn minh nông nghiệp để tạo ra những trang phục rất linh hoạt vừa thích nghi vừa đối phó lại với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường tự nhiên, vừa biến trang phục thành những vật trang điểm làm đẹp cho con người.
III. Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của cư dân đồng bằng sông Hồng trong những năm gần đây.
1. Thực trạng môi trường tự nhiên đồng bằng sông Hồng
Đồng bằng sông Hồng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc ta. Từ xa xưa người dân sống ở nơi đây đã không ngừng vươn lên làm chủ thiên nhiên. Ý thức làm chủ đó được thể hiện bằng hệ thống đê điều luôn được xây dựng và củng cố. Từ đó năng lực tưới tiêu được củng cố, sản lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng cao, tạo nên cảnh quan trù phú của vùng đồng bằng châu thổ. Trong vài năm trở lại đây, đồng lúa xanh rờn với các hệ thống kênh mương và các quần cư nông thôn rợp bóng cây không còn chiếm vị trí độc tôn trong cảnh quan nữa. Thêm vào đó, các đô thị được mở rộng, các khu công nghiệp mọc lên với các hệ thống cơ sở hạ tầng bề thế kéo theo mạng lưới giao thông, cầu cống, bến cảng hiện đại. Ngay trong nông thôn, nền nông nghiệp độc canh với mật độ dân số cao đã đòi hỏi sự phục hồi và mở rộng các nghề thủ công với cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Điều đó đã làm cho bộ mặt của quần cư thay đổi và ảnh hưởng không ít tới môi trường.
1.1. Sự biến đổi của môi trường cảnh quan
Đồng bằng sông Hồng là đồng bằng được khai phá sớm nhất nước ta, từ hàng nghìn năm trước. Để chinh phục vùng đồng bằng đầm lấy với rừng rậm nhiệt đới và lau sậy mọc um tùm khắp nơi và để phát triển được nghề trồng lúa nước, ông cha ta đã biết bền bỉ trị thủy và làm thủy lợi. Việc đắp các đê sông, đê biển cải tạo đồng bằng quy mô lớn bắt đầu từ triều Lý và kéo dài cho đến ngày nay. Hiện nay, việc trị thủy sông Hồng được tiến hành tổng hợp: cả củng cố hệ thống đê điều, nạo vét lòng sông và đặc biệt nhờ vai trò cắt lũ của công trình thủy điện Hòa Bình, trong tương lai còn có thêm công trình thủy điện Tuyên Quang và thủy điện Sơn La.
Đồng bằng vốn có nhiều ô trũng được bao bọc bởi các nhánh sông, do có hệ thống đê mà các ô trũng càng trở nên trũng hơn, vì hầu hết diện tích đồng bằng là đất phù sa không được bồi đắp hàng năm.
Nền nông nghiệp lúa nước đã làm nền tảng cho sự hình thành nền văn minh Việt cổ - nền văn minh sông Hồng. Nền nông nghiệp lúa nước, định canh, định cư, với các hệ thống canh tác tạo ra năng suất cây trồng cao đã cho phép nuôi sống khối dân cư đông đúc và làm cho đồng bằng sông Hồng trở thành vùng có mật độ dân số cao nhất cả nước. Sức ép dân số đòi hỏi cư dân đồng bằng sông Hồng không ngừng khẩn hoang, chinh phục vùng đất nơi mình sống. Việc nuôi trồng lúa nước đã làm thay đổi căn bản đặc điểm của đất lúa nước, thay đổi địa hình đồng bằng, làm thay đổi căn bản các khu hệ động thực vật hoang dại, tạo ra các hệ sinh thái đồng ruộng lúa nước. Nền nông nghiệp lúa nước thâm canh cao hiện nay sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và đang đe dọa ô nhiễm môi trường đất và môi trường nước, nhất là ở vùng nông nghiệp ngoại thành.
