Động Lực Tăng Trưởng Kinh Tế Năm 2021 Và Hàm ý Chính Sách Cho ...

  1. Thời sự

Năm 2021 là một năm đầy thách thức với nền kinh tế Việt Nam khi đại dịch COVID-19 với biến chủng mới đã tác động xấu tới nền kinh tế nước ta.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2021 đạt 2,58% so với năm 2020, sau sự phục hồi của nền kinh tế trong quý IV/2021 (Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quý năm 2021 lần lượt là 4,72%, 6,73%, - 6,02% và 5,22%).

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 và hàm ý chính sách cho năm 2022  - Ảnh 1

Một trong những nguyên nhân của sự phục hồi trong quý IV/2021 là do sự thay đổi về chính sách của Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả của dịch COVID-19”, cùng với nhiều chính sách an sinh xã hội khác. Những quyết sách kịp thời đó đã “cởi trói” dần cho các hoạt động kinh tế và nền kinh tế đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng dương.

Động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2021

Đã có nhiều nhận định khác nhau về động lực tăng trưởng kinh tế của năm 2021, nhưng nhìn chung tập trung vào những điểm lớn sau: Vai trò của ngành nông nghiệp là “trụ đỡ” của tăng trưởng kinh tế năm 2021; Sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán;

Đầu tư trực tiếp nước ngoài; Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ.Các chuyên gia đã điểm đến nhiều khía cạnh khác nhau của động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021. Bài viết này nhấn mạnh đến một số động lực tăng trưởng của năm 2021 dưới góc tiếp cận riêng sau:

Thứ nhất, động lực tăng trưởng đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 và hàm ý chính sách cho năm 2022  - Ảnh 2

Trong năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp vào tăng trưởng kinh tế lớn hơn so với năm 2020 trong điều kiện tốc độ tăng trưởng kinh tế của 2 năm này khá gần nhau (hình 2). Năm 2020, đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 53% thì năm 2021 đã tăng lên 63,8%.

Thay đổi trong mức độ đóng góp của ngành công nghiệp năm 2021 đã hỗ trợ rất lớn cho việc suy giảm của ngành dịch vụ. Mức đóng góp của ngành dịch vụ trong năm 2021 là 22,23% (giảm 11,27 điểm % so với năm 2020).

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 và hàm ý chính sách cho năm 2022  - Ảnh 3

Tầm quan trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được khẳng định khi mức độ đóng góp của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong hai năm 2020 và 2021 khá tương đồng với nhau. Mức đóng góp của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 2 năm này lần lượt là 13,5% và 13,97%.

Theo Báo cáo thống kê kinh tế - xã hội năm 2021 của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong bối cảnh toàn cầu và Việt Nam chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 được coi là một trong những điểm sáng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2021.

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 và hàm ý chính sách cho năm 2022  - Ảnh 4

Hơn nữa, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có mức đóng góp khá lớn vào mức tăng trưởng kinh tế chung của toàn bộ nền kinh tế. Với mức đóng góp lớn như vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thể sẽ là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế trong năm 2022 và có thể là của giai đoạn 5 năm tới.

Thứ hai, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ là một động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.

Xét ở khía cạnh sử dụng GDP, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong các quý của năm 2021 có giá trị cao hơn so với tốc độ tăng trưởng về tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng (Hình 3).

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 và hàm ý chính sách cho năm 2022  - Ảnh 5

Tốc độ tăng trưởng bình quân của tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản và xuất khẩu hàng hóa trong các quý năm 2021 lần lượt là 2,16%/quý, 3,77%/quý và 15,5%/ quý. Với tốc độ tăng trưởng gấp gần 3 lần so với tăng trưởng tích lũy tài sản và gần 7 lần so với tiêu dùng cuối cùng, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ có thể nói là một động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 của nền kinh tế Việt Nam.

Từ Hình 2, có thể nhận thấy, tầm quan trọng của xuất khẩu đối với tăng trưởng kinh tế năm 2021. Bên cạnh đó, xét về trung và dài hạn thì tích lũy tài sản sẽ có thể trở thành một động lực cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 và hàm ý chính sách cho năm 2022  - Ảnh 6

Trong ngắn hạn, gia tăng tích lũy tài sản có thể biểu hiện cho những kế hoạch phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra khi nền kinh tế thay đổi trạng thái. Tuy nhiên, tích lũy nhiều tài sản sẽ đồng thời tích lũy “thế năng” cho nền kinh tế và đến khi nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng bình thường “thế năng” sẽ được chuyển hóa thành “động năng” cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Chính vì vậy, bên cạnh các biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ cho xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng trong tương lai gần thì các biện pháp tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh và thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh cũng cần được chú trọng trong thời gian tới.

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 và hàm ý chính sách cho năm 2022  - Ảnh 7

Thứ ba, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù, diễn biến của dịch COVID-19 trong năm 2021 khá phức tạp và các biện pháp ngăn ngừa dịch của Chính phủ khá chặt chẽ, nguồn vốn đầu tư của dân cư và các doanh nghiệp tư nhân trong năm 2021 vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (Hình 4).

