Đồng Nai: Văn Miếu Trấn Biên Dấu ấn Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam ở ...

Hơn 300 năm tôn vinh giá trị văn hoá - giáo dục đất phương Nam

Văn miếu Trấn Biên (phường Bửu Long, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) được chúa Nguyễn Phúc Chu xây dựng năm 1715, với mục đích là nơi lưu giữ, tôn vinh, bảo tồn nét văn hoá, giáo dục của dân tộc. Đồng thời, Văn miếu đề cao Nho giáo và tôn vinh các danh nhân văn hóa đất Việt. Đây là văn miếu đầu tiên được xây dựng tại miền Nam, trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và Huế.

Văn miếu đầu tiên của miền Nam, nơi lưu giữ truyền thống văn hoá - giáo dục đất Biên Hoà - Ảnh 1.

Văn Miếu Môn (cổng Văn miếu) có kết cấu lầu gác, là lối đi chính dẫn vào khu thờ tự bên trong văn miếu Trấn Biên. Ảnh M.Q

Từ thuở sơ khai, văn miếu Trấn Biên được xem như là trung tâm văn hóa, giáo dục của tỉnh Biên Hòa nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung. Ðây chính là biểu trưng cho truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, hào khí dân tộc và văn hóa của người Việt ở đất phương Nam.

Văn miếu đầu tiên của miền Nam, nơi lưu giữ truyền thống văn hoá - giáo dục đất Biên Hoà - Ảnh 2.

Hồ Thiên Quang Tỉnh trước nhà thờ Khổng Tử và nhà thờ chính của văn miếu Trấn Biên (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ảnh MQ

Theo ban quản lý văn miếu Trấn Biên, năm 1698, khi Chưởng cơ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào đến xứ Đồng Nai, thì vùng đất ấy đã khá trù phú, có thương cảng sầm uất là Cù lao Phố.

Với mong muốn xây dựng một nơi để bảo tồn, phát huy và tôn vinh giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của người Việt, năm Ất Mùi 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu lệnh cho Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên tại thôn Tân Lại, tổng Phước Dinh, huyện Phước Chánh (nay thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa).

Kể từ khi xây dựng văn miếu, mỗi năm chúa Nguyễn đều đến đây 2 lần để hành lễ vào mùa xuân và mùa thu. Từ sau năm 1802, ông lên ngôi ở Huế, nên quan tổng trấn thành Gia Định cùng với trấn quan Biên Hòa và quan đốc học đến hành lễ thay ông.

Clip: Toàn cảnh văn miếu Trấn Biên tại TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Thực hiện M.Q

Vào năm 1861, thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa và thực hiện chính sách ngu dân, thống trị lâu dài nên đã tàn phá văn miếu Trấn Biên.

Năm 1998, tỉnh Đồng Nai đã khôi phục lại Văn miếu Trấn Biên trên nền văn miếu cũ với diện tích gần 2 ha. Đến năm 2002, Văn miếu Trấn Biên lại được mở rộng, xây dựng thêm nhiều hạng mục có tổng diện tích 15 ha và trở nên khang trang, hoành tráng như hiện nay.

Tự hào cội nguồn dân tộc

Cũng giống kiến trúc Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Văn miếu Trấn Biên được xây dựng gồm nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ...

Ngay từ cổng chính đi vào, lần lượt là nhà Bia, Khuê Văn Các, hồ Thiên Quang Tỉnh, cổng Đại Thành, nhà thờ Đức Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính.

Ở nhà bia, tấm bia đá kiên cố được khắc bài văn "Trấn Biên - Đồng Nai rạng rỡ ngàn năm văn hiến" do Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu biên soạn.

Bài văn có 8 phần, mỗi phần gồm 10 câu, khái quát về truyền thống văn hóa, giáo dục của dân tộc và của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Trong đó, bài văn nói về việc xây dựng văn miếu Trấn Biên, cũng như tinh thần hiếu học được khắc hoạ: "Xây cao văn miếu, tiếp thu thành tựu Bắc Nam/Mở rộng học đường, khai thác tinh hoa kim cổ/Đạo làm người: tích trí, tu nhân/Phép giữ nước: sùng văn, trọng võ/Tinh thần Đại Việt toả sáng nơi đây/Hào khí Đồng Nai dâng cao từ đó"

Văn miếu đầu tiên của miền Nam, nơi lưu giữ truyền thống văn hoá - giáo dục đất Biên Hoà - Ảnh 4.

Hình ảnh Nhà Bia ngay sau Văn miếu môn với bài văn rất ý nghĩa từ thuở mở cõi cho đến ngày mai tươi sáng rạng ngời. Ảnh M,Q

Theo giải thích của ban quản lý Văn miếu Trấn Biên, tên gọi các nhà ở Văn miếu đều mang ý nghĩa về học thuật. Khuê Văn Các là vẻ đẹp sao Khuê - ngôi sao chủ đạo trong bầu trời văn học; Thiên Quang Tỉnh nghĩa là giếng ánh sáng mặt trời; Đại Thành Môn chính là lớp cổng của sự thành đạt. Ngày xưa, các Nho sĩ đi thi đạt trình độ học vấn uyên thâm sẽ được bước qua lớp cổng Đại Thành này để vào khu thờ tự bên trong.

