Đồng Chí Lê Duẩn - Người Cộng Sản Kiên Cường, Nhà Lãnh đạo Lỗi Lạc

Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam - Lê Duẩn

Đồng chí Lê Duẩn, lúc nhỏ tên là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907 tại làng Hậu Kiên, nay là xã Triệu Hành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đồng chí xuất thân trong gia đình nông dân, thân phụ là ông Lê Văn Hiệp (1869 - 1963), thân mẫu là bà Võ Thị Đạo (1874 - 1936). Hai ông bà sinh được 5 người con, đồng chí Lê Duẩn là con thứ tư của gia đình.

Sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học ở Quảng Trị, đồng chí Lê Duẩn thi vào Trường Quốc học Huế. Ở Huế 6 tháng thì đồng chí thôi học, trở về quê. Tháng 5/1926, đồng chí được tuyển vào làm ở Sở Hỏa xa Đà Nẵng.

Năm 1927, đoạn đường sắt Vinh - Đông Hà khánh thành, nối liền Đà Nẵng với Hà Nội, đồng chí được chuyển ra Hà Nội làm nhân viên thư ký đề pô thuộc Sở Hỏa xa Đông Dương. Sớm ý thức yêu nước, cuối năm 1928, đồng chí gia nhập Tân Việt cách mạng đảng và giữa năm 1929 được giới thiệu vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1930, đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong số đảng viên lớp đầu tiên của Đảng ta.

Sau Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10/1930, đồng chí Lê Duẩn được phân công Ủy viên Ban Tuyên truyền cổ động của Đảng Cộng sản Đông Dương; cũng từ đó, đồng chí rời Sở Hỏa xa Đông Dương, bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Năm 1931, đồng chí là Ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ. Ngày 20/4/1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, bị kết án 20 năm tù cấm cố và trải qua giam giữ ở nhiều nhà tù nổi tiếng tàn bạo của đế quốc: Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo.

Năm 1936, nhân phong trào cánh tả Pháp lên cầm quyền, Đảng lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ và thả tù chính trị, đồng chí cùng nhiều tù nhân được trả tự do. Trở về đất liền, đồng chí tiếp tục hoạt động ở các tỉnh miền Trung và năm 1937, đồng chí được cử giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Đến năm 1939, đồng chí Lê Duẩn được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Tháng 11/1939, đồng chí cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư Đảng, chủ trì Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương, quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ, chuyển hướng cuộc đấu tranh cách mạng sang một thời kỳ mới.

Năm 1940, đồng chí Lê Duẩn lại bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, bị kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo lần thứ hai. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Chính phủ tổ chức đón về đất liền, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ, sớm được đề cử giữ trọng trách Bí thư Xứ ủy.

Năm 1946, đồng chí Lê Duẩn ra Hà Nội, góp phần cùng với Trung ương Đảng chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến. Cuối năm 1946, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đề cử trở vào trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Từ cuối năm 1946 đến cuối năm 1954, với cương vị Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí là người chịu trách nhiệm chính trước Trung ương Đảng về phong trào kháng chiến Nam bộ, đã thực hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và thu nhiều thành quả trong cải cách ruộng đất.

Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm lực lượng vũ trang Long An tham gia làm kinh tế, năm 1978 (bên trái là Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Chính, bên phải là Thiếu tướng Huỳnh Công Thân)

Sau Hiệp định Genève, đồng chí Lê Duẩn được phân công ở lại miền Nam lãnh đạo phong trào cách mạng. Vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt của cách mạng miền Nam ở thời điểm Mỹ - Diệm thi hành chính sách độc tài phát-xít (tàn sát gần 70 vạn cán bộ và đồng bào), đồng chí Lê Duẩn đã sống trong lòng nhân dân, được quần chúng từ vùng nông thôn bưng biền hẻo lánh đến các trung tâm đô thị hết lòng cưu mang, bảo vệ để giữ vững và củng cố cơ sở cách mạng. Chính ở ngay tại sào huyệt của Mỹ - ngụy là Sài Gòn, đồng chí được biết đến như “ngọn đèn hai trăm nến” - người đã thắp sáng lên tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương, soi đường cho cuộc đồng khởi vang dội khắp miền Nam, chuẩn bị những bước đi vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cuối năm 1957, Trung ương cử đồng chí ra Hà Nội tiếp tục lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đọc Báo cáo chính trị, nêu bật đường lối hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ cách mạng cả hai miền nhằm mục tiêu chung hoàn thành giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất đất nước. Tại Đại hội, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Suốt hơn 15 năm trên cương vị Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương, trong hoàn cảnh đất nước trải qua những thử thách cực kỳ nghiêm trọng và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Bộ Chính trị và Trung ương kiên định đường lối độc lập tự chủ, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng vừa xây dựng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc, vừa đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Lê Duẩn là nhà chiến lược chủ yếu chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí đã góp phần quan trọng cùng với Bộ Chính trị và Trung ương quyết định, cụ thể hóa phát triển đường lối cách mạng và đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta, thực hiện thắng lợi trọn vẹn sự nghiệp giải phóng miền Nam, đưa cả nước tiến lên CNXH.

Năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương - do đồng chí trình bày đã tổng kết sâu sắc những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vạch đường lối chung cho cách mạng XHCN ở Việt Nam. Đặc biệt, trong chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc từ các năm 1977 - 1978 - 1979, những chỉ đạo sắc sảo về đối ngoại - quốc phòng của đồng chí (năm 1978 kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương) một lần nữa khẳng định tầm vóc tư duy chiến lược, bản lĩnh kiên định, óc quyết đoán chính xác, đúng đắn của vị Tổng Bí thư. Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (năm 1982) cho tới khi qua đời, đồng chí Lê Duẩn liên tục được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư. Cũng tại Đại hội lần thứ V, đồng chí Lê Duẩn đọc Báo cáo chính trị vạch rõ hai nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt của cách mạng: Xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN; đồng thời, định ra chiến lược phát triển kinh tế trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta.

Là học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn là chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo lỗi lạc có nhiều đức tính quý báu, sống giản dị, khiêm tốn. Đồng chí còn là nhà lý luận đầy sáng tạo, phong phú, tác giả của 142 cuốn sách với tổng số 17.280 trang lý luận về thực tiễn cách mạng Việt Nam, một khối lượng tri thức lớn có giá trị cao. Đồng chí cũng có nhiều đóng góp rất quan trọng trong hoạt động quốc tế, nhằm củng cố tình hữu nghị, tình đoàn kết anh em giữa các nước trên thế giới, kiên trì bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tăng cường khối liên minh chiến đấu của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc.

Đồng chí Lê Duẩn là đại biểu Quốc hội Việt Nam liên tục từ khóa II đến khóa VII (1960-1986). Đồng chí mất tại Hà Nội ngày 10/7/1986, ở thời điểm đất nước đang chuyển mình lên một bước ngoặt lớn - Đổi mới, để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng bao chiến sĩ, đồng bào, đồng chí.

Với những công lao to lớn, đồng chí Lê Duẩn đã được Đảng, Nhà nước ta và các nước XHCN trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý, trong đó có Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, Giải thưởng Lênin “Vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc”. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn không chỉ có vị trí xứng đáng trên trang sử vàng vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX mà sẽ còn tiếp tục tỏa sáng trên con đường xây dựng hòa bình và phát triển toàn diện đất nước./.

Long Thái

Từ khóa » Tổng Bí Thư Lê Duẩn Mất Năm Nào