Đồng Hồ đếm điện: Coi Chừng... 'tình Ngay Lý Gian' - VnExpress

Sáng 13/9/2003, gia đình bà Lê Thị Việt Hưng (34C5 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM) tá hỏa khi nhận được thư mời của Điện lực Gia Định (Công ty Điện lực thành phố) đến Phòng Giao dịch để giải quyết vấn đề vi phạm sử dụng điện. Cũng theo nội dung thư mời, bà Hưng được thông báo kết quả xử lý của hội đồng buộc bà phải đóng mức tiền phạt gần 13 triệu đồng theo biên bản lập ngày 20/6/2003.

Mặc dù công nhận đúng thực trạng là "có một viên chì hộp số (công tơ) bị... mất tích" nhưng bà Hưng cho rằng, hoàn toàn không hay biết gì về sự mất tích này kể từ khi dọn về ở. Trên thực tế những thành viên trong gia đình thì chẳng ai rành về điện và ý thức việc kiểm tra công tơ có đủ chì niêm phong hay không. Trong khi đó, nhân viên Điện lực Gia Định đến kiểm tra, ghi số điện hằng tháng vẫn không có ý kiến gì. Chỉ đến lúc tổ kiểm tra xuống phát hiện ra sự cố này đã tiến hành lập biên bản.

Bà Hưng nói: "Gia đình tôi luôn ý thức sử dụng tiết kiệm điện, bình quân mỗi tháng chi phí cho cả hộ (gồm 4 nhân khẩu) chỉ khoảng 250.000 đồng và việc đóng tiền luôn được thực hiện đầy đủ, đúng hẹn. Tôi xin khẳng định là gia đình không bao giờ có ý định hay có hành vi ăn cắp điện của Nhà nước. Vì vậy, với quyết định xử phạt gần 13 triệu đồng của nhà cung cấp đối với gia đình tôi là vô cùng bất hợp lý".

Ông Phạm Văn Bé Năm (58A Hiền Vương, quận Tân Phú, TP HCM) cũng lâm vào tình trạng "dở khóc dở cười". Vợ chồng ông mua căn nhà này vào năm 1992. Đồng hồ điện do ông Nguyễn Văn Xuất đứng tên. Năm 2003, trời mưa lớn nước ngập nên gia đình dự định nâng nền nhà lên cao. Do đồng hồ điện quá thấp sợ con cháu nghịch phá, vợ ông Bé Năm liên lạc với Điện lực Tân Phú xuống thay đồng hồ mới vào ngày 20/8/2003. Ông Bé Năm cho biết: "Ngày 24/9, hai nhân viên đeo bảng tên Phương và Đức xuống kiểm tra đồng hồ, sau đó hẹn vợ tôi 3 ngày sau sẽ xuống thực hiện. Trong biên bản có ghi rõ: 1 viên chì nắp dây đầu tốt, chì hộp số viên dưới tốt, 1 viên trên cấn mất nét. Tiếp đó, ngày 21/10/2003, một người tên là Thanh Quỳnh có xuống kiểm tra lần nữa, lần này biên bản lập ghi: 1 viên chì hộp số dây mâm bị đứt, xoi lỗ miệng chì xỏ vô bấm lại làm viên chì biến dạng. Họ hỏi, vợ tôi bảo là không biết gì về niêm chì. Mấy anh bảo cứ ký vô rồi xuống Điện lực có ý kiến sau".

Và thế là đến sáng ngày 6/1/2004, một nhân viên điện lực đưa giấy báo buộc gia đình ông nộp phạt gần 7 triệu đồng.

Ông Trần Hữu Việt (348/103B Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, TP HCM) còn bị truy thu số tiền hơn 52.600.000 đồng. Theo ông Việt thì nguyên nhân là do nhân viên điện lực không gửi giấy báo đến nhà, ông đã nhiều lần đến Điện lực Gia Định nhờ kiểm tra lại nhưng không thấy hồi âm. Bây giờ cộng dồn lại nên ông không đủ khả năng chi trả. Trong khi chờ đợi xem xét giải quyết, Điện lực Gia Định lại ra thông báo ngừng cung cấp điện. Vào ngày 28/10/2003, nhân viên điện lực còn đến lập biên bản truy thu sai giá với mức tiền trên 11 triệu đồng do khi làm hồ sơ lắp điện kế ông có cho 3 hộ khác câu nhờ nhưng hồ sơ nộp bị thất lạc.

Từ trước đến nay vấn đề giải quyết những thắc mắc về điện hầu như nhà cung cấp tự xử lý là chính. Một số người dân đang tiến hành việc khiếu nại thì nhà cung cấp đã đơn phương ngừng cung cấp điện.

Trong khi đó, Điều 23 Quyết định số 42/2002/QĐ-BCN ngày 9/10/2002 của Bộ Công nghiệp về kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý hợp đồng mua bán điện có quy định rõ: "Sau khi nhận được biên bản kiểm tra, bên mua điện và bên bán điện tự thỏa thuận việc thanh toán các khoản bồi thường, tiền phạt vi phạm đã cam kết trong hợp đồng. Trong thời gian 7 ngày kể từ khi nhận được biên bản kiểm tra, nếu hai bên không tự thỏa thuận được các khoản tiền phạt, tiền bồi thường và trong hợp đồng có thỏa thuận yêu cầu hội đồng giải quyết thì mỗi bên có quyền gửi hồ sơ tới hội đồng. Chậm nhất 10 ngày kể từ khi nhận được đủ hồ sơ, chủ tịch hội đồng tổ chức hòa giải giữa hai bên hoặc đưa ra kết luận yêu cầu xử lý. Nếu một trong hai bên không thống nhất với kết luận của hội đồng thì mỗi bên có quyền khởi kiện tại tòa án hoặc cơ quan trọng tài".

Ông Nguyễn Ngọc Hồ (Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực TP HCM) cho rằng: "Các trường hợp đều có thể linh động giải quyết". Trường hợp bà Lê Thị Việt Hưng căn cứ vào số thiết bị sử dụng trong nhà, ngành điện có thể tính được số điện tiêu thụ hằng tháng rồi mới so sánh với điện kế tổng để truy thu, như vậy hợp lý hơn. Trường hợp ông Phạm Văn Bé Năm nếu không có cơ sở khẳng định việc làm hỏng đồng hồ điện thì căn cứ vào giấy xác nhận thường trú thực tế của khách hàng tại địa phương truy thu tiền điện từ ngày ông chuyển về ở, không bắt buộc phải nộp cả thời gian chủ cũ sử dụng điện. Riêng hộ ông Trần Hữu Việt, ông Hồ cho biết sẽ thẩm tra lại vì trước khi ngừng cung cấp, ngành điện luôn có thông báo gửi đến khách hàng và cam kết nhanh chóng giải quyết thỏa đáng cho đương sự.

(Theo Thanh Niên)

Từ khóa » Bấm Chì đồng Hồ điện