Đóng Góp Của đồng Chí Võ Chí Công Trong Việc đổi Mới Hoạt động ...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đổi mới của Quốc hội khoá VIII gắn liền với sự chỉ đạo kiên quyết, sáng tạo của đồng chí Võ Chí Công

Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 07/8/1912 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (năm 1961); Phó ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam, phụ trách Khu 5 (năm 1975); Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản (năm 1976); Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam (1978); Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (năm 1981 và năm 1986); Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng (năm 1987); Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII. Dù ở cương vị công tác nào đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thể hiện được năng lực, tư duy, phẩm chất và lòng nhiệt thành cách mạng được đồng bào, nhân dân cả nước yêu mến, tin cậy.

Do uy tín và sự cống hiến của đồng chí, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiệm kỳ 1987 – 1992. Trong những năm tháng hoạt động trên cương vị người đứng đầu cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng cho sự đổi mới hoạt động của Hội đồng Nhà nước và Quốc hội, đặc biệt là trong công tác lập hiến và lập pháp, cùng Hội đồng Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra, xứng đáng với sự tin cậy và lòng mong mỏi của nhân dân.

Ảnh Tư liệu

Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công khẳng định: “Là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội trong giai đoạn bước ngoặt mới của đất nước, Hội đồng Nhà nước có trách nhiệm to lớn góp phần đẩy mạnh quá trình đổi mới cách nghĩ, cách làm một cách sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước”. Đồng chí nêu rõ: “Trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc”, thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cần đảm bảo cho Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ và quyền hạn theo Hiến pháp và luật định, nhằm góp phần tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, xây dựng và thực hiện quyền làm chủ Nhà nước của nhân dân lao động, khẩn trương và kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 của Ban chấp hành Trung ương Đảng thành pháp luật và các chính sách, quy định phù hợp, đổi mới toàn diện cơ chế quản lý kinh tế, thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn”[1].

Để thực hiện được điều đó, thay mặt Hội đồng Nhà nước đồng chí đã hướng trọng tâm công tác của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước vào việc thực hiện hai chức năng chủ yếu là lập pháp và giám sát, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện thắng lợi đường lối và chủ trương của Đảng; không ngừng cải tiến cách làm việc và nâng cao chất lượng các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của Hội đồng Nhà nước, tăng cường hiệu lực giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đối với việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, việc thực hiện kế hoạch nhà nước, ngân sách nhà nước.

Với công tác lập hiến, lập pháp

Để chuyển nền kinh tế từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường theo tinh thần mới của Đảng, vấn đề đặt ra là phải xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Hội đồng Nhà nước đã chủ động kiến nghị với Quốc hội về chương trình làm luật và theo chương trình đó, Hội đồng Nhà nước kiểm tra công tác chuẩn bị, xem xét nội dung các dự án luật bảo đảm chất lượng mới trình Quốc hội. Bởi vậy, mỗi kỳ họp của Hội đồng Nhà nước, các cơ quan trình dự án luật và các ủy ban chuyên trách của Quốc hội báo cáo nội dung các dự án luật để tập thể Hội đồng Nhà nước thảo luận dân chủ rồi trình ra Quốc hội quyết định theo đa số. Theo đó, mỗi thành viên Hội đồng Nhà nước phải nghiên cứu dự thảo dự án luật, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng luật của các nước để đưa ra ý kiến của mình trước Hội đồng Nhà nước. Theo ủy quyền của Quốc hội, trong khi các dự án luật chưa được hoàn thiện, Hội đồng Nhà nước phải đề ra việc xây dựng và ban hành các pháp lệnh đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới quản lý kinh tế - xã hội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của đất nước, đưa dần việc quản lý đất nước theo pháp luật. Điểm mới trong công tác xây dựng pháp luật là Hội đồng Nhà nước đã tạo điều kiện để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc các cấp tham gia vào quá trình đóng góp ý kiến đối với nhiều dự án luật, cụ thể như việc tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng các dự án luật về thuế.

