Dòng Chúa Cứu Thế Với Mái ấm Khuyết Tật Thanh Tâm (An Thới Đông

Hiện diện tại vùng biển mặn Cần Giờ từ thập niên 80, quý cha, quý thầy Dòng Chúa Cứu Thế muốn góp một chút gì đó gọi là loan báo Tin mừng cho người nghèo tại vùng biển mặn này. Cuộc sống vốn đã nghèo và khi gia đình có con bị tật nguyền quả là “hoạ vô đơn chí”. Đứng trước những bất hạnh của những người nghèo khổ, tất bạt, quý cha Dòng Chúa Cứu Thế mở trường khuyết Thanh Tâm tại ấp An Hoà xã An Thới Đông năm 2000. Trường khuyết tật Thanh Tâm do Cha Giuse Phạm Kim Điệp phụ trách.

Trường khuyết tật Thanh Tâm được thành lập với mục đích phần nào chia sẻ một chút nỗi đau của vùng đất nghèo sát cạnh Sài Thành phồn hoa đô thị. Dẫu rằng khá gần với Sài Thành đấy, nhưng vùng đất An Thới Đông - Cần Giờ còn quá nhiều khó khăn. Đời sống của bà con dân cư An Thới Đông quanh quẩn chỉ mò cua bắt ốc và làm thuê làm mướn đắp đổi qua ngày.

Học sinh phổ thông An Thới Đông đến trường quá vất vả, có em đến trường với đoạn đường vài chục cây số. Các em học phổ thông đến trường đã như thế huống hồ gì là các em kém may mắn, các em khuyết tật.

Các em vào trường Thanh Tâm được chia vào 4 lớp để phù hợp với khả năng, với bệnh trạng, với khuyết tật của em như : khiếm thính, thiểu năng, chậm phát triển

Sau thời gian học ở đây, tuỳ khả năng nắm bắt tương đối vững về ngôn ngữ, chữ viết … em nào thích học nghề thì Linh mục phụ trách liên hệ những nơi dạy nghề cho các em khuyết tật để gửi các em đến đó học còn em nào yếu thì trường vẫn tiếp tục cưu mang.

Các em khuyết tật ở mái ấm Thanh Tâm được chăm sóc tất cả từ sức khoẻ, việc ăn đến việc học. Tất cả hoàn toàn là miễn phí vì hoàn cảnh của các em ở vùng này hết sức khó khăn, cha mẹ của các em thường đi làm thuê làm mướn đắp đổi qua ngày.

Từ năm 2000 đến 2008, mái ấm được sự tài trợ của một nhóm Doanh Nhân người Đức. Sau đó vì hoàn cảnh khó khăn, nhóm ấy đã rút lui.

Năm 2008, sau khi lãnh sứ vụ linh mục, linh mục Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh được Nhà Dòng gửi về phục vụ tại vùng đất truyền giáo Cần Giờ này tiếp nối công việc Cha Giuse Phạm Kim Điệp là phụ trách trường khuyết tật Thanh Tâm. Là linh mục trẻ, còn nhiều hạn chế và gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc cho khoảng 80 em trong mái ấm này.

Có những lúc những người có trách nhiệm với trường muốn đóng cửa, muốn buông xuôi vì kinh phí lo cho các em đi vào ngõ cụt. Thế nhưng, nhình lại những hình ảnh thân thương, nhìn lại những mảnh đời kém may mắn mà bị bỏ rơi nữa thì không đành. Và, luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa qua những tấm lòng thơm thảo thì những người có trách nhiệm lại tiếp tục công việc lo cho các em.

Sau gần 10 năm hoạt động trường Thanh Tấm đã xuống cấp. Vừa qua, nhờ vào một số tấm lòng thơm thảo, Cha Thịnh đã tu sửa trường khá tươm tất để chuẩn bị cho năm học mới 2009 - 2010.

Để tiếp tục có kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng các em khuyết tật, các em kém may mắn thầm mong có nhiều tấm lòng chung chia với quý cha Dòng Chúa Cứu Thế nơi mảnh đất truyền giáo nghèo An Thới Đông này. Thiển nghĩ, việc nuôi 80 em đủ ăn, đủ mặc và đủ học không phải là chuyện đơn giản nhưng nếu mỗi người chung chia một chút lòng hảo tâm của mình thì các em sẽ an tâm học hành và điều trị bệnh hơn.

Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh, DCCTPhụ trách Trường Khuyết Tật Thanh Tâm Địa chỉ: Nhà thờ An Thới ĐôngXã An Thới Đông, Huyện Cần Giờ, Thánh phố Hồ Chí MinhEmail : truongkhuyettatthanhtam@yahoo.com.vnSố điện thoại: 08.38887877 (trường)hay 08.22486619 – 01683868556 (Cha Thịnh)

NHỮNG MẢNH ĐỜI VỤN VỠ Ở MÁI ẤM THANH TÂM

Sinh ra trong cuộc đời đời này, là con người bình thường đã mang trong mình nhiều đau khổ của phận người. Đơn giản nhất là khổ với cái chuyện cơm - áo - gạo - tiền, con người phải đối diện với thực tại ấy bằng mồ hôi và thậm chí cả nước mắt. Với con người bình thường lành lặn thì còn có cơ may và khả năng để bươn chải với đời. Còn với những ai mang trong mình cái thân phận không lành lặn, kém may mắn hơn những người bình thường thì phải đối diện với cuộc sống thường ngày ấy khó khăn hơn gấp bội.

Ông bà ta đã nói “nghèo còn mắc eo” ! Vâng ! Đúng lắm chứ khi nhà nghèo mà còn lại mắc phải cái “eo” của cuộc đời.

Nếu có dịp, từ bỏ cái thành phố phồn hoa đô thị mà về với vùng biển mặn Cần Giờ, ta sẽ thấy rõ nét sự khác biệt hay nói đúng hơn là cách biệt. Khoảng cách giàu nghèo phân cách ấy đủ lớn với dòng chảy “Nhà Bè nước chảy chia hai”. Bước qua khỏi cái phà Bình Khánh ta sẽ thấy được một “mức” sống rất lạ lùng. Dù người ta có hô hào, dù người ta có đồn thổi thế nào đi chăng nữa nhưng khi xuống và ở lại với vùng đất biển mặn ấy ta sẽ thấy cuộc sống như thế nào.

Đã sinh ra ở vùng đất mà tạm gọi là kém may mắn vậy mà còn kém may mắn hơn khi không lành lặn như những người khác, đó là điều bất hạnh mà những em trú ngụ trong mái ấm Khuyết Tật Thanh Tâm gánh chịu. Em cất tiếng khóc chào đời đã mang trong mình khiếm khuyết hơn bạn bè trang lứa, cái khiếm khuyết ấy chồng chất lên đời em khi gia đình em quá nghèo lại ở cái vùng đất mặn đồng chua này.

Những mảnh đời vụn vỡ như các em tưởng chừng như đi vào ngõ cụt. Nhưng may quá! May vì có những tấm lòng muốn chung chia nỗi đau của các em như quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế, quý sơ Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán và nhiều tấm lòng thơm thảo khác. Quý cha và quý sơ đã quy tụ các em về với mái ấm Thanh Tâm. Mái ấm khuyết tật Thanh Tâm cưu mang các em dường như đa tật chứ không còn phân biệt nữa. Ở mái ấm ấy khiếm thính cũng có, dư - thiếu nhiễm sắc thể cũng có và bại liệt cũng có …

Mái ấm hiện tại chỉ cưu mang trên dưới tám chục em. Ngoài tám chục em đang hiện diện trong mái ấm này còn và còn nhiều trẻ em kém may mắn ở cái vùng đất nghèo này nhưng khả năng có hạn nên chưa thể cưu mang thêm được.

Làm sao có thể ngồi yên không chăm lo cho các em khi được các em bộc bạch :

Nguyễn Thị Đặng: Đặng năm nay 12 tuổi, nhà ở Bình Khánh - Cần Giờ. Với giọng nói gượng gạo của một đứa trẻ bại liệt nửa người bên trái : “Gia đình con có hai chị em. Ba mẹ con làm đất mướn cho người ta. Bữa no bữa đói …”Giọng nói thơ ngây thật thà của em nói lên hết phận đời nghiệt ngã của em.

Lê Văn Tưng, nhà ở An Nghĩa. Tưng bị khiếm thính cộng thêm con mắt tèm lem lúc tỏ lúc mờ làm cho mọi sinh hoạt của em phải chậm lại so với bao trẻ khác ở mái ấm này. Nhà Tưng ở tận trong bưng thật sâu, nước ngọt sinh hoạt quả là điều gì quý hiếm với nhà em nên chuyện tắm rửa giặt giũ của Tưng đều ở trường Thanh Tâm cả. Hễ hôm nào mà các sơ quên dặn Tưng tắm rửa ở trường thì hôm sau Tưng đến lớp là có “vấn đề”. Cái nghèo, cái khổ nó cứ muốn ôm chầm lấy cuộc đời của Tưng vậy.

