Đồng Chí Phan Đăng Lưu - Lãnh đạo Tiền Bối Tiêu Biểu Của Đảng Và ...
Có thể bạn quan tâm
Với 39 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, trong đó có hơn 7 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc, đồng chí Phan Đăng Lưu đã cống hiến và hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, trở thành nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902 - 05/5/2022), Trang Thông tin điện tử của UBKT Trung ương có bài viết về tiểu sử, quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đồng chí Phan Đăng Lưu (1902 - 1941)
Từ người thanh niên yêu nước, sớm nhận thức về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc đến lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, góp phần chuyển hướng đúng đắn nhiệm vụ cách mạng qua mỗi giai đoạn lịch sử
Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 05/5/1902 trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, ảnh hưởng sự giáo dục của gia đình và truyền thống yêu nước trên quê hương cách mạng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí Phan Đăng Lưu đã ấp ủ hoài bão giúp dân, giúp nước.
Giai đoạn 1923 - 1924, sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang, đồng chí Phan Đăng Lưu được nhận làm viên chức của Sở Canh nông Bắc Kỳ và công tác tại trạm nghiên cứu tơ tằm ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Một năm sau, đồng chí Phan Đăng Lưu chuyển về làm việc tại Sở Canh nông Nghệ An ở Vinh và gia nhập Hội Phục Việt - tổ chức tiền thân của Tân Việt cách mạng Đảng, tích cực tham gia các hoạt động của Hội, trong đó có phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, mở lớp dạy văn hóa cho công nhân, nông dân trong vùng... Hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu đã bị chính quyền thực dân nghi ngờ, chỉ trong mấy tháng, chúng đã chuyển đồng chí đi làm việc ở nhiều địa phương, như Linh Cảm (Hà Tĩnh), Phú Phong (Bình Định), Di Linh và Đà Lạt (Lâm Đồng). Ở đâu, đồng chí Phan Đăng Lưu cũng tổ chức hoạt động yêu nước, chống bọn chủ sự Pháp. Tháng 6/1927, Khâm sứ Trung Kỳ ra quyết định thải hồi đồng chí Phan Đăng Lưu.
Trở về quê hương, đồng chí Phan Đăng Lưu tiếp tục hoạt động cách mạng, được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở tại Yên Thành, Nghệ An. Từ một công chức, đồng chí đã trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp trong tổ chức Tân Việt, được bầu làm Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương và có nhiều cống hiến to lớn trên các mặt: Tham gia hoạch định đường lối, phát triển tổ chức, đào tạo cán bộ và đặc biệt là góp phần quan trọng vào việc định hướng phát triển Tân Việt theo đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu, Trung Quốc vào tháng 5/1925.
Cuối tháng 9/1928, đồng chí được Tổng bộ Tân Việt cử sang Quảng Châu, Trung Quốc để bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 9/1929, đồng chí được cử sang Quảng Châu lần thứ hai, nhưng khi ở Hải Phòng, do có kẻ phản bội, đồng chí Phan Đăng Lưu bị mật thám bắt đưa về giam tại Nhà lao Vinh và bị Tòa án Nam triều ở Nghệ An kết án ba năm tù khổ sai, đày lên Nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong tù, đồng chí đã trở thành đảng viên cộng sản và tham gia Ban lãnh đạo nhà tù.
Giữa năm 1936, sau gần bảy năm bị giam cầm ở Nhà lao Vinh và Nhà tù Buôn Ma Thuột - một trong những nhà tù (nhà đày) khắc nghiệt nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương, đồng chí Phan Đăng Lưu được ân xá trở về quê nhà Nghệ An một thời gian, rồi trở vào Thừa Thiên Huế hoạt động. Đồng chí nhanh chóng kết nối với các cán bộ Đảng đang hoạt động ở Huế bước đầu củng cố, hình thành Ban lãnh đạo của Đảng ở Trung Kỳ. Sau khi liên lạc được với Trung ương Đảng, đồng chí được Trung ương chỉ định tham gia Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ, góp phần quan trọng lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng Trung Kỳ giành được nhiều thắng lợi, gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ. Tháng 9/1937, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Cuối năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương và bọn tay sai tăng cường áp bức, bóc lột nhân dân, đàn áp cách mạng nước ta. Đồng chí Phan Đăng Lưu được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng, đưa phong trào cách mạng Nam Kỳ phát triển lên một bước mới.