Ảnh Tư liệu

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Hội đồng Nhà nước đã tập trung thực hiện khối lượng công việc khá lớn như: sửa đổi và ban hành nhiều bộ luật quan trọng, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm; củng cố quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng. Hội đồng Nhà nước đã xem xét và công bố 31 luật và bộ luật, ban hành 39 pháp lệnh. Trong đó, có những bộ luật quan trọng, có vai trò thể chế hóa chính sách kinh tế mới lần đầu tiên được ban hành, như: Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1987); Luật công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (năm 1990)… đã thể chế hóa đường lối phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, góp phần phát huy mọi năng lực sản xuất, tiềm năng của đất nước và mở đường cho việc đẩy mạnh chính sách hợp tác kinh tế với nước ngoài và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội đồng Nhà nước cũng đã ban hành hàng loạt pháp lệnh điều chỉnh các mặt khác nhau của đời sống xã hội, như: Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế; Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Pháp lệnh về ngân hàng; Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh thuế nông nghiệp…. Cùng với việc ban hành các luật, pháp lệnh về kinh tế, Quốc hội và Hội đồng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều luật và pháp lệnh nhằm đổi mới hoạt động trong lĩnh vực chính trị như: Luật công đoàn; Luật báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân… đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong cách quản lý phù hợp với tình hình thực tế.

Để tạo nên sự đồng bộ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, việc thay đổi hệ thống chính trị phải gắn liền với cơ chế quản lý kinh tế - xã hội. Hơn nữa, sau một thời gian phát huy hiệu lực, nhiều quy định của Hiến pháp năm 1980 đã không còn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Tình hình thực tiễn đòi hỏi phải có một bản Hiến pháp mới, phù hợp hơn để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Tiếp thu tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986), tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980. Ngày 30/6/1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục thông qua Nghị quyết sửa đổi 7 điều (57, 116, 118, 122, 123, 125) của Hiến pháp năm 1980 và Nghị quyết thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để sửa đổi Hiến pháp một cách cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp được thành lập bao gồm 28 thành viên, do Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công làm Chủ tịch. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp có nhiệm vụ xây dựng Dự án sửa đổi Hiến pháp 1980 và đưa ra trưng cầu ý kiến rộng rãi trong nhân dân để trình Quốc hội xem xét và quyết định.

Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, đồng chí đã đã tập hợp lực lượng chuyên gia, các nhà khoa học thành lập các Tiểu ban chuyên đề, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, đồng thời phân công cán bộ đi sâu, đi sát cơ sở, các cấp, các ngành, tổng hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân; xây dựng dự thảo nội dung Hiến pháp sửa đổi trên cơ sở kế thừa thành tựu xây dựng Hiến pháp của nước ta và nghiên cứu kinh nghiệm, nội dung Hiến pháp của các nước trên thế giới. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được xây dựng trên cơ sở trí tuệ, kiến thức, kinh nghiệm của toàn Đảng, toàn dân. Đồng chí nhấn mạnh Hiến pháp mới “phải thể hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, đẩy mạnh đổi mới về kinh tế và chính trị. Phải thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp cơ chế nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng lãnh đạo. Phải xác định đúng đắn vai trò quản lý nhà nước. Bộ máy nhà nước phải đổi mới, hệ thống hành chính phải được cải cách phù hợp với điều kiện của nước ta, phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế mới, đồng thời tiếp thu và vận dụng kinh nghiệm của các nước trên thế giới”[2].

Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: VOV

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã họp nhiều phiên và thông qua toàn văn dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Cuối năm 1991, đầu năm 1992, bản dự thảo Hiến pháp lần thứ ba đã được đưa ra trưng cầu ý kiến Nhân dân. Việc lấy ý kiến của đông đảo Nhân dân được thực hiện với tinh thần nghiêm túc, sôi nổi, dân chủ, thể hiện trách nhiệm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn.  Đến ngày 28/02/1992, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã nhận được 74 bản báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 300 thư góp ý kiến cá nhân với 9 triệu người tham gia các cuộc thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp tại 46 tỉnh, thành phố.

Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của Nhân dân và ý kiến của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã nghiên cứu, chỉnh lý từ nội dung đến hình thức bản dự thảo Hiến pháp và được thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII. Việc soạn thảo và ban hành Hiến pháp năm 1992 là một quá trình thảo luận dân chủ và chắt lọc một cách nghiêm túc những ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân về tất cả các nội dung của Hiến pháp từ quan điểm chung đến các vấn đề cụ thể. Có thể nói, Hiến pháp năm 1992 là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện ý chí và nguyện vọng của Nhân dân cả nước trong tiến trình đổi mới. Với 12 chương, 147 điều, Hiến pháp năm 1992 thể chế hóa đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, khẳng định toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyền lực nhà nước tập trung thống nhất vào Quốc hội có sự phân công, phân nhiệm giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp quy định quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng và bảo vệ bằng pháp luật, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ, mở rộng dân chủ phải đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Đồng thời, Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm và nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Như vậy, Hiến pháp 1992 ra đời đánh dấu mốc lịch sử quan trọng về sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước ta, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật quản lý mọi mặt đất nước, đảm bảo sự ổn định chính trị để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn mới. Đặc biệt việc sửa đổi Hiến pháp đã thể hiện trách nhiệm và đóng góp to lớn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi  Hiến pháp – Võ Chí Công.

Với công tác giám sát

Cùng với việc ban hành luật, pháp lệnh, hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước cũng được đẩy mạnh. Hàng năm, Hội đồng Nhà nước đều đưa ra quyết định chương trình kiểm tra, giám sát các vấn đề về kinh tế - đời sống, về thi hành pháp luật và cử các đoàn của Hội đồng Nhà nước đi kiểm tra tại các bộ ngành và địa phương; phân công trách nhiệm cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thường trực của Quốc hội có liên quan để tổ chức khảo sát, xem xét, có kiến nghị và báo cáo bằng văn bản cho Hội đồng Nhà nước về vấn đề được giao giám sát. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, việc triển khai thực hiện chương trình giám sát tập trung chủ yếu ở hai hình thức: thứ nhất, cử các đoàn công tác giám sát tình hình thi hành pháp luật tại các bộ ngành và địa phương; thứ hai, xem xét các vấn đề cần giám sát tại các phiên họp Hội đồng Nhà nước.

Ðồng chí Võ Chí Công trong một lần về thăm người dân huyện Hiệp Ðức, tỉnh Quảng Nam căn cứ cách mạng của Khu ủy Khu V. Ảnh: Tư liệu

Đối với việc giám sát tình hình thi hành pháp luật và việc thực hiện các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước tại các bộ ngành địa phương, đồng chí đã phân công cụ thể cho các lãnh đạo Quốc hội và một số Ủy viên Hội đồng Nhà nước dẫn đầu đoàn công tác như Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Đàm Quang Trung, Nguyễn Thị Định. Khi nhận nhiệm vụ, các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội và các đồng chí Ủy viên Hội đồng Nhà nước đều sắp xếp công việc để dành thời gian chủ trì các đoàn giám sát. Các đoàn giám sát sau khi kiểm tra đều gửi bản báo cáo kết quả về Hội đồng Nhà nước để rút ra những kiến nghị cần thiết gửi đến cơ quan chức năng, kịp thời khắc phục những sai sót. Năm 1988, trước tình hình tranh chấp đất đai phức tạp diễn ra ở hai tỉnh Đăk Lăk và Gia Lai - Kon Tum, đồng chí đã trực tiếp đến thăm, nghe báo cáo và giao cho hai tỉnh chủ trì họp với các Bộ liên quan, các nông lâm trường để xử lý từng vấn đề cụ thể theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị. Sau khi nghe Bộ Quốc phòng báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật trong quân đội, tình hình công tác của Tòa án quân sự cấp cao và tình hình công tác của Viện kiểm sát quân sự Trung ương, đồng chí đã cử ngay bà Nguyễn Thị Định làm trưởng đoàn đi kiểm tra về vấn đề này tại một số cơ quan và đơn vị quân đội.

