Đồng Nai Thực Hiện Nhiều Giải Pháp Nâng Cao Và Duy Trì Mức Sinh ...

Thay đổi thông điệp truyền thông

Theo báo cáo từ Sở Y tế tỉnh, công tác dân số tỉnh Đồng Nai trong những năm qua đã đạt được các chỉ tiêu được giao, cụ thể: tỷ số giới tính khi sinh đạt 107,9 bé trai/100 bé gái, vượt chỉ tiêu Trung ương giao; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 0,93% vượt chỉ tiêu tỉnh ủy giao; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 81,65, sơ sinh đạt 78,22%... Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên công tác dân số tỉnh Đồng Nai đang đối mặt với những khó khăn mới. Đó là mức sinh của Đồng Nai được xếp vào 21 tỉnh thành có mức sinh thấp 1,9 con/mẹ; công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn nhiều hạn chế; Đồng Nai có dân số trẻ nhưng tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân còn nhiều hạn chế…

Để nâng cao và duy trì mức sinh thay thế, Đồng Nai đang tập trung một số giải pháp như: thay đổi thông điệp truyền thông, chuyển từ truyền thông vận động sinh ít con sang sinh đủ 2 con; rà soát lại, thay đổi và có thể loại bỏ về chính sách xử phạt sinh nhiều con; cần nâng cao phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, đồng thời hỗ trợ cho các gia đình trẻ sinh đủ 2 con như hỗ trợ đóng học phí khuyến khích gia đình có 2 con học tốt.

Hỗ trợ trực tiếp

Theo dự thảo Luật Dân số hiện nay có đề xuất nhiều chính sách ưu đãi đối với những cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, trong đó có cả giải pháp "thưởng tiền", BS CKII Lê Phương Lan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh (thuộc Sở Y tế) cho hay đây là lần đầu tiên dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế chủ trì đề xuất "thưởng tiền" và dành nhiều ưu đãi cho những cặp vợ chồng ở các tỉnh, thành đang có mức sinh thay thế thấp, khuyến khích họ sinh đủ 2 con.

Đồng Nai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao và duy trì mức sinh thay thế - Ảnh 1.

Đồng Nai đưa ra nhiều giải pháp để ổn định mức sinh thay thế

Hiện nay, dân số Đồng Nai ước khoảng 3,3 triệu người (số liệu thống kê năm 2020). Tuy nhiên, công tác dân số trên địa bàn tỉnh cũng đang đứng trước những thách thức mới. Dù Đồng Nai chưa phải là địa phương có mức sinh thay thế quá thấp so với bình quân cả nước, nhưng mức sinh những năm gần đây cho thấy đang có xu hướng dần sụt giảm. Nếu năm 2009, mức sinh thay thế là 2,07 con/mẹ thì năm 2020 là 1,9 con/mẹ, thấp hơn 0,2 so với mức sinh thay thế (2,1 con/mẹ).

Phân tích về nguyên nhân, bà Lan cho biết, có nhiều lý do khiến các cặp vợ chồng trẻ ngại sinh con, đặc biệt là phụ nữ ở thành thị. Thực tế cho thấy: cạnh tranh nghề nghiệp, áp lực công việc, nhu cầu dành thời gian cho bản thân, lo sợ sự tự do bị hạn chế, thu nhập không đủ trang trải cho nhu cầu của bản thân và của con… là những lý do khiến nhiều phụ nữ ngại sinh con.

Thậm chí có bạn trẻ không tự tin đảm nhận trách nhiệm làm cha làm mẹ, họ có những cảm nhận tiêu cực rằng, cuộc sống có quá nhiều nguy cơ mà con họ sẽ phải đối mặt nên không muốn sinh con.

Đánh giá về biện pháp hỗ trợ tiền một lần đang được dự thảo Luật Dân số đề cập, bà Lan cho rằng, nên chuyển hỗ trợ tiền một lần sang hỗ trợ gói sinh (bao gồm: hỗ trợ gói tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn cơ bản, hỗ trợ gói sàng lọc trước sinh sơ sinh cơ bản, hỗ trợ gói sinh cơ bản).

Giải pháp này có tính nhân văn cao hơn, có tác dụng truyền thông mạnh mẽ đến các cặp vợ chồng trẻ về lợi ích của tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, lợi ích của sàng lọc trước sinh sơ sinh, phụ nữ sẽ thấy khi quyết định sinh con họ được nhận sự chăm sóc toàn diện hơn từ chính sách, bản thân họ cũng thấy được nghĩa vụ của họ đối với xã hội. Giải pháp này góp phần tích cực nâng cao chất lượng dân số trong tương lai. Các gói sàng lọc cơ bản nên được bảo hiểm y tế chi trả để giảm ngân sách hỗ trợ, đồng thời khuyến khích người dân thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện.

"Ngoài hỗ trợ gói sinh cần có những giải pháp an sinh xã hội, y tế, giáo dục cho phụ nữ, trẻ em; ưu tiên mua hoặc được thuê nhà ở xã hội, có các chính sách ưu đãi về việc làm cho phụ nữ sau sinh, hỗ trợ phụ nữ trong các hoạt động xã hội; các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới… Khi người phụ nữ cảm thấy yên tâm, thoải mái thì họ sẽ tự quyết định sinh con" – bà Lê Phương Lan nhấn mạnh.

UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trẻ thay đổi hành vi là rất quan trọng. Để thực hiện đồng bộ các giải pháp cần sự vào sự cuộc của tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể.

Theo đề xuất tại Khoản 2, Điều 9 Dự thảo Luật Dân số, tại Đồng Nai, những cặp vợ chồng sinh đủ và cam kết sinh đủ 2 con ở TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom sẽ được thưởng từ 4,4-8,8 triệu đồng; các huyện: Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất sẽ được thưởng từ 3,9-7,8 triệu đồng; còn các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú sẽ được từ 3,4-6,8 triệu đồng.

Hoa cải vàng đốn tim chị em.

Từ khóa » Dân Số đồng Nai