Trong nửa đầu năm 1940, trước sự tăng cường đàn áp, khủng bố của kẻ thù, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần lượt bị bắt, chỉ còn lại một mình đồng chí Phan Đăng Lưu chèo lái con thuyền cách mạng nước ta. Nhiều chỉ thị của đồng chí, nhân danh Ban Chấp hành Trung ương được thi hành trong Đảng trên toàn quốc nhằm vận dụng thời cơ, xiết chặt kỷ luật, củng cố tổ chức đi vào hoạt động bí mật và vận dụng sáng tạo các phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp. Tháng 7/1940, dự Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí đề nghị tạm hoãn cuộc khởi nghĩa và bí mật ra Bắc chuẩn bị cho việc tái lập Ban Chấp hành Trung ương.
Sau khi tạm trì hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí Phan Đăng Lưu bí mật bắt tay vào chuẩn bị mọi mặt cho Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bộ chỉ huy tối cao mới của Đảng. Trước khi gặp Xứ ủy Bắc Kỳ để thống nhất, công việc chuẩn bị cho Hội nghị do đồng chí Phan Đăng Lưu tự đề ra, tự chuẩn bị và tự móc nối. Tháng 11/1940, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy được tổ chức tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Hội nghị tiến hành cử Ban Chấp hành lâm thời, đồng chí Trường Chinh được cử làm Quyền Tổng Bí thư của Đảng. Nghị quyết Hội nghị tiếp tục thực hiện đường lối do Hội nghị Trung ương lần thứ sáu đã đề ra, tích cực chuẩn bị mọi mặt tiến tới Tổng khởi nghĩa giành lại non sông đất nước khi thời cơ xuất hiện.
Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí nhận thấy thời cơ khởi nghĩa chưa chín muồi, nếu chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, thống nhất trên toàn quốc đã tiến hành khởi nghĩa riêng lẻ sẽ dẫn đến thất bại. Tình hình lúc đó đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thật sáng suốt, kịp thời của Bộ Chỉ huy tối cao của Đảng. Do đó, việc tái lập Ban Chấp hành Trung ương để lãnh đạo toàn quốc, chuẩn bị mọi mặt, chớp thời cơ đưa cách mạng nước ta đi tới thắng lợi là sứ mệnh lịch sử cấp bách nhất, cao nhất lúc bấy giờ đặt lên vai đồng chí Phan Đăng Lưu. Thử thách và trách nhiệm càng nặng nề hơn trong tình huống không liên lạc được với Quốc tế Cộng sản và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Việc thống nhất với Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức thành công Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ bảy là đóng góp quan trọng nhất của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với Đảng ta và cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Phan Đăng Lưu được cử vào Ban Chấp hành Trung ương mới và được giao nhiệm vụ trở vào Nam truyền đạt ý kiến của Trung ương về hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Khi vừa về tới Sài Gòn, chưa kịp truyền đạt ý kiến của Trung ương thì đồng chí bị mật thám Pháp bắt. Ngày 3/3/1941, đồng chí bị Tòa án binh của chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình; đến ngày 26/8/1941, bị xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Bà Điểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
Người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí và văn học cách mạng
Xuất thân trong gia đình ở một miền quê giàu truyền thống yêu nước, hiếu học và nhân văn, đồng chí Phan Đăng Lưu sớm bộc lộ phẩm chất của một tài năng về sự nghiệp bút nghiên. Ngay từ thời trên ghế nhà trường, đồng chí đã sáng tác thơ ca, câu đối đả phá những cảnh chướng tai, gai mắt diễn ra trong xã hội đương thời, thông cảm với nhân dân bị đọa đày, đau khổ.