Đối với việc giám sát tình hình thực hiện kế hoạch, ngân sách Nhà nước, Đồng chí cũng thay mặt Hội đồng Nhà nước giao cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước xem xét, kiểm tra tại một số ngành và địa phương về vấn đề kinh tế - xã hội; tình hình cân đối lương thực và tình trạng thiếu đói của nông dân một số tỉnh miền Bắc trong lúc giáp hạt, đời sống của cán bộ, công nhân viên, tình hình giá cả tăng đột biến, việc cân đối vật tư, cân đối ngoại tệ...

Thời kỳ này đất nước ta còn khó khăn, đời sống nhân dân nhiều nơi vẫn còn khổ cực, sau khi nghe báo cáo về việc thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 1988 và dự toán 6 tháng cuối năm 1988, đồng chí nhận thấy tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước có những khó khăn và diễn biến rất phức tạp nên đã yêu cầu Hội đồng Bộ trưởng báo cáo để Quốc hội thảo luận, góp ý kiến và đưa ra giải pháp nhằm động viên các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn dân quyết tâm thực hiện nghị quyết mà Quốc hội thông qua.

Công tác giám sát đối với hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm soát nhân dân tối cao cũng được đồng chí đặc biệt chú trọng. Sau mỗi chương trình giám sát, đồng chí thay mặt Hội đồng Nhà nước đã đề ra một số chủ trương, biện pháp để các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và các cấp chính quyền địa phương thực hiện nghiêm chỉnh việc xét xử các án trọng điểm về kinh tế và việc thi hành án đối với kẻ phạm tội. Hội đồng Nhà nước đã dành một phần hoạt động vào việc xem xét, giám sát các vấn đề quan trọng đối với việc thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, năng lượng và giám sát tình hình thực hiện kế hoạch, ngân sách nhà nước hàng năm. Đồng thời, đồng chí đã chỉ đạo các thành viên của Hội đồng Nhà nước được phân công có trách nhiệm thường xuyên đi các địa phương, xuống cơ sở để kiểm tra cụ thể từng chuyên đề nhằm đánh giá tình hình thực hiện, uốn nắn kịp thời những sai sót, lệch lạc và kịp thời báo cáo lãnh đạo để xem xét, giải quyết. Nhờ có kiểm tra thực tế và uốn nắn kịp thời của Hội đồng Nhà nước nên các cơ quan thi hành pháp luật đã cải tiến và sửa chữa rất nhiều thiếu sót trong việc chấp hành luật như chấn chỉnh việc bắt giam trái phép, đảm bảo quyền dân chủ của công dân, cải tiến chế độ giam giữ với tội phạm, phát hiện những quyết định sai lệch của các cơ quan nhà nước trong các văn bản pháp quy và hướng dẫn đối với cấp dưới.

Như vậy, dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Hội đồng Nhà nước đã thực hiện giám sát theo chương trình đã định, tập trung vào một số địa phương và những ngành quan trọng, xem xét những vấn đề cần quan tâm; vừa nghe báo cáo tình hình, vừa cử đoàn kiểm tra tại chỗ. Căn cứ vào kết quả giám sát trong chương trình, Hội đồng Nhà nước đều có văn bản kết luận, chỉ ra những việc cần giải quyết, đưa ra những kiến nghị cụ thể với Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và các ngành, đoàn thể, cơ quan hữu quan.

Tuy nhiên, đồng chí cũng nhận định công tác giám sát của Hội đồng Nhà nước nhiệm kỳ vừa qua chưa làm được nhiều việc, còn bị hạn chế. Phạm vi vấn đề giám sát rất lớn, rất rộng, song những việc đã làm được chưa đáp ứng được yêu cầu. Về thực hiện các kết luận đối với một số vấn đề đã kiểm tra, chưa có nề nếp báo cáo và biện pháp theo dõi để tổng hợp được kết quả thực hiện một cách đầy đủ. Việc nghiên cứu, xem xét và đóng góp ý kiến của Hội đồng Nhà nước đối với sự chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của Hội đồng Bộ trưởng về những vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội chưa được đặt ra thành một trách nhiệm thường xuyên.

