Đông Nam Á: Những Hạn Chế Của Cơ Cấu Kinh Tế Tập Trung Bùng ...
Có thể bạn quan tâm
Đại dịch COVID-19 đã gây những tác động rõ rệt đến nền kinh tế thực và thị trường tài chính của các nước Đông Nam Á, thị trường chứng khoán và ngoại hối biến động mạnh, nhiều nước đã điều chỉnh giảm kỳ vọng tăng trưởng GDP.
Vào thời điểm Trung Quốc công bố số liệu tăng trưởng kinh tế quý II, với tư cách là đầu mối trọng yếu và đầu tàu kinh tế của khu vực Đông Nam Á, Singapore cũng ở trong thời kỳ then chốt của khôi phục sản xuất và ứng phó với làn sóng bùng phát COVID-19 thứ hai. Giám đốc Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore giữ thái độ thận trọng đối với tình hình kinh tế đất nước, cho rằng tình hình kinh tế vẫn còn nghiêm trọng, thậm chí sẽ xuất hiện những thay đổi mang tính lâu dài do ảnh hưởng của nhu cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tình hình kinh tế Đông Nam Á thể hiện rõ sự bị động trong dịch bệnh lần này, nguyên nhân xuất phát từ một số đặc điểm của các nước Đông Nam Á.
Thứ nhất, hầu hết các nước Đông Nam Á quá phụ thuộc vào thương mại và dòng vốn đầu tư quốc tế. Điều này đã làm trầm trọng thêm những khó khăn tài chính của các quốc gia này khi dòng vốn tháo chạy nhanh chóng, thị trường chứng khoán lao dốc, tỷ giá hối đoái của toàn khu vực sụt giảm mạnh, đặc biệt là ở Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam khoảng 25% giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đã bốc hơi.
Thứ hai, phần lớn các nước Đông Nam Á đều có nền kinh tế phi chính thức với quy mô khá lớn. Theo ước tính, việc làm phi chính thức chiếm khoảng 75% lực lượng lao động của khu vực, điều này có nghĩa là nhiều công ty có thể không nhận được các biện pháp hỗ trợ chính sách, hơn nữa nhiều người lao động không được hưởng các phúc lợi và an sinh xã hội rất dễ bị ảnh hưởng do thu nhập sụt giảm. Điều này cũng gây ra vấn đề bất bình đẳng giới, vì phụ nữ mưu sinh trong khu vực kinh tế phi chính thức nhiều hơn so với nam giới và xuất hiện nhiều hơn trong đội ngũ lao động “trôi nổi”; phụ nữ cũng thường đảm nhận công việc gia đình và chăm sóc con cái nhiều hơn, cùng với việc các doanh nghiệp cắt giảm biên chế, các trường học tạm thời đóng cửa, thì gánh nặng trên vai phụ nữ cũng đồng thời đến từ nơi làm việc lẫn trong gia đình.
Tiếp đến, rất ít quốc gia Đông Nam Á có chế độ bảo trợ xã hội toàn diện. Phần lớn các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chỉ trích một phần nhỏ GDP để sử dụng cho các chương trình bảo trợ xã hội, chiếm khoảng 6% GDP, trong khi tỷ lệ này ở các nước Tây Âu là 25% và các nước Mỹ Latinh là 12,5%. Chính vì vậy, số người lao động có thể được hưởng các phúc lợi và an sinh xã hội như trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế… để vượt qua khủng hoảng tương đối ít, ngược lại, các tổ chức xã hội dân sự có thể phát huy vai trò quan trọng hơn trong việc giúp đỡ và hỗ trợ người lao động và các công ty.