Các số liệu thống kê cho thấy, vốn đầu tư của dân cư và khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội (quý I/2021 là 57,16%, quý II/2021 là 55,87%, quý III/2021 là 62,75% và quý IV/2021 là 60,42%).

Tỷ trọng vốn đầu tư có nguồn từ ngân sách nhà nước và tín dụng của nhà nước đứng thứ hai (quý I/2021 là 15,58%, quý II/2021 là 17,63%, quý III/2021 là 16,36% và quý IV/2021 là 16,61%). Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng thứ ba trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội của năm 2021 (quý I/2021 là 18,7%, quý II/2021 là 18,05%, quý III/2021 là 13,29% và quý IV/2021 là 15,0%).

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 và hàm ý chính sách cho năm 2022  - Ảnh 8

Từ những phân tích trên có thể thấy, vốn đầu tư nội địa là một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Theo đó, trong năm 2022, vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp tục trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, sức mua của người dân cũng là một động lực gián tiếp cho tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra khá mạnh từ quý II/2021 đến quý IV/2021 của năm 2021, hoạt động mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân trở nên yếu đi và tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Khi nền kinh tế chịu đựng cú sốc từ dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp và cơ sở kinh tế phải tạm dừng hoạt động đã dẫn đến người lao động có mức thu nhập không cao như cùng kỳ năm trước, và kỳ vọng không mấy khả quan vào tương lai kinh tế dẫn đến người dân có xu hướng tiêu dùng ít đi, thì việc tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ suy giảm so với năm trước không tạo nên sự ngạc nhiên.

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 và hàm ý chính sách cho năm 2022  - Ảnh 9

Dù như vậy, sức mua của người dân vẫn là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 một cách gián tiếp. Chỉ khi người dân gia tăng tiêu dùng thì doanh nghiệp mới có thể gia tăng các hoạt động sản xuất và kéo theo đó là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có thể sẽ tăng lên.

Các số liệu từ Hình 3 cho thấy, đường xu hướng biến động của tổng mức bán lẻ hàng hóa sau khi rơi xuống điểm thấp nhất trong tháng 9/2021 đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định trong các tháng của quý IV/2021. Theo xu hướng đó, rất có khả năng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong những quý I/2022.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ các tháng năm 2021 có diễn biến khá tương đồng với diễn biến của Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong cùng khoảng thời gian. Diễn biến của PMI giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN cũng tương ứng với nhau.

Điều này cho thấy, những kỳ vọng của các giám đốc điều hành có thể là một trong những động lực gián tiếp cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 khi họ nhìn nhận tích cực về các cơ hội và diễn biến tích cực của môi trường kinh doanh.

Động lực tăng trưởng của năm 2022 và một số hàm ý chính sách

Có thể khẳng định, trong ngắn hạn động lực tăng trưởng của Việt Nam khó có nhiều thay đổi. Theo đó, các động lực năm 2021 có thể sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho năm 2022.

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 và hàm ý chính sách cho năm 2022  - Ảnh 10

Tuy nhiên, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022 có nhiều thay đổi, động lực tăng trưởng kinh tế của năm 2022 có thể có những diễn biến khác. Theo đó, động lực tăng trưởng của năm tới như sau:

Một là, xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng.

Trong năm 2022, những hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong tiếp cận thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam. Điều này sẽ tạo điều kiện để phát triển sản xuất trong nước từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ.

Các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2021 đã nỗ lực để gia tăng giá trị xuất khẩu dưới nhiều áp lực, do đó năm 2022 dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giá trị xuất khẩu khi các hạn chế về di chuyển giữa các quốc gia được nới lỏng.

Năm 2022, đại dịch COVID-19 có thể sẽ còn diễn biến phức tạp nhưng không còn nghiêm trọng như thời gian trước đây bởi vì số lượng vắc xin và thuốc điều trị được phân bổ trên phạm vi rộng lớn sẽ ngăn ngừa được những tác động nghiêm trọng của đại dịch tới phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia.

Hai là, đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể là động lực tăng trưởng chính cho năm 2022.

Các dự báo của nhiều tổ chức quốc tế cho thấy, Việt Nam sẽ lấy lại được nhịp tăng trưởng GDP trong năm 2022 ở mức khoảng 6,8%. Nguyên nhân yếu của dự báo này là nhờ vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng trở lại. Theo đó, những ngành, lĩnh vực phát triển xanh, thân thiện với môi trường có thể sẽ được ưu tiên trong danh mục của các nhà đầu tư.

Mức độ đóng góp lớn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào GDP của Việt Nam sẽ là minh chứng khá thuyết phục đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, năm 2022 có thể sẽ có nhiều diễn biến tích cực trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Ba là, nhu cầu nội địa là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022.

