Đồng Nai Cạnh Tranh Trong Thu Hút Vốn FDI

Dù có lợi thế về hạ tầng giao thông, nhiều khu công nghiệp nhưng thực tế trong những năm vừa qua, thu hút FDI của Đồng Nai đang có dấu hiệu chậm lại. Điều này dẫn đến sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng thấp hơn Bình Dương và một số tỉnh lân cận khác.

* Thu hút FDI chậm lại

Đồng Nai là nơi có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước với lịch sử thu hút đầu tư FDI đã được hơn 3 thập niên. Về phát triển hạ tầng, nếu so sánh Đồng Nai với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì hiện tại, tỉnh có nhiều ưu thế hơn hẳn: Đồng Nai là trung tâm giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối giao thông với khu vực miền Tây Nam bộ, Tây nguyên tốt hơn, công nghiệp phát triển sớm, đất đai rộng. Tuy nhiên nghịch lý là trong những năm gần đây thu hút FDI của Đồng Nai dường như đang chậm lại.

Thiếu đất cho công nghiệp, thời gian thực hiện thủ tục hồ sơ các dự án FDI còn chậm và mất nhiều thời gian hơn một số tỉnh, thành khác đã khiến cho dòng vốn FDI vào tỉnh giảm dần. So với Bình Dương, Đồng Nai có nhiều lợi thế hơn về hạ tầng giao thông, diện tích đất tự nhiên rộng, phát triển công nghiệp trước nhưng lại tăng trưởng chậm hơn. Hiện Bình Dương đã trở thành tỉnh thu hút đầu tư FDI lớn thứ 3 của cả nước chỉ sau TP.HCM và Hà Nội.Theo các chuyên gia kinh tế, nếu Đồng Nai không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trên để đón dòng vốn FDI công nghệ cao đang dịch chuyển về Việt Nam thì sẽ bỏ lỡ nhiều dự án lớn, chất lượng cao.

Đơn cử như năm 2019, thu hút đầu tư FDI của tỉnh đạt 1,45 tỷ USD, bằng 76% so với năm trước đó, còn tỉnh Bình Dương thu hút được 3,4 tỷ USD, tăng 55% so với năm 2018.

Trong 10 tháng của năm 2020, Đồng Nai thu hút vốn FDI được hơn 950 triệu USD, trong khi đó tỉnh Bình Dương thu hút 1,7 tỷ USD, vượt kế hoạch năm 2020 đến 19%, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút trên 2,2 tỷ USD. Hiện Đồng Nai thu hút 1.525 dự án FDI với tổng vốn đăng ký còn hiệu lực là 31 tỷ USD, tỉnh Bình Dương thu hút gần 4 ngàn dự án FDI với 35,2 tỷ USD, cao hơn tỉnh Đồng Nai 4,2 tỷ USD.

Do thu hút đầu tư FDI vào Bình Dương lớn hơn Đồng Nai nên sản xuất công nghiệp tăng cao hơn tỉnh và tổng kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương trong 10 tháng đạt 22 tỷ USD, tăng gần 6,9% so với cùng kỳ năm trước, còn Đồng Nai đạt hơn 15,3 tỷ USD, giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam thực hiện dựa trên việc thu thập ý kiến của hàng ngàn doanh nghiệp FDI thì Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong tốp có môi trường đầu tư tốt, còn Đồng Nai nằm trong tốp giữa của môi trường đầu tư khá. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư của tỉnh không được thuận lợi cuốn hút như các tỉnh lân cận. Khi dự tính đầu tư vào tỉnh, thành nào, các doanh nghiệp FDI rất quan tâm chỉ số PCI vì đánh giá môi trường đầu tư của tỉnh. Năm 2019, dù rằng môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện, chỉ số PCI tăng 3 bậc nhưng vẫn chưa đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư.

Sản xuất ở Công ty TNHH Máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2
Sản xuất ở Công ty TNHH Máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh:H. Giang

Ông Peter Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đánh giá: “Đồng Nai có nhiều lợi thế trong thu hút FDI hơn các tỉnh lân cận, song nguồn vốn thu hút được chưa cao là do tỉnh thu hút đầu tư có sự chọn lọc kỹ. Bên cạnh đó, việc giải quyết các hồ sơ cho doanh nghiệp FDI khi muốn đầu tư vào chưa nhanh, phải đi lại nhiều lần cũng khiến cho môi trường đầu tư kém hấp dẫn”.