Sau cùng, nhiều ngành phát triển nhất trong khu vực này đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng COVID-19. Nhiều ngành then chốt ở khu vực Đông Nam Á rất dễ bị ảnh hưởng do dịch bệnh, chẳng hạn như ngành du lịch và nhà hàng – khách sạn ở nhiều quốc gia chiếm tỷ trọng đáng kể trong GDP và thu nhập ngoại hối, nhưng cùng với lệnh cấm du lịch quốc tế và những hạn chế khác được áp đặt trong bối cảnh dịch bệnh, những ngành trụ cột này đã bị ảnh hưởng nặng nề; ngoài ra, mặc dù nhiều công ty sản xuất trong ngành dệt may, điện tử và ô tô dựa vào mô hình kinh doanh từng công đoạn một, nhưng cũng buộc phải giảm sản lượng hoặc ngừng sản xuất, tình hình khó khăn này đã khiến rất nhiều công nhân phải nghỉ việc.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng nặng nề Trong bối cảnh tình hình kinh tế tồi tệ như vậy, ngay cả các công ty lớn cũng rất khó khăn để vượt qua, hơn nữa những công ty trụ lại thành công cũng có thể phải cắt giảm biên chế quy mô lớn và tạm dừng đầu tư, không thể dự đoán được đại dịch lần này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của các công ty trong thời gian tới. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có nguồn lực tương đối yếu, kênh tiếp cận thông tin và đường dây cung ứng hạn chế, nên hoạt động kinh doanh có thể chịu tác động và xáo trộn đặc biệt của dịch bệnh, không thể khắc phục được sự thiếu hụt thanh khoản và phải nhanh chóng điều chỉnh mô hình kinh doanh, cách thức hoạt động và kênh tiếp thị.
Điều này đặc biệt đúng ở các nước Đông Nam Á. Kết quả khảo sát cho thấy vào đầu tháng 4, dự trữ tiền mặt của khoảng 2/3 doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của ASEAN không đủ sử dụng trong 2 tháng và hơn 1/3 SME dự kiến cắt giảm trên 40% nhân viên. Đồng thời, nhóm doanh nghiệp này cũng phải đối mặt với các vấn đề nói trên trong một thời gian dài, đó là các đặc điểm như khu vực Đông Nam Á quá phụ thuộc vào môi trường bên ngoài, khu vực kinh tế phi chính thức phát triển thiếu kiểm soát, chế độ bảo trợ xã hội chưa hoàn thiện, do đó triển vọng phát triển của SME càng thêm khó khăn hơn trong thời gian tới.
Quy mô doanh thu, việc làm và tài sản cố định… của SME Đông Nam Á rất nhỏ, SME của Trung Quốc hoàn toàn có thể được coi là những doanh nghiệp lớn ở Đông Nam Á, hơn nữa những SME rất dễ bị tổn thương này lại là bộ phận cấu thành quan trọng trong các ngành kinh tế của các nước Đông Nam Á. Thông thường SME chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp ở các nước Đông Nam Á, giải quyết từ 52%-97% tổng số việc làm ở các nước ASEAN, là nguồn sinh kế quan trọng của người dân khu vực Đông Nam Á. Ở nhiều nước, nếu lực lượng lao động này không có thu nhập trong một tuần thì gia đình họ khó có thể đảm bảo được mức sống tối thiểu; SME đóng góp đến 50% đối với GDP khu vực và cũng thúc đẩy 30% hoạt động xuất khẩu của khu vực này.
Vấn đề đáng quan ngại hơn là xét từ góc độ kinh doanh, SME của ASEAN chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực như du lịch, dệt may, nông sản, thực phẩm, nuôi trồng thủy sản và nghề cá…, những lĩnh vực này vốn là nền tảng ổn định cho sự phát triển kinh tế của ASEAN, song chính những ngành này lại bị tác động tương đối mạnh bởi dịch bệnh. Điển hình là cây trồng nông nghiệp và thương mại thực phẩm, các nước ASEAN vốn là nhà cung cấp thực phẩm chủ yếu của thế giới, xuất khẩu thực phẩm của các nước thành viên chiếm khoảng 12% toàn cầu. Nếu xếp hạng theo lượng xuất khẩu các loại thực phẩm trên toàn cầu, nhiều nước Đông Nam Á có thể nằm trong Top 10.
Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh bùng phát, hoạt động sản xuất và phân phối thực phẩm chịu sự kiểm soát của chính phủ, việc kiểm soát xuất khẩu tạm thời đã khiến nhiều nước ngừng xuất khẩu thực phẩm và cấp phép xuất khẩu, chính sách cách ly cũng đã cản trở hoạt động bình thường của của các nông trại, không thể vận chuyển phân bón đến địa điểm trồng trọt, chi phí canh tác và rủi ro mất mùa tăng mạnh, cuối cùng dẫn đến giá thực phẩm gia tăng và người tiêu dùng phải chi trả nhiều tiền hơn, SME không thể trụ vững trước những áp lực này.
Sử dụng sách lược số hóa để giải quyết khó khăn
Mặc dù bị ảnh hưởng tương đối lớn sau dịch bệnh, nhưng nhìn chung người ta tin rằng bên cạnh năng lực phòng ngừa rủi ro yếu, thì SME cũng có tính linh hoạt tương đối lớn, có thể vượt qua tình hình khó khăn trong thời kỳ hậu COVID-19. SME có thể phát huy vai trò quan trọng trong việc thoát khỏi khủng hoảng, bởi đặc điểm quy mô nhỏ cũng đồng nghĩa với việc dễ dàng đổi mới hơn, chỉ cần đề ra được các biện pháp có mục tiêu cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đảm bảo huy động tối đa tính năng động và tính thích ứng thì có thể đảm bảo sự vận hành của guồng máy kinh tế một cách hiệu quả.
Điều may mắn là các quốc gia Đông Nam Á đã nhận thức được tính nghiêm trọng mà các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa gặp phải cũng như tiềm năng giải quyết khủng hoảng của khu vực này, đồng thời đưa ra phương án giải quyết biến khủng hoảng thành cơ hội – trong đó khuyến khích số hóa doanh nghiệp là biện pháp quan trọng nhất. Cùng với việc đóng cửa các cửa hàng, các khách hàng tiềm năng buộc phải ở nhà do chính sách cách ly, các nền tảng trực tuyến đã trở thành cách thức duy nhất để nhiều doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.
Hội nghị ASEAN về các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của số hóa để thoát khỏi khủng hoảng. Cách đây không lâu, Hội nghị cấp cao đặc biệt “ASEAN + 3” cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc sử dụng công nghệ số và thương mại điện tử, để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn duy trì được hoạt động trong thời kỳ khủng hoảng.
Nhiều SME đã hưởng ứng, tận dụng cơ hội này để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ số và điều chỉnh mô hình kinh doanh. Tại Brunei, Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan, nhiều doanh nghiệp dịch vụ công nghệ đã cung cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề chính những đề xuất và khóa đào tạo trực tuyến cách làm thế nào để sử dụng nền tảng thương mại điện tử, cách quảng bá và mô tả tốt hơn các sản phẩm hoặc dịch vụ, cũng như cách điều chỉnh mô hình kinh doanh của họ.
Tại Singapore, chính phủ cũng đã triển khai các phương án giao đồ ăn và xúc tiến thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống và nhà bán lẻ địa phương triển khai các hoạt động kinh doanh online, đa dạng hóa nguồn thu nhập. Chính phủ Thái Lan hỗ trợ phát triển nền tảng trực tuyến, kết nối các công ty khởi nghiệp công nghệ với các hiệu thuốc để cấp dịch vụ tư vấn trực tuyến về sức khỏe. Malaysia cũng đã đưa ra biện pháp đồng bộ tự động hóa và số hóa riêng đối với SME, giúp SME có thể mua được các trang thiết bị liên quan với giá ưu đãi, hơn nữa còn thông qua việc yêu cầu người thụ hưởng lợi ích hoàn thành một khóa huấn luyện và chứng nhận số, đưa mục tiêu trên các phương diện như an ninh mạng và khai thác thị trường mới vào chương trình tổng thể chuyển đổi số quốc gia; tại Brunei, chính phủ cũng đã ra mắt nền tảng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ SME quảng bá các sản phẩm và dịch vụ địa phương.
