Đồng Chí Ngô Liên - Dấu ấn Cán Bộ Người Hoa Trong Cách Mạng Của ...

Tháng 7 năm 1937, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Đội Công tác kháng Nhật cứu vong. Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử giữ chức vụ Đảng ủy viên chuyên trách công tác Hoa kiều của Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 bị thực dân Pháp và bọn tay sai dìm trong biển máu, Ban lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ quyết định dời cơ quan lãnh đạo vào khu vực Chợ Lớn, nơi có đông người Hoa sinh sống, nhằm đánh lạc hướng cuộc truy lùng của kẻ địch. Ở Chợ Lớn, các đồng chí đảng viên và quần chúng người Hoa tích cực đã tìm mọi cách giúp đỡ, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của Đảng hoạt động. Một số đồng chí lãnh đạo Đảng chủ chốt trong lực lượng cách mạng người Hoa bị bọn mật thám theo dõi, mai phục và lần lượt sa vào tay giặc, trong đó có đồng chí Ngô Liên. Ban đầu, đồng chí Ngô Liên bị bọn Pháp tuyên án tử hình, sau đó hạ xuống mức án chung thân và bị đày đi Côn Đảo. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí được đón về đất liền.

Tháng 3 năm 1949, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định thành lập “Ủy ban Công vụ Hoa kiều Nam Bộ Việt Nam” (gọi tắt là Ban Công vụ), Trưởng, Phó Ban và Bí thư do các đồng chí Trần Thiên Thủy, Ngô Liên, Đinh Nguyên thay nhau đảm trách. Tổ chức Ban Công vụ mang hình thức như một lãnh sự ngoại giao Nhân dân của Hoa kiều, để phản ánh nguyện vọng của Hoa kiều lên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ.

Hầm bí mật được bố trí ở trên gác lửng của tầng trệt tại căn nhà số 91 Phạm Văn Chí, Phường 1, Quận 6 - một trong những cơ sở bí mật từng che giấu và bảo vệ an toàn các đồng chí cán bộ cách mạng (Nguồn: Ban Dân tộc TPHCM) Hầm bí mật được bố trí ở trên gác lửng của tầng trệt tại căn nhà số 91 Phạm Văn Chí, Phường 1, Quận 6 - một trong những cơ sở bí mật từng che giấu và bảo vệ an toàn các đồng chí cán bộ cách mạng (Nguồn: Ban Dân tộc TPHCM)

Ngày 1 tháng 7 năm 1950, tại căn cứ Chắc Băng (Rạch Giá - Kiên Giang) thuộc Khu 9, Tổng hội Liên hiệp Hoa kiều giải phóng Nam Bộ, gọi tắt là Tổng Hội Giải Liên được thành lập. Đồng chí Ngô Liên được bầu làm Phó Chủ nhiệm Tổng hội Giải liên Nam Bộ. Ông đã tổ chức cho đồng bào người Hoa tham gia các hoạt động cách mạng, có thể kể trong phong trào học sinh - sinh viên ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã có sự tham gia hưởng ứng của các trường trung học Hoa kiều và học sinh người Hoa. Tiêu biểu của phong trào học sinh người Hoa có liệt sĩ Trần Bội Cơ, học sinh lớp Sơ Trung trường Phước Kiến, hy sinh khi mới 18 tuổi để tỏ rõ khí tiết anh hùng của tuổi trẻ trước những đòn tra tấn dã man tàn ác của kẻ thù.

Sau khi được cử sang Trung Quốc học tập, từ năm 1954 đến năm 1964, đồng chí Ngô Liên công tác tại Hà Nội. Ông được cử giữ các chức vụ: Ủy viên Ban Hoa vận Trung ương, Vụ trưởng Vụ Hoa vận Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng hội Hoa Liên Việt Nam.

Ở miền Nam, cơ quan công tác Dân tộc được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục. Ngày 23 tháng 1 năm 1961, Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Nam Bộ. Theo đó, các cơ quan đơn vị trực thuộc Trung ương Cục được hình thành, trong đó có Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam.

