Đồng Euro Lao Dốc Tác động Tới Doanh Nghiệp Việt Nam Như Thế Nào ...

(KTSG Online) - Các doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ thương mại bằng đồng euro cho biết không bị ảnh hưởng, thậm chí là có lợi khi đồng euro giảm giá. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ khó khăn tại thị trường khu vực này.

  • Đồng đô la Mỹ tăng mạnh, gây náo động thị trường toàn cầu
  • Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ đưa đồ gỗ vào thị trường châu Âu
  • IMF nâng tỷ trọng nhân dân tệ và đồng đô la Mỹ trong rổ tiền tệ chính
Phần lớn các doanh nghiệp có giao dịch xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu chưa bị ảnh hưởng khi đồng euro lao dốc. Ảnh minh họa: TL

Phần lớn chưa bị ảnh hưởng

Đến chiều tối 14-7, trong khi giá bán đồng euro vẫn cao hơn đô la Mỹ (USD) trên kênh ngân hàng, giá mua vào tại hầu hết ngân hàng thương mại đã ghi nhận USD vượt qua euro.

Sức mạnh đồng USD liên tục tăng cao trên thị trường thế giới trong khi đồng euro ghi nhận diễn biến ngược lại, tỷ giá quy đổi cả hai đồng ngoại tệ này sang tiền Việt Nam đang ghi nhận những biến động chưa từng có.

Dữ liệu cho thấy đồng euro bị lao dốc tới 12% so với hồi đầu năm nay khiến một số ý kiến quan ngại rằng doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường khu vực này sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên trên thực tế không phải vậy.

Lấy ví dụ như tại Công ty May 10 có hoạt động xuất khẩu sang thị trường EU nhưng theo lãnh đạo doanh nghiệp này là không bị ảnh hưởng.

Khoảng 30% lượng hàng may mặc của doanh nghiệp này xuất sang châu Âu, mỗi năm giá trị thu về tương đương khoảng 60 triệu euro, nhưng theo thông lệ quốc tế của sản phẩm may mặc, tiền thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam lại không phải là euro.

Theo Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, ông Thân Đức Việt, tất cả khách hàng châu Âu của công ty đều ký hợp đồng thanh toán bằng đồng USD. Vì vậy, tỷ giá giữa USD và euro có thay đổi, tăng hay không thì không ảnh hưởng.

Tương tự, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (AGTEK), phần lớn các doanh nghiệp là hội viên của AGTEK xuất hàng sang thị trường này cũng giao dịch bằng USD nên ở giai đoạn này doanh nghiệp cũng không bị ảnh hưởng.

Với doanh nghiệp trong ngành nông sản, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, cho biết hiện khu vực châu Âu chiếm đến 55% tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu và cà phê của Phúc Sinh. Tuy nhiên, lâu nay giao dịch ở thị trường này của Phúc Sinh cũng là đồng USD nên dù đồng euro bị rớt giá mạnh thì cũng không ảnh hưởng đến tập đoàn.

Còn được hưởng lợi tức thời?

Một số doanh nghiệp còn cho rằng họ được hưởng lợi nếu mua linh kiện, máy móc từ EU lúc này, Ảnh minh họa: TL

Không riêng doanh nghiệp của ngành may mặc hay nông sản nói trên mà các doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực khác như đồ gỗ, da giày, thực phẩm... cũng cho biết giao dịch thương mại với các đối tác ở thị trường EU chủ yếu bằng tiền USD.

Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products), cũng là chủ hệ thống cửa hàng đồ gỗ Furnist, cho biết hiện công ty ông có giao dịch xuất khẩu hàng hóa sang hơn 15 nước ở EU và nhiều năm nay tất cả các đối tác nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ của Viet Products ở khu vực này cũng giao dịch bằng USD.

Trong nửa đầu đầu năm 2022, khu vực châu Âu, Việt Nam xuất khẩu 23,6 tỉ đô la, nhập khẩu 8,1 tỉ đô la.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất siêu của Việt Nam sang EU ước đạt 15,5 tỉ đô la, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam tại châu Âu gồm có Hà Lan, Đức, Ý, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha,...