Trước đây, nhiều SME chậm phát triển trong quá trình số hóa, các yếu tố cản trở sự phát triển bao gồm nhiều vấn đề như hệ thống thanh toán yếu kém, kết nối băng thông rộng tốc độ nhanh và an toàn hạn chế, cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần chưa theo kịp, khung pháp lý về an ninh mạng và bảo vệ người tiêu dùng yếu kém… Đại dịch COVID-19 bùng phát vừa thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề đang tồn tại, vừa mở ra phương hướng mới của tiến trình số hóa, tiến hành đổi mới xoay quanh thành phố nông nghiệp thông minh, công nghệ robot, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật công nghiệp, đã làm tăng nhu cầu đào tạo nâng cao các kỹ năng mới cho nhân viên và xây dựng năng lực công nghệ của doanh nghiệp. Những biện pháp này là cơ hội quan trọng đối với Đông Nam Á, bởi nó có thể nâng cao năng lực sản xuất, đẩy nhanh năng lực cạnh tranh trên toàn cầu.
Cơ hội kết hợp giữa SME với nền kinh tế số đang đến gần Nếu không có đại dịch, mô hình kết hợp giữa SME với nền kinh tế số ở Đông Nam Á sẽ ở giai đoạn sơ khai trong một thời gian dài. Trên thực tế, nhiều nước Đông Nam Á đã sớm có ý định phát triển nền kinh tế số mới, cũng coi trọng hỗ trợ SME, nhưng do thiếu các biện pháp chính sách xoay quanh việc kết hợp chặt chẽ giữa chiến lược kinh tế mới với SME, nên làm cho SME chưa thể bắt kịp tốc độ phát triển nhanh, sự phát triển của nền kinh tế mới cũng tương đối phù phiếm.
Một mặt, nguyên nhân khiến SME của Đông Nam Á đánh mất cơ hội phát triển số tốt nhất là có thể xác định được. Xét từ góc độ hoạt động của doanh nghiệp, mặc dù SME chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, nhưng cú sốc của đại dịch lần này cũng đã bộc lộ những đặc điểm tương đối rõ nét, đó là tư duy kinh doanh bảo thủ và bằng lòng với hiện trạng vẫn thể hiện rõ ở một số quốc gia theo đạo Phật như Thái Lan, Lào… Đồng thời, các công ty gia đình chiếm tỷ lệ tương đối cao trong các SME ở Đông Nam Á, nhất là rất phổ biến ở Malaysia, Indonesia…, họ có xu hướng tự mình tiến hành các công việc kinh doanh của công ty, dẫn đến việc thành thục trong công việc nhưng lại thiếu tầm nhìn dài hạn của các nhà quản lý chuyên nghiệp, không thể theo kịp thị trường.
Ngoài ra, các nước Đông Nam Á và các nước Đông Á có sự khác biệt nhất định về đặc tính dân tộc, không chủ trương cạnh tranh quyết liệt trong giới kinh doanh, do đó thiếu áp lực, không có động lực để đón nhận xu thế thời đại trong việc đổi mới quản lý doanh nghiệp và tích cực quảng bá. Những đặc điểm này cũng đã lý giải sự không tương thích của SME Đông Nam Á với các xu hướng mới nổi như “thương mại điện tử”, “số hóa”…, cũng như lý do tại sao trước đây Đông Nam Á không phải là mảnh đất màu mỡ để thương mại điện tử phát triển mạnh.
Xét từ góc độ hỗ trợ chính sách, ngay từ thế kỷ trước, các nước Đông Nam Á đã bắt đầu hỗ trợ SME trên các phương diện như phát triển sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật, phát triển thị trường và đào tạo nhân lực…, song mãi đến năm 2018, các lĩnh vực chính sách của ASEAN đối với SME vẫn chỉ xoay quanh các khía cạnh này, chẳng hạn như tinh thần doanh nhân, giáo dục và kỹ năng khởi nghiệp, tiếp cận thị trường và quốc tế hóa, công nghệ và đổi mới… Trong thời điểm các nơi trên thế giới đã có mạng lưới thương mại điện tử rộng khắp, thì sự thúc đẩy và hỗ trợ SME của Đông Nam Á cũng chỉ nhằm xây dựng khu vực kinh tế này thành cơ cấu doanh nghiệp theo mô hình học hỏi và định hướng xuất khẩu, tìm cách thiết lập mối quan hệ hợp tác và mạng lưới chặt chẽ với thị trường bên ngoài, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước. Trước khi dịch bệnh tấn công, các công ty như JD.com và Alibaba… đã đưa mô hình phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc đến ASEAN, tạo cơ hội cho SME khu vực này tiếp cận thương mại điện tử.