Đồng bằng sông Hồng là vùng tập trung công nghiệp lớn thứ hai ở nước ta, tốc độ tăng trưởng công nghiệp trong vùng hiện nay khá cao, nhất là ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã làm cho không gian công nghiệp, giao thông và đô thị vùng có sự thay đổi rất lớn so với trước. Đồng bằng sông Hồng hiện nay là vùng lãnh thổ có mật độ đô thị dày đặc nhất cả nước. Tính trung bình cứ 12km lại gặp một đô thị. Đây cũng là vùng có cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, thủy lợi… khá phát triển. Trong vùng có đầy đủ các loại hình giao thông vận tải từ đường bộ đến đường sắt, đường thủy, đường biển đến đường hàng không. Các hệ thống đường này không chỉ tập trung trong nội vùng mà còn tỏa rộng ra khắp các vùng khác và quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho sự mở rộng giao lưu của vùng. Đồng bằng sông Hồng cũng là một trong những vùng có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước với 34 khu công nghiệp tập trung (tính đến năm 2007). Các khu công nghiệp này đều được xây dựng trên đất nông nghiệp đặc biệt là đất canh tác lúa nước khiến cho quỹ đất nông nghiệp của vùng bị thu hẹp rất nhanh chóng. Vì vậy, đồng bằng sông Hồng có có tỷ lệ đất chuyên dùng và đất thổ cư cao nhất trong cơ cấu sử dụng đất, trong khi đó bình quân đất nông nghiệp trên đầu người lại thấp nhất cả nước. Các điểm dân cư đô thị, các trung tâm công nghiệp còn là nguồn chủ yếu tạo ra các chất gây ô nhiễm. Đồng bằng sông Hồng chịu tác động của môi trường do sự phát triển của công nghiệp ở vùng trung du, từ công trình thủy điện Hòa Bình đến các trung tâm công nghiệp dọc sông Hồng, sông Lô (Việt Trì, Lâm Thao, Vĩnh Yên) và dọc sông Cầu (từ Thái Nguyên, Bắc Giang đến Hải Dương).
1.2. Vấn đề ô nhiễm môi trường
Không chỉ có môi trường cảnh quan bị biến đổi sâu sắc mà ngay cả chất lượng môi trường sống của người dân ở đây cũng bị ảnh hưởng, nhiều nơi còn bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Môi trường đất bị ô nhiễm kim loại nặng. Đặc biệt là ở các làng nghề và dọc các trục đường giao thông lớn.
Còn các sông hồ nội thị vùng đồng bằng sông Hồng đã bị ô nhiễm ở mức báo động, do là nơi tiếp nhận nước thải chưa được xử lý, với nồng độ các chất ô nhiễm gấp 5 - 10 lần, thậm chí 20 lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Một số khu công nghiệp bị ô nhiễm khí SO2. Các khu Thượng Đình (Hà Nội), dệt Nam Định có nồng độ SO2 vượt tiêu chuẩn cho phép 3 - 4 lần. Một số khu công nghiệp thải nhiều khí SO2 đã gây ra hiện tượng lắng đọng a xít cục bộ, làm môi trường đất chung quanh bị a xít hóa. Chất thải a xít và khí SO2 của nhà máy supe phốt phát Lâm Thao (Phú Thọ) đã làm cho đất ở xung quanh bị axit hóa (ptt = 1,9-3,5).
2. Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên hiện nay của cư dân đồng bằng sông Hồng.
Đồng bằng sông Hồng là một vùng đất trù phú, với các điều kiện tự nhiên rất thích hợp cho hoạt động sản xuất và định cư của con người, vì vậy cho đến nay đồng bằng sông Hồng là nơi có mật độ dân số cao nhất cả nước, gấp nhiều lần mật độ dân số các vùng khác. Điều đó đã gây ra rất nhiều sức ép đối với đồng bằng đặc biệt là việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho nhu cầu của một số dân quá đông. Cho đến nay hầu như tất cả các nguồn tài nguyên tự nhiên của đồng bằng đều đã được khai thác để phát triển nông nghiệp, công nghiệp. Trong đó có nhiều loại tài nguyên đã bị khai thác một cách quá mức dẫn đến tình trạng cạn kiệt, môi trường bị suy thoái, gia tăng thêm mức độ ô nhiễm (điển hình là tài nguyên đất, nước).
Tính đến giữa năm 2007, vùng đồng bằng sông Hồng có 34 khu công nghiệp tập trung được thành lập, trong đó 23 khu công nghiệp đang hoạt động và 11 khu công nghiệp đang triển khai xây dựng cơ bản. Trong những năm qua, các khu công nghiệp tập trung trong vùng là nhân tố động lực đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng, biến vùng thuần nông thành vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phổ biến trên 10%/năm…Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, các khu công nghiệp tập trung của vùng đồng bằng sông Hồng những năm qua cũng đã làm cho môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng bằng sông Hồng là vùng đất chật, người đông nên các khu công nghiệp phát triển làm cho đất nông nghiệp bị giảm dần, mật độ dân số ngày càng cao; trong khi đó các yếu tố có lợi cho môi trường sinh thái như nguồn nước sạch, thảm thực vật, cây xanh giảm dần. Các yếu tố gây ô nhiễm môi trường như bụi, nước thải công nghiệp, rác công nghiệp, từ các khu công nghiệp, từ các bệnh viện, trường học đều tăng. Sự gia tăng ô nhiễm này diễn ra hết sức phổ biến tại các thành phố lớn, điển hình phải kể đến Hà Nội, Hải Phòng.