Ngoài ra, để thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo vì Khổng Tử là người khai sáng ra Nho giáo và Nho học, văn miếu Trấn Biên thờ Khổng Tử ở vị trí trang trọng trước nhà thờ chính.

Văn miếu đầu tiên của miền Nam, nơi lưu giữ truyền thống văn hoá - giáo dục đất Biên Hoà - Ảnh 5.

Nhà thờ Đức Khổng Tử được đặt ở vị trí trang trọng để thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, tôn trọng tri thức. Ảnh M.Q

Sau nhà thờ Khổng Tử là một khoảng sân rộng, được gọi là sân Đại bái. Trước đây, Đại bái là nơi là diễn ra các buổi lễ quan trọng của Văn miếu Trấn Biên.

Ngày nay, khoảng sân này được dùng để tổ chức tuyên dương, khen thưởng, báo công những thành tích đặc biệt trên các lĩnh vực mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai đạt được, nhất là về lĩnh vực văn hóa - giáo dục.

Clip: Khung cảnh bên trong nhà thờ chính của văn miếu Trấn Biên. Thực hiện M.Q

Bái Đường (nhà thờ chính) được xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái theo kiến trúc cổ, được sơn son thếp vàng, nền lát gạch, trên các cột nhà treo đôi liễn đối.

Ngay giữa trung tâm, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt thờ trang trọng. Phía sau lưng tượng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình ảnh trống đồng Ngọc Lũ - biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam và Quốc tổ Hùng Vương.

Văn miếu đầu tiên của miền Nam, nơi lưu giữ truyền thống văn hoá - giáo dục đất Biên Hoà - Ảnh 7.

Tượng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trống đồng Ngọc Lũ trong văn miếu Trấn Biên. Ảnh M.Q

Đối xứng hai bên tượng thờ Bác Hồ là bàn thờ phụng các danh nhân văn hóa dân tộc như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quí Đôn;.Danh nhân vùng đất Nam Bộ như: Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu.

Văn miếu đầu tiên của miền Nam, nơi lưu giữ truyền thống văn hoá - giáo dục đất Biên Hoà - Ảnh 8.

Trống hội Thăng Long, 18 kg đất và 18 lít nước từ đền Hùng... được trưng bày để người dân có thể hiểu về cội nguồn của dân tộc. Ảnh M.Q

Tại gian thờ này còn trưng bày 18 kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng (Phú Thọ), biểu trưng cho 18 đời vua Hùng, cội nguồn của dân tộc Việt và nhiều vật phẩm được tặng từ Văn miếu Quốc Tử Giám như: Trống hội Thăng Long (một trong 990 chiếc trống đã được gióng lên trong lễ hội 990 năm Thăng Long - Hà Nội), Văn bia tiến sỹ...

Nơi gửi trọn tinh thần dân tộc

Với chức năng là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa - giáo dục cùa vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên ngày càng thể hiện vai trò là trung tâm văn hóa, giáo dục của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng đất phía Nam nói chung thông qua rất nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức hàng năm.

Vào các dịp lễ quan trọng của đất nước như Giỗ tổ Hùng Vương; Ngày giải phóng miền Nam 30/4, lễ Quốc khánh 2/9, kỷ niệm sinh nhật Bác, ngày sinh các danh nhân…, Văn miếu Trấn Biên đều tổ chức những chương trình ý nghĩa để học sinh trên địa bàn tham gia, tưởng nhớ và hiểu thêm về cội nguồn dân tộc.

Ngoài ra, nơi đây còn có khu sinh hoạt truyền thống để tổ chức các buổi họp mặt, tọa đàm giới thiệu và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cũng như các hoạt động sinh hoạt văn hóa khác.

Văn miếu đầu tiên của miền Nam, nơi lưu giữ truyền thống văn hoá - giáo dục đất Biên Hoà - Ảnh 9.

Học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh tham quan và tìm hiểu những di tích văn hoá tại văn miếu Trấn Biên.

Không chỉ chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử, Văn miếu Trấn Biên còn là một công trình đặc sắc về nghệ thuật, kiến trúc với phong cảnh thoáng mát, vừa cổ kính vừa trang nhã nên thu hút động đảo nhiều tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh tới tham quan, tìm hiểu; được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành, các đoàn ngoại giao và các đoàn khách quốc tế tới thăm. Mỗi năm, Văn miếu Trấn Biên đón tiếp gần 300.000 lượt khách.

Ngày 18/8/2016, Văn miếu Trấn Biên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

  • TP Thủ Đức: Đình Phong Phú cổ xưa nhất Nam bộ với làng cách mạng, xã anh hùng

    TP Thủ Đức: Đình Phong Phú cổ xưa nhất Nam bộ với làng cách mạng, xã anh hùng 27/05/2021 05:45

  • Tu viện Khánh An mang phong cách chùa Việt cổ giữa Sài Gòn, trụ trì đầu tiên là một nhà sư yêu nước

    Tu viện Khánh An mang phong cách chùa Việt cổ giữa Sài Gòn, trụ trì đầu tiên là một nhà sư yêu nước 16/05/2021 05:35

  • Khám phá Miếu Nổi giữa dòng sông Vàm Thuật ở thành phố Hồ Chí Minh

    Khám phá Miếu Nổi giữa dòng sông Vàm Thuật ở thành phố Hồ Chí Minh 06/05/2021 05:50

Từ khóa » Cổng Chào Văn Miếu Trấn Biên