Mặt khác, kế hoạch kinh tế số của Đông Nam Á đã sớm được khởi động, nhưng chính sách vĩ mô trước đây vẫn chưa thể thích ứng với khu vực SME quan trọng nhất trong cơ cấu nền kinh tế, các mục tiêu cấp quốc gia đầy tham vọng chưa thực sự được thực hiện. Nhìn chung, các nước ASEAN đã đưa ra chương trình chuyển đổi số quốc gia và phương hướng phát triển với mong muốn phát triển nhanh chính phủ số, nền kinh tế mới và xã hội số, đồng thời sử dụng tỷ trọng của nền kinh tế mới trong GDP quốc gia, mức độ phổ cập mạng di động 5G và băng thông cáp quang để làm căn cứ đánh giá. Chẳng hạn, Chính phủ Việt Nam có kế hoạch đưa nền kinh tế mới đạt 20% GDP vào năm 2025, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G và băng thông rộng cáp quang vào trước năm 2030 nhằm tăng tỷ lệ dân số sử dụng tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%. Thái Lan đang tích cực thúc đẩy chiến lược Thái Lan 4.0 với mong muốn khởi động chuyển đổi nền kinh tế thông qua các biện pháp công nghệ như 5G…, dự kiến sẽ ra mắt dịch vụ 5G vào cuối năm nay, trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên cung cấp dịch vụ thương mại 5G.
Tất nhiên, các SME ở Đông Nam Á hoạt động theo mô hình kinh doanh truyền thống và bảo thủ trước đây chưa thể lĩnh hội được mối liên quan giữa các mục tiêu phát triển này với mô hình kinh doanh của họ, và cũng khó hiểu được ý nghĩa của chính sách quốc gia. Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan phát hiện rằng sau khi sử dụng trang thương mại điện tử của Alibaba, nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã dần nhận ra chiến lược quốc gia 4.0 cũng có liên quan chặt chẽ đến việc chuyển đổi nâng cấp doanh nghiệp, sau đó mới bắt đầu quan tâm đến trang thương mại điện tử quốc gia Thái Lan, từ đó nhập vào làn cao tốc của nền kinh tế mới.
Điều này cho thấy mô hình kết hợp “SME + nền kinh tế số” ở Đông Nam Á sở dĩ không được thúc đẩy nhanh trước đại dịch, không chỉ vì xu hướng bảo thủ của SME ở Đông Nam Á đã được hình thành trong một thời gian dài, mà còn do các cơ quan thương mại chưa huy động và hướng dẫn đầy đủ đối với SME. Mô hình này trở thành lựa chọn hàng đầu của SME sau khi các biện pháp phòng chống dịch bệnh được ban hành, SME đã tự cứu mình thành công, mục tiêu kinh tế số của các nước Đông Nam Á cũng sẽ được kỳ vọng “trong họa có phúc”, đạt được những bước đột phá.