Cùng với việc thành lập và phát triển các khu công nghiệp mới thì các làng nghề ở đồng bằng sông Hồng vẫn được coi trọng. Bên cạnh mặt tích cực là giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động thì hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã tác động xấu tới môi trường sống, cảnh quan nông thôn, và tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề ngày càng trầm trọng. Giống như sự đa dạng của các nguồn nguyên liệu sản xuất, các chất thải từ hoạt động của các làng nghề cũng hết sức phong phú như bụi, khí độc, cặn bã, nước thải... Hầu hết các chất thải của các làng nghề không qua xử lý mà thải trực tiếp ra các mương rãnh ao hồ xung quanh, mùi hôi thối nồng nặc, không khí của các lò đốt bằng than từ các làng nghề với các khí thải độc, chất thải rắn, rác thải sinh hoạt đổ bừa bãi ra các ao hồ, mương rãnh gần khu sản xuất đã làm cho môi trường khu vực ô nhiễm trầm trọng.
Một trong những nguồn gây ô nhiễm chính cho đồng bằng sông Hồng không thể không nhắc đến các phương tiện giao thông vận tải, đặc biệt là ở các đô thị. Theo con số đáng tin cậy của Sở Giao thông công chính thì hiện nay phương tiện công cộng chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu đi lại của nhân dân. Thế là người dân đua nhau sắm xe máy, với giá rẻ do nhập lậu, trốn thuế. Xe máy nhiều đến nỗi những nơi ùn tắc giao thông, khói bụi mù mịt, hàng giờ liền xe không sao nhích bánh được càng làm gia tăng ô nhiễm do giao thông đem lại.
3. Quan điểm và giải pháp nhằm phát huy lối sống hài hòa với thiên nhiên trong giai đoạn hiện nay.
Để xây dựng được một lối ứng xử mới vừa hài hòa với môi trường tự nhiên vừa phù hợp với sự phát triển của thời đại, chúng ta cần phải tuân theo các hệ ứng xử sau:
Một là phải chú ý đến mối quan hệ của con người với sự phát triển bền vững. Con người có quyền cơ bản được sống tự do, bình đẳng trong môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội với đầy đủ những điều kiện vừa bảo đảm phẩm giá và phúc lợi, vừa lành mạnh và hài hòa. Mặt khác, con người phải có trách nhiệm quan trọng trong việc bảo vệ và cải thiện môi trường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Hai là, con người có trách nhiệm khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống, ngăn ngừa và chống ô nhiễm môi trường bởi các chất thải độc hại trong quá trình sản xuất và tiêu dùng.
Ba là, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp tập trung, khu dân cư lớn cần phải tính toán đầy đủ nghiêm túc đến những điều kiện thiên nhiên để có thể hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại xấu đến môi trường, làm cho tất cả mọi người đều có thể được hưởng tối đa các lợi ích kinh tế, xã hội.
Bốn là cần phải giáo dục về các vấn đề môi trường rộng rãi đến mọi người dân, để cho từng cá nhân, xí nghiệp, cộng đồng thấy được vai trò và trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ môi trường.
Năm là, cần phát huy lối sống tận dụng thiên nhiên và ứng phó phù hợp với thiên nhiên.
Thu Van (Theo Viet tinh van)
Từ khóa » Khí Thiên Nhiên Tập Trung Chủ Yếu ở Tỉnh Nào Của Vùng đồng Bằng Sông Hồng
-
Đồng Bằng Sông Hồng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bài 20. Vùng Đồng Bằng Sông Hồng, Trắc Nghiệm - Hoc24
-
Trắc Nghiệm địa Lí 9 Bài 20: Vùng đồng Bằng Sông Hồng | Tech12h
-
Vùng đồng Bằng Sông Hồng Có đặc điểm Gì? - Luật Hoàng Phi
-
Khí Tự Nhiên Của Vùng đồng Bằng Sông Hồng Tập Trung Chủ Yếu ở
-
Vị Trí địa Lý, điều Kiện Tự Nhiên Của Vùng đồng Bằng Sông Hồng
-
Điều Kiện Tự Nhiên, Kinh Tế Và Xã Hội Của đồng Bằng Sông Hồng
-
[DOC] Đồng Bằng Sông Hồng Và Các Dạng Câu Hỏi, Bài Tập Bồi Dưỡng Học ...
-
“Một Số Vấn đề Của đồng Bằng Sông Hồng Và đồng Bằng Sông Cửu ...
-
Vùng đồng Bằng Sông Hồng Phải đi đầu Trong Phát Triển Khoa Học ...
-
Thu Hút đầu Tư Nước Ngoài Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long - Detail
-
Tổng Quan Về Ninh Bình
-
Điều Kiện Tự Nhiên - Xã Hội - Thành Phố Từ Sơn
-
Điều Kiện Tự Nhiên Tỉnh Quảng Nam