Với công tác đối ngoại

Thực hiện chủ trương đổi mới tư duy và chiến lược đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã tích cực triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu đối ngoại của nước ta trong giai đoạn đổi mới toàn diện.

Thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã thăm và làm việc tại một số nước xã hội chủ nghĩa như: Liên Xô, Triều Tiên và các nước Đông Âu; một số nước dân tộc chủ nghĩa như: Angiêri, Nam Tư, Libi, Irắc, Inđônêxia, Nicaragoa… và đồng chí cũng đón tiếp các đoàn khách nước ngoài đến thăm nước ta như: Liên Xô, Hungari, Đoàn Nghị Sĩ Anh và Quốc hội châu Âu, Lào, Nghị sĩ Quốc hội EEC; Philippin, Thụy Sĩ, Thái Lan, Canada… Các chuyến viếng thăm này nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, mở rộng sự giao lưu và hợp tác góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc phá thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch. Giai đoạn này, hoạt động đối ngoại của Hội đồng Nhà nước và Quốc hội có những đổi mới nhất định. Theo đó, hoạt động đối ngoại không chỉ chú trọng vào các nước xã hội chủ nghĩa mà có chuyển hướng đến các nước láng giềng và các nước trong khu vực châu Á.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, ngày 6.9.1988, tại Đại lễ đường Kumsusan ở Thủ đô Bình Nhưỡng. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt tại Hội nghị cấp cao Phong trào không liên kết lần thứ 9 ở Nam Tư và lần thứ 10 ở Inđônêxia, thông qua các cuộc tiếp xúc với nguyên thủ các nước tại hai Hội nghị này, đồng chí đã tuyên truyền về công cuộc đổi mới của nước ta, làm cho các nước hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, mở rộng sự giao lưu và hợp tác về các vấn đề đối nội, đối ngoại, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Trên cơ sở nắm vững đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Đồng chí Võ Chí Công đã kịp thời đưa ra những quyết định sáng suốt đưa hoạt động đối ngoại của Quốc hội, của Hội đồng Nhà nước ngày càng phát triển. Việt Nam đã sẵn sàng vươn lên với vị thế ngày càng cao; từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các nước, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất, tạo sự đan xen, gắn kết giữa lợi ích Việt Nam với các nước.        

Trong nhiệm kỳ khóa VIII, dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Hội đồng Nhà nước đã hướng trọng tâm hoạt động của mình vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Đã tiến hành 65 phiên họp thường lệ, đảm bảo mỗi tháng 1 phiên, có tháng 2 phiên thực hiện tương đối đúng chương trình lập pháp và giám sát đã đề ra hàng tháng, hàng năm. Trong quá trình hoạt động, đồng chí đã quan tâm đổi mới cách làm việc  như ban hành “Một số quy định về chế độ làm việc và quan hệ công tác của Hội đồng Nhà nước” nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Hội đồng Nhà nước với Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữa Hội đồng Nhà nước với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và hoạt động đối ngoại giai đoạn 1987 – 1992.

Gần 80 năm hoạt động cách mạng, 76 năm tuổi Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã phấn đấu trọn đời mình cho sự nghiệp thống nhất, xây dựng và phát triển đất nước. Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân chương Sao Vàng (năm 1992), Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã hoàn thành trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó, thực hiện xuất sắc các chức năng, nhiệm vụ được giao góp phần từng bước đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách trên hành trình đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cơ sở, nền tảng để đưa đất nước bước vào thời kỳ đổi mới sâu rộng, tạo tiền đề xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Võ Chí Công, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện bước tiếp con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo tiền bối đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện bằng được mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

 TS.Phạm Thái Hà

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

 ------------------------------------------------

[1] Lời phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, ngày 22.6.1987 – Văn kiện toàn tập tập 7 quyển 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội

[2] Tờ trình của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp về bản dự thảo II sửa đổi Hiến pháp 1980 do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp trình bày tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII, ngày 27/7/1991

Từ khóa » Cương Hoạt