Làm thế nào để nắm chắc cơ hội mới? Nền kinh tế số của Đông Nam Á vốn có tiềm năng rất lớn. Giới doanh nghiệp dự đoán trong 10 năm tới, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, khi đó 70% dân số ASEAN sẽ trở thành tầng lớp trung lưu và quy mô thị trường tiêu dùng sẽ tăng lên 4.000 tỷ USD, trong đó kinh tế số mới sẽ là một trụ cột lớn của thị trường tiêu dùng. Giai đoạn 2015 – 2019, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm về kinh tế mới của 6 quốc gia gồm Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Singapore và Malaysia là 33%, năm 2015 tổng kim ngạch giao dịch thành công là 32 tỷ USD và lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2019, chiếm 3,7% tổng GDP; dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng mạnh lên đến 300 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng GDP.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự thúc đẩy của đại dịch COVID-19 đối với mô hình kết hợp giữa “SME + nền kinh tế số” sẽ đẩy mạnh tốc độ phát triển nền kinh tế số của Đông Nam Á. Trong thời kỳ dịch bệnh, lượng bán thực phẩm tươi sống online đã tăng gấp 4-5 lần, hơn 80% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ sẽ tiếp tục mua thực phẩm tươi sống online sau khi hết dịch, 85% người tiêu dùng cho biết họ đã thử các ứng dụng di động mới trong thời kỳ dịch bệnh, rất nhiều người lần đầu tiên sử dụng. Số người dùng Internet ở 6 quốc gia gồm Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Singapore và Malaysia đã tăng từ 260 triệu người năm 2015 lên 360 triệu người vào cuối năm 2019. Các chuyên gia dự đoán đến năm 2030, giá trị công nghệ số của ASEAN có thể đạt 625 tỷ USD.
Các nước ngoài khu vực nhìn chung lạc quan về nền kinh tế số của Đông Nam Á trong tương lai, cộng thêm lợi tức dân số khách quan sẽ giúp Đông Nam Á có giá trị đầu tư đầy đủ, cho nên bước tiếp theo các nước Đông Nam Á có thể thông qua thu hút đầu tư nước ngoài để bù đắp cho những thiếu hụt của mình, hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế số. Tuy nhiên, vấn đề lưu ý là không chỉ cần đầu tư đối với bản thân nền tảng kỹ thuật số, mà các quốc gia Đông Nam Á cần có kế hoạch dài hạn hơn. Quy mô của các nước Đông Nam Á tương đối nhỏ, đặc biệt có rất nhiều đảo, các yếu tố mấu chốt hạn chế sự phát triển của nền kinh tế mới chính là cơ sở hạ tầng, chẳng hạn tại Indonesia, hiện vẫn còn 100 triệu người sống ở vùng nông thôn chưa được tiếp cận mạng Internet, những người làm nông nghiệp và ngư nghiệp ở vùng sâu vùng xa cần có cơ sở hạ tầng công nghệ bình đẳng; đồng thời cũng cần phải khuyến khích đầu tư vào thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi sản xuất như chuỗi cung ứng hậu cần… mới có thể thúc đẩy sự phát triển hài hòa của nền kinh tế mới trong toàn khu vực. Với tư cách là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu của các nước Đông Nam Á, ở mức độ nào đó Trung Quốc đã phá vỡ tư duy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thống vốn có, quan tâm đến tiềm năng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mới như cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc và không ngừng tăng cường hợp tác với ASEAN trong lĩnh vực kinh tế số. Năm 2020 là năm hợp tác kinh tế số Trung Quốc-ASEAN, xu hướng đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN về cơ bản cũng tập trung vào các lĩnh vực có không gian phát triển thị trường lớn như phát triển các thành phố thông minh, Internet công nghiệp…, đây là những lĩnh vực hợp tác đáng được kỳ vọng.
Các nước Đông Nam Á cũng muốn tối đa hóa lợi ích của những cơ hội này thông qua sự nỗ lực của mình. Trước hết, sau khi kết hợp chặt chẽ giữa SME với nền kinh tế số, cũng cần thiết phải xây dựng một khung quản lý số khu vực. Trước đó, Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025) đã kiến nghị triển khai kế hoạch mạng dữ liệu mở ASEAN trong khuôn khổ đổi mới kỹ thuật số, các khuôn khổ này bao gồm nền tảng công nghệ cho các SME, tài chính kỹ thuật số bao trùm và quản trị dữ liệu số. Làm thế nào tận dụng nền tảng của ASEAN để quản lý chuẩn mực đối với thông tin cơ bản và dữ liệu kinh doanh của các SME, thậm chí thiết lập khung hành động, các quy định rõ ràng và nền tảng tương tác nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử của các SME trong khu vực là xu hướng mà các nước Đông Nam Á có thể hợp tác sâu rộng.