Qua tìm hiểu, tại các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp FDI nhanh gọn hơn, doanh nghiệp được hỗ trợ nhiều khâu nên ít tốn thời gian đi lại. Đây là một trong những lý do khiến dòng vốn FDI “chảy” về những tỉnh, thành lân cận nhiều hơn Đồng Nai.

Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. HCM cho hay: “Đồng Nai có rất nhiều lợi thế và tiềm năng để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp, thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, nếu tỉnh tiếp tục đơn giản hóa được thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thì sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực khác nhiều hơn nữa”.

* Dự án công nghệ cao còn ít

Dù Đồng Nai đã thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc hơn 10 năm nay, nhưng những dự án ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh được trung ương phê duyệt còn rất ít. Những doanh nghiệp được công nhận có ứng dụng lĩnh vực công nghệ cao gồm có: Công ty TNHH Máy tính Fujitsu Việt Nam, Công ty TNHH Bosch Việt Nam, Công ty TNHH Muto Việt Nam, Công ty CP Taekwang Vina Industrial, Công ty TNHH Chemtrovina...

Sản xuất ở Công ty TNHH Máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh:H. Giang
Sản xuất ở Công ty TNHH Máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh:H. Giang

Với một tỉnh thu hút 1.525 dự án FDI và tỷ lệ giải ngân cao đạt gần 80%, dự án đi vào hoạt động nhiều mà số doanh nghiệp được công nhận thuộc lĩnh vực công nghệ cao chỉ đếm trên đầu ngón tay là quá thấp. Thực tế, có những doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nhưng ngại thủ tục nên chưa đăng ký. Số lượng này là bao nhiêu hiện tỉnh cũng không nắm được cụ thể.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết: “Khoảng 5 năm gần đây, những dự án FDI mà tỉnh thu hút được đều có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm đều bị từ chối. Do đó, dòng vốn FDI vào tỉnh ngày càng chất lượng hơn. Có một số tập đoàn đã tăng vốn đầu tư mở rộng nhà xưởng, máy móc thiết bị công nghệ cao vào sản xuất, có thể cung ứng cho những tập đoàn lớn trên thế giới”. Qua tìm hiểu, Đồng Nai có một số tập đoàn FDI lớn thuộc lĩnh vực công nghệ cao nhưng chưa làm thủ tục công nhận như: Hyosung, Meggitt, Scheaffler...

Hiện Đồng Nai đang gặp rào cản lớn để thu hút dòng vốn chất lượng vào địa bàn tỉnh là thiếu đất công nghiệp diện tích lớn để các doanh nghiệp FDI lớn đầu tư vào. Vì đa số các khu công nghiệp hiện đã lấp đầy diện tích cho thuê, diện tích còn lại chưa làm xong hạ tầng kỹ thuật vì vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một số doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghệ cao muốn thuê 10-50ha đất trở lên để làm nhà máy sản xuất nhưng không có.

Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai chia sẻ: “Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào tỉnh khoảng 6,8 tỷ USD và dự kiến trong thời gian tới tiếp tục mở rộng đầu tư vào Đồng Nai. Tuy nhiên, khó khăn lớn là Đồng Nai quỹ đất dành cho công nghiệp còn ít, nhiều doanh nghiệp dự kiến đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất nên cần diện tích lớn nhưng không thuê được phải đầu tư sang tỉnh, thành khác”. Cụ thể thời gian qua, Tập đoàn Hyosung không tìm diện tích lớn tại Đồng Nai nên đã đầu tư ra Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, trong 2 năm qua có hơn 20 tập đoàn lớn của Nhật Bản có dự án công nghệ cao trên lĩnh vực công nghiệp nhưng lại chọn các tỉnh lân cận để đầu tư vì tại Đồng Nai khó kiếm diện tích đất lớn trong khu công nghiệp để thực hiện.

Từ khóa » Dữ Liệu Fdi