Động Cơ Mới Giúp Kéo Dài Tuổi Thọ 'pháo đài Bay' B-52 Mỹ Lên 100 Năm

Chú thích ảnh
"Pháo đài bay" B-52 của Mỹ sắp hết tuổi hoạt động nếu không được thay động cơ mới. Ảnh: BBC

Máy bay ném bom B-52 Stratofortress đã trở thành trụ cột trong phi đội của Không quân Mỹ kể từ khi nó đi vào hoạt động đúng thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.

Nhưng những chiếc B-52 tới nay trung bình đã hoạt động 60 năm và ngày càng lộ rõ vấn đề “tuổi tác”. Vì thế Không quân Mỹ đã ký một hợp đồng hàng tỉ USD mang lại cho những “pháo đài bay” này một sức sống mới, thông qua loạt động cơ F-130 mới của hãng Rolls-Royce.

Trong cuộc họp báo hôm 4/3, các quan chức Rolls-Royce và Boeing đã trình bày chi tiết cách thức các kỹ thuật thiết kế kỹ thuật số hiện đại đang giúp chế tạo động cơ mới của B-52 và các hệ thống liên quan.

Trước đó, hồi tháng 9/2021, Không quân Mỹ thông báo ký hợp đồng Chương trình Thay thế Động cơ Thương mại trị giá 2,6 tỷ USD để duy trì hoạt động của phi đội B-52 tới những năm 2050 – tức khoảng 100 năm kể từ khi chiếc B-52 đầu tiên đi vào hoạt động. Động cơ TF33 do Pratt & Whitney sản xuất trang bị cho phi đội B-52 đã ra đời vào đầu thập niên 1960 và dự kiến sẽ hết tuổi thọ vào cuối thập kỷ này.

Robert Gass, Giám đốc Đầu tư và Phát triển chiến lược của Boeing, cho biết vấn đề đang được quan tâm là tốc độ của máy bay ném bom B-52. “Pratt đã tạo ra một động cơ tuyệt vời phục vụ rất tốt cho chiếc B-52, nhưng nó đang gần hết tuổi thọ. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để đảm bảo những chiếc B-52 tồn tại được”, ông Grass nói.

Xem video máy bay B-52 Mỹ xuất hiện gần biên giới Ukraine giữa trong bối cảnh chiến sự đang diễn ra tại nước này (Nguồn: The Buzz)

Trong khi đó, Không quân Mỹ cho hay, tập đoàn Boeing, nhà sản xuất ban đầu của B-52, sẽ phụ trách việc tích hợp động cơ Rolls-Royce mới vào máy bay ném bom này. Nhóm máy bay B-52 sửa đổi đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao cho Không quân vào cuối năm 2028.

Các công nghệ thiết kế kỹ thuật số - tương tự như phương pháp đã giúp đẩy nhanh quá trình chế tạo các máy bay khác gần đây, như máy bay huấn luyện T-7A Red Hawk của Boeing - đang giúp đơn giản hóa quy trình nâng cấp B-52.

Quá trình này bắt đầu bằng cách tạo một bản đồ kỹ thuật số về các hệ thống của B-52 và cách chúng hoạt động. Khi đã có bản đồ trong tay, các nhà thiết kế tạo ra các mô hình 3D về động cơ và các bộ phận khác của máy bay. Điều này cho phép các kỹ sư hình dung dễ dàng hơn về những gì họ đang thiết kế, cách các phần sẽ khớp với nhau và ảnh hưởng đến những bộ phận khác đang được các nhóm khác thiết kế.

Ông Gass lưu ý rằng quá trình này vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng có một số nguồn tin cho rằng phương pháp kỹ thuật số cho phép các nhà thiết kế nắm bắt được sớm hơn các trục trặc xảy ra, chẳng hạn như các bộ phận xung đột với nhau.

Giám đốc Chương trình quốc phòng của Rolls-Royce, Candice Bineyard cho biết hãng này và Boeing đã trao đổi các mẫu kỹ thuật số với nhau. Điều này giúp các kỹ sư phát hiện ra "những chỉnh sửa nhỏ" cần thực hiện để đảm bảo động cơ sẽ nằm khớp chính xác bên trong hốc động cơ B-52, hoặc tìm ra vị trí tốt nhất mà các bộ phận mới bổ sung nên được lắp vào.

Từ khóa » Giá Máy Bay B52