Cuối năm 1964, đồng chí Ngô Liên từ Hà Nội được điều về tăng cường cho Ban Hoa vận Trung ương Cục, giữ chức Trưởng Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam (1965). Theo chỉ thị của Trung ương Cục, Ban Hoa vận mở trường huấn luyện tân binh, tiếp nhận hơn 100 thanh niên người Hoa thoát ly từ Sài Gòn - Chợ Lớn vào chiến khu tham gia kháng chiến; tiếp nhận số anh chị em đảng viên người Hoa bị địch bắt được trả tự do; tập huấn cho các đồng chí cán bộ đảng viên người Hoa hoạt động bí mật ở nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn…

Hầm bí mật được bố trí ở dưới gầm bếp căn nhà tại căn nhà số 91 Phạm Văn Chí, Phường 1, Quận 6 - đã che giấu an toàn cho các đồng chí như Trần Bạch Đằng, Nghị Đoàn (Sáu Lâm), Ngô Liên… (Nguồn: Ban Dân tộc TPHCM) Hầm bí mật được bố trí ở dưới gầm bếp căn nhà tại căn nhà số 91 Phạm Văn Chí, Phường 1, Quận 6 - đã che giấu an toàn cho các đồng chí như Trần Bạch Đằng, Nghị Đoàn (Sáu Lâm), Ngô Liên… (Nguồn: Ban Dân tộc TPHCM)

Năm 1967, để đáp ứng yêu cầu của tình hình cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng ủy kiêm Ban Hoa vận Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trực thuộc Đặc Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được thành lập để tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc dấy lên phong trào đấu tranh rộng khắp, góp phần quan trọng cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Cuối năm 1967, do yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và để tăng cường cho công tác Hoa vận ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, đồng chí Ngô Liên được điều động và bổ nhiệm làm Khu ủy viên Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Phó Chủ nhiệm Tổng hội Liên hiệp Hoa kiều giải phóng Nam Bộ. Lực lượng Hoa vận đã nhanh chóng triển khai việc chuẩn bị bố trí lực lượng và vũ khí tham gia cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. Trước ngày giờ nổ ra cuộc Tổng công kích, một số các đồng chí Hoa vận Trung ương Cục bí mật vào nội thành để tăng cường cho Hoa vận Khu Sài Gòn - Gia Định (T4).

Trong những thời kỳ khó khăn ác liệt của cách mạng, Đảng ủy Ban Hoa vận được sự tin cậy của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, đã tổ chức bảo vệ chu đáo các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định vào sâu trong nội thành công tác. Nhiều đồng chí đã được bố trí vào ở nhà các cơ sở bí mật của người Hoa sinh sống và làm việc. Nơi đâu cũng có hầm bí mật, hệ thống thông tin, phương tiện tự vệ vũ trang,… Căn nhà số 91 Phạm Văn Chí, Phường 1, Quận 6 là một trong những cơ sở bí mật đó. Nơi đây đã từng che giấu và bảo vệ an toàn các đồng chí cán bộ cách mạng như Trần Bạch Đằng, Nghị Đoàn (Sáu Lâm), Ngô Liên, Lâm Tư Quang (Ba Toàn), Trần Văn Tựu (Sáu Hoàng, Sáu Vàng) và nhiều cán bộ khác của Ban Hoa vận Thành ủy.

Tháng 4 năm 1968, đồng chí Ngô Liên bị địch bắt và tra tấn dã man nhưng trước sau ông vẫn một mực trung thành với cách mạng, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Tra xét không có chứng cớ và lại lớn tuổi, không nói rành tiếng Việt nên địch phải thả ông ra. Sau khi ra tù, từ năm 1969 ông được Đảng giao giữ chức vụ như trước khi bị địch bắt.

Sau Hiệp định Paris năm 1973, một bộ phận lãnh đạo của Ban Hoa vận Trung ương Cục do đồng chí Ngô Liên phụ trách đã về vùng Dầu Tiếng (Bình Dương) tiếp cận Sài Gòn để kịp thời chỉ đạo và phối hợp công tác. Căn cứ Dầu Tiếng cách Sài Gòn không xa nên việc chỉ đạo công tác nội đô của Ban Hoa vận Trung ương Cục có nhiều thuận lợi. Cuối năm 1974, Ban Hoa vận Trung ương Cục đã cử đoàn cán bộ tham gia công tác tiếp quản thị xã Phước Long và đón tiếp các đồng chí cán bộ Hoa vận đang bị tù đày được trao trả tự do tại Lộc Ninh.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Ngô Liên giữ các chức vụ: Phó Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia Đoàn A50 tại Campuchia, Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Phó Ban Công tác người Hoa Thành phố.

Năm 2001, ông qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với công lao to lớn của ông, Nhà nước đã tặng thưởng ông Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trao tặng Huy hiệu 60 tuổi Đảng.

Từ khóa » Dân Tộc Hoa Có được Vào đảng Không