Do đó, Viet Products hiện chẳng những không bị ảnh hưởng ở thị trường này khi đồng euro mất giá mà còn thấy đang có lợi vì hiện nay tỷ giá USD tăng cao so với tiền đồng Việt Nam.

Các doanh nghiệp cho biết không chỉ thị trường EU mà ở hầu hết thị trường xuất khẩu khác trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... họ cũng giao dịch bằng USD nên hiện tại chưa bị ảnh hưởng gì khi euro mất giá.

Tương tự, ông Thân Đức Việt nhìn thấy đồng euro suy yếu là thời điểm để doanh nghiệp có thể nhập khẩu hàng hóa giá tốt từ khu vực này. "Tôi cho rằng hiện nay chúng tôi có thể nhập khẩu máy móc, thiết bị rẻ hơn nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu từ châu Âu để tạo ra thành phẩm may mặc cũng rẻ hơn", ông Việt chia sẻ.

Dự báo thời gian tới thị trường EU sẽ khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu. Ảnh minh họa: TL

Viet Products hiện cũng đang nhập khẩu một số nguyên liệu gỗ tại châu Âu và thành phẩm xuất khẩu gỗ đi Mỹ cùng một số thị trường khác nên sẽ dẫn đến cạnh tranh về giá.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận nếu doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU thì thời điểm này sẽ mua được giá tốt vì đồng euro suy yếu.

Sẽ khó khăn vào thời gian tới

Mặc dù chưa hoặc không bị ảnh hưởng ở thời gian này, nhưng theo nhận định của các doanh nghiệp và giới phân tích thì khả năng thị trường EU thời gian tới sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu.

Liên quan vấn đề này, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch của AGTEK, cho rằng việc đồng euro mất giá chứng tỏ thị trường châu Âu đang bất ổn, người tiêu dùng theo đó sẽ giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu. Do đó dự báo thời gian tới, xuất khẩu của ngành dệt may sang thị trường châu Âu sẽ bị sụt giảm.

Đại diện của Công ty TNHH Việt Thắng Jeans cũng cho biết tình hình cho thấy đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu của công ty đã bị sụt giảm gần 20% trong mấy tháng nay. Điều này cho thấy cầu của thị trường khu vực này yếu đi và doanh nghiệp vốn đang trong giai đoạn phục hồi lại tiếp tục rơi vào thế khó.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sang của Viet Products nhận thấy cầu của thị trường khu vực châu Âu đang có chiều hướng yếu đi. "Khó khăn của nền kinh tế, lạm phát tăng cao sẽ khiến người dân chỉ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới nên tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ dự báo cũng sẽ khó tăng trưởng mà có thể sẽ bị sụt giảm trong thời gian tới", ông Sang dự báo.

Mặt khác, tình hình kinh doanh khó khăn sẽ khiến các nhà nhập khẩu của thị trường này yêu cầu giảm giá, ông Sang phân tích.

Mặt khác, theo giới phân tích, nếu đồng euro tiếp tục suy giảm, thì giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu có thể đắt đỏ hơn. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam so với các quốc gia khác ở thị trường trọng điểm này.

Trên thực tế cũng có doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU giao dịch bằng đồng euro nên lúc này sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Ảnh hưởng trước mắt với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may chính là giá trị sụt giảm. Theo đó, tất cả các khách hàng tại châu Âu đều thanh toán bằng đồng euro và doanh nghiệp Việt Nam nhận tiền về nước đều phải đổi qua USD. Nay đồng euro giảm gần bằng với đồng USD sẽ đồng nghĩa với việc giá trị xuất khẩu của mỗi lô hàng giảm theo. Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp vốn đang thấp bởi các chi phí đầu vào như xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào, giá nhân công… đều tăng, nay thêm giá euro lao dốc sẽ càng kéo lợi giảm thấp hơn.Tuy nhiên, theo giới quan sát, hiện nay chỉ có một số ít doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ký hợp đồng thanh toán bằng đồng euro, còn lại chủ yếu bằng USD nên thiệt hại được giảm thiểu đáng kể. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các đồng tiền quốc tế biến động phức tạp, doanh nghiệp nên tính đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Từ khóa » Go Online Là Gì