Nhu cầu nội địa phục hồi (sau khi các biện pháp phòng chống dịch C O V I D -19 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực trên phạm vi rộng), sẽ là một động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.

Trong đó, động lực cốt lõi sẽ đến từ việc mở lại các dịch vụ không thiết yếu và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ nội địa. Bên cạnh đó, dư địa cho chính sách tài khóa, đặc biệt là đầu tư công cùng những chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ sẽ là động lực lớn thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.

Tỷ lệ nợ công của Việt Nam năm 2021 đã giảm, trong khi trần nợ công được nới lên thêm 1% GDP sẽ tạo ra không gian mới cho các khoản vay nợ để phục vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cỡ lớn và những dự án đầu tư quan trọng của nhà nước.

Bên cạnh đó, tỷ lệ dự trữ của Chính phủ hiện ở mức cao sẽ giúp có thêm nhiều công cụ để thực hiện kết hợp các chính sách kinh tế vĩ mô thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa và gia tăng nội lực cho nền kinh tế Việt Nam.

2022 là một năm có được nhiều niềm tin nền kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên mạnh mẽ khi nhiều biện pháp cải cách được tăng cường tiến hành nhằm phục hồi nền kinh tế sau tác động của đại dịch COVID -19.

Bốn là, các chính sách trợ lực từ Chính phủ.

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2022 vẫn còn nhiều, nhưng để phát huy được các động lực tăng trưởng đó cần sự hỗ trợ của các chính sách từ phía Chính phủ. Dư địa cho chính sách tài khóa còn lớn, do đó việc tập trung vào sử dụng chính sách tài khóa sẽ tạo thêm những điều kiện cho các động lực tăng trưởng được hiện thực hóa.

Lãi suất trái phiếu chính phủ hiện nay đang ở mức thấp và lạm phát được kiểm soát tốt sẽ là những điều kiện để Chính phủ có thể tung ra những gói hỗ trợ lớn để phục hồi sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, chiều ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Chính phủ sẽ sử dụng kết hợp chính sách tài khóa mở rộng (giảm 2% thuế VAT trong năm 2022 và tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước lên tối đa 176 nghìn tỷ đồng) với chính sách tiền tệ mở rộng (giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1%, và điều tiết lượng cung tiền trong nền kinh tế hợp lý). Điều đó cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong phục hồi kinh tế và đưa nền kinh tế nước ta trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2022.

Quy mô của gói hỗ trợ tài khóa bổ sung năm 2022 có thể lên đến mức 2-3% GDP (chưa bao gồm các chi phí bổ sung về y tế và cho phòng chống dịch COVID-19), triển khai kế hoạch tăng cường đầu tư công của Chính phủ sẽ là những giải pháp không chỉ tạo tiền đề hiện thực hóa các động lực tăng trưởng cho năm 2022 mà còn bù đắp cho những suy giảm của các động lực tăng trưởng khác. Kết hợp với các biện pháp này, Chính phủ tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công cỡ lớn trong năm 2022.

Các ngành, lĩnh vực cần có sự tập trung nguồn vốn đầu tư có thể là công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics (trong đó logistics liên quan đến phát triển kinh tế biển cần được chú trọng hơn nữa), các ngành cơ bản và có liên quan đến phát triển kinh tế số.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2022), Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Tài liệu tham khảo kèm theo hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội);

2. Chính phủ (2021), Báo cáo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 (Báo cáo phục vụ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV);

3. Ngân hàng thế giới (2021), Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia: Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả.

* Theo TS. Đỗ Tất Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 + kỳ 2 tháng 2/2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 7 giải pháp phát triển logistics
Vùng Đông Nam Bộ hướng tới tăng trưởng 2 con số ngay trong năm 2025
Tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore sớm nâng lên tầm cao mới
Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển
Không thể chậm trễ hơn nữa trong tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Bộ Xây dựng đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho nhà ở xã hội
Nhu cầu bất động sản phục vụ thương mại điện tử, logistics tăng cao
Cẩn trọng khi giá vàng thế giới và trong nước giảm mạnh
Quy trình áp dụng  ISO 15189 để nâng cao chất lượng phòng xét nghiệm
Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Hoàn thiện quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế
Thúc đẩy chuyển đổi số để đồng hành cùng người nộp thuế
Nhiều doanh nghiệp bị phạt nặng vì vi phạm quy định công bố thông tin
Nghệ An: Phát hiện phương tiện vận chuyển 44,5 kg pháo trái phép
Lòng tham - mảnh đất nuôi dưỡng cho hình thức lừa đảo Ponzi
Thu phí lối đi ưu tiên tại sân bay Đà Nẵng gây nhiều ý kiến trái chiều
"Xanh hóa" để làm chủ cuộc chơi trong Hiệp định RCEP
Chiến lược tiếp thị thông minh của các ứng dụng Trung Quốc

Từ khóa » Tốc độ Tăng Trưởng Kinh Tế Của Việt Nam 2021