Động Lực Tăng Trưởng BMI đến Từ đâu? | DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH

Động lực tăng trưởng BMI đến từ đâu? DIỄM NGỌC 20/04/2022 04:50

Tổng CTCP Bảo Minh (HoSE: BMI) đặt kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ tăng với tốc độ bình quân gần 18% mỗi năm, riêng 2022, mức doanh thu dự kiến là 5.500 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2021.

>>Cơ cấu lại thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: Giảm thiểu rủi ro trục lợi bảo hiểm

Mục tiêu tăng nhẹ

Trong quý 4/2021, hoạt động kinh doanh bảo hiểm mang về cho BMI lợi nhuận gần 26 tỷ đồng, tăng 55% so cùng kỳ. Theo giải trình của BMI, nguyên nhân chủ  yếu đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận quý 4/2021 đến từ hoạt động tài chính. Cụ thể, do diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mà BMI đầu tư, nắm giữ cổ phiếu, doanh thu từ mua bán cổ phiếu và thu lãi cổ tức trong giai đoạn này hơn 62 tỷ đồng, tăng gần 61 tỷ đồng so cùng kỳ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/4, BMI đóng cửa ở mức 40.100 đồng/cổ phiếu

Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/4, BMI đóng cửa ở mức 40.100 đồng/cổ phiếu

Lũy kế cả năm 2021, BMI đạt gần 251 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 28% so cùng kỳ, chủ yếu do hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính có lợi nhuận gộp lần lượt tăng 20% và 24%. Năm 2021, BMI đặt mục tiêu doanh thu là 5.025 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 277 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2020. So với kế hoạch đề ra, BMI đã vượt 9% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Mới đây, công ty cũng đã thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vào ngày 28/4 với cả hai hình thức trực tiếp tại trụ sở và trực tuyến cho các cổ đông. Đại hội năm nay ngoài việc trình cổ đông thông qua chỉ tiêu hoạt động kinh doanh năm 2022, phân phối lợi nhuận năm 2021, mà còn thông qua dự thảo chiến lược kinh doanh 5 năm 2021-2025; dự thảo điều lệ và tổ chức của Tổng công ty năm 2022 và nhiều vấn đề khác. Năm 2021 hãng bảo hiểm đã thông qua tỷ lệ chia cổ tức là 12%.

BMI xác định, 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch đến năm 2025 và muốn tăng trưởng bình quân về doanh thu theo kịp tốc độ tăng trưởng của GDP, tức đến năm 2025, doanh thu sẽ đạt gần 6.790 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng tăng với tốc độ bình quân gần 18% mỗi năm, đạt hơn 440 tỷ đồng vào năm 2025. Riêng năm 2022, công ty đặt ra mức doanh thu dự kiến đạt 5.500 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2021.

Xét về thị phần, trong số khoảng 30 doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, BMI xếp thứ tư với mức tăng trưởng năm 2021 là 6,36%, thị phần là 7,75%. Trong suốt nhiều năm, BMI luôn duy trì được vị trí thứ ba về thị phần bảo hiểm phi nhân thọ, sau Tập đoàn Bảo Việt (BVH) và CTCP PVI (PVI), nhưng 4 năm trở lại đây, BMI đã để Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) vượt lên. Trong top 6 doanh nghiệp đứng đầu về thị phần bảo hiểm phi nhân thọ, BMI đang xếp trên Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Tổng công ty Bảo hiểm PJICO (PGI).

>>TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: "Cá mập" săn mua cổ phiếu thoái vốn Nhà nước

Động lực từ thoái vốn

Ngày từ đầu năm 2022, CTCK Bảo Việt (BVSC) đã nhận định, ngành bảo hiểm vẫn sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng 5-10% nhờ sự hồi phục của nhu cầu bảo hiểm cá nhân khi kinh tế phục hồi. Cùng với đó là tăng trưởng doanh thu bảo hiểm bán buôn như tài sản, cháy nổ được hỗ trợ bởi giá dầu duy trì ở mức cao, các dự án đầu tư công có giá trị lớn, cùng giao thương quốc tế phục hồi.

Trong số khoảng 30 doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, BMI xếp thứ tư với mức tăng trưởng năm 2021 là 6,36%, thị phần là 7,75%

Trong số khoảng 30 doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, BMI xếp thứ tư với mức tăng trưởng năm 2021 là 6,36%, thị phần là 7,75%

“Đáng chú ý, qua các giao dịch M&A của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá khứ, các công ty thuộc top đầu khi bán cổ phần trên 10% thường được các nhà đầu tư trả giá trung bình 2,15x. Như vậy, mức định giá hiện tại cho các doanh nghiệp có kì vọng thoái vốn như BMI với P/B xấp xỉ 2x là hợp lý.

Tuy vậy, việc tăng nóng của những cổ phiếu đầu ngành đã kéo theo sự tăng giá của các cổ phiếu khác, khiến mức định giá trung bình toàn ngành tăng lên 1,7x từ mức 1,2x. Đây là mức định giá tương đối cao do đó sẽ không được bền vững, khi mức định giá phần nào đã phản ánh trước những yếu tố cơ bản trong năm 2022”, nhóm phân tích nhận định.

Có thể thấy, với các doanh nghiệp có vốn nhà nước, thoái vốn luôn là một “câu chuyện” hấp dẫn nhà đầu tư. Thực tế, từ cuối tháng 10 năm ngoái, thông tin Bộ Tài chính có văn bản gửi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về việc tập trung thoái vốn tại hai doanh nghiệp bảo hiểm đầu ngành là BVH và BMI trước ngày 20/12/2021 đã thu hút được đông đảo sự chú ý, trong đó, SCIC đang nắm 55,44 triệu cổ phiếu BMI (tỷ lệ 50,7%).

Tuy nhiên, khi kế hoạch của SCIC lỡ hẹn trong năm 2021, hai cổ phiếu này đã có nhịp giảm sâu và chỉ tăng lại kể từ cuối tháng 1/2022, khi lãnh đạo SCIC cho biết cơ quan này đã hoàn thành mọi quy trình và báo cáo Bộ Tài chính về việc thoái vốn tại BVH và BMI.

Với BMI, lãnh đạo SCIC cho hay, mọi quy trình đã xong nhưng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt. SCIC muốn mở rộng đối tượng tham gia mua lô cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nên BMI vẫn đang chờ mở room để tối đa hoá lợi ích bán vốn. Hiện Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng trong vấn đề cân đối ngân sách, nếu bán sẽ bán trong năm 2022.

Đánh giá về triển vọng thoái vốn tại BMI, BSC Research cho rằng, BMI đã thông qua kế hoạch nới room ngoại lên 100% nhằm mở đường cho việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đã trình Bộ Tài chính phương án nới room này.

Hiện cơ cấu cổ đông của BMI gồm có SCIC sở hữu xấp xỉ 51%, Tập đoàn AXA (Pháp) và cổ đông lớn nước ngoài khác sở hữu trên 20%. Nếu nguồn vốn của BMI được chuyển nhượng thành công cho nhà đầu tư ngoại, đây sẽ là thương vụ đầu tiên một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có sự tham gia với quyền chi phối vốn của doanh nghiệp nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm: Còn nhiều quy định không chặt chẽ

    03:50, 08/04/2022

  • Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi: Cần bổ sung bảo hiểm rủi ro cho người mua nhà

    03:55, 07/04/2022

  • Ngành bảo hiểm xây dựng đề án tổng thể chuyển đổi số

    20:44, 31/03/2022

  • Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Có cần duy trì 2 quỹ?

    12:02, 22/03/2022

Từ khóa » Kế Hoạch Thoái Vốn Bmi