Lê Phước Có, “ngọc liếu ngọng lo”, phải ngồi trên chiếc xe lăn từ thiện để di chuyển tới lui. Nhà Có nghèo, cộng thêm sự hiện diện của Có, làm cho cuộc sống càng vất vả hơn. Nhiều lúc em muốn làm điều gì đó để gia đình bớt khổ nhưng chẳng hiểu sao đôi chân em nó cứ như níu em lại và đôi tay của em cứ queo lại không như bao bạn khác.

Bùi Trọng Đức thì “sáng nắng chiều mưa” với cái bệnh down em đang mắc phải. Có những lúc Đức trở chứng làm cho các cô tăng thêm phần mệt nhọc. Mệt nhọc đấy, nhưng ai cũng thông cảm cho căn bệnh nghiệt ngã mà Đức đang mắc phải. Làm sao mà trách được Đức khi nhà Đức quá khổ, cha em đã bỏ lại mặc em và mẹ sau khi biết Đức không được bình thường như người khác. Mẹ Đức phải dong duỗi trên mảnh đất Cần Giờ để bán từng tờ vé số để đắp đổi qua ngày.

Nhiều và nhiều mảnh đời vụn vỡ nữa đang trú ngụ trong mái ấm Thanh Tâm này. … Nhiều lần nhiều lúc các vị phụ trách mái ấm này mệt mỏi và như muốn buông xuôi vì việc chăm lo cho các em như bế tắc vì không còn tiền lo cho các em. Sự bế tắc ấy càng bế tắc thêm khi khủng hoảng kinh tế xảy đến. Đã có lúc nghĩ “quẩn” là đóng cửa trường thế nhưng nhìn các em sao mà tội quá không nỡ buông xuôi được, thế là tiếp tục hành trình trong vòng tay quan phòng của Chúa. Không nở để các em bơ vơ càng bơ vơ nên lại cứ tiếp tục và tiếp tục.

Một lần nọ, một đoàn kia đến thăm các em. Lê Phước Có, thành viên “tiên khởi” của mái ấm Thanh Tâm đã cố gắng hết sức trong giới hạn tật nguyền của mình để ngỏ lời với đoàn qua bài thơ “Nói với cô” mà cô giáo đứng lớp của em sưu tầm được : Đã sinh ra ở trên đờiAi ai cũng muốn làm người hẳn hoiRiêng em phải chịu thiệt thòiVì mang khuyết tật trên người cô ơi !Chim non gãy cánh giữa đờiTưởng đâu em bị bỏ rơi tháng ngàyBây giờ đời đã đổi thayĐón em là cả vòng tay bạn bèĐón em là mái trường quêLà lời cô dạy vỗ về thương yêuBên em sớm sớm chiều chiềuÂn cần cô dạy em nhiều, cô ơi!Cho em được nói được cườiĐược nghe được học được chơi được nhìnCô cho em cả niềm tinCho em đôi cánh như chim có bầyCô cho cuộc sống tương laiĐể em hòa nhập với đời nghen cô ! Có vừa trình bày bài thơ xong thì nhiều và nhiều hàng nước mắt bỗng dưng tự đâu cứ trào ra. Có lẽ những người may mắn lành lặn trong đoàn nhìn Có đã cảm nhận được nỗi niềm của em, nỗi niềm của một người kém may mắn mang tật nguyền trong mình. Tâm sự của Có chắc có lẽ cũng là tâm sự của gần tám chục bạn đang nương tựa trong mái ấm Thanh Tâm này.

Vâng ! Cô sẽ cho em cuộc sống tương lai như lòng em nguyện ước nhưng chỉ mình cô chưa đủ. Tương lai của em nằm trong vòng bàn tay nhân ái của nhiều và nhiều người nữa.

Nguyện ước nhiều tấm lòng nhân ái chia sẻ tình thương cho những mảnh đời vụn vỡ ở đâu đó trong các mái ấm khuyết tật trong đó có mái ấm Thanh Tâm ở xã An Thới Đông huyện Cần Giờ nghèo này.

Từ khóa » Dòng Chúa Cứu Thế Cần Giờ