Sự nghiệp cách mạng báo chí của đồng chí Phan Đăng Lưu thật sự bắt đầu, sôi nổi và phong phú khi tham gia Đảng Tân Việt. Trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Đảng Tân Việt phụ trách tuyên truyền, đồng chí Phan Đăng Lưu đã dịch và biên soạn nhiều tư liệu quý như: A.B.C Chủ nghĩa Mác, Dân chủ mới; dịch các cuốn Xã hội luận, Lịch sử các học thuyết kinh tế… Các cuốn sách và bài viết của đồng chí đã góp phần thiết thực thức tỉnh nhiều trí thức, thanh niên, học sinh và thấm dần vào các tầng lớp nhân dân lao động.
Trong chốn lao tù, nhận thấy lính gác ngục là người Êđê, vừa không biết tiếng Kinh, vừa bị kích động hằn thù dân tộc, chia rẽ Kinh, Thượng, đồng chí đã kết hợp với một số anh em tù chính trị bí mật ra tờ “Doãn Đê tù báo”. Tờ báo được bí mật viết tay, lưu truyền trong nội bộ nhà tù, báo ra hàng tuần, đọc xong rồi hủy đi, vừa là công cụ giác ngộ lính Êđê, vừa là công cụ tuyên truyền của Đảng. Đồng thời, đồng chí còn viết nhiều bài báo tố cáo tội ác của nhà tù gửi ra bên ngoài.
Tháng 7/1937, đồng chí cùng nhiều nhà báo tiến bộ ở Huế triệu tập Hội nghị báo giới Trung Kỳ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nhà báo dân chủ tiến bộ, hình thành Mặt trận báo chí dân chủ Trung Kỳ, đánh bại bọn bồi bút phản động. Hoạt động của Mặt trận báo chí Trung Kỳ tuy ngắn ngủi nhưng có ý nghĩa tiên phong, phất cao ngọn cờ dân chủ của giới báo chí nước ta lúc bấy giờ mà về sau báo chí Bắc Kỳ và Nam Kỳ còn tiếp bước. Lịch sử báo chí cách mạng nước ta ghi nhận đồng chí Phan Đăng Lưu như một chiến sĩ tiên phong cho dòng báo chí cách mạng.
Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
Cuộc đời của đồng chí Phan Đăng Lưu để lại tấm gương đạo đức sáng ngời của một con người tận trung với nước, tận hiếu với dân, không màng danh lợi. Ở đồng chí luôn có niềm tin tuyệt đối với Đảng, niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi tất yếu của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Phẩm chất đạo đức đó đã nuôi dưỡng chí khí chiến đấu, thôi thúc đồng chí Phan Đăng Lưu luôn đứng trên thế tiến công cách mạng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, từ khi còn là một thanh niên yêu nước đến khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản trong lao tù đế quốc và đến tận những giây phút cuối cùng hy sinh anh dũng trên pháp trường dưới làn đạn của kẻ thù.
Bảo đảm cho sự trường tồn và phát triển của Đảng là mệnh lệnh mà đồng chí Phan Đăng Lưu luôn nghiêm chỉnh chấp hành, dù phải hy sinh lợi ích cá nhân. Hành động tiêu biểu cho đức hy sinh ấy là việc đồng chí góp phần tiến cử đồng chí Trường Chinh vào chức vụ cao nhất trong Đảng mặc dù khi đó đồng chí Trường Chinh mới chỉ là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Đó là minh chứng rõ nét cho tấm gương đạo đức cao cả hết lòng vì Đảng, vì dân, chí công vô tư của đồng chí Phan Đăng Lưu.