Thứ hai, sau khi bước vào nền kinh tế số, các SME sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn. Điều đầu tiên mà các quốc gia Đông Nam Á có thể làm là cải thiện mức cung và cầu trong khu vực để hỗ trợ sự phát triển của SME. Các nước Đông Nam Á có thể tiếp tục dỡ bỏ các hạn chế thương mại trong khu vực để giảm thiểu tối đa tác động của dịch bệnh. Chẳng hạn, nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đối với nguồn cung để tránh thiệt hại trong việc xuất khẩu ra nước ngoài trong tương lai, xóa bỏ những trở ngại để doanh nghiệp nâng cao sản lượng và đầu tư năng lực sản xuất mới; một ví dụ khác là nới lỏng hạn chế của các biện pháp về thuế quan và phi thuế quan đối với nguồn cung, vì suy cho cùng, không có nước nào ở Đông Nam Á có thể hoàn toàn tự cung tự cấp, mà tất cả đều phụ thuộc lớn vào thương mại xuất nhập khẩu, việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và xóa bỏ các rào cản cũng sẽ mang lại thuận lợi lâu dài cho việc mở rộng kinh doanh của SME.
SME là trung tâm của nền kinh tế Đông Nam Á, ở mức độ nào đó việc bảo đảm SME phát triển tốt cũng có thể tạo ra nhịp độ phát triển cho nền kinh tế. Trước đây, SME của Đông Nam Á chưa thể theo kịp sự phát triển của chiến lược số, nhưng dưới sức ép của dịch bệnh, mô hình kết hợp giữa SME với nền kinh tế số đang dần trở thành xu hướng chủ đạo ở khu vực Đông Nam Á. Việc phát triển sâu rộng mô hình này ở Đông Nam Á sẽ giúp các nước trong khu vực này thu hút đầu tư, phát triển hài hòa SME với chiến lược số hóa và thúc đẩy cải cách thương mại nội khối. Trong xu hướng làn sóng chống toàn cầu hóa bao trùm, các nước Đông Nam Á ngược lại đã củng cố sự phát triển vững chắc của các SME và thực hiện các biện pháp phát triển nền kinh tế số dưới sự thúc đẩy của đại dịch, về tổng thể đã tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực và khả năng phòng chống rủi ro, biến khó khăn thành cơ hội. Những kinh nghiệm quý báu này sẽ giúp khu vực Đông Nam Á mạnh mẽ hơn khi đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai.
Trần Quyên
Từ khóa » đặc điểm Kinh Tế Của Các Nước đông Nam á Nửa Sau Thế Kỉ 20
-
Đặc điểm Nền Kinh Tế Các Nước Đông Nam Á Nửa đầu Thế Kỉ XX Là:
-
Nửa đầu Thế Kỉ XX, Nền Kinh Tế Của Các Nước Đông Nam Á Có đặc ...
-
Nửa đầu Thế Kỉ XX, Nền Kinh Tế Của Các Nước Đông Nam ... - HOC247
-
Điểm Chung Của Tình Hình Các Nước Đông Nam Á đầu Thế Kỷ 20 Là Gì?
-
Nửa đầu Thế Kỉ XX, Nền Kinh Tế Của Các Nước Đông Nam Á Có đặc ...
-
Nền Kinh Tế Của Các Nước Đông Nam Á Phát Triển Nhanh, Song Chưa ...
-
Đông Nam Á – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tình Hình Kinh Tế, Chính Trị Khu Vực Đông Á Năm 2019 Và Một Số Dự ...
-
[DOC] Đông Nam Á: Vùng Duyên Hải Và Sản Lượng Bị đe Dọa
-
Triển Vọng Phục Hồi Kinh Tế Của Các Quốc Gia Đông Nam Á
-
Một Số đặc Trưng Văn Hóa Khu Vực Đông Nam Á - Chi Tiết Tin Tức
-
[PDF] MÔN LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÝ
-
Sự Hình Thành Và Phát Triển Các Vương Quốc Chính ở Đông Nam Á
-
Phong Trào đấu Tranh Vũ Trang Của Các Quốc Gia Đông Nam Á Từ Thế ...