Ở đồng chí Phan Đăng Lưu, lòng yêu nước và tình thương yêu nhân dân thống nhất với nhau. Lòng yêu nước xuất phát từ lòng thương yêu những con người nghèo khổ, cơ hàn và tâm niệm cứu nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than, nô lệ. Khi còn ở Vinh, đồng chí luôn tìm dịp để gần gũi, giác ngộ con đường cách mạng cho những người nông dân, công nhân, thanh niên, trí thức. Ở nhà tù Buôn Ma Thuột, đồng chí tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền trong các bạn tù, cảm hóa lính gác ngục người Êđê. Ở Huế, đồng chí thường xuyên tiếp xúc, thâm nhập, tìm hiểu đời sống và nguyện vọng của nhân dân lao động.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hoạt động bí mật, công khai hay trong nhà lao đế quốc, đồng chí luôn đặt công tác đào tạo, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cho Đảng lên hàng đầu. Việc đào tạo cán bộ của đồng chí rất linh hoạt, toàn diện: Dạy chữ quốc ngữ, khoa học, văn học, báo chí đến lý luận Mác - Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng và phương pháp hoạt động cách mạng… tùy trình độ của mỗi lớp, mỗi người mà có chương trình, cách thức phù hợp. Trong đó, nhiều đồng chí đã trưởng thành và trở thành những cán bộ có uy tín của Đảng, như Phan Đăng Tài, Nguyễn Oanh, Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh), Tố Hữu, Thôi Hữu, Hồng Chương…
Đồng chí Phan Đăng Lưu cũng thường xuyên gặp gỡ các tầng lớp trí thức, thanh niên, học sinh, công chức, các nhân sĩ, các nhà khoa bảng, tu hành để thuyết phục họ đi theo con đường cách mạng của Đảng. Với học vấn sâu rộng, đức tính khiêm tốn, đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống giản dị, đồng chí Phan Đăng Lưu có uy tín lớn và nhận được sự quý trọng của các bậc trí thức, nhân sĩ dân chủ khi đó. Những cống hiến to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu cho Đảng, cho cách mạng là kết quả tất yếu của việc cần kiệm tích lũy vốn hiểu biết sâu rộng trên cơ sở miệt mài học tập, lao động và hoạt động cách mạng.
Những ngày cuối đời trong xà lim án chém, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn linh hoạt, sáng tạo, tổ chức trao đổi, đúc rút kinh nghiệm về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ với các đồng chí trong tù; vẫn hết lòng chăm sóc, thương yêu những đồng chí bị kẻ thù tra tấn dã man, tàn bạo; vẫn truyền và khơi dậy ý chí bất khuất, kiên cường với niềm lạc quan tin tưởng vào ngày toàn thắng của cách mạng cho những đồng chí còn ở lại.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu tuy ngắn ngủi nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc rất quan trọng và to lớn. Nhắc đến đồng chí Phan Đăng Lưu là nhắc đến người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, đầy mưu lược, khôn khéo, dũng cảm, kiên cường; một nhà báo, nhà văn, nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của đồng chí Phan Đăng Lưu được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, biết ơn sâu sắc.
Minh Ngọc
Từ khóa » Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên Là Tổ Chức Tiền Thân Của đảng Cộng Sản Việt Nam Vì đã
-
Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên được Coi Là Tổ Chức Tiền Thân ...
-
Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên được Coi Là Tổ Chức Tiền Thân ...
-
Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên được Coi Là Tổ Chức Tiền Thân C
-
Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên - Wikipedia
-
Nguyễn Ái Quốc Với Việc Thành Lập Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh ...
-
Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên được Coi Là Tiền Thân Của ...
-
Vì Sao Nói Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên Là To Chức Tiền Thân ...
-
Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên được Coi Là Tổ Chức Tiền Thân ...
-
Danh Bai Zing Play
-
Xem Bong Datruc Tiep
-
NGUYỄN ÁI QUỐC - NGƯỜI SÁNG LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
-
Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Người Sáng Lập Và Rèn Luyện Ðảng Ta
-
Đoàn Thanh Niên Sở Tài Nguyên Và Môi Trường Thăm Khu Di Tích ...
-
PHÁT BIỂU KHAI MẠC VÀ BÁO CÁO ĐỀ DẪN - TÀI LIỆU TỌA ĐÀM